Lò luyện thi khắc nghiệt hàng đầu Trung Quốc
(Sóng trẻ) - Học sinh phải học ít nhất 12 giờ/ngày, tham gia 13 lớp học, cấm không được quá thân thiết với bạn khác giới. Đó là những quy định của một trong những trường có cường độ luyện thi đại học nổi tiếng khắt nghiệt ở Trung Quốc.
Học sinh phải khép mình vào khuôn khổ kỷ luật rất khắt khe khi theo học tại Trường trung học Hoành Thủy ở Trung Quốc. Trường có nhiều chi nhánh nhưng trụ sở chính là ở tỉnh Hồ Bắc. Nài ra, thời gian cho mỗi bữa phải ăn của học sinh chỉ vỏn vẹn trong vòng 15 phút. Các em còn bị cấm ăn vặt. Những em nào không tập trung trong giờ học sẽ bị trừng phạt.
Trường trung học Hoành Thủy nổi tiếng là một trong những trường có kỷ luật học tập nghiêm ngặt nhất Trung Quốc. Khuôn khổ kỷ luật của trường được sao chép từ phong cách kỷ luật của quân đội.
Toàn bộ bài kiểm tra của một nữ sinh đã làm trong 3 năm học ở trường
Trong kỳ thi đại của Trung Quốc năm 2016, trường có đến 139 học sinh vào được Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Đây là 2 đại học nằm trong nhóm những trường danh giá nhất Trung Quốc. Lúc đó, không có trường trung học nào ở Trung Quốc có thể đạt được thành tích này.
Qua nhiều năm, với hình thức học tập kỷ luật kiểu quân đội, trường Hoành Thủy được mệnh danh là “nhà máy cao khảo” vì nó “sản xuất” ra rất nhiều học sinh vào được đại học. Đến nay, trường đã thành lập 18 chi nhánh ở những khu vực kém phát triển của các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, An Huy, Tứ Xuyên và Vân Nam. Bằng cách áp dụng cách học tập kỷ luật hà khắc, trường đã giúp nhiều học sinh ở những vùng nghèo khó này đậu đại học, từ đó mang theo hy vọng đổi đời cho học sinh.
Vào tháng 3.2017, trường đã mở thêm một chi nhánh ở thành phố Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang. Trường tuyên bố sẽ dành khoản tiền 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1,65 tỉ đồng) để thưởng cho những học sinh vào được một trong 2 trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.
Việc trường giúp nhiều sinh viên đậu đại học được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, cũng không ít người phản đối vì cách học nhồi nhét, khắc nghiệt và chỉ nhắm đến điểm số.
“Mô hình giảng dạy của Trường trung học Hoành Thủy quá thiên về kiểm tra, trong mắt họ chỉ quan trọng điểm số học tập chứ không xem trọng con người. Chiết Giang không cần một mô hình như vậy”, Phương Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Chiết Giang nói.
“Phương pháp dạy của trường gây hại cho thanh thiếu niên, hạn chế sự phát triển tính cách và sáng tạo của các em. Mô hình đó không phù hợp với những thay đổi cải cách giáo dục của tỉnh Chiết Giang”, giáo sư giáo dục Phương Triển Họa ở Đại học Chiết Giang nhận xét.
Những tranh cãi đã khiến Bộ Giáo dục Trung Quốc phải can thiệp và yêu cầu các nhà chức trách tỉnh phải mở một “cuộc đánh giá đặc biệt” tại chi nhánh của trường Hoành Thủy ở tỉnh này.
Thúy Nga (Theo South China Morning Post)
Cùng chuyên mục
Bình luận