Người Hà Nội “trồng rau sạch tại gia”

(Sóng Trẻ)- Trong khi người dân Hà Nội vẫn phải “nhắm mắt” mua rau “bẩn”, đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của thành phố vẫn chưa phát huy hiệu quả thì dự án “trồng rau sạch tại gia” mang tên Vòng tròn sống (VTS) như một luồng gió mới mang tới hi vọng về một bữa ăn “xanh” an toàn. VTS cũng đạt giải thưởng trị giá 2.000 USD dành cho dự án xuất sắc nhất của cuộc thi dự án vì cộng đồng “Mầm nhân ái”.

Để có cái nhìn cụ thể và toàn diện về Dự án thú vị này, phóng viên đã có cuộc trao đổi thú vị với anh Nguyễn Quốc Thanh - tác giả của Dự án...  

 - Vòng tròn sống gồm có 3 dự án nhỏ với các nội dung chính: làm phân bón từ thức ăn thừa, hướng dẫn người dân trồng rau sạch trong thùng xốp tại nhà và làm gối thơm chữa bệnh cho người khuyết tật. Anh có thể cho biết cách thức triển khai các dự án đến với người dân Hà Nội – đối tượng chính của dự án?

Hiện tại, tôi đang cho tiến hành chạy dự án phổ biến cách làm phân bón từ rác thải hữu cơ và trồng rau sạch tại nhà cho người dân. Việc quan trọng và cần thiết để phổ biến dự án là thuyết phục người dân. Cần làm cho họ thấy họ được hưởng lợi gì từ dự án? Rõ ràng rau sạch, rau an toàn đang là nhu cầu bức thiết của người dân Thủ đô. Hơn nữa, nếu làm theo hướng dẫn trồng rau tại nhà và bón phân cho rau làm từ rác thải hữu cơ thì người dân sẽ giảm được chi phí mua rau xanh (có thể là không an toàn) hàng ngày, lại tiết kiệm thời gian đi đổ rác đồng thời giảm lượng rác thải không phân hủy được đổ ra môi trường.

Trên cơ sở lợi ích hiển hiện của dự án, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi phát bộ dụng cụ trồng rau và làm phân, tư vấn cách làm cho người dân tại 18 chợ trên địa bàn Hà Nội: Nghĩa Đô, Xuân La, Láng Hạ A, B, Dịch Vọng… Chúng tôi cũng thành lập đường dây nóng, cử người trực 24/24 để sẵn sàng giải đáp những thắc mắc cho người dân. Đồng thời, trong thời gian người dân trồng rau thử nghiệm, vào thứ 6, thứ 7 hàng tuần, chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng. Người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi tham gia dự án vì chúng tôi có đội ngũ kĩ sư nông nghiệp là cố vấn chuyên môn. Bản thân các tình nguyện viên tham gia dự án cũng được đào tạo các khóa học về nông nghiệp, môi trường.

 - Có cơ sở nào để thẩm định chất lượng rau sau khi trồng thử nghiệm để thuyết phục người dân chưa, thưa anh?

Bản thân tôi là minh chứng rõ ràng nhất. Tôi và gia đình tôi đều thử trồng rau sạch bón bằng phân làm từ rác thải hữu cơ tại nhà và sử dụng chúng hàng ngày. Bên cạnh đó tôi cũng mang chúng đi kiểm nghiệm tại Chi cục bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội). Kết quả hoàn toàn an toàn vì trồng rau theo phương pháp thủy canh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Thưa anh, việc đặt mục tiêu phổ biến “trồng rau sạch tại gia” cho khu đô thị “đất chật, người đông” như Hà Nội liệu có phù hợp?

Đây là điều mà tôi đã tính toán từ trước. Thùng xốp mà chúng tôi sử dụng để phục vụ làm phân bón từ rác thải hữu cơ hoặc trồng rau tại nhà có kích thước khoảng 20 x 30cm tức diện tích lấn chiếm chưa đến 1m2. Đối với một gia đình ở Hà Nội thì việc đặt những thùng xốp như vậy tại góc bếp, ban công hoặc tầng thượng là điều không khó khăn mấy.

- 9.000 người là số lượng người ước tính sẽ được phổ biến mô hình trồng rau tại nhà. Anh có thể cho biết căn cứ để đưa ra con số đó?

Tôi đã từng tham gia nhiều chương trình của các nhóm tình nguyện bảo vệ môi trường như dự án phân loại rác của nhóm 3R. Kinh nghiệm cho thấy thông thường các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với lợi ích thiết thân như bữa ăn an toàn hàng ngày đều nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người dân. Số lượng người tham gia không bao giờ ít hơn 150 người. Tôi lấy con số đó làm gốc và nhân với số lượng người dân tại các chợ trên địa bàn Hà Nội (mỗi chợ khoảng 500 người) – nơi mà chúng tôi tiến hành quảng bá dự án, thuyết phục họ tham gia dự án. Con số 9.000 người được tôi ước tính như vậy.

- Dự án đã chạy thử tại hai chợ Nghĩa Đô và Xuân La, anh có thể cho biết về kết quả?

Người dân rất hồ hởi với đề xuất của dự án. Họ cũng là người bán rau tại chợ và đã từng trồng rau nên họ biết, trồng rau trong thùng xốp sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Theo số liệu thống kê thì có 62 trên tổng số 70 người được hướng dẫn và phát bộ dụng cụ đã tham gia làm phân bón từ rác thải hữu cơ, trồng rau sạch tại nhà. Trong đó có khoảng 40 người cho ra “thành phẩm” đạt chuẩn chất lượng (chiếm hơn 50%). Những nguyên do làm phân hay trồng rau không thành công đều là chủ quan. Do một số người dân không chú ý quan tâm đến lứa rau đã trồng để bị sâu bệnh hoặc chuột gặm hay không đảm bảo lượng ánh sáng cho sự lên men của thùng phân…

- Thưa anh, hiện dự án đang được tiếp tục triển khai đến đâu?

Tôi đang cho tạm dừng hoạt động sau khi dự án nhận giải thưởng của cuộc thi “Mầm nhân ái”. Ban tổ chức cuộc thi đã tham vấn cho tôi về vấn đề mục tiêu của dự án. Tôi đang suy xét về mục tiêu quá tầm của dự án cũng như muốn có thời gian để bổ sung hoàn thiện dự án hơn, tránh vấp váp, sai sót, làm phụ lòng người dân. Theo như trao đổi, bàn bạc với các kĩ sư nông nghiệp, các chuyên gia bảo vệ môi trường của các tổ chức tình nguyện, tôi dự định để mục tiêu dự án dừng lại ở việc tăng lượng oxy, phủ xanh thành phố và giảm dư lượng bảo vệ thực vật trong rau xanh, góp phần đảm bảo dự án đi đến đích nhanh chóng, hiệu quả.

- Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội trị giá 500 tỷ đồng gặp trở ngại vì diện tích vùng rau thu hẹp, khó kiểm soát lượng rau lưu thông trong thành phố, ý thức người dân… Vậy anh có tin dự án của mình sẽ thành công?

Tôi cũng có cơ hội nghiên cứu qua đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội nhưng nó chủ yếu tập trung vào đầu tư cho các vùng rau có qui mô sản xuất lớn và hệ thống cửa hàng tiêu thụ rau an toàn. Chính vì thế mà thời gian triển khai cũng lâu hơn và cũng vấp phải không ít khó khăn khi còn nhiều cửa hàng “treo rau sạch, bán rau bẩn”, khó kiểm soát 60% lượng rau từ các tỉnh lân cận đang lưu thông trong thành phố.

 

Dự án của tôi mang tầm vi mô, khả năng triển khai dễ dàng, linh hoạt. Đồng thời nó là một chu trình khép kín, đồng bộ: làm phân bón từ lượng thức ăn thừa để bảo vệ môi trường, sử dụng phân để trồng rau tại nhà, cũng có thể áp dụng để trồng hoa, cây thuốc phục vụ làm gối thơm chữa bệnh… Khi mà người dân phải đối mặt hàng ngày hàng giờ với rau bẩn, rau có dư lượng bảo vệ thực vật vượt mức an toàn, rau bị phun thuốc kích thích tăng trưởng hay đặc biệt tình trạng khan hiếm rau đợt lụt ở Hà Nội vừa qua, hẳn nhiên “trồng rau tại nhà” theo chu trình tôi đưa ra sẽ là sự lựa chọn tốt nhất, là giải pháp để họ tự cứu mình khỏi những ca ngộ độc thực phẩm.

- Như vậy có thể hiểu rằng dự án đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai. Nhưng thưa anh,  trong quá trình chạy thử, dự án có gặp khó khăn gì không?

Trong quá trình đó, chúng tôi luôn phải đối mặt với việc làm sao để thuyết phục người dân tham gia dự án. Thường thì, một số người có rất ít thời gian rảnh và hoàn toàn không có kinh nghiệm trồng rau nên dẫn đến tâm lý “e ngại”. Tuy nhiên những lợi ích, mục tiêu tốt đẹp mà dự án mang lại cuối cùng cũng thuyết phục được những công dân “khó tính” đó.

- Vấn đề vốn của dự án thì thế nào? Giải thưởng 2.000USD có đảm bảo vốn triển khai dự án?

Trên thực tế thì để đảm bảo triển khai 3 dự án nhỏ trực thuộc VTS, 2.000USD không thể đáp ứng hay đảm bảo hoàn toàn vốn thực hiện như tính toán ban đầu. Tuy nhiên, đó cũng là nguồn vốn khởi tạo dự án tốt, giúp tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm trong quá trình chạy thử dự án cũng như phục vụ cho các dự định triển khai dự án sắp tới. Nhưng nhìn chung, dù có hay không sự tài trợ, tôi vẫn quyết tâm triển khai dự án này bằng tiền túi của cá nhân mình, và vận động sự tham gia các nhóm tình nguyện vì môi trường.

- Tôi có thấy thông tin đăng tuyển tình nguyện viên tham gia hướng dẫn giúp đỡ người dân trồng rau và làm phân bón hữu cơ tại các chợ ở Hà Nội, phải chăng dự án gặp khó khăn về vấn đề nhân lực?

Thực tế là các cuộc hành trình hướng dẫn người dân trồng rau hay làm phân bón hữu cơ tại các chợ rất đảm bảo về nhân lực. Tuy nhiên chúng tôi muốn nhân rộng qui mô quảng bá dự án ra các khu dân cư nữa. Thêm một tình nguyện viên là thêm một kênh quảng bá, tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia dự án. Như vậy, thời gian diễn ra dự án được rút ngắn và đảm bảo hiệu quả tương tác cao giữa tình nguyện viên với người dân tham gia dự án.

- Tôi có thể thấy rằng dự án hầu như không gặp phải trở ngại nào lớn. Vậy với tốc độ triển khai như thế,  anh có thể cho biết thời gian dự định đạt mục tiêu của dự án là bao giờ?

Tôi dự định đến khoảng tháng 7/2009, dự án sẽ đạt mục tiêu đề ra.

- Thưa anh, có căn cứ gì để chúng ta tin vào mốc thời gian đó?

VTS gồm 3 dự án nhỏ. Chúng tôi dự định thời gian tiến hành mỗi dự án là 2 tháng. Và cứ 2 tháng một lần sẽ tiến hành tổng kết lại quá trình thực hiện các dự án đó: phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm, bổ sung, hoàn thiện. Thời gian tháng 7/2009 sẽ là thời điểm chúng tôi dự định chốt lại toàn bộ dự án: điểm lại thành công, thất bại để từ đó có biện pháp phát huy hay khắc phục nhằm đưa ra được dự án hoàn thiện hơn, phục vụ đại chúng, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội xanh, sạch, đẹp và an toàn thực phẩm.

- Xin cảm ơn anh! Chúc anh và dự án VTS gặt hái thành công góp phần đem lại cuộc sống an toàn và thân thiện với môi trường cho người dân!

Phi Khuyên

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN