Khủng hoảng tâm lý của các bác sĩ tuyến đầu chống dịch
(Sóng trẻ) - Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa…
Phớt lờ sức khoẻ tinh thần
Có rất nhiều nguy cơ xấu tác động không tốt đến sức khoẻ tâm thần của các nhân viên y tế nói chung và các bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Ví dụ ở Trung Quốc, trong hơn 1.200 nhân viên y tế được phỏng vấn, gần 1/2 cho thấy các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng. Dẫn báo cáo của JAMA Network Open, tờ ABCNews khẳng định, hơn 2/3 các bác sĩ trên khắp thế giới khi trả lời các câu hỏi đều báo cáo về hiện tượng mất ngủ hay thiếu ngủ. 70% trong số đó nói rằng họ đã đau khổ. Nghiêm trọng nhất là các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại những khu vực được cho là tâm dịch. Trầm cảm, kiệt sức đang là vấn nạn của ngành y trong mùa dịch.
Tại Việt Nam, trong đợt dịch vừa qua, hơn 12.000 y bác sĩ từ miền Bắc, Trung đã vào tâm dịch phía Nam. Trong đó, 7.000 người chi viện TP HCM, hơn 5.000 người phân bố các tỉnh còn lại. Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa… Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp bảo vệ nhân viên như yêu cầu tập huấn kỹ, trang bị đồ phòng hộ chặt chẽ… Thực tế nhiều cán bộ, sinh viên thiếu kinh nghiệm do lần đầu tiếp cận bệnh nhân Covid-19, trong khi phải làm việc tại nơi có nồng độ virus cao, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, nếu nhân viên y tế sơ suất cũng có thể bị lây nhiễm.
Triền miên sống trong lo lắng
Những bác sĩ tuyến đầu phải thực hiện các ca làm việc căng thẳng, mệt mỏi, không biết khi nào dịch bệnh hết hoặc bùng phát trở lại. Sau đó là sự bất lực khi không thể cứu hàng chục ngàn bệnh nhân. Tất cả mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 đều không có người nhà hỗ trợ nên các y bác sĩ và điều dưỡng phải thay nhau làm từ A tới Z. Họ đã trở thành những "người thân" duy nhất của bệnh nhân trong lúc chiến đấu với bệnh tật, 24/7 không rời. Sát cánh cùng những bệnh nhân COVID-19, các y, bác sĩ còn là những người chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, sự chia lìa của một gia đình. Tuy nhiên, tất cả những cảm xúc đó, họ đều phải gói ghém lại để giữ vững tinh thần làm việc, chiến đấu với dịch bệnh để cứu sống bệnh nhân. Họ có thể xúc động nhưng họ không cho phép bản thân lơ là, gục ngã.
Mọi hoạt động bình thường nhất trong bộ đồ bảo hộ đều trở nên khó khăn và tốn sức hơn. Tuy nhiên các y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây liên tục di chuyển, cấp cứu, hỗ trợ bệnh nhân giữa các phòng điều trị suốt ca trực. Mọi việc đều yêu cầu sự cẩn trọng, đảm bảo công tác an toàn cho bản thân y bác sĩ và công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong khoa.
Những ngày thành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid - 19 thứ 4, rất nhiều y, bác sĩ tuyến đầu đã cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ, gạt bỏ những cảm xúc cá nhân để chiến đấu vì bệnh nhân. Từ những người ở các tổ y tế cộng đồng, đội phản ứng nhanh… đến các y bác sĩ trong các bệnh viện dã chiến hay những người chiến đấu giành sự sống cho bệnh nhân ở các trung tâm hồi sức cấp cứu hay trung tâm điều trị covid - 19, họ đều đã đổ rất nhiều mồ hôi và nước mắt để hỗ trợ và cứu sống các bệnh nhân.
Dù có rất nhiều vất vả nhưng điều các bác sĩ đặt ưu tiên trên hết không phải là bản thân mình mà là sức khoẻ, tâm lý của bệnh nhân.