Lão nông 56 tuổi: “Làm nông bây giờ cũng phải có bằng đại học”
(Sóng trẻ)- Anh Hoàng Văn Tiến (56 tuổi, thuộc xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đỗ đại học năm 34 tuổi, hiện đang sở hữu 10 ha đất rừng, khu vườn rộng đầy rau và hoa quả khẳng định cuộc sống thích ý hiện tại là nhờ môi trường đại học.
Được chỉ dẫn tìm kiếm trên ogle maps với từ khóa “Trại nấm”, chúng tôi mất 2 tiếng đồng hồ tìm đến trang trại anh Tiến, chủ mô hình vườn rừng xây dựng cách đây 13 năm, góp phần tạo bể oxy, giảm phát thải khí nhà kính.
Anh Hoàng Văn Tiến dậy sớm lái máy xúc làm cỏ
Trang trại thuộc địa bàn xã Đông Xuân - vùng bán sơn địa phía Tây Nam huyện Quốc Oai, cách trung tâm huyện khoảng 15 km và cách trung tâm thành phố Hà Nội 40 km. Theo Cổng thông tin điện tử huyện Quốc Oai, vùng đất này chủ yếu là người Mường chiếm khoảng 78%, dân tộc kinh chiếm khoảng 21%, còn lại là dân tộc khác. Ở đây, hơn 50% lao động địa phương thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hơn 70% trong số này chưa qua đào tạo nhưng cả làng có tiếng là làng nông nghiệp hữu cơ bởi phương pháp chia sẻ kinh nghiệm. Hộ gia đình thí điểm mô hình mới chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác trong làng.
Cổng vào trang trại
Cuộc sống mơ ước
Đường đồi Đông Xuân quanh co, nhiều ngã rẽ, có đoạn dốc đứng 45 độ, có đoạn bề ngang chỉ bằng 1,5m. Đường bê tông không khó đi. Nhưng vì nhiều ngã rẽ chúng tôi đã “lỡ bước” mấy lần. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của người dân nhiệt tình, chúng tôi gặp được anh Tiến lúc 9h30 sáng. “Từ đây nhé, đi hết bãi cây kia, lên hết cái vườn bạch đàn ở trên cao kia kìa, đến đỉnh giáp bãi chuối kia 1 chút là trang trại của mình”, vừa nói anh vừa chỉ vào hàng cây xa xa trên nóc quả đồi ngay trước mắt tôi, anh nói: “Tổng là 10 ha”.
Lán nấm và khu vườn của vợ anh Tiến
Đất của anh gồm cả đất rừng, đất vườn, đất ở. Ngôi nhà anh bảo “ở tạm” trong trang trại cũng lên đến cả trăm mét vuông, nằm giữa khu vườn đầy rau, hoa và quả. Anh nói: “Vườn nhà tôi chẳng thiếu gì, mùa nào thức nấy, tôi trồng theo phương pháp hữu cơ nên rau sạch lắm, chẳng lo có thuốc bảo vệ thực vật”. Anh dành cho vợ mình 1 khoảng đất để trồng các loại hoa chị thích, giống cây cũng đa dạng: từ những cây hoa hồng bản địa, đến những cây ớt Đà Lạt. “Chị thích thì chị trồng”, nói rồi anh cười khoái chí lắm.
Với gần 10ha đất rừng anh trồng cây Paulownia.vn (cây Hông có nguồn gốc Việt Nam) do Tiến sĩ Vũ Khánh Ngọc lai tạo thành công năm 1997. Đây là loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, chống biến đổi khí hậu. Cây sinh trưởng nhanh, cho gỗ tốt, hơn thế nữa lượng oxy nó nhả ra rất lớn. Một cây Paulownia mỗi năm nhả ra khoảng 50kg oxy, hấp thu khoảng 6kg chất sulfua, do đó làm sạch môi trường, hạn chế khí nhà kính và tham gia cải tạo môi trường nước.
Anh Hoàng Văn Tiến trồng 2000 cây trên diện tích 2,5 ha, xen canh với các cây dược liệu. Cứ 3 năm, rừng Paulownia của anh thu được hơn 130 triệu/ha, kéo dài trong 9 năm thì cũng hơn 300 triệu/ha. Lá cây này là phân bón rất tốt cho các cây dược liệu. 3 năm thu Paulownia một lần nhưng các cây dược liệu bên dưới vẫn sống tốt và thu hoạch đều. “Tôi đã ký hợp đồng cả 10 ha”, nhìn 2 hàng Paulownia được 4 tháng tuổi đã to bằng bắp chân người trưởng thành, anh nói, mắt tràn ngập hy vọng. Cây Paulownia lớn hết cỡ là 8-12 năm tuổi, cao 18 – 20m, có đường kính 50-60cm cho gỗ quý hơn gỗ pơ mu.
Cây Paulownia 4 tháng tuổi to bằng bắp chân người trường thành
Cây dược liệu được trồng dưới chân Paulownia
Con đường không trải lụa
Người đàn ông chia sẻ anh có cuộc sống mà theo anh là “đáng mơ ước” với nhiều người, nhưng ít ai biết rằng anh đã từng bỏ lỡ việc học năm 16 tuổi. Sinh ra ở vùng đất cố đô Ninh Bình, bố mẹ anh là những người nông dân chính hiệu. Nài việc là nông dân, bố anh Tiến cũng tham gia quân ngũ. Trong cảm nhận của anh, người bố Đại úy Đại đội trưởng Đại đội đặc công luôn là niềm tự hào. Ông hy sinh ở chiến trường phía Bắc vào năm 1979, ngay khi anh vừa kết thúc lớp 10, ngay khi anh thi đỗ ngôi trường Đại học danh giá, Bách Khoa.
Anh từng bỏ lỡ việc học năm 16 tuổi
Mất đi trụ cột, mẹ anh khó lòng nuôi anh ăn học. Anh rời mái trường đi làm thủy lợi chuyên môn (xây dựng cầu, đường,...) cho đến khi nhận được hỗ trợ gia đình chính sách. Anh lại trên con đường xa quê, đi hợp tác lao động tại Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc ngày nay). Anh bộc bạch: “6 năm bên ấy, tôi làm đủ nghề, nhưng hơn cả, tôi học được nghề thợ hàn, cũng tích cóp được ít vốn đem về Việt Nam.” Là thợ hàn bậc 5/7 được công nhận nơi đất Tiệp, tại Việt Nam, anh mở một xưởng hàn trên đất Ninh Bình.
Bước nặt cuộc đời có lẽ phải kể đến năm 1997. Thấy chương trình ôn luyện đại học từ xa trên tivi, anh nghĩ: “Bài này mình làm được, phải đi thi.” Đến ngày thi, anh tạm đóng cửa xưởng hàn, xách balo lên Hà Nội đi thi như bao sĩ tử khác. Năm ấy, anh 33 tuổi, có vợ và một đứa con. Cũng năm ấy, anh thi trượt.
Do bản tính cứng đầu di truyền từ người cha, dù trượt nhưng theo anh Tiến “điểm còn cao hơn khối người”, anh dứt khoát đóng cửa xưởng hàn, đến đất Thăng Long, nơi hội tụ tinh hoa của đất nước để ôn luyện lớp 13 một năm. Trời không phụ người, anh trúng tuyển khoa Quản trị kinh doanh thương mại trường Đại học Thương mại vào năm 34 tuổi, học với đàn em nhỏ gấp đôi tuổi mình.
Nếm mùi thất bại
Vào năm nhất đại học, anh đã đặt chân đến vùng Hòa Lạc này. Có tay nghề hàn, anh “nay chỗ này mai chỗ khác” đi làm thuê cho người ta để lấy tiền ăn học. Có người bạn rủ: “Đi xa một chút mà lương cao anh có đi không?” Anh đáp: “Được. Nhưng xem thế nào còn về đi học nữa”. Thế rồi tại khu Hòa Lạc, Quốc Oai, anh cứ một buổi học, một buổi làm. Không dưới một lần ông chủ bảo: “Mày bỏ học lên làm cho tao, tao trả lương cao cho.” Cũng không dưới một lần anh trả lời: “Không, vẫn học chứ, bỏ học thì thà ở nhà làm xưởng hàn còn hơn”.
“Không, vẫn học chứ, bỏ học thì thà ở nhà làm xưởng hàn còn hơn”.
Năm 2002 ra trường, anh mua đất, xây nhà trên này rồi đón vợ hội ngộ. Quyết định “cắm rễ” ở Đông Xuân cũng có nguyên do cả. Anh nghe ngóng được Nhà nước sẽ chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc lên trên này, mua đất ở đây, sau này con anh cũng học và làm ở đây, thế là tiện. Nói rồi, anh hài hước kể về chiến lược đón vợ từ quê lên Đông Xuân, Hà Nội: “Đưa được cô ấy lên cũng khó đấy. Ban đầu cô ấy không chịu đâu. Tính tôi cũng “gàn”, tôi về bán phéng cái nhà dưới quê đi, rồi mua đất, xây nhà trên này, ấy thế là cô ấy phải chịu.”
5 năm trên này, anh đi làm công trình xây cầu, đường. Đến năm 2007, anh tích đủ tiền mua quả đồi canh tác nông nghiệp. 10 ha, cũng mất vài tỷ vừa mua đất, vừa san phẳng. Giọng anh trầm hẳn khi nói về Trại nấm, từ khóa mà anh bảo chúng tôi tìm anh trên ogle maps: “Tôi đầu tư 800 triệu và một miếng đất cho “Trại nấm”. Nấm của tôi nn, sạch, không chất bảo quản, tôi mang bán ở chợ đầu mối Long Biên. Bà con xung quanh thấy làm ăn được nên đến hỏi tôi, tôi chia sẻ hết.” Nhưng sau khoảng 1 năm, nấm Trung Quốc tràn sang ồ ạt, Trại nấm của anh không thuốc bảo quản chỉ 1, 2 ngày là héo không bán được. Anh đầu tư cả 1 thùng lớn để giữ cho nấm tươi mà vẫn không ăn thua. Anh không làm nấm nữa. Anh cười: “Dùng thuốc bảo quản thì mình thừa sức. Nhưng thuốc ấy có hại cho con người, tôi nghỉ luôn, không làm.”
“Dùng thuốc bảo quản thì mình thừa sức. Nhưng thuốc ấy có hại cho con người, tôi nghỉ luôn, không làm.”
“Làm cái gì cũng phải có cái tư duy”
Sau thất bại Trại nấm, 6 năm anh đi tìm Tiến sĩ Vũ Khánh Ngọc để có bằng được giống cây “thoát nghèo”. Anh biết đến tiến sĩ từ năm ông vừa nghiên cứu thành công giống cây mới, nhưng do bận học, anh chôn giấu ước mơ trồng rừng để sau này ước mơ ấy bùng lên, lớn đến nỗi giúp anh vượt qua 6 năm đằng đẵng chưa biết đích đến. Anh đến nhiều nơi, gặp nhiều người, cả những người định lừa anh mua giống cây “dởm”. Sau bao ngày, anh cũng gặp được vị tiến sĩ dành cả cuộc đời để nghiên cứu giống cây mang thương hiệu Việt Nam, được Liên hợp quốc cấp bằng sáng chế: Paulowia.vn.
“Làm cái gì cũng phải có tư duy”
Người ta bảo cuộc đời có 60 năm, thì ở tuổi 56, anh Hoàng Văn Tiến cũng ở bóng xế của cuộc đời. Anh khẳng định: “Làm gì cũng phải có cái tư duy.” Anh hay cười, nhưng cách làm việc của anh khoa học: “Tôi thuê người, không cần biết là già, trẻ như thế nào, chưa biết là tôi hướng dẫn, ai làm nhiều hơn trả công nhiều hơn.” Anh thích cách làm việc của nước nài: 6h30 sáng đi làm thì 6h có mặt, ăn sáng, ăn trưa, làm đến 1h chiều thì nghỉ; hơn là sáng đi trưa về, chiều đi tối lại về. Một bên là làm vẫn đủ 8 tiếng, người lao động có thời gian đầu tư cho cái nọ cái kia hoặc có thể làm thêm tại xưởng đến chiều; một bên mất thời gian rong ruổi, tốn xăng mà ăn uống vội vã, chưa kể người ta lười biếng, ỷ lại.
Nhận bằng khen Người tốt việc tốt và dịch vụ cải tiến nhờ Trại nấm
Anh là người có tư duy, có ước mơ và có kiên trì. Với anh, tư duy là cái quan trọng nhất anh rèn được trong môi trường đại học: “Sinh ra cái sự học hành là để rèn luyện trí tuệ con người, có tư duy, tầm nhìn, năng động và biết cách tính toán thì mới làm được việc. Đi học, ăn nhau là ở chỗ ghi được cái gì trong đầu, chứ bằng đại học chỉ là tờ giấy nhà nước công nhận thôi, mang ra nước nài hù người ta, ai người ta nghe.” Anh ham đại học đến nỗi rời quê hương, bỏ xưởng hàn, học cùng các em bằng nửa tuổi mình, cũng học. Anh ham đại học đến nỗi khi ông chủ của anh “dụ” bỏ học làm cho ông, anh cũng không màng. Khó ai có thể hiểu được nỗi đam mê ấy.
Đến tận bây giờ, anh vẫn tiếp tục đầu tư cho con mình học đại học. Con gái lớn của anh đã tốt nghiệp trường Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc). Học đại học, rồi du học, ấy là nỗ lực của anh dành cho cậu con trai nhỏ tuổi: “3 năm sau tôi thu hoạch lứa cây đầu tiên, 300 triệu đủ cho thằng bé học đại học; 3 năm sau nữa nếu nó muốn du học, 300 triệu nữa, cũng đủ.
”
Lê Xuyến
Cùng chuyên mục
Bình luận