Người đàn ông ngồi xe lăn chế tạo xe lă
(Sóng trẻ) - 64 tuổi, không may mắn như những người bình thường, nhưng ông Nguyễn Văn Trung hiện đang là giám đốc trung tâm “Sống độc lập” - một tổ chức xã hội cho người khuyết tật hàng ngày vẫn miệt mài ngồi trên chiếc xe lăn để chế tạo xe lăn cho những người cùng cảnh ngộ.
Ông Nguyễn Văn Trung sinh ra trong một gia đình ở huyện Điện Bàn - Quảng Nam. Năm lên 2 tuổi, dịch bại liệt đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của ông. Cũng từ đó việc sinh hoạt, đi lại đối với ông gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi học xong phổ thông, ông Trung tiếp tục tự học thành thạo tiếng Nga, tự dịch sách kiếm sống và được nhận vào trường Đại học Nại giao để dịch tài liệu cho đến khi về hưu.
Ông Nguyễn Văn Trung với xưởng sản xuất nhỏ của mình
Nói về ông Trung thì đó là cả một câu chuyện dài về một nghị lực phi thường, người anh hùng trong cả thời chiến lẫn thời bình, một tấm lòng cao cả, bao dung, nhân ái.
Động lực với việc chế tạo xe lăn
Lúc còn nhỏ, ông Trung được cha thuê một người thợ sắt làm cho một chiếc xe lăn để tiện đi lại nhưng xe khá nặng, khó di chuyển bằng tay và hay bị hỏng. Mỗi khi xe hỏng, ông không được ra nài, nhìn bạn bè cùng chang lứa được vui chơi, chạy nhày, trong lòng ông nhen nhóm ý định tự tay làm ra một chiếc xe lăn.
Nghĩ là làm, ban đầu ông mua gần 10 chiếc xe lăn mới tinh về rồi tháo tung ra nhằm tìm hiểu nguyên lý vận hành. Cứ lắp ráp rồi lại tháo lặp đi lặp lại nhiêu lần. Chiếc xe lăn đầu tiên được ông Trung chế tạo thành công và đưa vào sử dụng từ năm 1997. Ông Trung cho biết, lúc đầu phải đi vay mượn nhiều nơi để mua máy móc cơ khí, mỗi tháng nhận tiền lương hưu hơn 3 triệu đồng, ông cũng dành toàn bộ cho việc nghiên cứu chế tạo xe lăn.
Mỗi chi tiết nhỏ đều được ông làm tỉ mỉ, cẩn thận
Hiểu cảm giác ngồi trên chiếc xe kềnh càng, kém chất lượng nên ông Trung luôn cố gắng làm ra những chiếc xe lăn có chất lượng tốt nhất để phục vụ cho người đồng cảnh ngộ với mức giá bình dân nhất, dao động từ 1 - 2 triệu đồng/xe.
Ông Trung cho biết: "Ở Việt Nam các loại xe lăn loại tốt đều phải nhập khẩu giá cao và không có phụ tùng thay thế. Bởi vậy ông luôn tận dụng những phụ tùng sản xuất trong nước, những nguyên liệu dễ kiếm như ống inox, bánh xe đạp, đồ thủ công… có ưu điểm như nhẹ tay lái, dễ điều khiển, dễ sửa chữa khi hỏng và đặc biệt là hạ được giá thành của xe".
Sáng tạo của một người phi thường
5 năm trở lại đây, việc thiết kế mẫu xe được ông Trung thực hiện toàn bộ trên máy tính nên vừa đảm bảo độ chính xác, vừa rút ngắn thời gian chế tạo xe. “Để tạo ra một xe lăn hoàn chỉnh phải mất khoảng 5 – 7 ngày làm việc liên tục với hàng chục công đoạn khác nhau” - ông Trung chia sẻ thêm.
Riêng công đoạn hàn xì đã chiếm quá nửa thời gian chế tạo một chiếc xe. Thường người thợ phải thực hiện từ 150 - 200 mối hàn trên mỗi chiếc xe lăn. Đặc biệt, công đoạn cắt uốn inox tạo khung xe với người bình thường đã là cả một công việc nặng nhọc vì đòi hỏi nhiều sức lực và sự tỉ mỉ thì với ông Trung, để thực hiện được công đoạn này lại càng khó khăn.
Công đoạn hàn xì chiếm nhiều thời gian nhất trong các bước làm xe lăn
Bà Tạ Thị Liên, vợ ông chia sẻ: “Ban đầu, tôi không ủng hộ ông ấy chế tạo xe lăn vì công việc quá vất vả so với điều kiện sức khỏe. Nhưng thấy ông cả ngày cứ quần quật làm việc nên tôi cũng ủng hộ và tham gia phụ giúp”.
Tuy không được học qua trường lớp bài bản nào, mọi kiến thức về cơ khí đều tự mày mò tìm hiểu trên sách vở và người xung quanh nhưng những chiếc xe lăn do ông Trung chế tạo lại rất tiện dụng, dễ sửa chữa, tháo lắp và thay thế phụ tùng đơn giản.
Tính đến nay, có tới hàng trăm chiếc xe lăn do ông làm ra được bán cho những người khuyết tật ở khắp mọi miền tổ quốc. “Trong TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều loại xe lăn nhưng không ít khách hàng trong đó vẫn gọi điện đặt hàng tôi làm giúp một xe lăn ưng ý” - ông Trung cho biết.
Đôi bàn tay vốn chỉ quen với giấy bút dần trở nên thô ráp giờ đã đầy những vết bỏng muội hàn, ông Trung luôn
tâm niệm: “Hạnh phúc không phải là món quà tặng bất ngờ, hạnh phúc không tự đến mà chúng ta phải đi tìm nó”.
Với nghị lực sống, sự lạc quan của mình, ông thực sự đã góp phần không nhỏ trên hành trình tìm đôi chân cho người khuyết tật. Điều này khiến tôi liên tưởng đến câu nói của một nhà báo: “Khi ta không thể tự bay trên đôi cánh của mình thì ta sẽ mang tặng đôi cánh đó cho người khác được bay”.
Vũ Thị Tố Uyên
Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận