Người thanh niên lưu giữ hồn phố cổ trên gỗ

(Sóng trẻ) - Để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi trong một lần ghé thăm khu phố cổ là hình ảnh giữa dòng người hối hả, còi xe inh ỏi, một người nghệ nhân trẻ như tách biệt ở một thế giới riêng, cắm cúi say sưa khắc những con dấu gỗ tại cửa hàng nhỏ của mình. Câu hỏi đầu tiên nảy ra trong tâm trí tôi: “Tại sao một người trẻ thế lại chịu ngồi ở đây, kiên trì với những con dấu, với nghề khắc dấu cổ truyền đang bị mai một?”

Trước đây khắc dấu gỗ chính là một trong số những nghề độc đáo, tạo nên hồn thiêng của phố cổ, cho mảnh đất kinh kì. Hàng Quạt, Tô Tịch là hai con phố vốn nổi tiếng với nghề này nhưng Hàng Bạc là nơi tôi bắt gặp chủ nhân cửa hàng khắc dấu đã khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Và trái với những hình dung thông thường về một người nghệ nhân, người này không phải là một cụ ông người Hà Nội gốc mà là một thanh niên trẻ người miền Trung.

 5ad95feb5_anh_1.jpg
Khắc dấu gỗ – nghề truyền thống nơi phố cổ Hà Nội

Anh tên là Trịnh Xuân Lực, sinh năm 1984, quê ở Hà Trung, Thanh Hóa. 

Ấn tượng ban đầu của tôi về anh là sự hiền lành rụt rè nhưng khá dễ tính và thân thiện. Sau khi nghe tôi bày tỏ sự ngạc nhiên khi bắt gặp một người trẻ tuổi lại kiên trì với một nghề cổ truyền đang dần mai một, anh Lực cười rồi vừa vẽ phác một con dấu vừa từ tốn kể cho tôi nghe cơ duyên đưa anh đến với nghề. Chốc chốc, đôi mắt anh lại có vẻ mơ màng nhìn ra xa, hồi tưởng về khoảng thời gian chục năm trước.
 
5ad95feb5_anh_2.jpg
Người nghệ nhân trẻ Trịnh Xuân Lực

Xuất thân từ một gia đình nghèo khó nên anh phải lăn lộn mưu sinh với rất nhiều nghề từ khi mới 15 tuổi. Anh có một người cậu ruột làm nghề khắc dấu gỗ tại Hàng Quạt. Một lần ra Hà Nội và ghé thăm nơi đó, ban đầu anh Lực ấn tượng mạnh với những nét khắc tinh xảo trên từng thớ gỗ mịn, dần dần anh bị thu hút với nghề này lúc nào không hay. Nhìn cậu mình làm việc, anh Lực tò mò và thử làm theo.

Anh kể, ban đầu chỉ là sự hiếu kì, muốn thử học cho biết, càng lúc càng thấy yêu thích thực sự, anh được cậu truyền nghề và chỉ bảo tận tình. Sau một quá trình rèn luyện tay nghề với không ít lần thất bại, những nét khắc nguệch nạc của anh dần trở nên tinh xảo và bay bướm. Niềm đam mê với nghề trong anh cũng lớn dần, anh mở một cửa hàng khắc dấu của riêng mình.

Cửa hàng của anh Lực chỉ là một khoảng vỉa hè nho nhỏ chừng 5 mét vuông tại số 22 Hàng Bạc. Hàng ngày anh vẫn ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ, miệt mài với những thớ gỗ, xung quanh anh là vô số những con dấu gỗ đã được làm sẵn, bày mẫu với đủ kích cỡ, hình thù. 

 5ad95feb5_anh_3.jpg
Anh Lực và cửa hàng nhỏ của mình

Du khách ghé thăm cửa hàng của anh có thể chọn mua ngay những con dấu được làm sẵn, khắc thêm chi tiết lên đó hoặc có thể đặt làm một con dấu mới  hoàn toàn. Tôi quan sát anh làm một con dấu mới tinh cho một ông khách du lịch người Nga với yêu cầu khắc hình Tháp Rùa và có tên vị khách phía dưới con dấu. Tôi hỏi liệu anh làm “con” này trong bao lâu, anh cười đáp “15 phút là xong ngay”.

 5ad95feb5_anh_4.jpg
Đôi tay tài người nghệ sĩ đang khắc dấu

Với sự thuần thục của gần chục năm trong nghề, anh làm rất nhanh. Đôi tay anh thoăn thoắt vẽ phác rồi dùng đục, dao nhọn khắc chỉnh. Anh tập trung cao độ vào công việc mình đang làm, kiên trì và cầu toàn trong từng nét khắc. Thế mới thấy, công việc này không hề đơn giản chút nào. Một người nghệ nhân khắc dấu gỗ không phải chỉ có niềm đam mê mà còn phải có sự sáng tạo, nhẫn nại và cẩn thận hết sức. Và đúng như lời anh hứa, chưa đầy 15 phút sau, con dấu xinh xắn có hình Tháp Rùa cùng tên của người khách đã được hoàn thành. 
 
5ad95feb5_anh_5.jpg
Hộp dụng cụ của anh Lực

Khi khách đã vãn, tôi lại được nghe anh chia sẻ về những tâm tư, nguyện vọng của mình. Anh kể trung bình một ngày anh bán được khoảng chục con dấu. Mỗi con dấu có giá dao động từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng. Chỉ thỉnh thoảng có những đơn hàng với số lượng nhiều cũng có khi quán chỉ lèo tèo vài ba khách một ngày.  Anh Lực tâm sự: “Nếu không vì lòng yêu nghề thì khó mà theo nó được, với gánh nặng cơm áo gạo tiền thì thu nhập từ công việc này quá ít ỏi”. 

Thật vậy, Hà Nội đất chật người đông, cuộc sống khá vất vả. Một người còn trẻ vì đam mê mà bám trụ với một nghề cổ truyền quả thật hiếm gặp. Tôi bày tỏ niềm ngưỡng mộ ấy với anh, anh thật thà tâm sự cũng vài lần có suy nghĩ bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn quá nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình như có duyên với những con dấu này, một hai ngày không động vào gỗ, vào đục vào dao là thấy ngứa ngáy chân tay lắm. 

Chợt nhớ ra điều gì đó, mắt anh sáng lên. Anh tìm trong tủ kính bên cạnh một bức tranh chân dung vẽ rất đẹp, được đóng trang trọng trong khung gỗ. Anh hào hứng khoe với tôi, đây là bức chân dung bằng chì vẽ anh cùng có lời đề tặng, là món quà của một vị du khách Pháp cách đây vài năm vô tình ghé qua cửa hàng anh và bị “hớp hồn” bởi những con dấu của anh Lực. thỉnh. Anh coi đó là một kỉ niệm đẹp, thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía và coi đó như một nguồn động lực khiến anh càng thấy yêu thương, gắn bó với nghề.
 
446a90f35_anh_6.jpg
Bức chân dung luôn được anh Lực trân trọng

Đang say sưa giải thích cho tôi về cách chọn gỗ làm dấu, cách chọn mực in dấu thì có một đoàn khách du lịch khá đông kéo đến cửa hàng anh, trong đó có ông khách vừa đặt làm con dấu khắc hình Tháp Rùa ban sáng. Chắc hẳn “tác phẩm nghệ thuật trên gỗ” ấy được đánh giá khá cao nên bạn bè của vị khách này cũng muốn đến đặt hàng anh Lực. 

Vậy là có thêm những con dấu được tạo nên từ bàn tay người nghệ nhân trẻ tuổi, theo chân những người khách du lịch đi đến khắp mọi nơi. Đây cũng chính là nguyện vọng của anh Lực: “Mình mong muốn gìn giữ được nghề truyền thống, và cũng muốn giới thiệu Việt Nam với bạn bè thế giới...”.

Thấy anh Lực còn đang bận bịu với những yêu cầu của đoàn khách mới đến, tôi chào tạm biệt anh và chúc anh có thêm nhiều ngày đông khách như thế này. Anh tặng tôi một con dấu nhỏ in hình cô gái Việt Nam trong tà áo dài truyền thống với lời hẹn lần sau quay lại, anh sẽ giải thích cho tôi nghe về nghệ thuật “khắc âm – khắc dương” trên dấu.

Chia tay anh Lực, tôi thấy vui biết bao bởi vẫn còn có những người trẻ tuổi có tấm lòng đẹp và biết trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc như anh. Hình ảnh người thanh niên hiền lành chân thật miệt mài tỉ mẫn với từng nét khắc trên miếng gỗ mịn tác động mạnh mẽ đến tâm trí tôi khiến tôi thêm tin rằng những nét đẹp của phố cổ Hà Nội, hồn của dân tộc sẽ không dễ gì bị mai một giữa xã hội hiện đại xô bồ này.

Lê Minh Trang
Báo mạng điện tử K31

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN