Tọa đàm trực tuyến: Sinh viên báo chí – Cơ hội và thách thức

(Sóng trẻ) – Nhằm cung cấp cho sinh viên báo chí những thông tin về cơ hội nghề nghiệp cũng như thách thức khi bước chân vào con đường làm báo,  trang tin điện tử Sóng Trẻ tổ chức buổi tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Sinh viên báo chí – Cơ hội và thách thức”.

Tham dự buổi tọa đàm có nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn, hiện đang công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam và anh Đoàn Lê Việt - phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đồng thời là cựu sinh viên K28 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Trang tin điện tử Sóng Trẻ News (songtre.com.vn) và phát livestream trên Fanpage Sóng Trẻ. 

gio-i-thie-u-chu-o-ng-tri-nh.png
Toạ đàm trực tuyến: "Sinh viên báo chí - Cơ hội và thách thức"

Buổi tọa đàm trực tiếp bắt đầu

Tại sao sinh viên ngày nay dù được rộng mở hơn rất nhiều về cơ hội nghề nghiệp mà tỷ lệ thất nghiệp, làm trái ngành nghề vẫn còn cao?
(Nguyễn Mạnh Hùng,  [email protected])

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Sinh viên làm trái ngành trái nghề không chỉ là sinh viên báo chí mà hiện tượng này còn xuất hiện ở các sinh viên các trường đại học khác. Trái ngành trái nghề được hiểu như thế nào thì cái ngành nghề đó xuất phát từ kinh nghiệm và cơ hội cho mình. Trái ngành trái nghề vẫn do quá trình mình tích lũy và học tập, không nên quan niệm nặng về trái ngành trái nghề. 

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Mình hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhà báo Hữu Tuấn. Ngày xưa có thể còn có quan niệm nặng nề về vấn đề học trái ngành trái nghề. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, các bạn sinh viên có thể trau dồi rất nhiều những kỹ năng khác ngoài việc học trên trường đại học để có thể bổ trợ vào ngành học của mình. Tùy vào tư duy của các bạn sinh viên để định hướng tương lai của bản thân. Hiện nay không gọi là trái ngành trái nghề mà gọi là một người đa di năng, có thể làm được nhiều việc cùng một lúc.

Vậy còn đối với sinh viên báo chí nói riêng thì sao, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Sinh viên trường nào cũng đều có sự tương đồng, ra trường còn khá bỡ ngỡ kể cả những người đã làm báo chuyên nghiệp cũng sẽ trải qua chuyện này. Ai cũng sẽ phải học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm do đó không nên đặt nặng vấn đề làm trái ngành trái nghề.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Sinh viên báo chí kinh nghiệm ra trường chưa có nhưng có lợi thế hơn trường khác đó là việc hiểu biết sâu hơn về chuyên môn nghiệp vụ.Tuy nhiên kiến thức chuyên sâu về một mảng đề tài cụ thể thì chưa có, chính vì vậy mà tôi hy vọng các bạn có thể trau dồi, đúc kết những kỹ năng xã hội ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường nhiều hơn để sau này khi tác nghiệp thực tế sẽ gặp ít trở ngại hơn.

Nhiều sinh viên khi tác nghiệp báo chí bị đánh giá là thiếu kiến thức, chưa chuyên sâu, đánh giá của hai ông về ý kiến này? 

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Đây là một điều tất yếu. Sinh viên trường nào, ngành nghề khi ra trường cũng như nhau. Phải chấp nhận rằng khi đang là sinh viên thì kiến thức và kỹ năng chưa được cải thiện. Điều này có thể thông cảm cho các bạn sinh viên, để các bạn rèn giũa và hoàn thiện bản thân. Nên tự tin và học hỏi để trau dồi kinh nghiệm. 

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Cho dù là bất kỳ sinh viên nào, sau khi ra trường cũng đều chưa có kinh nghiệm nhưng so với sinh viên báo chí, có thể sinh viên các trường khác sẽ có lợi thế, hiểu biết chuyên sâu hơn về một lĩnh vực nhất định, vậy nên khi làm báo sẽ tập trung được vào những mảng kiến thức đó. 

Bên cạnh việc học tập trên trường, sinh viên muốn theo đuổi đam mê báo chí cần học hỏi thêm những kỹ năng gì thưa ông?  (Hoài Linh, [email protected])

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Nếu theo đuổi con đường báo chí, khi bạn có sẵn trong mình sự đam mê thì bạn đã thành công 50%. Phần còn lại phụ thuộc vào việc nhìn nhận và trao đổi, tiếp thu các kỹ năng của chính bản thân sinh viên. Điều quan trọng nhất là đam mê, kỹ năng thì mỗi người có cách trau dồi kỹ năng khác nhau. Một số người có thế mạnh về giao tiếp lưu loát thì cần bổ sung thêm kỹ năng viết bài, biên tập, một số người có thế mạng về câu chữ rồi thì nên chú ý cập nhật thêm các kỹ năng khác như thiết kế đồ hoạ, quay phim, chụp ảnh... Còn riêng đối với Báo Pháp Luật thì nên bổ sung kiến thức về Pháp luật nói chung và chi tiết hơn là một ngành luật cụ thể trong lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Để theo đuổi và sống với nghề làm báo thì các bạn cần chịu được gian khổ, vì đây không phải là 1 nghề dễ dàng và hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ. Nếu quyết tâm theo đuổi đam mê thì các bạn cần tích cực học hỏi và có niềm tin với nghề. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, các phóng viên hiện nay cần có nhiều kỹ năng hơn vì báo chí xu hướng phát triển hiện nay mạnh hơn theo xu hướng đa nền tảng. Do đó, sinh viên cần liên tục trau dồi thêm kỹ năng để bắt kịp như cầu tin tức của công chúng.

Thực tế cho thấy những người làm báo giỏi có thể không nhất thiết phải học báo chí mà có thể học ngang từ các ngành khác rồi học thêm chứng chỉ về báo chí, đây có phải là thách thức cho sinh viên báo chí khi các bạn chỉ được đào tạo về kỹ năng chứ không có kiến thức chuyên sâu? (Trần Ngọc Huyền, [email protected])

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Những người học chuyên môn thì sẽ có kiến thức sâu, cụ thể về một ngành nghề nào đó, tuy nhiên xét về kiến thức nền tảng, kỹ năng nghiệp vụ báo chí thì khó có thể nắm chắc bằng sinh viên báo chí. Vì thế có thể nói đây là một cuộc cạnh tranh công bằng. Ai có năng lực tốt sẽ giành được công việc. Do báo chí là một môi trường làm việc có tính đặc thù cao nên phóng viên có năng lực làm việc kém, không cố gắng thì tự động bị đào thải. Mặt khác, nếu phóng viên sở hữu chuyên môn vững chắc và kỹ năng phong phú thì sẽ nắm chắc cơ hội nghề nghiệp và sẽ tiến xa hơn trên con đường này. Vậy nên không chỉ những người học báo mới được làm báo, đây không phải đặc quyền của sinh viên báo chí. 

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Đúng là sinh viên trường khác đi làm báo thì có kiến thức chuyên sâu về một mảng nào đó hơn, còn sinh viên báo chí có lợi thế là kỹ năng nghiệp vụ. Tôi nghĩ phải xác định rõ xem bản thân có theo báo chí không bằng cách trải nghiệm công việc phóng viên ở nhiều môi trường toà soạn để trau dồi kinh nghiệm, sau đó mới xác định hướng đi mà bản thân cảm thấy phù hợp. Đối với sinh viên trường khác, họ sở hữu nền tảng kiến thức chuyên sâu, nếu như cộng thêm năng khiếu cùng tư duy nhạy bén thì việc học được kỹ năng báo chí không còn là trở ngại và rất nhanh sẽ thành công trong lĩnh vực mà họ theo đuổi.

Có ý kiến cho rằng nhiều sinh viên báo chí đang bị “ảo tưởng” về nghề nghiệp cũng như vị trí của mình, ông có đồng tình với quan điểm này không? 

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Các bạn sinh viên là những người biết mình rõ nhất. Theo tôi, một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc này là sinh viên chỉ hình dung lao động trong lĩnh vực báo chí qua các chương trình thời sự giờ vàng, hình ảnh những MC, BTV nổi tiếng. Từ đó hình thành những suy nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người dẫn chương trình nổi tiếng, được tiếp xúc với những nhân vật tầm cỡ ví dụ như nguyên thủ quốc gia hay người nổi tiếng và tưởng tượng mình nắm trong tay thứ gọi là “quyền lực thứ tư”, “nói có người nghe, đe có người sợ”. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, nhìn nhận công việc từ góc độ thực tế các bạn sẽ có những suy nghĩ hoàn toàn khác. Cho nên, ngay từ bây giờ, các bạn sinh viên cần hình thành suy nghĩ vai trò và vị trí của nghề báo cũng ngang hàng so với các ngành nghề khác. Không nên ảo tưởng về thứ gọi là “quyền lực thứ tư”.


Phóng viên Đoàn Lê Việt: Trong quá trình làm báo, tôi có gặp một số bạn trẻ có suy nghĩ mình là phóng viên đi tác nghiệp, có quyền được to tiếng, hạch sách người khác. Cái này do tác phong tác nghiệp của bạn trẻ. Mình phải nhận thức rõ vị trí của mình là người làm công tác tuyên truyền, chứ không phải vác “quyền lực” nào đó đi doạ nạt bất cứ ai. Tôi hy vọng các bạn trẻ khi tham gia tác nghiệp cần giữ thái độ chuẩn mực, đúng đắn.

Sinh viên cần có thái độ như thế nào khi đi phỏng vấn xin việc tại các cơ quan báo chí?

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Tuyển dụng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, một trong số những yếu tố đầu tiên là thái độ khiêm tốn, cầu thị, tích cực học hỏi thêm vào đó là sự hòa nhã, lịch sự, ăn nói khiêm tốn và đúng mực. Đây cũng là một trong những yếu tố xây dựng hình ảnh thiện cảm trong mắt các nhà tuyển dụng. Bên cạnh thái độ, câu chuyện trình độ, bằng cấp cũng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể tại báo Pháp luật Việt Nam: cũng như nhiều tờ báo khác, bên cạnh đặc thù báo giấy, báo điện tử, thì việc phát triển kênh truyền hình Pháp Luật, Media và mới đây là các nền tảng MXH như Facebook, TikTok. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, cơ hội dành cho các bạn sinh viên là rất nhiều. Nếu kỹ năng viết còn hạn chế nhưng kỹ năng làm đồ họa hoặc Infographic tốt thì vẫn có thể tham gia làm báo, ở các vị trí khác nhau. Bên cạnh nền tảng là bằng Báo chí thì việc sở hữu một tấm bằng về Luật sẽ là một lợi thế và đáp ứng được yêu cầu đặc thù của báo Pháp luật Việt Nam.

z2947855229079_00771a10433dd8822d2dcd2db54b9e9e.jpg
Nhà báo Hữu Tuấn chia sẻ về tiêu chí tuyển dụng của báo Pháp Luật Việt Nam.

 

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Hiện tại, báo Đại Đoàn Kết đang có định hướng trẻ hoá đội ngũ phóng viên, đồng thời yêu cầu họ cần có những am hiểu nhất định về các nền tảng mạng xã hội, truyền thông mạng xã hội. Xuất phát từ thực tế, công chúng báo chí ngày càng trẻ hoá, họ có nhu cầu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực diễn ra xung quanh mình như kinh tế, chính trị,… Chính vì vậy mà báo Đại Đoàn Kết đang cố gắng chuyển hoá để cho tin tức, sản phẩm báo chí của mình phù hợp với nhiều nhóm tuổi khác nhau, nhiều nền tảng khác nhau. Khi ứng tuyển vào toà soạn, các bạn cần có nhiều kỹ năng hơn, nhất là kỹ năng quay, dựng, vận dụng nó vào quá trình làm báo hiện đại.

Để sau khi ra trường có được một công việc ổn định theo đúng chuyên ngành của mình, hai khách mời có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên vẫn còn ngồi trên ghế hà trường hay không? (Phương Thúy, từ sóng livestream) 

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Theo tôi, các bạn không nên đặt nặng vấn đề là phải có một công việc ổn định, nhất là các phóng viên trẻ cần phải thích nghi và thay đổi phù hợp với hoàn cảnh, dù ở vị trí nào cũng hay làm tốt công việc của mình. Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid và việc sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội thì phóng viên có thể phải “nhảy” sang 1 ngành nghề khác phù hợp với tình hình hiện tại. Nhưng trên hết, khi đam mê với nghề, các bạn trẻ nên chịu khó viết và trau dồi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước để từ đó có một chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực này. Các bạn sinh viên nên mạnh dạn tham gia cộng tác với nhiều cơ quan báo chí, dù bước đầu có thể còn hạn chế về kinh nghiệm nhưng đừng nên nản chí vì mỗi lần cộng tác các bạn sẽ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều anh chị đi trước, được kèm cặp, giúp đỡ, học hỏi kinh nghiệm thực từ chính họ giúp các bạn tiến bộ nhanh hơn so với việc chỉ học lý thuyết.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Quan điểm của tôi về vấn đề này là các bạn sinh viên cần nhận thức rõ định hướng nghề nghiệp của bản thân ngay khi còn đang đi học. Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, các bạn hãy trang bị cho mình thật nhiều kỹ năng như MC, quay phim, dựng hình hay bất cứ kỹ năng nào liên quan đến ngành học, cũng có thể chọn những công việc liên quan đến ngành nghề của mình từ đó học hỏi và tích luỹ kiến thức từ chính công việc đó. Lời khuyên tốt nhất là học nhiều lên và chơi ít đi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, các bạn trẻ nên xác định kế hoạch công việc, cuộc sống càng sớm càng tốt.

Đối với sinh viên báo chí, thực tập, làm việc tại các cơ quan báo chí thường phải đối mặt với những khó khăn, thử thách gì và nên giải quyết nó như thế nào? (Nguyễn Ngọc Đạt, [email protected])

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Sẽ có rất nhiều áp lực đến với các bạn sinh viên khi lần đầu tham gia kiến tập tại các toà soạn. Đó có thể là việc không có đề tài, bài không được đăng, bài bị chỉnh sửa, thu nhập không đủ sống,...Tuy nhiên đó hoàn toàn là những vấn đề bình thường bởi gần như nhà báo nào cũng sẽ trải qua tình trạng như vậy khi mới bước chân khỏi cánh cổng đại học. Để có thể vượt qua khoảng thời gian khó khăn này, các bạn trẻ cần lạc quan, không được tỏ ra chán nản mà phải luôn có tinh thần cầu thị, ham học hỏi. Khi bị phê bình, trả bài thì không được tỏ ra thái độ tiêu cực mà thay vào đó phải luôn lắng nghe, tiếp thu những đóng góp của các anh chị đi trước từ đó nhìn nhận lại năng lực của bản thân, trau dồi kiến thức.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Đối với chính bản thân tôi, ngay từ những ngày đầu tiên làm báo cũng trải qua những khó khăn, ngượng ngùng thậm chí là tự ti. Thế nhưng, khi xác định làm báo, các bạn trẻ cần phải xác định sẵn tư tưởng là khó khăn và có nhiều thử thách. Nhưng không nên vì thế mà ngần ngại hỏi, hãy luôn sáng tạo, đề xuất đề tài, dần dần chúng ta sẽ cởi mở hơn, hoà nhập được với môi trường làm việc.

Sau khi ra trường, sinh viên nên chọn việc làm theo đam mê hay theo chuyên ngành mình đã học? (Hương Thảo từ sóng livestream)

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Đối với lĩnh vực báo chí, chúng ta cần có cả năng khiếu và sự đam mê với công việc vì nếu đến với công việc này bằng sự gượng ép thì chắc chắn sẽ không theo được lâu dài. Thêm vào đó, dù đam mê những năng khiếu chưa đủ thì quá trình tác nghiệp cũng rất khó khăn. Như vậy, tôi nghĩ các bạn nên cân nhắc giữa đam mê và năng khiếu; giữa đam mê và cuộc sống để đưa ra cho mình lựa chọn đúng đắn nhất.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Theo tôi, đam mê phụ thuộc vào hoàn cảnh sống của mỗi người. Có nhiều người theo đuổi đam mê nhưng đam mê ấy không nuôi sống được chính bản thân họ. Cho nên, như ý kiến của nhà báo Hữu Tuấn, tôi thấy nên cân bằng yếu tố đam mê sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người. Có thể sau khi ổn định được cuộc sống, chúng ta lại tiếp tục theo đuổi đam mê. Đặc biệt, nên tránh tình trạng đam mê quá nhiều thứ dẫn đến việc mất kiểm soát.

Một chia sẻ rất thú vị từ một bạn khán giả có địa chỉ [email protected]: “Em từng thử sức trong lĩnh vực báo chí nhưng mới làm được 3 tháng thì bỏ ngang vì không biết cách tìm đề tài cũng như thu nhập chỉ đủ đổ xăng”. Hai nhà báo có lời khuyên cho bạn trẻ này như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Nếu thu nhập chỉ đủ đổ xăng chắc chỉ là CTV thôi, vì khi trở thành các phóng viên, biên tập viên chính thức, các bạn sẽ có hợp đồng cùng các khoản phụ cấp rồi tiền nhuận bút vấn đề "đủ ăn" sẽ không còn là vấn đề nữa. Còn nếu chỉ mới thử sức 3 tháng mà đã chán nản thì hơi sớm, ít nhất nên làm trong khoảng thời gian từ 6 tháng để có thể xác định một cách rõ ràng hơn là có nên tiếp tục theo đuổi công việc này hay không.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Xác định ra trường kiếm tiền bằng nghề báo là điều khó. Chính bản thân tôi hồi mới ra trường đi làm cũng không có lương nhưng tôi quyết định chấp nhận đánh đổi để có những kỹ năng và kiến thức trong cuộc sống.

Xin được hỏi riêng phóng viên Đoàn Lê Việt, là một người hoạt động ở trong lĩnh vực báo chí khi tuổi vẫn còn trẻ, tại thời điểm anh còn ngồi trên ghế nhà trường anh có định hướng mình sẽ làm báo chí về chuyên ngành cụ thể nào không?

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Chia sẻ câu chuyện mình đến với học viện báo chí, thì khi đăng ký thi đại học thì mình đỗ cả trường Kinh tế và trường Báo. Khi có giấy nhập học của 2 trường thì mình cũng phân vân. Nhưng sau khi cần nhắc thì mình đã chọn trường Báo, lý do khá đơn giản là vì mình là người yêu thích cảm giác được trải nghiệm nhiều nơi khác nhau. Sau này học đến năm thứ 2 rồi mình cũng chưa có định hướng gì rõ ràng về công việc. Đến năm 3, xung quanh mình bạn bè đều đã đi làm ở rất nhiều nơi và có rất nhiều những tác phẩm được đăng tải. Trong khi bản thân mình thì chưa, do vậy, khi gửi tác phẩm cho tòa soạn, mình chưa tự tin thậm chí là khá run và sợ rằng sau khi ra trường không biết phải làm thế nào. Khi ra trường, bắt đầu đi làm tại các cơ quan báo chí, bản thân mình cảm thấy khá may mắn khi được các anh chị chỉ bảo từ, hướng dẫn nhiệt tình. Do vậy mình tìm được đúng đường đi. Qua đây, mình mong là các bạn sinh viên báo chí nên cố gắng viết thật nhiều, sáng tạo thêm nhiều tác phẩm, thêm nữa là việc cải thiện, vun đắp các kỹ năng còn hạn chế trong việc cộng tác với các tờ báo. Không nên đặt nặng vấn đề nhuận bút mà hãy coi đó là một cơ hội trải nghiệm và rèn luyện năng lực qua những thử thách trong lĩnh vực báo chí.

 

anh-viet.jpg
Phóng viên Đoàn Lê Việt chia sẻ về định hướng nghề nghiệp khi còn là sinh viên

 

Các sinh viên báo chí có thể tìm kiếm việc làm qua các kênh nào thưa ông? 

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Hiện tại, các báo cũng tuyển dụng vị trí cộng tác viên rất nhiều và nếu biết địa chỉ email của tòa soạn thì các bạn hoàn toàn có thể tìm những công việc phù hợp với tiêu chí của toà soạn, hay có thể tìm tới các mối quan hệ của người quen, sau đó xin vào thử việc một thời gian. Trong thời gian trở lại đây, các báo đang mở rất nhiều các phòng đại diện ở các tỉnh, nên cơ hội để cộng tác cho những bạn ở tỉnh có chút dễ dàng hơn so với những bạn ở Hà Nội. Các nguy cơ bị trùng đề tài sẽ được giảm tải. Thêm vào đó, các bạn ở các tỉnh cũng nắm rõ các vấn đề ở chính những địa phương đó hơn là phóng viên hay cộng tác viên ở nơi khác. Do vậy ít sự cạnh tranh hơn nên có lẽ cơ hội sẽ được mở rộng nhiều hơn một chút.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Cơ hội bây giờ là rất nhiều không chỉ riêng các cơ quan báo chí mà cơ hội còn xuất hiện ở các công ty truyền thông. Nếu các bạn cảm thấy mình không phù hợp với công việc báo chí, không muốn đi công tác xa có thể tìm tới các đơn vị truyền thông để làm việc. Còn các cơ quan báo chí, nên tận dụng cơ hội thực tập, kiến tập để móc nối quan hệ với các anh chị phóng viên, nhà báo để được họ giúp đỡ trong việc tìm kiếm cơ hội làm việc.

Khi đứng trước các đề tài điều tra, các phóng viên, nhà báo trẻ tuổi cần làm như thế nào để tránh bị gài bẫy? (Mộc Miên, từ sóng livestream)

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Đối với thể loại điều tra, các nhà báo, phóng viên cần rất nhiều kinh ngiệm và kiến thức. Do đó, với sinh viên ra trường sẽ ít tiếp xúc với thể loại khó nhằn này. Thay vào đó, toà soạn sẽ cử một phóng viên có kinh nghiệm để kèm cặp, giúp sức nhằm tránh trường hợp bài viết bị sai sót, không đủ độ sắc sảo.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Theo tôi, các bạn sinh viên ra trường nên bắt đầu từ những đề tài nhỏ. Khi phát hiện đề tài thì nên đề xuất lên ban biên tập để được hỗ trợ, định hướng để có cách làm phù hợp. Còn việc phóng viên bị gài bẫy thì tôi nghĩ nếu làm báo với một cái tâm trong sạch thì không cần phải lo lắng đến việc này.

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Trao đổi một chút về ý kiến của bạn Lê Việt, không phải bất cứ khi nào làm điều tra với một cái tâm trong sáng là sẽ không bị kẻ xấu gài bẫy. Họ có thể cung cấp thông tin sai sự thật cho phóng viên để chuộc lợi cho bản thân, đó cũng là một hình thức gài bẫy. Cho nên chúng ta phải thực sự tỉnh táo trong việc thu thập thông tin, phân tích tình huống để phản ánh sự việc khách quan, chính xác nhất. Kinh nghiệm trong việc thực hiện phóng sự điều tra là việc chắt chiu từng chút một qua từng tác phẩm. Nên đặt bản thân mình vào người bị phản ánh để suy nghĩ cho thấu đáo

Lương thưởng và hợp đồng lao động cũng là câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều từ phía độc giả. Xin hai vị khách mời cho ý kiến về vấn đề này. ([email protected]; [email protected][email protected]; [email protected].)

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Tùy từng báo, có những báo chế độ cao ví dụ như: Thanh Niên, Tuổi Trẻ thuộc top thu nhập hàng đầu nhưng chắc chắn sẽ khắt khe hơn, còn những báo như Pháp Luật Việt Nam, Đại Đoàn Kết là các đơn vị sự nghiệp thì thu nhập cũng ở mức trung bình, tùy vào khả năng kinh doanh của toà soạn: lượng phát hành quảng cáo, truyền thông. Ngoài lương công chức sẽ còn có một khoản lương kinh doanh, xăng xe quần áo nhưng nói chung chỉ ở mức độ đủ sống chứ chưa thể làm giàu bằng lương nhà báo.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Báo Đại Đoàn Kết cũng hưởng lương theo hệ số có tiền hỗ trợ cho phóng viên, làm giàu thì khó nhưng trước hết mình phải chăm chỉ.

Có ý kiến cho rằng, thực tập không lương là hình thức bóc lột sức lao động của sinh viên mới ra trường, hai vị khách mời nghĩ sao về quan điểm này? (Mai Duyên từ sóng livestream)

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Ở báo Pháp luật, chế độ thực tập phụ thuộc vào lượng tác phẩm mà cộng tác viên được đăng tải, tức là viết được bài nào sẽ nhận được nhuận bút của bài đó. Đây không thể nói là bóc lột sức lao động bởi lẽ công việc này đã được thoả thuận trước đó chứ không hề ép buộc. Nếu cộng tác viên cảm thấy mình bị bóc lột sức lao động thì hoàn toàn có thể xin nghỉ, còn cộng tác viên có khả năng theo được thì sẽ được tuyển dụng thành phóng viên chính thức.

Phóng viên Đoàn Lê Việt: Theo cá nhân tôi, thực tập là khoảng thời gian thử thách, học hỏi thêm kinh nghiệm. Vào thời điểm khi tôi đi thực tập hoàn toàn không có lương hay nhuận bút. Tôi cảm thấy việc này hết sức bình thường, các bạn không nên có tư tưởng như vậy.

Là những phóng viên nhà báo lâu năm thì ông có lời khuyên nào cho sinh viên báo chí trên con đường tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp? 

Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn: Trong quá trình học tập, các bạn sinh viên nên cố gắng cọ sát thực tế, cộng tác với những tòa soạn và cải thiện về các hạn chế của bản thân, cố gắng trau dồi các kiến thức về đồ họa, quay phim, chụp ảnh để tăng thêm cơ hội được cộng tác với những tòa soạn lớn nhỏ khác nhau. Từ đó có thể nâng cao cơ hội tìm kiếm được công việc phù hợp.

Ông Đoàn Lê Việt: Nên tập trung học tập, bên cạnh đó học phải đi đôi với hành và cần có nền tảng kiến thức xã hội vững chắc, phục vụ cho không chỉ nghề báo mà với tất cả các nghề nói chung chứ không riêng gì đối với lĩnh vực báo chí.

8cb59a7bd83913674a28.jpg
Khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng MC

 

Toạ đàm kết thúc

Trang tin điện tử Sóng Trẻ chân thành cảm ơn quý đọc giả đã theo dõi, tương tác với buổi tọa đàm trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin Sóng Trẻ và gửi phản hồi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]


Xin trân trọng cảm ơn!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN