“Không bao giờ có tử tế trọn vẹn”
(Sóng trẻ) Đấy là nhận định của nhà giáo Phạm Toàn trong buổi tọa đàm nói chuyện về “Sự tử tế - 30 năm sau” diễn ra vào 19h30 ngày 16/1 tại Manzi art space (14 Phan Huy Ích, Hà Nội).
Tham dự talkshow còn có đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy – cha đẻ của các bộ phim tài liệu đi vào lịch sử như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”…, TS Đặng Hoàng Giang và chị Đỗ Thu Hà – phóng viên báo Tuổi Trẻ.
19h30, tại sảnh chính của Manzi cafe ở tầng 1 đã chật ních người ở đủ mọi lứa tuổi đến nghe và luận bàn về “sự tử tế”. Người đứng, kẻ ngồi, có những người còn ngồi cả xuống đất chỉ để có 1 chỗ tham gia. Điều này đã gây nên một sự kinh ngạc tới những diễn giả đến nỗi TS. Đặng Hoàng Giang phải thốt lên rằng đây là lần thứ hai ông được chứng kiến chuỗi tọa đàm đông đến thế, và cũng chứng tỏ rất nhiều người đang thực sự quan tâm đến vấn đề đạo đức trong xã hội ngày nay.
Buổi talkshow rất đông người tham dự
Để có một sự so sánh rõ ràng, mở đầu buổi nói chuyện, những diễn giả đã đề cập đến cuộc sống vào những năm 80 và trong thời bao cấp. Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng đã có một sự chia sẻ chân tình về quá trình đưa ông đến với bộ phim “Chuyện tử tế” đã gây tiếng vang lớn và đi vào lịch sử, nhất là với giới trí thức lúc bấy giờ. Theo đó, ông cho rằng mỗi người Việt Nam đều quan tâm đến sự thịnh suy của đất nước, chỉ có điều không biết phải làm thế nào để thể hiện nó, còn ông làm bộ phim đó chỉ là một sự tình cờ với ý tưởng và không kịch bản. So sánh đất nước trong 30 năm đổi mới, đạo diễn nói: “30 năm trước, Việt Nam rất nghèo, cái gì cũng không có, chỉ có lòng tin là có rất nhiều. Bây giờ hiện đại hơn, giàu hơn, cái gì cũng có, duy chỉ sự tử tế là ít hơn”.
Đạo diễn Trần Văn Thủy nêu ý kiến của mình về “sự tử tế”
Còn phóng viên Thu Hà khi dẫn những minh chứng cụ thể trong đời sống mình đã thấy và gặp phải lại cho rằng người tử tế sẽ nhận ra những điều tử tế và muốn chia sẻ chúng với những người khác. Vậy nên chị không nghĩ là sự tử tế đang ít hơn mà ngược lại còn rất lạc quan về tương lai.
Cũng góp ý kiến về định nghĩa của “tử tế”, nhà giáo Phạm Toàn nhận định xưa thì thủ đoạn cũng có nhưng ít và ít bị che giấu trong đạo đức như bây giờ. Tử tế chính là thái độ. Còn bộ phim “Chuyện tử tế” đã đặt lại vấn đề về đạo đức trong xã hội và đạo diễn Thủy khi làm nó cũng chính là đang thể hiện sự hoang mang của mình đối với “sự tử tế”. Tử tế có chăng là một khái niệm co giãn chỉ mang tính tương đối chứ không thể định nghĩa chính xác, không thể suy luận từ Hán Việt. Như trong từ điển, Đào Duy Anh đã viết rằng tử tế chính là tỉ mỉ từ việc làm nhỏ nhất.
Từ đây diễn giả cũng bày tỏ sự quan ngại của mình về sự thiếu sót trong giáo dục ở Việt Nam khi dường như giáo dục đạo đức đang ngày càng bị coi nhẹ và thiếu sát sao.
Nhà giáo Phạm Toàn phát biểu quan điểm về định nghĩa “tử tế”
Trước những quan điểm của diễn giả, lạc quan có, bi quan có, nhiều khán giả có mặt tại buổi tọa đàm cũng đã mạnh dạn nói lên những suy nghĩ của mình, cả đồng tình và phản đối, khiến cho không khí cuộc nói chuyện càng thêm sôi nổi bởi các ý kiến tranh luận.
Cô Hoàng Ánh (giảng viên) cho rằng cô đã đi qua cả hai thời kì và ngày nay không thiếu những người tử tế như những hoạt động từ thiện đang diễn ra rất nhiều. Chỉ có điều đất nước ta không có cơ chế để mọi người thể hiện sự tử tế một cách thường xuyên. Chúng ta khát khao sự tử tế thì hãy tử tế từ chính mình, tự mình thay đổi từ những việc nhỏ trước.
GS. Chu Hảo cũng phát biểu: “Các vị lãnh đạo cấp cao không bao giờ nói về “tử tế”, không nói về những phạm trù đạo đức mà xã hội quan tâm mà chỉ tạo điều kiện cho mọi người có thể nói về nó như chúng ta đang làm bây giờ. Giáo dục quả thực còn rất nhiều thiếu sót và không chú trọng giáo dục người tử tế, đặc biệt là cung cách giáo dục khuôn mẫu áp đặt, nói là sáng tạo nhưng lại không khuyến khích tư duy sáng tạo trong nhà trường”.
Có bạn trẻ cho rằng thế hệ xưa đã quay lưng với thế hệ nay và không có những giúp đỡ cần thiết. Có người lại cho rằng xưa thì điều kiện tử tế dễ hơn còn bây giờ thì có rất nhiều cái đồng dạng với sự tử tế, chúng ta chỉ đang trong quá trình quá độ lên “tử tế” nên cũng không cần quá lo lắng mà hãy xét lại sau mấy chục năm nữa. Và cũng có người cho rằng ngày nay xã hội quá hướng nại, có thể nói là “tân đô hộ” khi phụ thuộc vào thế giới bên nài quá nhiều, muốn tử tế thì cần phải gìn giữ cái đã có đồng thời phát triển cái nên có.
Từ “tử tế” trong con người nói chung lại nói đến “tử tế” trong báo chí, một bạn trẻ còn cho rằng báo chí không hề tử tế mà chỉ là bán tin, chỉ đưa những tin người đọc muốn nghe chứ không phải cần nghe. Và bản thân phóng viên Thu Hà cũng phải thừa nhận rằng mình cũng như rất nhiều đồng nghiệp đang ngày đêm phải trăn trở làm sao để không bị cuốn đi trong cơn lốc “báo lá cải”, để thoát khỏi những luồng thông tin “cướp giết hiếp” vô cùng ăn khách.
Cuối cùng, nhà giáo Phạm Toàn khẳng định: “Không bao giờ có tử tế trọn vẹn và sự tự do của chúng ta luôn bị kìm kẹp bởi nền văn hóa”.
Sau 2 tiếng rưỡi, buổi tọa đàm kết thúc với câu hỏi bỏ ngỏ “Làm thế nào để sống tử tế?”. Điều duy nhất mà đạo diễn Thủy cũng như phóng viên Thu Hà rút ra được chỉ là hãy nói điều mình nghĩ và không giả dối trong báo chí. Còn lại, câu trả lời có lẽ chỉ có thể tự tìm thấy trong suy ngẫm của mỗi con người.
Minh Đan
Báo in K31 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận