Người mẹ của những sáng chế "vĩ đại"
(Sóng trẻ) – Thương con bị bại liệt cả cuộc đời làm bạn với chiếc xe lăn và ngại tiếp xúc với thế giới bên nài, cô Nguyễn Thị Kim Sơn phường Trần Lãm (Thái Bình) đã tự mày mò học cách sử dụng và chế tạo thành công những vật dụng đặc biệt hỗ trợ con trai trên con đường đi tìm con chữ.
Suốt hơn 30 năm qua, cô Sơn không chỉ đóng vai trò làm mẹ mà còn là người bạn thân thiết, là người thầy tận tụy của đứa con trai tật nguyền - anh Đỗ Hà Cừ - chủ nhân của "Không gian đọc Hy Vọng".
Chiếc bàn khởi nguồn đam mê đọc sách
Cô Sơn kiểm tra và sắp xếp loạt sách được một người giấu tên gửi tặng “Không gian đọc Hy vọng”.
Con trai cô, Đỗ Hà Cừ – chủ nhân của “Không gian đọc Hy Vọng” với hơn 3000 đầu sách nổi tiếng đất Thái Bình – vốn là một người tự ti và sống khép kín vì từ khi sinh ra anh đã không may mắn mang trong mình di chứng chất độc màu da cam.
Kể về khoảng thời gian Cừ còn nhỏ, cô Sơn không giấu nổi sự xúc động: “Trước kia Cừ nhiều lúc bi quan lắm, nhất là những lúc mà các bạn cùng lứa tuổi đi học, các bạn chơi đùa nài đường. Cừ thì nằm ở nhà một mình, bố mẹ đi làm không có ở nhà, Cừ buồn. Có lúc buồn chán quá Cừ khóc một mình, thậm chí còn có lần tự tử nhưng mà cũng không tự tử nổi…”. Cô Sơn mắt ngấn lệ: “Thực ra, ngay hôm đó tôi cũng không biết đâu. Sau này Cừ nói tôi mới biết. Tôi cũng cố gắng tìm mọi cách để khắc phục những cái mà con đã phải chịu đựng, để Cừ khá hơn, gần với người bình thường hơn.”
Thấu được khao khát đến trường, khao khát vui chơi cùng bạn bè của con, cô Sơn đã mua sách về hết lòng dạy con học chữ. Cừ không giống với những đứa trẻ bình thường khác nên việc dạy chữ cho anh gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ được một, hai chữ. “Dạy chữ cho Cừ vất vả lắm. Cừ không tự cầm được sách nên tôi phải tìm mọi phương pháp để thuận lợi nhất cho Cừ. Phải đến 2 năm Cừ mới đọc được sách…” – Cô Sơn tâm sự.
Sau khi thuộc xong mặt chữ rồi, cô Sơn dạy con đánh vần. Khác với cách học của các bạn nhỏ, Cừ được dạy đánh vần theo cách khá đặc biệt: Mẹ đọc những bài thơ lục bát để anh dễ thuộc dễ nhớ, từ đó mới đánh vần theo.
Biết đọc rồi, Cừ lại càng khao khát được đọc sách hơn nhưng vì bị bại liệt nên anh chỉ có thể nằm đọc, hơn nữa chỉ có một ngón tay cử động được nên để lật được một trang sách đối với Cừ còn mất thời gian nhiều hơn việc đọc trang sách đó. Cô Sơn kể:“Về sau nghĩ ra là trước khi Cừ đọc thì phải vò nhàu tờ giấy chuẩn bị mở để nó lồng phồng lên, Cừ gẩy cho dễ… Rồi phải có những cái dây chằng trên chằng dưới, chằng ngang chằng dọc để ghim tờ giấy không bị lật, chứ Cừ không thể nào lấy lại tờ giấy đã bay được.”
Thương con, cô Sơn đã tìm cách thiết kế ra một chiếc bàn “để ghe ghé” và đặt sách lên đó cho con đọc. Tuy nhiên, trăn trở mãi vì độ nghiêng của bàn chưa ổn, cô Sơn đã sửa đi sửa lại nhiều lần mới tìm ra được góc nghiêng 45 độ như hiện tại, phù hợp với tư thế nằm của anh Cừ.
Cừ còn kể rằng, trước đây đọc sách không khác gì phá sách, vì lúc lật sách phải dùng nhiều sức nên các trang giấy không nhàu thì rách, thậm chí là bung cả gáy sách. Vì thế, sau mấy lần cho mượn sách hàng xóm không cho mượn nữa. Cô Sơn lại không có đủ điều kiện để mua sách cho con nên đã thuyết phục người hàng xóm đó cho mượn sách bằng cách đóng sách cẩn thận trước khi trả.
Chiếc máy tính đặc biệt kết nối những đam mê
Cô Sơn đeo găng tay cho con để phần tay tiếp xúc với đất lúc sử dụng chuột không bị thương.
Từ đó, Cừ có sách làm bạn. Học chữ, học đọc anh lại muốn học viết nhưng một ngón tay yếu ớt làm sao cầm bút được!? Nghĩ vậy cô Sơn tự mày mò học cách sử dụng máy tính để dạy con đánh chữ, dùng mạng xã hội kết nối với nhiều người.
Học chữ đã vất giờ học dùng máy tính lại càng vất hơn vì không thể sử dụng bàn phím như người bình thường, anh phải dùng bàn phím ảo thông qua con chuột chỉ di chuyển được bằng một ngón tay. Cừ chia sẻ: “Lúc đầu tôi phải nằm úp bò ra để gõ cũng không ăn thua vì nó không được chính xác, hơn nữa phải úp bụng xuống nên rất đau.”
Thậm chí, lúc dùng chuột máy tính tay anh còn bị chà xát mạnh xuống đất, nhiều lần bị xây xước, chảy máu. Thương con, cô Sơn lại nghĩ cách để Cừ ngửa chuột lên và di chuột ngược phía dưới một miếng đệm. Mỗi lần Cừ sử dụng máy tính, cô đều phải giúp con đeo một chiếc găng tay là hai đôi tất vải lồng vào nhau để bảo vệ tay cho Cừ.
Cô Sơn là người đã thắp lên hi vọng và niềm tin nơi đứa con tật nguyền vốn đã chịu nhiều thương tổn. Cô tâm sự: “Từ khi có “Không gian đọc Hi vọng” thì Cừ vui hơn nhiều. Cừ vui mỗi khi độc giả đến mượn sách và trò chuyện với mình, cùng độc giả trò chuyện về những cuốn sách. Hơn nữa trong quá trình vận động tìm sách ở trên mạng, Cừ quen biết với nhiều người hơn, có nhiều mối quan hệ hơn. Cừ trở nên vui vẻ hơn, không còn thấy bi quan như trước kia nữa.”
Cũng nhờ có mẹ mà giờ đây Cừ đã và đang lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc sách cho giới trẻ. Chàng trai đất Thái Bình chia sẻ: “Trên danh nghĩa tủ sách là do tôi lập ra nhưng thực chất đó đều do một tay mẹ tôi lo liệu cả. Từ việc đi xin sách đến sắp xếp lên giá rồi ghi chép người đến mượn. Không có mẹ, cuộc đời tôi thực sự vô nghĩa”.
Mọi sinh hoạt của con phần lớn đều do cô Sơn chăm sóc.
Con trai chỉ có thể nằm một chỗ nên mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm rửa đến học hành đều do một tay cô Sơn chăm sóc. Ngày còn làm công nhân, cô lúc nào cũng tất bật đi làm rồi lại về chăm con, chăm lo gia đình chu toàn mà không một lời than thở.
Giờ đây, dù đã ở nài độ tuổi ngũ tuần nhưng lúc nào cô cũng trường trực bên con. Suốt hơn 30 năm qua, cô Sơn không chỉ đóng vai trò làm mẹ mà còn là người bạn thân thiết, là người thầy tận tụy của Cừ. “Từng giờ, từng phút, từng giây/ Ba mươi năm ấy biết bao nhọc nhằn/ Mẹ yêu con hơn yêu cuộc sống/ Chăm sóc con như đứa trẻ lên ba…”
Nhờ có tình yêu thương và sự cổ vũ từ gia đình, đặc biệt là sự hi sinh thầm lặng của người mẹ, Cừ đã nỗ lực sống để không trở thành gánh nặng của gia đình, thực hiện ước mơ lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc sách cho giới trẻ.
Huyen Vu
Cùng chuyên mục
Bình luận