Khó khăn “gieo chữ” vùng cao
(Sóng trẻ) - Bắc Yên là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Sơn La, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đông. Việc phải đi bộ nhiều cây số để vận động học sinh lên lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy thiếu thốn dường như không còn xa lạ gì với thầy và trò nơi đây.
Giáo dục miền cao vẫn luôn là vấn đề được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Người dân sinh sống nơi đây đa số là các dân tộc ít người, chủ yếu là người Mông. Do đặc trưng địa hình tự nhiên bị chia cắt mạnh, họ phải sống rải rác, quá trình di chuyển hết sức khó khăn nên việc đến trường của học sinh vùng cao gặp rất nhiều trở ngại. Mặc dù Nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để trẻ em vùng cao đến với “con chữ” nhưng vẫn còn nhiều khó khăn chưa thể khắc phục, nhiều điểm trường cần được quan tâm hơn nữa.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Cách trung tâm thị trấn Bắc Yên (Sơn La) khoảng 30km đường đèo, Suối Háo và Suối Chạn là một trong những điểm trường thuộc vùng sâu vùng xa và đặc biệt của huyện. Hai điểm trường này thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú Hồng Ngài, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Điểm trường Suối Háo mới được xây dựng lại năm 2017, do con trai nhà thơ Xuân Diệu xây tặng. Đi lên trên núi khoảng 5km nữa là điểm trường Suối Chạn, nơi đây chính là định nghĩa về một trường học nguyên sơ. Phòng học được dựng bằng những phên gỗ, mái lợp tôn, nền bằng đất, điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, sơ sài. Lớp học mùa mưa thì dột, mùa đông thì rét. Chỉ khoảng 1 năm trước, điểm trường Suối Háo cũng ở trong tình trạng tương tự.
Lớp học của học sinh tiểu học điểm trường Suối Chạn
Đường lên bản là đường đất đá, nhấp nhô, quanh queo, dốc dựng đứng ngay sát vực, có đoạn bắt ngang qua suối. Càng lên cao đường càng khó đi. Trời mưa đường nhầy nhụa bùn đất, trơn trượt, các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Họ phải gửi xe cách đó hàng 5,7 cây số, rồi tay xách nách mang hành lý, giáo án đi bộ vào trường.
Mùa mưa đã vậy, bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước, không có nước khiến việc sinh hoạt hàng ngày của thầy trò nơi đây gặp rất nhiều trở ngại. Bản Suối Háo mặc dù mới được kéo nước về nhưng tình trạng thiếu nước vẫn chưa được cải thiện nhiều, để có nước phục vụ sinh hoạt các thầy cô phải xuống suối lấy nước về. Chưa được chú trọng đầu tư như điểm trường Suối Háo, điểm trường Suối Chạn hiện nay vẫn chưa được kéo nước. Vào mùa cạn, họ thậm chí phải đi cả cây số để mang nước về. Mùa đông đến, để chống chọi với cái rét, các em thường phải mang củi đến để đốt lên sưởi ấm.
Cứ tầm trưa và chiều, các em học sinh sẽ phải đi xách nước về để sinh hoạt
Nhiều em nhà cách xa trường khoảng 4-5 cây số đường rừng lại ở trên tận đỉnh núi cao trót vót. Một phần do đường xá xa xôi, một phần do gia đình chưa quan tâm đến chuyện học hành của con cái nên tình trạng các em nghỉ học, bỏ học xảy ra thường xuyên, giáo viên thậm chí phải đến tận nhà kêu gọi, động viên đón các em đi học.
Ở đây, học sinh cũng được học chương trình theo chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có điều các em là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng cao, thường tách biệt với cuộc sống bên nài, chưa thạo tiếng Việt, lại thêm ngại tiếp xúc với người lạ, thầy cô hỏi gì cũng không nói. “Việc giao tiếp với học sinh là khó khăn lớn nhất trong quá trình dạy học của các thầy cô”, cô Lương Thị Uyển tâm sự. Các thầy cô cũng sắp xếp cho em ngồi với những bạn học khá hơn để kèm cặp. Các em vừa có thể thân nhau hơn vừa giúp nhau cùng tiến bộ. Không chỉ cô Uyển, các thầy cô khác như cô Bằng, cô Thiếu, thầy Hưởng... ai cũng coi trò như con, ân cần, kiên nhẫn dạy trẻ từng con chữ.
Đa phần các thầy cô giáo thường ở nội trú từ thứ 2 đến thứ 6 thế nhưng nơi ở của họ cũng thiếu thốn không kém. Mỗi phòng chỉ vỏn vẹn khoảng 4-5m2, đủ kê một chiếc giường và bàn làm việc.
Phòng của thầy Hưởng điểm trường suối Háo (Ảnh: Hoàng Tuấn Đại)
Nơi đây không có sóng điện thoại, việc liên lạc với bên nài chưa thuận tiện. Thậm chí vào mùa mưa lũ nơi đây sẽ gần như bị cô lập với bên nài. Đường xá sạt lở, đá nằm ngổn ngang, giao thông bị chia cắt.
Những người thầy tâm huyết
Cô Đỗ Thị Bằng, 50 tuổi - giáo viên người Kinh duy nhất ở điểm trường và cũng là người gắn bó với các em lâu nhất trong ngôi trường này.
Cô Bằng chia sẻ, việc dạy học ở nơi như này cũng là do cái tâm và cái nghĩa với nghề. Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình làm nghề thì các cô đều tâm sự đó chính là việc làm sao để tạo động lực cho các em trong quá trình học tập vì những đứa trẻ còn chưa nhận thức được việc học. Nhiều khi các em không muốn đi học là lại nghỉ, đi chơi. Việc phải đến từng gia đình của các em trò chuyện để khuyến khích các em đi học đã quá đỗi quen thuộc.
Nhìn các em đọc được những con chữ, tính được những phép tính là các cô lại có thêm phần động lực để tiếp tục công việc. Những người giáo viên nơi đây không chỉ dạy bằng trách nhiệm mà còn dạy bằng tấm lòng, bằng nhiệt huyết, tình yêu nghề. Chính những thứ đó đã níu chân họ ở lại nơi đây với mong muốn mang chữ đến cho càng nhiều trẻ càng tốt.
Các cô luôn tận tụy với nghề, với chính những đứa học trò của mình. Thấy các cô nhớ từng cái tên, từng hoàn cảnh gia đình, khó khăn của từng em là đủ hiểu tình cảm dành cho những đứa con của mình đến thế nào. Tuy vậy, cuộc sống ở đây cũng nhiều điều chạnh lòng, khó giãi bày. Cô chia sẻ: “ Có lần một số em đi học chỉ vì đùa nghịch mà kẹp tay, về chưa hiểu rõ sự tình thì phụ huynh của các em còn tìm để trách khứ, nghĩ do các cô chăm sóc hời hợt làm các em như vậy. Có trường hợp phụ huynh say sỉn còn cầm cả dao đến tìm, cô cùng đồng nghiệp phải chốt cửa trốn trong phòng. Chính vì cô hiểu sự quan trọng của nhận thức, của văn hóa nên đó lại càng tạo động lực cho cô quyết tâm mang đến kiến thức, hiểu biết cho chính những đứa học trò để các em có một cuộc sống tốt hơn, sau này trở thành những con người hiểu biết” - Cô Lò Thị Thiếu tâm sự.
Để mang con chữ đến với con em đồng bào thiểu số, các giáo viên ở trường phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, chỉ có những người thực sự nhiệt huyết với nghề, yêu trẻ mới gắn bó được với mảnh đất này. Để khắc phục khó khăn, sự nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo thôi sẽ không đủ mà còn cần tới sự quan tâm của cả cộng đồng.
Hoàng Tuấn Đại
Báo Ảnh K35
Cùng chuyên mục
Bình luận