NGHỀ MÚA : KHỔ LUYỆN ĐỂ TỎA SÁNG
(Sóng trẻ) - “ Tuổi thọ nghề ngắn, gian nan khổ luyện, đôi lúc có hơi bạc nhưng vì lỡ yêu múa rồi nên lại tiếp tục cố gắng mà theo đuổi thôi” – là những lời tâm sự của Trương Thị Bích Hạnh 17 tuổi, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Múa Việt Nam.
Gian nan và khổ luyện
Là một trong những bộ môn nghệ thuật, nghề múa luôn đòi hỏi người học phải khổ luyện hàng ngày, hàng giờ. Việc luyện tập của bộ môn múa bắt đầu không chỉ ở việc ép dẻo mà còn nằm ở cả hơi thở và thể lực. Bích Hạnh cho biết :”Ngày trước, lúc em bắt đầu bộ môn năm 12 tuổi, em chưa biết gì về múa cả, cho tới khi em chính thức theo học thì mới hiểu sự khắc nghiệt của bộ môn, từng động tác, từng nhịp thở của bộ môn đều phải là sự rèn giũa trong một khoảng thời gian nhất định”.
Những vũ công múa luôn phải đáp ứng nhu cầu khắt khe về kĩ thuật
Để trở thành một vũ công múa, người học múa trước hết phải được kiểm tra việc bẻ xương, khớp rồi phải học tạo nguồn trong một tháng để thi chính thức. Bên cạnh đó, còn phải kiểm tra kĩ lưỡng về sức khỏe, cấu trúc xương và cả âm nhạc ( thẩm âm ). Chính vì vậy, để theo học múa chuyên nghiệp, không phải chỉ yêu thích là đủ, người học còn phải có năng khiếu, tố chất bẩm sinh. Bích Hạnh cũng cho biết thêm :”Em cũng gặp khó khăn khi học bộ môn múa ballet khi mà điều kiện cơ thể em cũng có những bất lợi: chân chưa mở, đầu gối chưa thẳng”. Thời gian để theo học chuyên nghiệp thường sẽ kéo dài từ 4 đến 5 năm, và trong suốt quãng thời gian học tập, người học múa sẽ phải tập luyện hàng ngày để giữ độ dẻo và mềm của các cơ, xương và khớp.
Không chỉ trong việc tập luyện, mà ngay cả sinh hoạt và ăn uống hàng ngày, người diễn viên múa cũng phải chú ý để có được một cơ thể khỏe khoắn, dẻo dai. Vũ Miên – Huy chương Bạc cuộc thi Tài năng Diễn viên Múa toàn quốc kể rằng: “Ngày trước lúc mình mới học múa, mình không ép dẻo được như các bạn, nên mình rất buồn và quyết tâm ép dẻo bằng được thì thôi. Trước khi ngủ lúc nào mình cũng đặt 1 chân lên thành giường, 1 chân mình đặt xuống dưới rồi cứ thế ép xoạc, lúc ngủ dậy mình cũng ép, nên giờ thành ra mình thích ép dẻo lắm ”.
Từng động tác luyện tập thể hiện rõ đam mê của những vũ công múa
Trò chuyện với nghệ sĩ múa Vũ Miên, chị cũng chia sẻ thêm: “Khi học múa, có rất nhiều những kĩ thuật, động tác khó, mà để làm được thành công thì hàng ngày họ phải tập từng chút một, nhưng kèm theo đó là những tai nạn không may có thể sảy ra. Và bất kì ai học múa chuyên nghiệp cũng từng gặp phải một chấn thương nào đó, chị thì cũng vài lần rồi đó, nghỉ vài ngày cho lành lại rồi quay lại múa tiếp”. Nghe những lời chia sẻ đó, tôi càng trân quý hơn nghề múa, càng yêu mến những vũ công rèn luyện bằng mồ hôi và nước mắt.
“Đôi lúc đời cũng hơi bạc với nghề múa ”
Trương Thị Bích Hạnh, cô sinh viên trường
múa năm nay mới 17 tuổi tâm sự, nhìn kĩ vào ánh mắt của cô gái còn trẻ,
đầy lửa mà phảng phất nỗi buồn: “Em học múa từ năm 12 tuổi, đến nay là 5 năm
theo học múa rồi, người học múa đẹp nhất là khoảng trước 20, rồi sau đó đến 25
tuổi sẽ khác, sau 25 tuổi thì càng khác nên tuổi nghề của bọn em cũng chỉ khoảng
10 năm thôi, khổ luyện cũng mất 4 đến 6 năm rồi, em may mắn được học múa sớm
thôi.” Ra là vậy, tuổi nghề của diễn viên múa chỉ nở rộ cùng với tuổi thanh
xuân.
Mỗi mũi chân là một câu chuyện riêng về múa
Vũ Thế Phong - một cựu học sinh trường múa đã tốt nghiệp, nhưng hiện nay lại không tiếp tục theo nghề múa chia sẻ: “Lúc ra trường thì múa vẫn là niềm đam mê lớn nhất của mình, lúc mình ra trường thì tuổi của mình với nghề cũng không còn nhiều, dù yêu lắm nhưng để có thu nhập ổn định hơn nên mình đã chọn cho mình một con đường khác”.
Bên cạnh đó, chuyện bùng show, hay quỵt
tiền diễn của các vũ công không phải chuyện hiếm gặp. Do đó bên cạnh
sự cạnh tranh, thu nhập bấp bênh, những vũ công múa chuyên nghiệp còn phải học
cách bản lĩnh với chính cuộc sống của mình.
Tung Kang