Làng nghề truyền thống ở Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế
(Sóng trẻ) - Trong xu thế hội nhập WTO, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã dần phá vỡ sự ổn định truyền thống của các làng nghề trong cả nước. Cùng trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Hồng (Trưởng khoa Văn hóa và phát triển- HVBCTT) để làm rõ vấn đề trên.
TS. Nguyễn Thị Hồng
Thưa TS, là một giảng viên giảng dạy lâu năm về vấn đề văn hóa Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu, theo dõi và phân tích tình hình phát triển, những tồn tại đáng kể của nền văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ, TS có đánh giá như thế nào về sự thay đổi của một số làng nghề truyền thống ở Việt Nam?
Như các bạn đã biết, làng nghề truyền thống là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam, là đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của Việt Nam đối với cả thế giới, nó có vai trò cực kì quan trọng, thể hiện sự sáng tạo của hoạt động Văn hóa Việt Nam. Mặc dù nó không quyết định sự sống còn như làng thuần nông nhưng sản phẩm tạo ra lại mang tính đặc thù của nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề truyền thống của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ giảm sút đi và có thể nói là đã giảm sút đi rất nhiều, giảm sút dần về quy mô hoạt động, chức năng, vai trò của nó, đồng nghĩa với việc giảm sút và mất đi cái sắc thái văn hóa của dân tộc.
Theo TS, nguyên nhân nào dẫn đến những thay đổi đó?
Thứ nhất, làng nghề truyền thống bao giờ cũng tồn tại hình thức sản xuất mang tính thủ công, mà trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm mang tính chất thủ công là sản phẩm đơn nhất cho nên mang tính văn hóa nhiều hơn là giá trị kinh tế, trong khi nền văn hóa Việt Nam bấy giờ đang dần chuyển hướng theo kinh tế thị trường, lợi nhuận kinh tế nó va chạm với giá trị văn hóa. Để tạo ra một sản phẩm mang giá trị văn hóa thì đòi hỏi tính công phu và khéo tay. Ví dụ như nghề thêu tay, rât công phu nhưng mất rất nhiều thời gian nhưng giá trị bán ra chưa chắc đã bằng giá trị của sản phẩm thêu máy, hoặc ví dụ như làng gốm Bầu Trúc đặc trưng của nó là làm xoay tay, lao động hoàn toàn thủ công, tạo ra sản phẩm rất độc đáo, không một sản phẩm nào có thể lặp lại yếu tố của sản phẩm nào cả, hoàn toàn mang tính cá thể. Những thứ như vậy thể hiện rất rõ sự tài hoa, sự cẩn trọng, sự khéo léo. Nó gửi gắm trong đó những quan niệm thầm mỹ, tư duy nghệ thuật. Tuy nhiên cứ duy trì phương thức sản xuất truyền thống như thế thì cuộc sống về phương diện vật chất của người dân sẽ không được đảm bảo vì thế nó không thực sự phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường như bây giờ.
Thứ hai, khi yếu tố Công nghiệp hóa hiện đại hóa vào Việt Nam thì nó có một lực học rất lớn đối với sự phát triển các làng nghề, nó làm xô lệch cả quy mô và tính chất sản xuất của các làng nghề.
Thứ ba, các sản phẩm thủ công hầu như không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, do bởi quá trình hội nhập thế giới về văn hóa. Nó làm cho những sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú và tinh tế, chất lượng phục vụ cũng cao hơn, hình thức bắt mắt hơn.
Cuối cùng, là do chính các yếu tố văn hóa nội sinh ở các làng nghề. Bản thân các làng nghề chưa thực sự vặn mình lên để thay đổi để cho phù hợp với những thay đổi của thời đại. cho nên các làng nghề phải tìm cách nào đó để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Làng nghề Việt Nam cần có sự đầu tư hơn nữa (ảnh- internet)
Thưa TS, sự thay đổi, giảm sút của các làng nghề truyền thống chúng ta đã thấy rõ, vậy theo TS để kìm hãm sự đi xuống đó thì một phần trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Nói đến trách nhiệm, thì theo tôi, trước hết các nghệ nhân của các làng nghề phải chú trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn tinh hoa của giá trị văn hóa trong các làng nghề. Đòi hỏi trách nhiệm cao, tâm huyết, đam mê, nhận thức chứ không phải chỉ cái tài hoa của các nghệ nhân.
Bên cạnh đó Đảng và nhà nước phải có những chính sách phù hợp, không những công nhận mà phải hỗ trợ, khuyến khích cho các nghệ nhân, để họ có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đảm bảo về phương diện kinh tế thì họ mới có cơ hội để trao truyền toàn bộ kinh nghiệm, những tâm huyết đam mê của mình vào nghề, vào sản phẩm.
TS có đánh giá như thế nào về quan niệm: Làng nghề là một môi trường rèn luyện, là một trường học đối với thế hệ trẻ ?
Đó là một quan niệm hoàn toàn đúng. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà đạo đức của con người đang dần dần bị tha hóa, vấn đề giáo dục nhân cách của con người ngày càng được đề cao và chú trọng thì làng nghề truyền thống Việt Nam là một trong những môi trường giáo dục tốt. Ở đó giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn với các giá trị văn hóa truyền thống.
Giáo dục những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam đó là: cần cù, yêu lao động, sáng tạo, tình yêu đối với những giá trị truyền thống. Giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tri ân đối với những người lớn tuổi, những người đã có công khai sáng nghề, nghệ nhân gìn giữ được những giá trị ấy, làm được như thế mới được gọi là gìn giữ những cái đặc sắc, hồn cốt của văn hóa trong các làng nghề.
Người ta không quan niệm làng nghề tạo ra sản phẩm mà làng nghề tạo ra linh hồn văn hóa, các giá trị chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực giao tiếp trong các yếu tố khác.
Theo TS, trong xu thế phát triển như hiện nay, khơi dậy sức sống của làng nghề theo hướng nào thì hiệu quả ?
Khi Việt Nam gia nhập WTO, thì văn hóa Việt Nam càng tiến sâu hơn trên con đường Hiện đại hóa, quốc tế hóa, tạo cơ hội cho sự phát triển. Vì thế theo tôi nên lợi dụng nó để đầu tư và phát triển ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ làng nghề.
Cần có những kế hoạch cụ thể trong việc nghiên cứu nhu cầu thị hiếu của thị trường quốc tế - nơi mà sản phẩm của mình có cơ hội thâm nhập.
Tăng khả năng tiếp thị và quảng bá sản phẩm, cũng như người ta thường nói “ Cau già, dao sắc vẫn nn. Mẹ già ngọt miệng thì con đắt chồng”. Chất lượng sản phẩm của mình không tốt lắm thì khả năng tiếp thị cho hình ảnh của thương hiệu phải được tăng cường lên.
Mặt khác, Việt Nam cần có một chiến lược lâu dài, đầu tư dài hạn, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành, giữa các cơ chế chính sách và giữa các bộ phận với nhau, như : nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối sản phẩm nhằm tạo điều kiện thật thuận lợi cho sản phẩm làng nghề có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ . Kính chúc Tiến sĩ mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy của mình!
Y Nhụy & Hoàng Oanh
Báo in K31 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận