Nghệ nhân Phan Thanh Liêm - Có thể truyền tải nghệ thuật múa rối nước tới nước bạn, vất vả mình bỏ ra cũng xứng đáng

(Sóng trẻ) - Nghệ nhân Phan Thanh Liêm là truyền nhân thế hệ thứ 7 của một gia đình có truyền thống múa rối nước tại Nam Định. Mong muốn gìn giữ và phát huy được nghệ thuật múa rối nước cổ truyền của quê hương.  Nhiều năm nay, ông không chỉ dành nhiều nỗ lực để đưa rối nước chinh phục khán giả, du khách ghé thăm Thủ đô Hà Nội, mà còn đưa rối nước ra nhiều quốc gia khác trên thế giới như  Hàn Quốc, Italy, Ba Lan, Thái Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ… 

Dành trọn đời với múa rối nước

PV: Được biết ông sinh ra tại “cái nôi” của nghệ thuật múa rối nước ở Nam Định, ông có thể chia sẻ về sự gắn bó của mình với nghệ thuật múa rối nước?

Tôi rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống múa rối nước và hiện tại tôi đang là truyền nhân đời thứ 7 của gia đình. Thế hệ các cụ tôi ngày xưa sinh sống bằng nghề điêu khắc Đình, Chùa. Ngoài việc điêu khắc làm tượng, các cụ còn dành thời gian nghiên cứu tạo hình nên các hình tượng con rối nước, đóng góp cho địa phương cùng lưu giữ nghệ thuật múa rối nước.

Ông nội tôi đã đóng góp cho phường rối rất nhiều, cụ sáng tác các trò diễn được nhiều phường múa sử dụng đến ngày nay. Ngoài ra bố của tôi là nghệ nhân Phan Văn Ngải cũng là người đầu tiên được bộ văn hóa mời về để nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn nghệ thuật múa rối nước. Ông đã nghĩ ra dùng chất liệu gỗ Sung thay cho gỗ xoan, gỗ mít để làm thành con rối. Ưu điểm của loại gỗ này chính là gọn nhẹ hơn, dễ nổi hơn giúp cho người điều khiển đỡ vất vả. Ông cũng chính là người đã sáng tạo ra thủy đình đang được sử dụng ở tất cả các nhà hát múa rối hiện nay, đồng thời là chủ nhân của chú Tễu trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp).

Bởi vậy từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với con rối, cách làm các đạo cụ, niềm đam mê cũng từ đó mà lớn thêm. Khi theo nghề này tôi luôn nghĩ cách để sáng tạo, cải tiến con rối. Ngày xưa, các cụ thường cắt xốp để lót vào đế cho con rối, sau đó quấn vải màn lên. Nhưng làm theo cách đó, khi biểu diễn, con rối ma sát vào nhau khiến xốp bị vỡ nổi lên trên mặt nước nhìn rất xấu. Vì vậy nên tôi nghĩ ra cách dùng cao su để thay thế, vậy liệu này vừa nhẹ vừa bền có thể sử dụng được nhiều năm, vì vậy tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

 Ngoài ra tôi có sáng tạo nên sân khấu thu nhỏ để dễ dàng tiếp cận đến khán giả. có thể mang đi biểu diễn ở mọi nơi, từ trường mẫu giáo đến các lớp học thậm chí là ra nước ngoài, những nơi sân khấu truyền thống không thể tiếp cận được. 

1.jpg
Nghệ nhân Phan Thanh Liêm

 

PV: Được biết ông đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề, trong quá trình bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật múa rối nước, ông có gặp khó khăn gì không?

Để nói đến cái khó trong nghề có lẽ cái khó lớn nhất đó chính là làm như thế nào. Làm sao để mang nghệ thuật múa rối nước lan tỏa đến mọi người. Chính vì vậy tôi nghĩ ra việc cải tiếng sân khấu múa rối nước, tạo nên mô hình múa rối thu nhỏ. Có sự cải tiến sao cho gọn nhẹ hơn, có thể tháo lắp mang đi để biểu diễn nhưng đồng thời không làm mất đi cái chất truyền thống của múa rối nước.

PV: Mô hình sân khấu múa rối thu nhỏ của ông với sân khấu truyền thống có điểm khác nhau gì không?

Điểm khác biệt giữa mô hình sân khấu thu nhỏ với sân khấu truyền thống đó là khi khách đến tìm hiểu, giao lưu có cơ hội được cầm thử con rối, được trực tiếp điều khiển con rối. Hiểu sâu hơn về kết cấu của con rối. Được nghe kể về lịch sử và những câu chuyện xoay quanh múa rối rối nước. Bởi nếu chỉ xem biểu diễn thôi khán giả sẽ dễ nhàm chán và không cảm nhận nhận được cái hay của múa rối nước.

Vì là một sân khấu thu nhỏ, nên cả thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1m2, chứa khoảng 2/3 mét khối nước, chỉ cần một người biểu diễn. Cách biểu diễn cũng sẽ khác với biểu diễn sân khấu truyền thống. Con rối cũng sẽ có sự cải tiến sao cho gọn nhẹ hơn, có thể biểu diễn được nhiều con rối cùng lúc. 

2.jpg
Đến với mô hình sân khấu thu nhỏ, du cách có dịp trải nghiệm, điều khiển những con rối

 

Chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ

PV: Hành trình bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc không phải điều dễ dàng, đặc biệt ông còn mang múa rối nước giới thiệu với bạn bè quốc tế, chắc hẳn quá trình đó ông gặp không ít những khó khăn?

Hành trình mang rối nước đến với bạn bè quốc tế là hành trình rất vất vả. khác với loại hình nghệ thuật dân gian khác mỗi lần đi lưu diễn có thể đi nhiều người, mỗi người một việc, còn tôi có khi chỉ có thể đi 1 hoặc 2 người. Một khi ra nước ngoài, có rất nhiều điều bất tiện, giao thông không thuận tiện, những vật dụng cần thiết cũng khó có thể mua. Một mình phải chuẩn bị tất cả từ những cái nhỏ nhất, mỗi lần đi lưu diễn phải chuẩn bị thật chu đáo, dàn dựng mọi việc sao cho buổi lưu diễn hoàn hảo nhất. 

Có lần tôi sang Ý biểu diễn, lúc đó đoàn đi vào chiều 25 tết. Vì kinh phí của đoàn có hạn nên lần đó tôi chỉ có thể đi 1 mình, sang đến nơi thời gian chuẩn bị gấp gáp, giao thông không thuận tiện, thậm chí tôi phải mang bánh chưng đi để ăn, bởi không có thời gian để mua thức ăn. Sau đó lại bắt tay vào việc hoàn thiện lắp ráp, chuẩn bị để sáng hôm sau tổng duyệt chương trình. Ngay khi biểu diễn xong lại phải tháo lắp để ngay sáng hôm sau bay về nước, về đến Nội Bài hôm đó đã là chiều mùng 1 tết. 

Có chuyến đi có thời gian, có chuyến đi cũng thực rất vất vả. Mặc dù vất vả là vậy nhưng tôi có thể truyền tải, giới thiệu được nghệ thuật múa rối nước của mình đến với nước bạn, được bạn bè quốc tế đón nhận, điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui, những vất vả mình bỏ ra cũng xứng đáng. 

3.jpg
Nghệ nhân Phan Thanh Liêm quảng bá nghệ thuật múa rối nước đến với bạn bè quốc tế

 

PV: Khó khăn, vất vả là thế, liệu có bao giờ ông có suy nghĩ bỏ nghề hay chưa?

Tôi chưa từng có suy nghĩ sẽ bỏ nghề. Tôi theo nghề múa rối nước một phần để nối nghiệp ông, cha một phần cũng vì đam mê với nghề. Bởi làm nghề múa rối nước rất vất vả, nếu không có đam mê đủ lớn sẽ không thể gắn bó lâu dài với nghề. Tôi xác định khi làm nghề phải có trách nhiệm, Một khi đã xác định gắn bó với nghề là phải có trách nhiệm bảo tồn để làm sao có thể truyền tải nhiều hơn nghệ thuật múa rối nước đến với mọi người và du khách quốc tế. Đó cũng coi như một cách mình đền ơn đáp nghĩa ông cha ta. 

Hơn nữa, không phải lúc nào mình cũng có cơ hội được đưa múa rối nước đến với bạn bè quốc tế, nếu mình từ chối không đi đó chính là một sự thiệt thòi rất lớn. Thiệt thòi với mình vì bỏ lỡ một cơ hội quảng bá nghệ thuật truyền thống của mình. Thiệt thòi với du khách quốc tế vì họ sẽ không biết đến một nét đẹp văn hóa của nước mình. Vì vậy dù vất vả nhưng tôi vẫn luôn cố gắng khắc phục mọi thứ, tập trung cho chuyến đi.

PV: Năm 2020-2021 là năm các lĩnh vực xã hội bị ảnh hưởng do dịch covid 19. Cuộc sống và việc hoạt động múa rối của ông có bị ảnh hưởng nhiều không?

Từ khi bùng dịch đến nay, cuộc sống của tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện nay tôi hoạt động múa rối nước độc lập, không thuộc bất kỳ phường rối nước nào, tài chính cũng là tự mình, không có sự hỗ trợ của chính phủ. Vì vậy, mỗi khi tôi muốn sáng tạo hay có dự định gì cũng đều bị hạn chế. 

Hơn nữa, trong năm 2020 – 2021 từ khi bùng dịch đến nay hoạt động múa rối nước trở nên khó khăn hơn. Không chỉ riêng với múa rối nước mà các loại hình nghệ thuật khác cũng vậy. Khách quốc tế không thể vào Việt Nam được, các buổi biểu diễn cũng bị hạn chế. Trong những năm này, tôi cũng thỉnh thoảng tham gia một vài chương trình, hoạt động múa rối nước. Nhưng so với các năm trước thì ít đi rất nhiều. 

PV: Ông có thể chia sẻ thêm những dự định của mình trong thời gian sắp tới?

Dự định trong tương lai của tôi có rất nhiều, tôi muốn nghiên cứu thêm những trò diễn mới, cải tiến thêm để phù hợp cho việc biểu diễn ở khắp mọi nơi. Nói chung, các nghệ sĩ làm về nghệ thuật luôn luôn phải nghĩ cách đổi mới, tránh việc khiến cho khán giả cảm thấy nhàm chán, đương nhiên đổi mới nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống. Trước đây tôi có sáng tạo tiết mục về văn hóa giao thông và sắp tới đây tôi sẽ làm những tiết mục về bảo vệ môi trường, mỗi tiết mục sẽ tầm 20 phút đổ lại. Trong tiết mục sẽ có những sáng tạo để thêm phần hấp dẫn như đoạn cuối sẽ có hình bàn tay ôm quả cầu từ trong nước lên tượng trưng cho trái đất chẳng hạn. 

Ngoài ra, tôi muốn quảng bá nghệ thuật múa rối nước đến nhiều nơi. Tôi có dự định biểu diễn múa rối nước ở những nơi vùng sâu, vùng xa, đưa nghệ thuật múa rối nước đến với mọi miền đất nước. 

Cảm ơn ông đã đồng ý tham gia phỏng vấn, chúc ông sức khỏe và sớm đạt được những dự của mình!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN