Nghệ An - quê biển mùa mưa bão
(Sóng trẻ) - Năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại đã có 9 cơn bão đi qua lãnh thổ Việt Nam. Trong đó Nghệ An và các tỉnh thành lân cận khác phải chịu ảnh hưởng của 4 trên tổng số 9 cơn bão này. Và trong những ngày gần đây, người dân xứ Nghệ đang phải đoàn kết cùng nhau chống chọi với cơn bão số 10 - cơn bão được xem là mạnh nhất lịch sử.
Quê nhà từng phút chống chọi mưa bão
Nhận được tin báo cơn bão số 10 đã đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế và trọng tâm ở các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, Quảng Trị, những ngày qua trên các trang mạng xã hội đã có rất nhiều thông tin được chia sẻ để cùng chung tay giúp đỡ đồng bào miền Trung phòng chống lụt bão.
Trang facebook Nghệ An và Hà Tĩnh liên tục cập nhật thông tin cơn bão số 10 cho người mọi người biết
Là một tỉnh đồng bằng ven biển, Nghệ An có rất nhiều lợi thế về phát triển kinh tế đặc biệt là đánh bắt thủy hải sản và xây dựng các khu nghỉ mát, dịch vụ… Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng do vị trí địa lý này mà vào mùa mưa bão, người dân nơi đây cũng phải chịu không ít tổn thất nặng nề do thiên tai gây ra.
Ông An - một cư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ chia sẻ: “Cả gia đình tôi 6 miệng ăn đều nhờ vào cái nghề bắt cá này. Trời nắng đẹp, mưa thuận gió hòa thì hôm ấy được mẻ cá lớn đem ra chợ bán, cả nhà no bữa, có tiền dư dả cho con cháu đi học, mua cái nọ cái kia. Còn như cả tháng nay, mưa gió thất thường, biển động, cá cũng chạy đi đâu hết, có hôm đi tàu ra biển rồi quay đầu trở về”.
Ông An đang neo đậu tàu - làm công tác chống cơn bão số 10
Chưa cần kể đến tác hại sau cơn bão vừa rồi, chỉ vừa mới trước khi tâm bão kéo vào đất liền, những cơn mưa to đã xối xả ập đến gây ngập lụt trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. Những năm vừa qua, Nghệ An là tỉnh thành đã không ít lần phải hứng chịu tình trạng này. Địa hình trũng thấp, ao hồ dày đặc với vị trí địa lý gần biển khiến mực nước ngày càng dâng lên cao, ùa vào cả những căn nhà nhỏ.
Nước ngập quá sâu, người dân phải tự làm bè để thuận lợi cho việc đi lại
Trở lại khu vực ven biển, rất may là trước khi bão vào, cư dân tại đây đã kịp sơ tán vào đất liền để tránh bão. Ở khu vực biển Quỳnh (Quỳnh Lưu, Nghệ An), sóng biển dâng cao gấp 8-9 lần so với bình thường, gây thiệt hại nặng nề đến tài sản của những cư dân nơi đây.
“Vào 3 giờ sáng, gió đã rít lên từng cơn mạnh, liên hồi, mái tôn nhà tôi cũng đã lắp được lâu rồi nên bắt đầu kêu lạch cạch, gió sắp thổi tung cả mái tôn. Lúc đó cả nhà lo lắm, không ngủ được nữa. Vợ chồng, con cái đều phải dậy xếp đồ đạc gọn gàng, che chắn cẩn thận cả đêm rồi mới đến xếp quần áo, bàn ghế, bếp ăn cho lên xe mang vào nhà ông bà trong đất liền không thì để nài này giờ có mà trôi hết mất rồi. Không biết bao giờ mới quay trở lại làm ăn bình thường được.” - anh Long kể lại với giọng buồn rầu.
Từ nhà ra ngõ, đâu đâu cũng là một màu nước trắng lẫn đất cát
Hậu quả của cơn bão số 8 vừa để lại chưa kịp khắc phục, cơn bão số 9 liền kề đã mang theo những cơn mưa trút xuống mảnh đất “dầm mưa dãi nắng” này. Những ngày tiếp theo, siêu bão Doksuri lại đến khiến người dân nơi đây khó khăn chồng chất khó khăn.
Nơi xa không ngừng lo lắng
Nghe tin quê nhà có bão, những người con đi học, công tác xa quê cũng không ngừng lo lắng cho tình hình của người thân, của quê hương. Trước ngày tâm bão vào tới Nghệ An, đã có rất nhiều lượt chia sẻ thông tin, nhiều lượt truy cập trạng thái hỏi thăm, động viên gia đình, bạn bè trên mạng xã hội.
Những lượt chia sẻ, truy cập trạng thái liên quan đến cơn bão được quan tâm từ các bạn sinh viên.
Chị Phạm Thu Yến - sinh viên năm cuối trường Đại học Thương mại tâm sự: “Mình cũng là một người con của xứ Nghệ, nghe tin siêu bão vào quê mà lòng buồn lắm, cả đêm lo lắng gọi điện liên tục về nhà chỉ để hỏi thăm tình hình ở nhà như thế nào rồi, có bị thiệt hại gì không. Bố mẹ chỉ bảo là quê nhà vẫn ổn, mưa nhỏ thôi, con không phải lo, cố gắng mà học tập. Trong khi đó mình đã được xem nhiều hình ảnh ngập lụt do bạn bè ở quê chia sẻ. Cũng vì năm cuối rồi nên thời gian không cho phép mình về thăm nhà và bố mẹ nhiều hơn. Hy vọng là tất cả vẫn ổn, đừng có thiệt hại gì về người, thương tâm lắm”.
Mặc dù đã được thông báo trước về tình hình thiên tai để mọi người cùng phòng tránh thế nhưng hậu quả nặng nề mà mỗi cơn bão đi qua và để lại là điều không thể tránh khỏi. Sau cơn bão, người dân Nghệ An phải mất một thời gian ngắn để khắc phục hậu quả, trở lại với cuộc sống bình thường. Những sự quan tâm, giúp đỡ từ mọi miền đất nước hướng về miền quê này là động lực, sức mạnh cho người dân xứ Nghệ vượt qua khó khăn, vươn lên học tập và lao động trong cuộc sống.
Nguyễn Liên
Cùng chuyên mục
Bình luận