Lối đi cho Ca trù trong thời đại ngày nay
(Sóng trẻ) - Ca trù là một bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Ngày nay, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Ca Trù ngày càng được quan tâm và chú trọng.
Trao đổi phỏng vấn, nhà báo Ngô Bá Lục - cựu phó tổng biên tập Saostar, cựu ca sĩ, đồng thời là giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc đã chia sẻ quan điểm và góc nhìn của ông về việc gìn giữ và phát huy các nét đẹp văn hóa nghệ thuật xưa:
Ca Trù và văn hóa nghệ thuật dân gian ngày nay
Sau 30 năm mở cửa nền kinh tế thị trường, chúng ta được tiếp xúc với rất nhiều luồng văn hóa khác nhau. Có một giai đoạn, thị trường giải trí chiếm lĩnh tất cả và nó làm lu mờ đi những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ngành giải trí cũng đà bắt đầu khai thác kho tàng văn hóa dân gian rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong thị trường âm nhạc, điện ảnh, sân khấu,... thì những giá trị này được đưa vào các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và được công chúng đón nhận.
Cùng với đó, các hoạt động bảo vệ, duy trì và phát triển cũng được các nhà quản lý văn hóa quan tâm. Vì vậy, có thể nói, trong những năm vừa qua thì nền văn hóa dân gian của Việt Nam được quan tâm hơn nhiều.
Dưới hướng đi trong nghị quyết trung ương đảng của nhà nước về việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Ca trù thì giờ đây âm nhạc cổ xưa này không chỉ là một bộ môn nghệ thuật truyền thống mà còn là hình thức du lịch văn hóa cho những du khách trong và ngoài nước.
Những khó khăn và hướng giải pháp
Dù đang được quan tâm hơn nhưng bộ môn này vẫn gặp rất nhiều khó khăn: sự quan tâm còn hời hợt, chưa đồng bộ; thiếu thị trường biểu diễn; không có công tác phổ cập giáo dục; sự cạnh tranh quá lớn mạnh của các thể loại văn hóa mới,...
“Với tôi, Ca trù là một bộ môn nghệ thuật khó. Theo nghiên cứu, thư cổ tịch cho biết Ca trù có đến 99 thể cách. Nhưng ngày nay, các đào nương lão thành cũng chỉ biết khoảng 15 điệu, tài liệu lưu trữ cũng chỉ có 26 điệu. Những số liệu này phần nào nói lên sự khó khăn trong quá khôi phục nó. Tuy nhiên, Ca trù cũng giống như một số bộ môn nghệ thuật truyền thống khác. Chúng đều có rất nhiều các làn điệu và thể cách khác nhau. Ví dụ: Người ta nói rằng có 36 làn điệu Quan Họ cổ, nhưng hiện tại thì nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã khai thác và sáng tạo để làm giàu hơn kho tàng vốn có. Và ca trù cũng như vậy! Chúng ta hoàn toàn có thể khôi phục và sáng tạo thêm giúp nó ngày càng gần gũi với đời sống hiện tại. Nhưng cần nhiều hơn sự quan tâm và hành động”. - nhà báo chia sẻ.
Việc khôi phục và phát triển phải là một chiến lược lâu dài. Những người làm công tác nghiên cứu phải phối hợp với các nhóm Ca Trù để phát triển, mở rộng và dần đưa nó vào đời sống. Yếu tố giáo dục sẽ là mũi nhọn trong chiến lược phát triển và phổ biến văn hóa dân gian nói chúng và ca trù nói riêng. Khi nào biến giá trị văn hóa xưa thành giá trị văn hóa nay thì việc khôi phục sẽ trở nên dễ dàng. Khi mà chúng ta làm được chuyện ai cũng có thể biết Ca trù là gì và ai cũng có thể ngân nga một vài câu Ca trù thì nó sẽ tạo được một sức sống mạnh mẽ!
Giới trẻ với văn hóa dân tộc
Nhà báo tâm sự: “Câu chuyện giới trẻ tiếp xúc nhiều luồng văn hóa trên thế giới mà dần xa rời các giá trị văn hóa truyền thống nước nhà cũng có một phần đúng. Nhưng chúng ta cũng không thể trách các bạn trẻ. Vì chúng ta đã chấp nhận mở cửa và sống theo “thế giới phẳng” thì việc giới trẻ tiếp nhận nhiều luồng văn hóa là một chuyện đáng mừng! Vấn đề cần bàn ở đây là chúng ta cần làm gì để không bị thua trên sân nhà. Giới trẻ hoàn toàn có thể vừa tiếp nhận văn hóa nước ngoài vừa yêu thích và bảo tồn văn hóa truyền thống. Ví dụ: Quan Họ được đưa vào chương trình vào giáo dục ở Bắc Ninh. Dù còn hạn chế và tồn tại nhiều bất cập song hiệu quả mà nó mang lại cho thấy việc để giới trẻ tiếp xúc gần và thường xuyên với các bộ môn văn hóa nghệ thuật dân gian sẽ đem lại hiệu quả cao”.
Giới trẻ với văn hóa dân tộc
Trao đổi về vấn đề: “giới trẻ thờ ơ các giá trị văn hóa dân tộc”, bạn Nguyễn Phương Linh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Không có ai không yêu bản sắc và văn hóa dân tộc mình! Nhưng quyền tự do lựa chọn hình thức giải trí là quyền cơ bản của mỗi người. Giới trẻ không thờ ơ văn hóa nước nhà! Chỉ là có quá ít cơ hội tiếp cận. Khi một người không hiểu, không rõ, không gắn bó thì việc yêu và duy trì là một việc rất khó khăn”.