Nhiều chủ trọ áp dụng “giá chung” để tận thu trái quy định
(Sóng trẻ) -Mức thu giá điện tối đa tại Hà Nội hiện nay là 2.927 đồng/kWh, tuy nhiên nhiều chủ trọ áp dụng "giá chung" từ 3.000 đến 4.000 đồng/kWh, vượt xa quy định nhà nước. Dẫu vậy, người thuê trọ vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận mức giá cao.
Giá điện “cao bất ngờ” trở thành điều “hiển nhiên”
Không khó để bắt gặp những phòng trọ, căn hộ mini, hoặc chung cư mini với giá điện dao động từ 3.000 đến 4.000 đồng/kWh, vượt xa mức quy định của nhà nước. Thế nhưng, lý do thường được đưa ra để biện minh cho mức giá này là: “Trọ gần trường, gần chợ, tiện đi lại…” hoặc “đây là giá chung”. Theo đó, giá cao dần trở thành điều hiển nhiên, trong khi mức giá điện được nhà nước quy định lại bị xem là “rẻ đến bất ngờ”.
Trần Thị Phương Anh (20 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Giá điện ở đây là 4.000đ/số. Tiền điện hàng tháng khoảng 800.000 đồng. Mùa hè dùng nhiều, tháng nhiều nhất lên đến 1 triệu đồng”. Giá cao như vậy, nhưng do trọ gần trường nên Phương Anh vẫn chấp nhận.
Áp lực về giá điện, nữ sinh này phải làm quen với lối sống tiết kiệm. Phương Anh cho biết, cô chỉ dùng điện thực sự cần, nếu không thì tắt hết: “Mình chỉ bật nóng lạnh khi trời rét. Điều hòa cũng chỉ dám bật 1- 2 tiếng vào mùa hè”. Mọi hoạt động như rửa bát, giặt quần áo, nấu ăn được cô cắt giảm về mức tối thiểu.
Giống với Phương Anh, Nguyễn Hữu Kiên (19 tuổi, Đại học Công nghiệp) hiện thuê phòng trọ có giá cao hơn mức quy định, Kiên chia sẻ: “Mình đang thuê trọ với giá 3.5 triệu tiền phòng, 3.500đ/số điện. Mình thấy mức giá này ổn so với mặt bằng chung. Giờ muốn tìm nơi rẻ hơn rất khó”.
Tuy vậy, tắt khi không sử dụng vẫn là nguyên tắc sống của Kiên từ hồi lên đại học. Nếu có thể tận dụng được ánh sáng ngoài trời để thay thế đèn học, Kiên sẵn sàng tắt điện.
Mức giá điện, nước mà nhiều chủ trọ áp dụng cho phòng trọ, căn hộ mini, hoặc chung cư mini thường cao hơn đáng kể so với quy định của nhà nước. Vì hầu hết người thuê trọ trong khu vực đều “chấp nhận” mức giá này, nên dần dần, nhiều người lầm tưởng rằng “giá chung” là hợp lý mà không tìm hiểu kỹ hoặc thỏa thuận rõ ràng trước khi ký hợp đồng thuê.
Khi liên hệ với các số điện thoại được đăng kèm trên các bài viết cho thuê phòng, nhiều người tự xưng là quản lý hoặc chủ trọ thường trả lời: "Giá chung rồi em ơi, khu này ai cũng thu như vậy." Câu nói này dường như đã trở thành lời biện hộ phổ biến, được các chủ trọ sử dụng để hợp lý hóa việc thu phí điện nước vượt quy định.
Quy định và chế tài chưa được thực thi triệt để
Theo quy định của Thông tư 09/2023/TT-BCT, giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với sinh viên và người lao động thuê nhà đối với bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình đã được sửa đổi. Mức giá điện bán lẻ điện sinh hoạt cho trường hợp này được quy định như sau:
Hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú: Chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Đối với, thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không kê khai được đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo được tại công tơ. Nếu chủ nhà kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì được cấp định mức căn cứ vào thông tin cư trú tại địa điểm sử dụng điện: Cứ 04 người tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Luật sư Nguyễn Văn Tuân, đại diện Công ty Luật hợp danh Đại An Phát và Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết: “Phần lớn các nhà trọ ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh không kê khai đầy đủ số lượng người sử dụng điện cũng như không ký hợp đồng thuê trên 12 tháng. Vì vậy, giá điện mà sinh viên và người lao động thuê trọ phải trả thường là 2.167 đồng/kWh (theo bậc 3)”.
Tuy nhiên, nếu người thuê ký hợp đồng trên 12 tháng và đăng ký tạm trú, họ có thể ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp để được tính theo mức giá điện bậc thấp nhất.
Luật sư Tuân khẳng định rằng hành vi của các chủ nhà trọ thu tiền điện từ 3.500 đồng một số là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng, đồng thời buộc phải nộp lại lợi ích bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm. Dù vậy, việc xử phạt hiện tại còn nhiều bất cập do nhiều giao dịch chỉ được thực hiện bằng miệng, khiến việc kiểm soát thông tin trở nên khó khăn. Tiền điện và nước thường được gộp chung với tiền thuê nhà và dịch vụ, thanh toán qua chuyển khoản, làm cho việc lưu giữ chứng cứ trở nên phức tạp. Hợp đồng thuê nhà là tài liệu duy nhất có thể sử dụng để kiểm tra.
Dù có các chế tài xử lý, nhưng với tình trạng phổ biến "giá chung" tại nhiều khu trọ, người thuê thường gặp khó khăn trong việc phản ánh hành vi vi phạm. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp quản lý và cơ quan chức năng.