Truyền thông Khoa học và Công nghệ: Lĩnh vực khó cần sự đam mê


(Sóng Trẻ) - Chiều  26/09, hội nghị khoa học “Báo chí với Truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN)” đã được tổ chức tại phòng họp tầng 10, nhà A1, trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Các ý kiến tham gia hội nghị đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về những điểm mạnh, điểm yếu của truyền thông KH&CN và những điều cần thiết để bước chân vào lĩnh vực này.

8d17f217a_1.jpg

Thứ trưởng Lê Đình Tiến chủ trì hội nghị “Báo chí với truyền thông KH&CN”

Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng bộ KH&CN, ông Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; cùng nhiều giáo sư, phó giáo sư công tác hoặc đã từng công tác trong ngành truyền thông, nhiều tổng biên tập, phó tổng biên tập các tờ báo, các giảng viên và sinh viên Học viện.

“Khó, khô và khổ”

Trong khoảng mười báo cáo, tham luận được trình bày trong chiều nay, các báo cáo viên đều dành một phần để nói về những hạn chế của truyền thông KH&CN trong thời điểm hiện tại. Tuy đã bắt đầu hình thành từ những năm giữa thế kỷ XX, song phải đến khi truyền thông KH&CN được xếp vào một trong sáu giải pháp chủ yếu của Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 thì lĩnh vực này mới được chú trọng. 

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thẳng thắn nhận định những khó khăn của truyền thông KH&CN hiện nay, bao gồm việc thiếu chiến lược truyền thông quốc gia, thiếu nhân lực làm truyền thông, sự lạc hậu trong cách truyền thông của những cơ quan làm về lĩnh vực truyền thông KH&CN.

“Nếu sự thiếu hụt này không được khỏa lấp một cách cơ bản, thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khủng hoảng trên phạm vi rộng lớn”, TS. Nguyễn Văn Dững cho hay. 

Nhà báo Trần Đức Chính, nguyên Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận cho rằng, các cơ quan truyền thông đang chạy đua để giành giật thị trường công chúng, khiến cho lĩnh vực KH&CN đang bị thương mại hóa, các sản phẩm mang tính chất “bán hàng”.

Việc có nhiều hạn chế nói trên khiến cho truyền thông KH&CN trở nên kém hấp dẫn đối với những nhà báo trẻ. Ông Hà Huy Hồng, Vụ trưởng, Trưởng ban Khoa giáo báo Nhân dân đúc kết 30 năm trong nghề của ông trong ba chữ cô đọng: “Khó”, “Khô” và “Khổ”. Theo ông, nhà báo làm việc trong lĩnh vực này vừa phải hiểu bản chất khoa học của vấn đề, các thuật ngữ mới lạ; vừa phải xử lý, phân tích nhiều số liệu mà không phải lúc nào cũng dễ giải thích cho người đọc; và vừa phải lăn lộn cuộc sống, tìm hiểu, điều tra như những lĩnh vực, chuyên ngành khác. Những điều này khiến cho các bạn sinh viên dường như không mấy hứng thú với lĩnh vực KH&CN.

Những nỗ lực tìm chỗ đứng cho truyền thông KH&CN  

Giữa những khó khăn hiện nay, các đơn vị, tòa soạn báo đã không ngừng sáng tạo, tìm ra những giải pháp để thúc đẩy ngành truyền thông KH&CN. Trong hội nghị chiều nay, những sáng kiến, ý tưởng và kinh nghiệm quý báu đã được mang ra giới thiệu. 

PGS, TS. Nguyễn Văn Dững đề xuất việc cải tổ bộ phận truyền thông ở các cơ quan, cơ sở khoa học và công nghệ một cách toàn diện – từ lãnh đạo cho tới các cấp thấp hơn, nhằm thích ứng với môi trường và điều kiện làm việc luôn thay đổi. Ông đồng thời cũng mong muốn việc tập huấn đào tạo có tổ chức hơn, các thành viên có cơ hội chia sẻ thông tin, kiến thức nhằm củng cố hoạt động truyền thông lẫn nhau.

Vụ trưởng, Trưởng ban Khoa giáo, Báo nhân dân, ông Hà Huy Hồng nhận định rằng, trong thời buổi hiện nay, mảng KH&CN dễ bị “mất đất” do thông tin quan trọng và bao quát ở các mạng chính trị, kinh tế, thế giới… ngập tràn các trang báo; viết một bài báo thuộc lĩnh vực KH&CN lại đòi hỏi vừa đúng, vừa trúng, vừa chính xác mà vẫn hay. Để KH&CN vẫn có chỗ đứng, cần xây dựng các trang chuyên đề với kế hoạch định sẵn, cùng với đó là áp dụng một mô hình, quy chuẩn chung và toàn diện cho những bài viết đặc thù thuộc lĩnh vực KH&CN. Ông chia sẻ công thức 5V mà ban Khoa giáo của ông đã tổng kết được để viết một bài về lĩnh vực chuyển giao tiến bộ công nghệ về vùng sâu vùng xa: nhà báo phải tìm hiểu về sự “Vào cuộc” của chính quyền, tìm hiểu xem các nhà khoa học có “Về với dân” hay không, nắm rõ quá trình “Vận động” người dân thực hiện dự án, có được thông tin về “Vốn đầu tư” và chắc chắn rằng dự án đã được “Vào chợ”, được thi hành và thu lại kết quả. Có vậy, bài viết mới toàn diện, sâu sắc và phản ánh đúng thực tiễn vấn đề.

Những chia sẻ của ông Hồng cùng với các báo cáo viên khác nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía những người tham dự. Hội nghị kéo dài trong hai ngày và sẽ kết thúc vào chiều mai, ngày 27/09.

Nguyễn Hữu Đức

Báo mạng điện tử K.32

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN