Một số quan niệm về đào tạo nhà báo đa phương tiệ

(Sóng trẻ)- Sự pha trộn thông tin, nguyên lý một đầu vào nhiều đầu ra đang được các cơ quan báo chí tận dụng tối đa để đáp ứng cao nhất nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng trong xã hội.

c3800047e_media_freedom.jpg

Sau gần 30 năm đổi mới đất nước, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Tính đến tháng 2 năm 2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1084 ấn phẩm; 615 cơ quan tạp chí; 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1174 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 Đài phát thanh, Truyền hình TW và địa phương; Cả nước hiện có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề; hơn 19.000 Hội viên Hội NBVN. Xu hướng báo chí đa phương tiện và hội tụ truyền thông đã được nhiều cơ quan báo chí thúc đẩy triển khai. Phần lớn các cơ quan báo in có trang thông tin điện tử hoặc song hành ra báo điện tử. Đài TNVN có báo in VOV, Đài THVN và một số đài PTTH địa phương có tạp chí riêng, các đài đều có trang thông tin điện tử. Sự pha trộn thông tin, nguyên lý một đầu vào nhiều đầu ra đang được các cơ quan báo chí tận dụng tối đa để đáp ứng cao nhất nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng trong xã hội.

Trong điều kiện nhu cầu thực tiễn nóng bỏng đó, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện đang đặt ra cấp bách và cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Không thể có các cơ quan báo chí đa phương tiện phát triển đúng nghĩa nếu thiếu một đội ngũ nhà báo đa phương tiện thực thụ. Từ báo chí truyền thống sang báo chí đa phương tiện là một bước chuyển quan trọng mà đào tạo nhà báo đa phương tiện là khâu then chốt. Thực tế hiện nay, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, phân tích cho thấu đáo, trên cơ sở đó xác lập các chương trình đạo tạo xứng tầm đòi hỏi của thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ý kiến về đào tạo báo chí đa phương tiện hiện nay đang ngả theo tính chất truyền nghề, đáp ứng ngay yêu cầu công việc. Các lớp học ngắn ngày, chuyển tải kĩ năng cụ thể là lựa chọn hợp lý. Sự tiện ích của các phương tiện hiện đại và môi trường truyền thông số là mảnh đất màu mỡ cho các tài năng cá nhân thể hiện. Thực tế nghề nghiệp là nơi đào tạo lý tưởng nhất cho các nhà báo đa phương tiện, các phóng viên săn tin đa kĩ năng và các toà soạn vận hành theo mình hình toà soạn hội tụ. Do đó, thật khó có thể kể tên một công trình nghiên cứu tiêu biêu về nhà báo đa phương tiện và đào tạo nhà báo đa phương tiện. Tuy nhiên, những tri thức kinh nghiệm, các bài giảng và thông tin trên các trang báo quốc tế cũng đã cho thấy khá rõ nét xu hướng báo chí da phương tiện và mô hình dào tạo – tác nghiệp của các nhà báo đa phương tiện.

Các bản tin điện tử của các hãng truyền thông danh tiếng như BBC, AFP, CNN, và cả Huffington Post đều đang “tận hưởng” những lợi thế to lớn về khai thác nguồn tin và khả năng phát hành của mạng xã hội. Đi xa hơn nữa, CNN từ 6 năm qua đã liên tục phát triển iReport như một công cụ để mời gọi cộng đồng chia sẻ mọi thể loại thông tin, dưới mọi định dạng: tin viết, tin hình, tin tiếng, tin multimedia… BBC tạo hàng trăm trang blog để phóng viên trao đổi và độc giả bình luận đủ loại đề tài, thậm chí cả về đạo đức nghề báo tại BBC.). AFP có ứng dụng riêng trên mobile và iPad, cho phép độc giả “theo” tin của hãng qua Twitter…

Nhà báo Paul Bradshaw (Mỹ) đúc kết: “Trong thế giới Mojo, để tồn tại, hãy nhớ trang bị cho mình một vị trí trong cộng đồng mạng, một thái độ trực chiến (“always-on” approach), một tình yêu tha thiết với công nghệ di động mới, một tinh thần khát khao sự khác biệt, không bằng lòng với những gì có sẵn trên mạng, và niềm đam mê sáng tạo vô tận với tất cả những công cụ hiện đại nhất. Ở đây không có rào cản nào, vì chưa có luật lệ nào được viết ra”.

Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập các khía cạnh khác nhau về xu hướng đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu thay đổi. Tác giả Đinh Thị Thuý Hằng trong cuốn sách “Báo chí thế giới và xu hướng phát triển”, NXB Thông tấn phát hành năm 2008 đã phân tích một số vấn đề mới mẻ về lý luận, khái niệm, phạm trù, hoạt động báo chí thế giới. Đặc biệt, tác giả đã quan tâm nghiên cứu, phân tích các xu thế hội tụ truyền thông, xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

Tác giả Vũ Quang Hào trong cuốn “Báo chí và đào tạo báo chí Thụy Điển”, NXB Lý luận Chính trị phát hành năm 2004 đã đi vào chi tiết mô hình đào tạo báo chí ở một quốc gia phát triển ở Bắc  u. Sự xen cài giữa quan điểm, các thủ thuật làm báo được tác giả trình bày rất chân thực và ấn tượng. Đặc biệt, yêu cầu và các kĩ năng làm báo hiện đại, gắn chặt với công nghệ và kĩ thuật như làm tin, phỏng vấn, viết ký chân dung, ảnh báo chí, làm quảng cáo, làm báo mạng, làm layout… được tác giả đi sâu phân tích và bước đầu có những kiến giải khá thú vị. Mô hình đào tạo báo chí Thuỵ Điển là một mô hình hay cần tham khảo, bởi tính thực tế của nó. Mô hình này cũng đã được một số toà soạn ở Việt Nam vận dụng thông qua các chương trình đào tạo triển khai tại toà soạn trong khuôn khổ các dự án của SIDA tại Việt Nam.

Tác giả Bùi Hoài Sơn với cuốn sách “Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội phát hành năm 2008 cũng đã khái quát về lịch sử phát triển của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam, cũng như phân tích tác động của phương tiện truyền thông mới đến văn hóa xã hội ở Việt Nam. 

Kỉ yếu hội thảo quốc tế “Báo chí và Truyền thông đại chúng: đào tạo và bồi dưỡng trong thời kỳ hội nhập” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tháng 6 năm 2008 đã tập hợp nhiều bài viết, nhiều góc nhìn đa chiều về đào tạo báo chí trong xu thế phát triển mới. Đây là những tư liệu tham khảo quý giá để đi sâu, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho đào tạo báo chí nói chung và đào tạo nhà báo đa phương tiện nói riêng ở nước ta hiện nay.

Có thể thấy rằng, do vấn đề còn mới mẻ, những công trình nêu trên mới chỉ ít nhiều đề cập mà chưa đi sâu vào báo chí đa phương tiện và đào tạo nhà báo đa phương tiện. Thế nhưng, những nghiên cứu đơn lẻ công bố trên các tạp chí chuyên ngành đề cập về đào tạo nhà báo đa phương tiện cũng có ý nghĩa nhất định, đưa ra nhiều nội dung, khía cạnh có giá trị. Theo đó, có hai xu hướng đào tạo nhà báo đa phương tiện ngay tại toà soạn và đào tạo các kĩ năng đa phương tiện tại các cơ sở đào tạo báo chí chính quy.

Sự bùng nổ của Internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của con người và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí thế giới. Theo hình thức truyền thông thông thường, với một loại hình báo chí thông tin được truyền tải mang tính chất đơn nhất, công chúng chỉ có thể được tiếp cận thông tin bằng cách đọc, nghe hoặc xem, nhưng với phương thức truyền thông đa phương tiện, tính chất đơn nhất ấy đã bị phá vỡ, khi thể hiện một nội dung thông tin trên các website, người ta có thể vừa thể hiện bằng bản chữ viết (text), vừa trình bày hoặc minh họa hoặc bằng hình ảnh (picture, video), âm thanh (audio) đó là phương thức truyền tải thông tin đặc thù củatruyền thông đa phương tiện. Với cách tiếp cận này, công chúng được tiếp nhận thông tin bằng cách thoả mãn các giác quan khác nhau, tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ nhất so với các loại hình truyền thông truyền thống, và trong một thời gian hình thành và phát triển ngắn, loại hình truyền thông đa phương tiện đã có một vị trí khá vững chắc và khẳng định sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất về mặt phương thức truyền thông cả hiện tại và tương lai.

Tác giả nhấn mạnh yêu cầu đào tạo về kĩ thuật trong đào tạo nhà báo đa phương tiện: “Để trở thành nhà báo đa kỹ năng, các sinh viên báo chí cần phải được trang bị các kỹ năng về công nghệ thông tin dành cho các nhà báo. Ví dụ cần có môn học về sử dụng các phương tiện truyền thông mới cho hoạt động báo chí, đặc biệt sử dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, tìm kiếm thông tin, cách xử lý tích hợp multimedia – đa phương tiện trên báo điện tử”.
Từ những ý kiến nêu trên cho thấy, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện ở Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết. Việc đào tạo ở các cơ quan báo chí cần được phát huy, song việc đào tạo nhà báo đa phương tiện một cách bài bản, căn cơ ở bậc đại học cũng cần được quan tâm một cách thích đáng. Từ năm 2013, Học viện Báo chí Tuyên truyền bắt đầu mở ngành đào tạo cử nhân báo chí đa phương tiện. Đây là nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời thể hiện vai trò của một cơ sở đào tạo có uy tín về báo chí truyền thông trước đòi hỏi của thực tiễn. Việc đào tạo chuyên ngành này cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quá trình đào tạo phải gắn giữa kĩ năng làm báo với khả năng sử dụng phương tiện kĩ thuật; vai trò của tác nghiệp thực tế, lăn lộn thực tế làm nghề được đề cao hàng đầu trong đào tạo… Hiện nay, các điều kiện kĩ thuật trong cơ sở đào tạo còn hạn chế, trong khi công nghệ, thiết bị đang thay đổi từng ngày. Người  học không thể né tránh việc học sâu các thao tác kĩ thuật vì đó là đặc trưng của báo chí đa phương tiện. Sự tích hợp các phương tiện, các loại hình báo chí đang làm nên sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của báo chí đa phương tiện. Do đó, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tương xứng ở mức cao nhất, đồng thời tận dụng các nguồn lực xã hội hoá, khả năng liên kết với các cơ quan báo chí, truyền thông để bảo đản điều kiện về cơ sở vật chất kĩ thuật cho nhu cầu đào tạo một chuyên ngành mới mẻ và đầy tính cạnh tranh này.

Thứ hai, việc đào tạo phải theo hướng mở, phát huy cao độ khả năng và nhu cầu của người học. Với quỹ thời gian đào tạo 4 năm như các chuyên ngành báo chí khác, chương trình, nội dung đào tạo cần được xây dựng theo hướng trang bị các tri thức và kĩ năng cơ bản, tạo khả năng thích ứng nghề nghiệp tốt nhất, đồng thời tạo cơ hội phát huy khả năng và thiên hướng cá nhân để đi vào một số kĩ năng cần thiết do từng sinh viên lựa chọn. Thực tế, xu hướng đa phương tiện ở các cơ quan báo chí mới đang bắt đầu, các cơ quan báo chí đa phương tiện thực sự chưa có nhiều. Nhiều sinh viên học ngành báo chí đa phương tiện ra trường có thể vẫn tác nghiệp ở một hoặc hai loại hình báo chí đơn nhất. Do đó, chuyên ngành báo chí đa phương tiện chính là việc phá rào quan niệm chia ngành quá hẹp, dẫn đến hạn chế trong thích ứng nghề nghiệp vốn đang thay đổi từng ngày.

Thứ ba, cần mở rộng các loại hình đào tạo, đào tạo gắn với thực tế, đào tạo tại chỗ. Việc khuôn các chương trình đạo tạo trong lớp học chính thống đã không còn thật phù hợp với đối tượng và loại hình nghề nghiệp năng động này. Cho nên, nói đến đào tạo nhà báo đa phương tiện nhất thiết phải đề cập đến đào tạo cả ở trong nhà trường chính quy, cả đào tạo ngay tại các cơ quan báo chí, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày.

Thứ tư, một yêu cầu quan trọng và bức thiết là phải mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nhà báo đa phương tiện. Đào tạo nhà báo đa phương tiện vẫn là vấn đề mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Cần tận dụng mọi cơ hội hợp tác, nhất là với các cơ sở đào tạo truyền thông tên tuổi để phát huy lợi thế về công nghê, kinh nghiệm và môi trường truyền thông chuyên nghiệp. Bước đầu có thể tính đến xây dựng chương trình đào tạo liên kết, cấp bằng quốc tế và tăng cường công tác quảng bá thu hút người học. Muốn vậy cần lựa chọn đối tác phù hợp, gắn kết chặt chẽ và xây dựng kế hoạch chi tiết, nhằm tạo thuận lợi cho người học cũng như bảo đảm chất lượng và tính thiết thực của chương trình.

Mặt khác, cần tính đến chuyện mở rộng liên kết tay ba giữa học viện với cơ sở đào tạo nước nài và các cơ quan báo chí lớn có nhu cầu để xây dựng chương trình phù hợp điều kiện và nguồn lực cụ thể. Khi đã có một số lớp đào tạo, bồi dưỡng thành công theo hướng đó, chắc chắn sự khai mở một ngành đào tạo mới sẽ có những thuận lợi cơ bản, tạo được tiếng vang và sức thu hút với thị trường nhân lực nhà báo đa phương tiện đang rất cần được quan tâm đào tạo như hiện nay.

TS. Đỗ Chí Nghĩa

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN