Theo dấu chân tìm mật – “Nghề một vốn bốn lời”

(Sóng trẻ) - Có một loại mật ong rừng thơm ngon và mang lại giá trị kinh tế cao đó là loài ong khoái sinh sống trong rừng già được cánh thợ “săn” ở xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ nhọc công đi tìm.  

Miễn dịch với nọc độc

Vừa có khả năng đọc được đường đi và vị trí ong rừng làm tổ, vừa có khả năng miễn dịch với nọc độc của ong, có lẽ vì vậy mà cái tên “dị nhân” được đặt cho anh Hà Văn Luật (31 tuổi), trú tại xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Theo “dị nhân” Luật chia sẻ, không phải nuôi, không cần vốn liếng, chỉ con dao cùng vài sợi dây rừng, bật lửa, quần áo, túi nilon đựng mật, đồ bảo hộ, gạo, đồ ăn khô cùng với vài giờ len lỏi trong rừng là có thể kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề “săn” mật ong.

1.jpg
Nơi làm tổ của ong có thể là ngọn cây, thân cây, hốc cây hoặc hang đá.

Theo anh Luật cho biết, ong rừng ở Tây Bắc được chia làm 4 loại gồm ong đá, ong ruồi, ong rú và ong khoái, đặc biệt ong khoái to và có nọc độc nhưng lại cho vị mật ngọt thanh hơn.

Giữa rừng núi bao la, cây cối um tùm, để xác định chính xác điểm làm tổ của ong là vô cùng khó khăn. Thế nhưng đối với anh Luật – người có thể thuần phục đàn ong rừng, để chúng đậu vào một phần cơ thể cũng không gặp nhiều trở ngại.

“Muốn lấy mật ong khoái phải đi vào mùa nắng bởi lẽ tổ ong thường được làm từ bột cây khô, chính vì vậy ong cần nhiều nước để giữ ẩm cho tổ và làm mát ong con nên chúng thường làm tổ gần khe suối để lấy nước cho tiện. Khi đó, người thợ ong sẽ quan sát và nhìn theo hướng ong bay là có thể tìm đến tổ của chúng”, anh Luật giải thích.

2.jpg
Không dùng bất kỳ dụng cụ bảo vệ cơ thể nào, “dị nhân” Luật có thể thu phục được đàn ong đậu vào tay mình.

Lần đầu tiết lộ về kinh nghiệm trong nghề “săn” ong, anh Luật cho hay muốn tìm được tổ ong thì thợ ong phải có nhiều kinh nghiệm, có “mẹo nhìn” cũng như phải tinh mắt và có sự kiên trì.

“Những thợ săn chuyên nghiệp chỉ cần nhìn hướng ong bay thấp hay bay cao, số lượng ít hay nhiều đã có thể đoán được vị trí và kích thước của tổ ong. Có hai cách để lấy mật đó là thợ săn làm một cái bẫy ở trên bông hoa, ong xuống lấy phấn sẽ bị nhốt lại, sau đó buộc một tấm nilon nhẹ, mỏng đủ để ong có thể bay được và lần theo hướng ong bay về tổ. Bên cạnh đó, người thợ ong cũng có thể dùng ống nhòm để dự đoán hướng ong bay. Khi tìm được tổ ong, người thợ mặc đồ bảo hộ rồi trèo lên cây, dùng khói để đuổi ong đi, sau đó dùng dao cắt tổ bỏ vào túi nilon mang xuống”, anh Luật chia sẻ.

3.jpg
Những người mưu sinh bằng nghề săn ong rừng, họ không bao giờ bắt ong chúa, ong trưởng thành mà chỉ cắt phần mật và 1 phần tổ để chúng sinh sản tiếp.

Nhờ nghề săn ong khoái, anh Luật anh có thể kiếm được từ 30-60 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh có một nguyên tắc bất di bất dịch trong nghề “săn” đó là chỉ lấy mật và không bắt ong chúa, ong thợ để chúng còn duy trì đàn làm tổ và sản xuất mật cho những mùa sau.

Đánh cược tính mạng

Cũng là một trong những thợ chuyên săn mật ong rừng, anh Trịnh Hoài Nam (29 tuổi), trú tại xã Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cho biết, công việc tìm ong cũng lắm may rủi, có hôm tìm được vài tổ thì việc kiếm bạc triệu không phải là khó nhưng cũng có khi đi mỏi chân chẳng được gì mà lại vô cùng nguy hiểm.

 “Có những ngày, để lấy được mật ong rừng, tôi phải vượt qua đồi núi, đến những con dốc chênh vênh, một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm để kiếm mật. Đó là chưa kể đàn ong rừng rất hung dữ, không may bị chúng đốt thì nguy, rồi có khi gặp rắn rết, mưa lũ bất ngờ, muỗi đốt, vắt rừng, gai đâm, té ngã là chuyện thường”, anh Nam cho biết.

4.jpg
Nghề săn ong được coi là nghề "trêu đùa với tử thần" bởi cực kỳ nguy hiểm nên anh Nam phải trang bị mũ lưới, găng tay để bảo vệ.

Mỗi khi vào mùa, anh Nam còn cùng bạn bè thành lập hẳn một đội chuyên “săn” mật ong rừng. Có những chuyến đi rừng xa ở những huyện vùng cao hay các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Lào Cai…., đội “săn” ong của anh Nam còn phải mang theo bạt để căng lều ngủ trong rừng, đánh cá suối rồi tìm rau rừng, cây chuối để ăn.

“Có lần sau khi lấy mật xong thì trời cũng tối, do địa hình hiểm trở nên trong lúc di chuyển khiến tôi trượt vách núi rách cả mặt. Cũng có có lần tôi bị 30-40 con ong đốt phải vào viện truyền nước để thải hết chất độc ra ngoài,” anh Nam nhớ lại.

5.jpg
Mật của những đàn ong khoái được bán với giá 490.000 đồng/lít.

Trong mỗi chuyến đi vào rừng lấy mật, anh Nam còn quay lại video những hành trình tìm ong rồi đăng tải lên kênh Youtube “Bước Chân Vùng Cao” và thu hút được nhiều lượt xem.

“Nghề “săn” ong vô cùng nguy hiểm thế nhưng những tháng ngày rong ruổi khắp các cánh rừng để chắt chiu từng giọt mật của tự nhiên không chỉ mang lại cho tôi và các anh em thêm nguồn thu nhập mà còn được khám phá và trải nghiệm cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ và núi rừng”, anh Nam bộc bạch.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN