Một ngày của cô giáo vùng cao

(Sóng trẻ) - Cứ mỗi chiều chủ nhật, 5 cô giáo trẻ lại vượt hơn 17km đường đèo dốc cheo leo, giữa một bên là vách núi dựng thẳng đứng, một bên là vực sâu hun hút để đem con chữ đến điểm trường xa nhất của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mỏ Vàng (Văn Yên, Yên Bái).

Con đường này thân quen với "cô giáo bản” tới độ, qua bao nhiêu khúc cua, đoạn nào có ổ gà, trơn trượt các cô đều nắm rất rõ. Thôn Khe Lóng 3 là nơi đồng bào người Mông nằm rải rác. Đường đi lên bản cũng do người dân tự mở, rộng chưa đầy 2m. Để tránh trơn trượt, các cô giáo phải lấy xích quấn vào bánh để xe đi bám đường. Từ trung tâm xã, vượt qua con đường đất đá gồ ghề đầy ổ voi, ổ gà, phải mất gần một giờ đồng hồ mới có thể đến được điểm trường heo hút này.

Ngày mới của những cô giáo cắm bản tại Khe Lóng 3 bắt đầu từ 5h30 sáng. Khi núi rừng vẫn còn đang chìm trong sương mù loang ướt, dường như chỉ có ngôi trường thức dậy đầu tiên trong bản làng, các cô giáo lại tất bật sửa soạn đồ đạc, “chặn đường” học sinh trốn đi nương để "lùa" các em đến lớp.

Đón chúng tôi vào tầm xế trưa, trên khuôn mặt các cô hiện rõ niềm vui vì lâu lâu mới có người ghé thăm nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Nằm nép mình bên dãy núi, điểm trường Khe Lóng 3 thấp lè tè với những mái lá cũ lợp đan xen. Căn nhà công vụ đơn sơ dựng bằng cột tre, phên nứa đã xuống cấp, gió lùa tứ phía, mái cọ dột nát giữa bạt ngàn gió núi vây quanh. Trong gian nhà trống huếch, tuềnh toàng ấy, chỉ có một chiếc bàn gỗ đã mục cũ, một chiếc giường ọp ẹp cùng vài ba chồng sách được đặt ngay ngắn.

ed2c259de_photo1490068754698.jpg
Căn nhà công vụ đơn sơ, lụp xụp mái cọ

b0de7a244_photo1490069720755.jpg
Gian nhà tuềnh toàng chỉ có một chiếc bàn gỗ đã mục cũ, một chiếc giường ọp ẹp cùng vài ba chồng sách được đặt ngay ngắn

Cách đó vài bước chân là điểm trường với 5 phòng học, mỗi phòng rộng chừng 15m2, nhưng quá rộng rãi so với tổng số cả thảy 67 em học sinh.

Hôm nay, lớp tan sớm nên cô giáo Đỗ Thị Chính tranh thủ về nấu cơm đãi khách. Thức ăn chuẩn bị cho bữa trưa khá đơn giản, gồm có 2 món chính là thịt luộc và rau muống xào. Đây được coi là bữa ăn thịnh soạn nhất trong tuần vì đồ ăn đều tươi sống. Hầu hết, đồ ăn “truyền thống” với các cô là măng rừng và cá khô. 

Cô Chính tâm sự: “Khoảng giữa tuần, đồ ăn dự trữ hết, chúng tôi lại chia nhau vào bản để mua trứng, lạc,… Có những hôm mưa gió, bữa cơm của 5 người chỉ vỏn vẹn một đĩa rau rừng luộc. Tính ra, trung bình một ngày mỗi người chỉ hết 15.000 – 20.000 đồng”.

da1aafb11_i_1720.jpg
Để nấu cơm các cô phải tự đi kiếm củi

Ở Khe Lóng cũng có điện nhưng do địa lý xa ngái nên điện chập chờn, có khi cả tuần trời không có điện để thắp sáng. Vì vậy, mọi sinh hoạt của các cô giáo đều tập trung vào ban ngày. “Cứ 3 giờ chiều chúng tôi lại đi hái rau rừng, kiếm củi về nấu cơm. Ăn uống xong xuôi đến 6 giờ trời cũng xẩm tối. Lúc này mấy chị em chỉ biết nằm trò chuyện cho khỏa lấp nỗi nhớ nhà” – Cô Bùi Thị Ái Liên chia sẻ.

Hỏi về những khó khăn nơi đây, các cô giáo bản đều cười trừ vì khó khăn nhiều vô kể. Trường học không có nhà vệ sinh, các cô phải đào hai lỗ nhỏ sâu xuống nền đất, đặt hai viên gạch để ngồi, chung quanh nơi vệ sinh được bao bọc bởi những tấm bạt tạm bợ.

ed2c259de_photo1490069720309.jpg
Nhà vệ sinh được bao bọc bởi những tấm bạt tạm bợ

Ở Khe Lóng cũng không có sóng điện thoại, thậm chí không có cả nguồn nước suối dồi dào. Để có nước sinh hoạt, các cô thường lấy từ khe trong suối chảy ra. Muốn liên lạc với “thế giới bên nài”, cách duy nhất là phải đi bộ lên một ngọn đồi cao để hứng sóng rớt. Vì vậy, dù có smartphone nhưng cũng bị vất chỏng chơ như cục gạch. Không thể liên lạc về nhà, nỗi nhớ con của các cô giáo vùng cao bị nhốt lại giữa tứ bề là núi.

Nài cô Chính, ở Khe Lóng 3 còn có bốn cô giáo “cắm bản” khác. Trong số đó, chỉ có cô Nguyễn Thị Hoa (Mậu A, Văn Yên, Yên Bái) chưa lập gia đình. Thay vì nỗi nhớ con, cô giáo trẻ sinh năm 1992 lại thổn thức vì nỗi nhớ người yêu mỗi khi màn đêm buông xuống. 

“Ở đây gọi điện khó. Muốn nghe giọng người yêu thì anh ấy phải lên đây thăm, ăn một bữa cơm rồi về. Nhưng đường đi lại vất vả quá nên từ khi nhận công tác, anh ấy mới lên thăm mình 5,6 lần. Cũng nhớ nhung đấy nhưng lực bất tòng tâm” - cô Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, với các cô giáo “cắm bản”, khó khăn nhất vẫn là việc dạy ngôn ngữ. Trẻ em tại thôn Khe Lóng 100% là người dân tộc Mông. Với những em dân tộc không biết tiếng Kinh, cô giáo phải “đánh vật” với học trò mấy tháng trời mới có thể hiểu nhau. Nhiều trường hợp cô giáo giảng mãi học sinh không hiểu, chỉ im lặng, ngồi yên không nhúc nhích.

Khó khăn là thế nhưng với những cô giáo cắm bản, “dù thiếu điện, nước vẫn phải có điểm trường. Nếu không mang được lớp học đến tận bản làng, có nghĩa ở đó con trẻ sẽ thất học, mù chữ”. Nhờ các cô giáo cắm bản, tiếng trống vào học vẫn ngày ngày vang lên đều đặn trên đỉnh non cao.

Ông Trần Tuấn Anh (Phó chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng) cho biết: “Xã Mỏ Vàng là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên có trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. 
Trường tiểu học tại thôn Khe Lóng 3 là một trong 6 điểm lẻ của Trường Tiểu học xã Mỏ Vàng. Tại đây có 67 học sinh với 5 lớp học cơ sở vật chất vô cùng khó khăn. 
Hiện nay, xã đã quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục tới từng thôn xóm. Cùng với đó, xã chú trọng xây dựng cơ sở vật chất để cuối năm 2018 có thể đưa cô và trò xuống trường trung tâm học tập bán trú”.

Thúy Nga

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN