Một số hạn chế về thông tin khoa học và công nghệ trên báo chí: Hiện trạng và giải pháp
(Sóng trẻ) - Khoa học và công nghệ (KH&CN) là lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của quốc gia. Nhưng thông tin về KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng còn nghèo nàn, chưa có vị trí xứng đáng.
1. Đặt vấn đề
Khoa học và công nghệ (KH&CN) có một tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Điều ấy ai cũng biết nhưng để "hiểu" sâu sắc và ngấm vào đời sống thực tiễn thì không phải ai cũng "thông". Đã có không ít những quyết sách và hành động mạnh mẽ để KH&CN phát triển. Mặc dù chưa thực hài lòng, nhưng không thể phủ nhận KH&CN ngày càng có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, so với nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác, KH&CN chưa có vị trí xứng đáng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể điểm qua vài nét khái quát về thực trạng này và cùng nhau gợi mở một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đó.
2. Những hạn chế khi thông tin KHCN trên báo chí
Thông tin hạn chế cả lượng lẫn chất
Nói hạn chế là khiêm tốn, thực sự ra phải dùng từ "mờ nhạt", vì nếu so với vị trí, tầm quan trọng cũng như vai trò ứng dụng rất cao của nó trong mọi mặt đời sống xã hội thì thông tin về KH&CN phải nói là ít được các phương tiện thông tin đăng tải. Một số rất ít báo có mở các chuyên trang, chuyên mục "KH&CN" nhưng thông tin cũng còn nghèo nàn, chủ yếu dừng ở mức phổ biến kiến thức, cơ chế chính sách. Một số báo thì săm soi vào các vụ tiêu cực trong lĩnh vực này (như đạo đề tài, ăn bớt xén tiền đề tài, chất lượng công trình xuống cấp...) để câu khách hơn là động viên, suy tôn những thành tựu của KHCN ứng dụng thiết thực vào đời sống người dân.
Hình thức thông tin chưa phong phú, chưa có cách viết gần gũi, dung dị, để người dân bình thường nhất cũng hiểu được mà thiên về tính học thuật, hàn lâm.
Thông tin còn nặng về vĩ mô, chuyên ngành mang tính học thuật, thiếu hấp dẫn, không gần gũi với người dân.
Hiện cả nước có hơn 800 ấn phẩm báo in, hơn 100 báo và trang web điện tử, gần 70 đài phát thanh truyền hình với khoảng 150 kênh khác nhau. Tuy nhiên, thông tin về KH&CN dường như chỉ giới hạn trong ấn phẩm chuyên ngành, các tạp chí của các cơ quan nghiên cứu khoa học, kỹ thuật... Vì nằm ở các ấn phẩm chuyên sâu nên thông tin nặng tính học thuật, thiên về nghiên cứu, ít thông tin về khoa học ứng dụng, đặc biệt là thiếu vắng các thông tin gắn với những vấn đề bức xúc trong xã hội. Các ấn phẩm chuyên ngành này số lượng phát hành ít, bạn đọc hạn chế nên tính đại chúng, phổ biến không cao.
Trong khi đó, thông tin KH&CN trên các báo in, báo điện tử và đài phát thanh truyền hình có số lượng bạn đọc lớn nhìn chung còn mờ nhạt. Lý do là chưa có hình thức tuyên truyền hấp dẫn, các vấn đề đưa ra chưa gắn với thời sự đời sống nên bản thân các cơ quan báo chí ít dụng loại thông tin này, mặt khác bạn đọc cũng không mấy quan tâm vì nó không sát sườn với đời sống của họ.
Tính phản biện chưa cao, nếu có cũng khá chậm, yếu ớt
Có thể kể ra một loạt ví dụ: vụ thủy điện sông Tranh báo chí lên tiếng cả năm trời tranh cãi nhau nảy lửa về tính an toàn của đập thủy điện khi có động đất. Người nói động đất cấp 6 trở lên có thể vỡ đập, người bảo không thể vỡ... Nhưng các nhà khoa học về đập, về kết cấu chịu lực, về công nghệ làm đập lên tiếng rất chậm chạp, thậm chí dường như không thấy lên tiếng mà lại để cho mấy quan chức, các nhà báo (những người vốn không có chuyên môn sâu) tranh cãi và không đi đến kết cục nào... Hay như xăng sinh học E5, trong khí giá xăng dầu thế giới đang lên rất cao, những nỗ lực trong nước sản xuất xăng sinh học để thay thế dần dần thì những tiện ích của loại xăng này dân hầu như mù thông tin. Hậu quả là đến nay loại xăng này đang bị hắt hủi và có nguy cơ chết yểu (trong khi các nước tiên tiến đã có xăng sinh học E85). Hoặc như thông tin Hai Lúa chế tạo máy bay trực thăng, một kỹ sư ở Thái Bình chế tạo tàu ngầm, rồi đường sắt khổ 1m có chạy được tàu tốc độ tới 120km/h? Báo chí khá ồn ào, thậm chí ầm ĩ về các đề tài này, nhưng dường như các nhà khoa học cũng còn đứng nài cuộc!
Lấy vài ví dụ như vậy để thấy tính phản biện của thông tin KH&CN trên báo chí còn khá hạn chế. Trong khi đây chính là những điểm nóng, rất cần các nhà khoa học (đặc biệt là khoa học ứng dụng) lên tiếng. Phản biện hiểu theo nghĩa tích cực tức là dựa trên các chứng lý thuyết phục, khách quan về khoa học để đưa ra các ý kiến phản bác hoặc đồng thuận. Từ đó người dân sẽ tin các nhà khoa học hơn (tất nhiên là tin hơn các nhà báo "phán" mà không có nghiệp vụ).
Nguyên nhân có thể các nhà khoa học chưa mặn mà với việc thông tin phản biện trên báo chí. Mặt khác sự lý giải của nhà khoa học vốn thận trọng, bài bản nên cần có thời gian (nhưng kéo dài quá thì hết thời cơ). Thông tin vì vậy mà thiên về học thuật khô cứng nên cũng không hấp dẫn các báo.
3. Nguyên nhân
Bộ chủ quản, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN chưa thực sự quan tâm tới công tác truyền thông (tuy gần đây có được cải thiện nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được). Các cơ quan báo chí thực sự vẫn chưa được cung cấp thông tin cũng như hiểu rõ những vấn đề cốt lõi của KH&CN với sự nghiệp phát triển đất nước. Cơ chế cung cấp thông tin KH&CN cho báo chí chưa thường xuyên, những vụ việc lớn nổi cộm chưa có người phát ngôn chủ chốt. Chưa có hình thức tuyên truyền phù hợp với phong cách báo chí, còn nặng về tính hàn lâm.
Về phía các cơ quan báo chí thực sự chưa mặn mà với việc thông tin lĩnh vực này. Một mặt do đội ngũ phóng viên, biên tập viên am hiểu về KH&CN còn ít và hạn chế. Mặt khác PV không mấy say mê với lĩnh vực này vì nghĩ nó khô khan, khó viết và không "hot", không được đánh giá cao. Rất ít báo chí có số lượng phát hành lớn có chuyên trang hay chuyên mục về KH&CN mà chỉ thông tin theo vụ việc, theo kiểu ăn đong, được chăng hay chớ. Một số báo "ham" đi vào các vụ việc tiêu cực của ngành mà ít quan tâm tới thành quả ứng dụng.
Nhận thức của các nhà quản lý, các nhà KHCN và giới báo chí về sức mạnh của truyền thông trong lĩnh vực KH&CN chưa tương xứng với vị trí của nó nếu không muốn nói là còn xem nhẹ. Tư duy thông tin về KH&CN lẽ ra phải đi tiên phong như bản chất của nó nhưng thực sự lại lạc hậu, chậm đổi mới hơn so với các lĩnh vực khác khá xa.
4. Giải pháp
Về phía cơ quan cung cấp thông tin
Cần nhận thức lại vai trò, vị trí của thông tin trên báo chí với sự phát triển của KH&CN, đặc biệt là những thành tựu ứng dụng to lớn vào quốc kế dân sinh.
Cần có chế độ cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất cho báo chí (khi có sự kiện lớn).
Chủ động hợp tác với các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình thông tin có hiệu quả, dễ hiểu. Lấy ví dụ như chương trình "Chuyện nhà nông" của GS. Nguyễn Lân Dũng trên truyền hình. Cách thức nói chuyện dí dỏm, diễn giải những vấn đề cao siêu của khoa học qua những ví dụ dẫn chứng rất sinh động với nông dân là một trong những cách thức rất cần được nhân rộng trên báo chí. Mặt khác, nên chăng cần học tập một số cách truyền thông gắn với thực hành và đời sống như chương trình ATGT của Công ty Honda VN đang làm trên TV.
Những công trình KH&CN được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, những cảnh báo về chất lượng sản phẩm, những tấm gương các nhà khoa học có đóng góp lớn cho đất nước, những kiến thức khoa học phổ thông... là những vấn đề mà báo chí đang "đói" thông tin. Nên chăng, cơ quan chủ quản cần chủ động cung cấp cho báo chí các thông tin này.
Khi có vụ việc nổi cộm bức xúc trong dư luận xã hội với những vấn đề liên quan tới KH&CN, chất lượng sản phẩm công trình... cơ quan chủ quản cần vào cuộc nhanh chóng. Tránh phản ứng quá chậm hoặc né tránh khiến dư luận nghi ngờ, mất lòng tin không cần thiết.
Giải thưởng báo chí viết về KH&CN mới được 1 năm cần được duy trì. Tuy nhiên, không nên để báo chí tự "bơi", tự tìm kiếm đề tài mà cơ quan chủ quản phải chủ động gợi mở giới thiệu cung cấp các địa chỉ, các công trình, nhân vật tiêu biểu giúp báo chí tiếp cận nhanh đề tài, vừa góp phần tuyên truyền thông tin cho ngành vừa giúp ích cho xã hội khi tiếp nhận những thông tin bổ ích.
Về phía cơ quan báo chí và các nhà báo
Lực cản lớn nhất để thông tin KH&CN còn ít xuất hiện trên báo chí chính là độ nóng của nó. Phải thừa nhận nếu chỉ đơn thuần phổ biến kiến thức thì KH&CN là thông tin nguôi, ít được bạn đọc quan tâm (đương nhiên báo chí cũng không quan tâm). Báo chí chỉ nóng lên khi các vấn đề bức xúc về KT-XH có liên quan đến KH&CN (chủ yếu chất lượng sản phẩm, chất lượng công trình, các ứng dụng thiết thân với đời sống người dân). Kinh nghiệm cho thấy, những lúc như vậy thì các nhà khoa học phải lên tiếng phản biện (đúng hay sai, có cái đúng, cái sai...), từ đó định hướng dư luận. Vai trò của KH&CN nói chung, các nhà khoa học nói riêng dễ được xã hội ghi nhận và khẳng định chính là ở những sự kiện và thời điểm này. Hơn lúc nào hết khi có các sự kiện nóng như vậy, cơ quan chủ quản phải chủ động có người phát ngôn, người phản biện và phải vào cuộc nhanh, quyết liệt với một nguyên tắc là bảo vệ cái đúng, đứng về lợi ích người dân.
Mỗi loại hình báo chí cần có một hình thức thông tin riêng đặc thù sao cho hiệu quả và hấp dẫn người đọc. Trong việc này rất cần sự trợ giúp của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN, bộ chủ quản và các nhà khoa học, viện, trường và các DN liên quan. Kinh nghiệm từ một số báo tuyên truyền hiệu quả về đề tài này cần cộng tác với một số nhà khoa học tên tuổi vừa có kiến thức uyên bác nhưng cũng phải có cách truyền thụ kiến thức dung dị, dí dỏm và mang tính báo chí để người dân dễ tiếp thu. Trong loại hình này thì các báo điện tử, phát thanh truyền hình có thế mạnh hơn cả.
Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo các nhà báo chuyên viết về KHCN, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà cả về cách thức truyền tải hấp dẫn dễ hiểu và hiệu quả.
Cuối cùng là để thông tin KH&CN được đăng tải trên báo chí được đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự đột phá cả về chất lẫn lượng rất cần sự cộng tác, bắt tay và vào cuộc thật sự của cả "3 nhà": Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà báo!
Nguyễn Đình Chúc
Phó Tổng biên tập báo Lao Động
Cùng chuyên mục
Bình luận