Lan tỏa giá trị kịch nghệ đến giới trẻ trong thời đại 4.0
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 11/12, Trang tin điện tử Sóng trẻ đã tổ chức thành công Tọa đàm trực tuyến “Nghệ thuật sân khấu thời 4.0: Hành trình kết nối với giới trẻ” với sự tham gia của hai khách mời là những nghệ sĩ, diễn viên có kiến thức chuyên môn sâu rộng cùng nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Những năm gần đây, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức từ sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giải trí mới ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại như truyền hình, mạng xã hội... khiến thị hiếu và nhu cầu của khán giả dần thay đổi. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu kịch ngày càng khó cạnh tranh trong việc thu hút đối tượng khán giả trẻ.
Với chủ đề “Nghệ thuật sân khấu thời 4.0: Hành trình kết nối với giới trẻ”, chương trình nhằm tạo ra diễn đàn để các nghệ sĩ, diễn viên kì cựu trao đổi, bàn luận về sự phát triển không ngừng của sân khấu kịch trong việc bảo tồn và truyền tải những giá trị ý nghĩa đến với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời kỳ số hóa hiện đại. Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai vị khách mời: Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương (Trưởng đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ) và Nghệ sĩ Lê Bá Anh.
Đến tham dự buổi tọa đàm có sự góp mặt của ThS. Trần Thị Phương Lan - Giảng viên Viện Báo chí và Truyền thông, các bạn sinh viên có mặt tại hội trường, những độc giả theo dõi trên Trang tin điện tử Sóng trẻ cũng như phát sóng trực tiếp trên Fanpage Sóng trẻ.
Sân khấu kịch thời 4.0
Với sự có mặt của công nghệ 4.0, hai nghệ sĩ nhận thấy nghệ thuật kịch nói đã thay đổi như thế nào trong việc tổ chức sản xuất và biểu diễn so với trước đây?
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: Với sự xuất hiện của công nghệ 4.0, khi sản xuất chương trình, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để đưa những phương tiện công nghệ hiện đại vào tác phẩm một cách hợp lý, hấp dẫn nhất để đáp ứng được thị hiếu của người xem. Sân khấu kịch của Việt Nam đang đi chậm hơn so với thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu được thỏa mãn về thị giác, thính giác của công chúng ngày càng lớn. Chính vì vậy, đây không chỉ là thách thức với riêng sân khấu kịch, mà còn là thách thức cho cả hệ thống nghệ thuật truyền thống tại nước ta.
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Hiện nay, có một thực trạng đáng buồn là các bạn trẻ có thể xem rất nhiều những video TikTok, Youtube ngắn, nhưng khó có thể xem hết một vở kịch dài 2 tiếng tại Nhà hát. Tuy nhiên, chúng tôi không phủ nhận vai trò của công nghệ hiện đại. Nếu không có 4.0, chúng tôi không thể đưa những tác phẩm của mình đến với khán giả gần xa. Đồng thời, công nghệ hỗ trợ các nghệ sĩ rất nhiều trong việc tạo bối cảnh qua những màn hình led, hay âm thánh, ánh sáng hấp dẫn... Tuy nhiên, thời kỳ 4.0 cũng là một thách thức lớn, buộc sân khấu kịch phải nỗ lực tìm cách tồn tại và tận dụng hiệu quả công nghệ nhằm đem những giá trị nghệ thuật tốt nhất đến với khán giả.
Thưa nghệ sĩ Quỳnh Dương, sân khấu kịch áp dụng công nghệ 4.0 như thế nào trong quá trình dàn dựng và biểu diễn để tăng tính hấp dẫn đối với khán giả?
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: Công nghệ 4.0 đòi hỏi sự đồng bộ từ rất nhiều thứ về âm thanh, ánh sáng và phải cần một đội ngũ kỹ thuật rất tốt để có thể đáp ứng được những yêu cầu chuyên môn. Mặc dù công nghệ đều được tận dụng tối đa, nhưng trong nhiều cảnh diễn vào buổi tối hay những cảnh trong không gian chật hẹp, sân khấu sẽ không thể rực rỡ và chúng tôi cần tìm ra những điểm nhấn về ánh sáng. Âm nhạc dễ thỏa mãn được thính giác, còn ánh sáng sẽ thỏa mãn được thị giác của người xem. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi phải sử dụng thay thế bằng màn hình chiếu. Tuy nhiên, màn chiếu sẽ phá vỡ tổng thể và mạch cảm xúc của vở kịch. Chính vì vậy, với cá nhân tôi, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là vai trò và sự sáng tạo, nhạy bén với nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Những nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ và cá nhân nghệ sĩ Quỳnh Dương đã sử dụng và khai thác nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok... như thế nào để truyền thông, quảng bá sản phẩm và thu hút khán giả?
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: Hiện tại Nhà hát Tuổi trẻ đang có hai kênh truyền thông chính là Facebook và Tiktok với lượng người theo dõi thường xuyên vào khoảng 10-15 ngàn người. Tuy nhiên, chúng tôi có những gương mặt nghệ sĩ nổi bật như Thanh Sơn, Thanh Bình, Nguyệt Hằng… đều có lượng theo dõi và tương tác trên trang cá nhân rất lớn. Có thể nói đây là một kênh truyền thông hữu hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ. Chính nhờ những nghệ sĩ này, các vở diễn của chúng tôi thu hút được nhiều khán giả hơn. Đối tượng chúng tôi mong muốn tiếp cận nhất khi truyền thông trên mạng xã hội chính lực lượng khán giả trẻ. Có thể về sau sẽ là những công nghệ phát triển hơn như 4.0, 5.0 hay 6.0, nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức để mang sân khấu kịch đến gần hơn với giới trẻ.
Nghệ sĩ Bá Anh suy nghĩ như thế nào về việc khán giả ngày nay có thể xem các trích đoạn kịch trên nền tảng số? Liệu điều này có làm giảm sức hấp dẫn của sân khấu trực tiếp?
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Để một tác phẩm đạt được thành công cần sự đóng góp của rất nhiều người từ diễn viên đến đạo diễn, âm thanh, ánh sáng... và đặc biệt chính sự quan tâm của khán giả. Bởi nếu không có khán giả thì cũng không có nghệ thuật. Chính vì vậy, chúng tôi rất cần khán giả biết đến và thưởng thức những tác phẩm kịch.
Tuy nhiên, giống như khi đi xem bóng đá, chúng ta phải đến sân vận động mới có thể cảm nhận được sức nóng của trận đấu thay vì qua màn hình TV. Những nội dung ngắn trên mạng xã hội là cần thiết để kết nối khán giả với sân khấu. Nhưng một giọt nước không thể làm nên biển cả, công chúng phải đến Nhà hát xem trực tiếp mới cảm nhận trọn vẹn được sự hấp dẫn và “sức nóng” của sân khấu kịch.
Từ năm 2018, Nhà hát Tuổi trẻ đã áp dụng hình thức bán vé trực tuyến. Sự thay đổi trong hình thức bán vé từ chỉ bán vé trực tiếp sang bán vé trực tuyến đã mang đến sự thay đổi như thế nào trong việc thu hút khán giả xem kịch?
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: Bán vé online là một trong những phương pháp đơn giản và nhanh nhất giúp khán giả yêu thích kịch nghệ có cơ hội thưởng thức sân khấu trực tiếp. Hiện nay, những khán giả của Nhà hát Tuổi trẻ đến xem không cần phải mang vé giấy, các bạn chỉ cần vé điện tử với mã QR. Hoặc thậm chí mọi người có thể đến Nhà hát Tuổi trẻ để mua vé QR trực tiếp mà không cần phải xếp hàng. Và chỉ cần một chiếc vé QR, nhân viên của Nhà hát sẽ dẫn khán giả vào đúng số ghế đã đặt từ trước, từ đó mang đến cho khán giả trải nghiệm nhanh chóng và hài lòng nhất.
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Bây giờ 4.0 giúp chúng ta rất nhiều trong việc đặt vé. Thông qua trang đặt vé online, chúng ta biết được tên vở kịch, thời gian diễn ra hay vở kịch có sự xuất hiện của những diễn viên nào... Bán vé trực tuyến chính là cách nhanh chóng nhất để khán giả dễ dàng sở hữu cho mình một chỗ ngồi trong nhà hát. Chỉ cần có một chiếc vé với mã QR, mọi thứ trở nên vô cùng đơn giản.
Là một diễn viên quen thuộc với khán giả Việt Nam, diễn viên Bá Anh cảm thấy công nghệ và mạng xã hội đã ảnh hưởng như thế nào đến cách anh tiếp cận khán giả và xây dựng thương hiệu cá nhân của mình?
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Hồi trước, khi tôi và anh Dương đi diễn, khán giả đến xem hôm nào đông thì tầm nghìn khách, hôm vắng khoảng 300 - 400 khách và chỉ cố định trong lượng khán giả như vậy. Có những đợt công tác, bọn tôi đi diễn dọc Việt Nam và có cơ hội gặp gỡ rất nhiều khán giả yêu thích kịch nghệ, đó là niềm tự hào của chúng tôi. Nhưng khi có sự hỗ trợ của công nghệ, mọi người có thể theo dõi chúng tôi qua truyền hình hay các nền tảng mạng xã hội. Nhiều khi một phút lên hình nhưng có cả triệu người xem và biết đến chúng tôi.
Ngược lại, chúng tôi cũng có thể gửi tình cảm và những tác phẩm của mình đến khán giả trong nước, thậm chí là cả những người con đang học tập và lao động ở nước ngoài. Mạng xã hội cũng chính là cách để chúng tôi có thể truyền tải những giá trị văn hóa, những tình cảm của giới văn nghệ sĩ đến công chúng trên mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài. Đó là điều mà tôi rất cảm thấy rất biết ơn công nghệ 4.0.
Lan tỏa giá trị kịch nghệ đến giới trẻ
Hai nghệ sĩ đánh giá như thế nào về sự quan tâm của giới trẻ hiện nay đối với nghệ thuật sân khấu kịch?
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: Cách đây khoảng 6 năm, ban lãnh đạo Nhà hát cùng Đoàn kịch từng xây dựng đề án tiếp cận khán giả trẻ, và chúng tôi đã tiếp cận được với 3 trường là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Xây dựng. Mỗi trường đều có một đội văn nghệ và chúng tôi mong muốn truyền tải cho các bạn những hiểu biết và tình yêu với sân khấu kịch. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi cách tiếp cận của các bạn trẻ với những loại hình giải trí có sự thay đổi rất lớn so với trước đây. Đa số các bạn bị hấp dẫn bởi phương tiện giải trí hiện đại, bắt mắt thay vì lựa chọn đến với những sân khấu truyền thống.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy chính sân khấu kịch đang tồn tại một số hạn chế, gây khó khăn trong việc tiếp cận khán giả trẻ. Thứ nhất, nhà hát kịch chỉ sáng đèn vào những khung giờ cố định là 20 giờ và 22 giờ, thời gian biểu diễn không nhiều và đa dạng như các rạp chiếu phim. Thứ hai chính là về vị trí địa lý, nhiều bạn ở quá xa trung tâm để có thể đến những Nhà hát thưởng thức các sân khấu trực tiếp. Đó là những điều trăn trở không chỉ với nghệ sĩ nói riêng mà còn với các đơn vị Nhà hát nói chung.
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Nỗi trăn trở lớn nhất của nghệ sĩ chúng tôi hiện nay chính là làm sao để xây dựng được những kịch bản sân khấu phù hợp với giới trẻ. Chúng tôi rất cần sự ủng hộ cũng như góp sức từ các bạn. Nhà hát Tuổi trẻ rất mong muốn khán giả và những tài năng trẻ, đặc biệt là những bạn yêu thích và có đam mê với kịch nói, nếu có thể hãy gửi những kịch bản đến với Nhà hát; để chúng tôi có thể làm mới mình, góp phần đưa sân khấu kịch đến gần hơn với giới trẻ.
Theo diễn viên Bá Anh, cách thưởng thức kịch của khán giả trẻ hiện nay có gì khác biệt so với trước đây không? Những điều này có ảnh hưởng đến cách anh thể hiện trên sân khấu không? Liệu bản thân anh có cần có những sự điều chỉnh trong phong cách diễn xuất hoặc lựa chọn vai diễn không?
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Khán giả của chúng ta ngày càng thông minh và giỏi hơn, nên mưu cầu họ cần những cái thú vị và đặc sắc hơn thay vì mộc mạc như ngày xưa. Vì vậy chúng tôi cũng phải cập nhật và thay đổi bản thân mình để phù hợp hơn và dễ tiếp cận những người trẻ, để làm sao mang đến những giá trị chân -thiện - mỹ đến gần nhất với khán giả.
Nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn thành công một số tác phẩm dành riêng cho thế hệ thanh thiếu niên như “Rồi tôi sẽ lớn”, “Trại hoa vàng”... Với vai trò trưởng đoàn kịch, nghệ sĩ Quỳnh Dương có thể chia sẻ thêm về những thuận lợi và thách thức trong việc thực hiện một tác phẩm kịch nói hướng tới lứa khán giả trẻ?
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: “Rồi tôi sẽ lớn” là vở nhạc kịch dành cho lứa tuổi từ 15-18, “Trại hoa vàng” cho khán giả từ 18-22. Ngoài ra, chúng tôi còn những vở kịch khác dành cho thanh niên như "Sống mãi tuổi 17" kể về anh hùng Lý Tự Trọng hay những vở kịch cho thiếu nhi. Đây là nhiệm vụ của Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi đã thực hiện suốt 47 năm và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nó. Trên sân khấu, chúng tôi muốn truyền tải cho giới trẻ những bài học về lối sống, đạo đức, nhân văn. Chúng tôi muốn góp một phần nhỏ của mình vào hành trình giúp các bạn trẻ trở thành những người tốt, những người tử tế.
Được biết Nhà hát tuổi trẻ sở hữu nhiều diễn viên trẻ rất tài năng. Là người trực tiếp tiếp xúc và dẫn dắt thế hệ này, nghệ sĩ Quỳnh Dương đánh giá như thế nào về điểm sáng và thách thức của các bạn trẻ hiện nay so với thế hệ trước?
NS Phạm Quỳnh Dương: Tôi cảm thấy may mắn vì được làm việc với nhiều thế hệ diễn viên, đặc biệt là thế hệ đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ như NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung hay NSND Lan Hương. Thế hệ thứ hai gồm có tôi, anh Bá Anh, diễn viên Vân Dung hay diễn viên Anh Tuấn - Nguyệt Hằng. Thời điểm hiện tại chính là sự giao thoa của tư duy, lối diễn và kịch bản giữa các thế hệ.
Điều tôi đánh giá cao nhất chính là sự đa năng của các bạn diễn viên trẻ. Các bạn không chỉ biết diễn mà còn biết hát và nhảy. Quan trọng nhất đó chính là sự nhạy bén về công nghệ, các bạn tiếp cận công nghệ rất nhanh. Hiện nay, chúng tôi còn có điều kiện và cơ hội làm việc với những đạo diễn nước ngoài. Thông qua đó, chúng tôi có thể học hỏi được nhiều hơn từ những nền sân khấu tiên tiến, đồng thời cũng tạo điều kiện cho thế hệ nghệ sĩ trẻ được phát triển bản thân một cách tốt nhất.
5 giá trị mà Nhà hát tuổi trẻ hướng tới là Đạo đức - Nhân văn - Sáng tạo - Thẩm mỹ - Tiên phong. Với giá trị Tiên phong, Nhà hát Tuổi trẻ luôn kịp thời nắm bắt các xu hướng, thị hiếu mới mẻ làm chất liệu sáng tạo. Thị hiếu khán giả ngày nay thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi những người làm nghệ thuật luôn luôn phải sáng tạo. Theo nghệ sĩ Quỳnh Dương, làm thế nào để cân bằng giữa việc giữ gìn giá trị truyền thống và vẫn đáp ứng thị hiếu hiện đại của khán giả?
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Với các bạn trẻ, chúng ta có thể thỏa sức sáng tạo nhưng vẫn phải trong khuôn khổ nhất định. Còn với riêng cá nhân tôi, tôi luôn mong muốn rằng, chúng ta nên gìn giữ những giá trị của truyền thống nhưng đồng thời phải biết tiếp thu những thay đổi và phát triển của thời đại mới. Các Nhà hát hiện nay đều có hòm thư góp ý, chúng tôi rất khuyến khích những bạn trẻ sau khi đến xem kịch, có thể đưa ra nhận xét, góp ý hoặc đôi khi là những góc nhìn sáng tạo mới để tác phẩm luôn có sự gắn kết với khán giả và có thể trường tồn vĩnh hằng cùng thời gian.
Chúng ta không cần cố giữ mọi thứ đúng như lối cổ, phải biết chắt lọc, gìn giữ những cái hay, cái đẹp từ truyền thống; đồng thời cập nhật và liên kết nó với những giá trị mới để tác phẩm mang sức sống, hơi thở của thời đại và gần gũi hơn với công chúng. Có như vậy sân khấu kịch mới có thể tồn tại và phát triển trong thời đại 4.0 như hiện nay.
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: Cách đây 2-3 năm, Bộ giáo dục đã đưa vào chương trình dạy học ở các trường những tác phẩm kinh điển của kịch nói để các bạn trẻ tiếp cận được những giá trị truyền thống. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng là trăn trở với chúng tôi. Cái mừng là những nét truyền thống của nghệ thuật Việt Nam mình đang được xem xét cẩn thận và đưa vào trong giáo trình để gìn giữ. Tuy nhiên, các bạn trẻ đang được tiếp cận với nhiều cái mới hơn, vậy phải làm thế nào để có thể gìn giữ được những nét giá trị truyền thống? Chúng tôi chính là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và chúng tôi phải cố gắng mang đến những điều tinh túy nhất cho các bạn. Nhưng đồng thời phải giữ được những giá trị thuộc về truyền thống và lịch sử, bởi đó chính là bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Hai nghệ sĩ có thể gửi 1 thông điệp đến các bạn trẻ về giá trị và sức sống của nghệ thuật kịch?
Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương: Nghề nào cũng có những khó khăn và trắc trở, sân khấu kịch nói cũng vậy. Trong bối cảnh của thời đại 4.0 như hiện nay, chúng tôi muốn gửi một thông điệp: “Các bạn hãy thử một lần, bỏ ra 30 phút lên Google tìm hiểu về sân khấu kịch nói để hiểu vì sao sân khấu kịch ra đời. Và với những bạn chưa một lần đến xem kịch thì hãy xem để hiểu rằng dưới ánh đèn sân khấu, dưới hàng trăm con mắt, chúng tôi đều là những con người thật. Nhưng cùng một nụ cười chúng tôi có thể cười bao nhiêu kiểu dáng, cùng một giọt nước mắt chúng tôi cũng thể hiện được bao nhiêu nỗi buồn”.
Cho đến nay, sân khấu kịch nói của Việt Nam đã 103 tuổi, nhưng tôi, anh Bá Anh và rất nhiều những thế hệ trước đây luôn đau đáu được biểu diễn trên sân khấu nhưng vì tuổi tác mà phải lùi về phía sau. Với 34 năm hành nghề ở Nhà hát, chưa kể thời gian học, chúng tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ duy trì và phát triển những giá trị của sân khấu kịch.
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Tuổi kịch nói của Việt Nam là 103 nhưng trên thế giới, lịch sử kịch nói đã kéo dài hàng trăm năm. Sự trường tồn của sân khấu là chắc chắn, chỉ có điều đến thời kỳ 4.0, chúng ta phải làm thế nào để hội nhập và phát triển. Với các bạn trẻ, tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta nên tìm hiểu, gìn giữ và phát triển sân khấu kịch ngay từ bây giờ vì sân khấu chính là một món ăn tinh thần giúp tâm hồn con người trở nên tốt đẹp, phong phú, đưa chúng ta đến gần hơn với chân - thiện - mỹ. Và tôi tin rằng, nghệ thuật sân khấu sẽ mãi mãi trường tồn với chúng ta thêm hàng nghìn năm nữa!
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay có đam mê và năng khiếu diễn xuất đều lựa chọn truyền hình hoặc các nền tảng mạng xã hội để phát triển thay vì sân khấu kịch vì muốn nổi tiếng nhanh và có thu nhập cao hơn. Là một diễn viên có nhiều vai diễn để lại ấn tượng mạnh với khán giả truyền hình, đâu là động lực khiến anh tiếp tục theo đuổi sân khấu kịch cho đến bây giờ? (Độc giả Thanh Linh - Hà Nội)
Nghệ sĩ Lê Bá Anh: Sân khấu kịch là cái gốc giúp tôi biết thế nào là diễn xuất và đã tạo nên Bá Anh của ngày hôm nay. Tôi cũng rất biết ơn phim truyền hình vì đã giúp tôi đến gần hơn để phục vụ khán giả trên mọi miền Tổ quốc. Nhưng uống nước phải nhớ nguồn, Bá Anh luôn nhớ về cái gốc của mình chính là sân khấu. Vì thế, bằng tất cả niềm đam mê và sự tôn trọng, tôi vẫn sẽ luôn theo đuổi và cống hiến hết mình cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu kịch nước nhà.
Cảm ơn nghệ sĩ Phạm Quỳnh Dương và nghệ sĩ Lê Bá Anh đã tham gia buổi Tọa đàm trực tuyến “Nghệ thuật sân khấu thời 4.0: Hành trình kết nối với giới trẻ”!
Do thời lượng chương trình có hạn nên các khách mời chưa thể trả lời hết các câu hỏi của quý độc giả. Các câu hỏi gửi tới chương trình sẽ được Ban biên tập tổng hợp và gửi tới các khách mời để giải đáp cho quý độc giả vào thời gian tới. Độc giả có thể đặt câu hỏi cho hai khách mời qua email [email protected]. |