Giao lưu trực tuyến với nhà báo, đại tá Lê Ngọc Long: Kinh nghiệm khi tác nghiệp báo chí tại hiện trường

(Sóng trẻ)- BBT Sóng Trẻ đang tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với khách mời là nhà báo Đại tá Lê Ngọc Long để chia sẻ về “chuyện nghề” và những kinh nghiệm khi tác nghiệp báo chí tại hiện trường.

Nhà báo, đại tá Lê Ngọc Long hiện đang giữ chức vụ Phó trưởng phòng biên tập Công tác Đảng, Công tác Chính trị (báo Quân đội nhân dân). Ông đã có 22 năm hoạt động báo chí trong lĩnh vực chính trị, xây dựng Đảng và đã đạt được rất nhiều thành công trên con đường báo chí. Với những kinh nghiệm và tài năng của mình, nhà báo đã đoạt được nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực báo chí như: Giải B báo chí quốc gia năm 2014, 2 giải A học tập và làm theo tấm gương đạo đức của HCM vào các năm 2014, 2015. Và đặc biệt là giải A báo chí Bộ quốc phòng trong 5 năm (2009-2014).

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan – Giảng viên khoa Phát thanh – Truyền hình, cùng đông đảo các bạn sinh viên lớp Báo chí Đa Phương Tiện K33 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

8h30, buổi giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu:

b26b766b9_i_3675.jpg

Thạc sĩ Trần Phương Lan - Trưởng BBT Sóng trẻ lên tặng hoa cho nhà báo Lê Ngọc Long

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

Thưa chú, chú có thể cho chúng cháu và khán giả được biết là cơ duyên nào đã khiến chú gắn bó với nghề báo được không ạ? ([email protected])

Đúng như bạn đã nói, tôi làm báo năm nay tròn 21 năm và chuẩn bị bước sang năm thứ 22. Đây là một chuyện khá tình cờ, tôi được đào tạo tại một trường sĩ quan để khi ra trường làm công tác chính trị, nhưng sau đó được điều chuyển về làm báo tại báo Quân đội nhân dân. Tôi về báo trong khi hành trang của mình không hề có một chút kiến thức nào về báo chí cả, sự trưởng thành đến từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm báo.Nghề chọn tôi làm báo chứ tôi không có quyền chọn nghề. Từ khi về Quân đội nhân dân công tác tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng cũng có nhiều khó khăn. Nghề báo có nhiều điều hay tuy nhiên cũng có nhiều điều làm mình phải suy nghĩ, xem xét. Hồi chưa có máy tính, bài viết đầu tiên được đăng, tôi phải viết tay trong 5 đêm liền. Nói chung, cơ duyên đến với nghề là tình cờ, nghề chọn tôi chứ tôi không có cơ hội được chọn.

Theo thông tin mà chúng cháu nhận được, thì chú đã giành được Hạng B Giải báo chí Quốc gia vào năm 2014 cùng với đó là rất nhiều giải thưởng xuất sắc về báo chí khác, vậy trước khi bắt tay vào hoàn thành những tác phẩm đó, chú thường tâm niệm và kì vọng những gì? ([email protected])

Trên thực tế không chỉ riêng mình tôi và có lẽ là cả những nhà báo khác đều nghĩ rằng không ai trước khi đặt bút viết mà nghĩ phải viết để đạt giải cả. Cái chính là mình viết những gì và gửi gắm những thông điệp gì trên mặt báo. Tuy nhiên thì giải thưởng cũng đứng một vị trí khá quan trọng, nó cho tôi động lực rất lớn, cho tôi kinh nghiệm, niềm tin và hi vọng để hướng đến tác phẩm chất lượng cao hơn, phục vụ được đông đảo bạn đọc, đáp ứng được nhu cầu thông tin của xã hội.

8a6d66a27_i_3700.jpg

Thạc sĩ Trần Phương Lan đang trực tiếp chỉ đạo chương trình

Thưa chú, cháu được biết là chú đã dành 2 giải A liên tiếp trong cuộc thi học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM năm 2014 và 2015, 2 giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với cá nhân chú ạ? ( Câu hỏi của bạn Phạm Khánh Linh từ hội trường)

Tôi nghĩ rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là nhiệm vụ, mà nó được cho bản thân mình, được cho gia đình mình và được cho toàn xã hội, dân tộc, nó thực sự là động lực thúc đẩy niềm say mê trong công việc, giải thưởng trên thực tế vừa là nghĩa vụ, vừa là tình cảm của những người làm báo ở Quân đội nhân dân đối với bác Hồ kính yêu ,đối với người cha đã dạy bảo các phóng viên của báo Quân đội nhân dân. Thực tế là ở trên thế giới, nại trừ "bộ đội cụ Hồ" ra, không hề có một lực lượng quân đội nào lại được mang tên vị lãnh tụ của mình.


Là một nhà báo đã hoạt động nhiều năm, chú có thể chia sẻ một số kỉ niệm mà chú cho là không thể nào quên khi tác nghiệp tại hiện trường được không ạ? ([email protected])

Trên thực tế, tác nghiệp hiện trường đòi hỏi kĩ năng rất cao, phải toàn diện về bản lĩnh kiến thức và kinh nghiệm, nó tác động đến hoạt động trực tiếp của nhà báo. Báo Quân đội nhân dân, chủ yếu tham gia vào các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Ví dụ như đại hội Đảng toàn quốc vừa qua, hầu hết đều có kịch bản trước. Tuy nhiên nó vẫn đòi hỏi nhà báo phải có sự chuẩn bị và dự trù tính huống xảy ra khi tác nghiệp. Khoảng cách từ sự kiện đến bạn đọc càng ngắn, thì thông tin càng có giá trị. Khi tác nghiệp hiện trường có nhiều tình huống đột xuất nhưng cũng có những tình huống chúng ta có thể lường trước. Vì thế chúng ta phải có sự chủ động chuẩn bị trong mọi tình huống. Chúng ta cần có sự chuẩn bị, bản lĩnh và kinh nghiệm trong khâu xử lý.

Có ý kiến cho rằng cứ đi nhiều, viết nhiều thì sẽ trở thành nhà báo giỏi? Chú suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? ([email protected])

Tôi không nghĩ vậy, trên thực tế rất nhiều đồng nghiệp của tôi viết cho nhiều tờ báo, nhưng chưa tạo được ấn tượng, và chưa có tên tuổi. Khi nhà báo viết thì cái mà độc giả quan tâm đến là chất lượng chứ không phải là số lượng. Một nhà báo giỏi đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng cái chính là mỗi bài viết đó nhằm tới mục đích gì và để lại trong lòng bạn đọc điều gì, có định hướng được dư luận xã hội hay không. 


Chú có thể chia sẻ một số kinh nghiệm khi gặp những tình huống khó khăn trong quá trình tác nghiệp không ạ? ([email protected])

Trong khi tác nghiệp thì không thể tránh  khỏi những tình huống khó khăn, có những vấn đề vượt quá tầm kiếm soát của tôi.  Người ở lĩnh vực này lại muốn viết về lĩnh vực khác, cho nên việc phải chuẩn bị kiến thức cho nhà báo là một sự rèn luyện không phải vài ngày mà có được, mà nó là sự tích lũy kinh nghiệm từ những chuyến đi thực tế, hay là sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình tác nghiệp của nhà báo.
Có những tình huống người cung cấp thông tin không hợp tác và  rất nhiều lần phải liên hệ lại với họ để tìm kiếm thông tin. Có những chuyến đi phải trễ lại 2,3 ngày và những buổi làm việc không chính thức như đi ăn sáng, đi uống cafe hay đi cùng những chuyến xe. Tất cả đều có thể chủ động tạo cho mình công việc.

Chú có nói thể nói về một bài viết để lại ấn tượng sâu sắc hay bài học kinh nghiệm quý giá nhất chú nhận được? (Lê Thị Ngọc Ánh: [email protected])


Như lúc đầu tôi đã nói, bài viết đầu tiên được lấy từ luận văn sĩ quan chính trị, trong 5 đêm liền, tác phẩm đầu tiên của cuộc đời. Khi mà báo đang lên tôi đã thuộc lòng cả dấu chấm phẩy. Khi nhìn thấy tên tôi xuất hiện trên báo, tôi đã rất xúc động.

Tuy nhiên, nó không đặc biệt bằng chuyến công tác về quân khu 4 với phòng chính trị trong 1 tháng. Trước khi đi, chúng tôi làm đề cương chuẩn bị 4 bài viết. Sau khi lấy tài liệu, đồng chí phó trưởng phòng đề nghị viết 4 bài 1200 chữ như đề cương. Tiếp đó, tôi nộp cho anh và chờ đợi bài được đăng trên báo Quân đội nhân dân. Tuy nhiên, tôi không thấy các bài báo đấy trên số tiếp theo. Khi đó anh phó trưởng phòng gọi tôi vào, nói đã chuẩn bị 4 tờ báo cho 4 bài viết của tôi và yêu cầu tôi viết 1 bài báo cáo viết tay dài 20 trang. Tôi nghĩ đây là điều rất hay, rèn luyện cho các nhà báo trẻ. Lúc đầu tôi nghĩ viết báo là một cái gì đó nặng nề, to lớn. Tuy nhiên, khi viết báo cáo, tôi thấy các chi tiết nhỏ rất quan trọng. từ vai áo bị bẩn, vấy bùn,... Trong một lớp hướng dẫn báo chí tôi có nói thế này “một đoàn đường đèo dốc dài 25 km“ không nói lên được độ dốc so với câu “ chúng tôi vượt qua con đèo x, người trước đạp lên đầu người sau” ta có thể thấy chi tiết người trước đạp người sau làm cho người đọc hiểu được độ dốc.

bcbd21267_i_3694.jpg

Nhà báo chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về hoạt động tác nghiệp báo chí

Vậy còn những chuyến đi thì sao ạ? Chắc hẳn chú cũng đã trải qua rất nhiều chuyến đi đáng nhớ rồi đúng không ạ? (Đỗ Ngọc Hải 20 tuổi Nghệ An)

Như lúc đầu tôi nói là bài viết đầu tiên của tôi được lấy từ luận văn tốt nghiệp sĩ quan chính trị và bài viết ấy tôi viết trong vòng 5 đêm liền, coi đó là tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời làm báo của mình. Và khi bài báo đăng lên thì gần như tôi đã thuộc cả dấu chấm, dấu phẩy. Đó là một kỉ niệm và là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tên mình trên một tờ báo lớn thì cũng cảm thấy xúc động. Tuy nhiên điều đó cũng không hay bằng bài viết trong chuyến công tác khi tôi làm phóng viên cho tờ báo quốc phòng an ninh. Chuyến công tác ấy do đồng chí phó phòng chỉ đạo và chúng tôi có cuộc hành trình về quân khu IV (tức là địa bàn Vinh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế). Trước khi đi thì chúng tôi cũng có làm đề cương chuẩn bị 4 bài viết. Sau đó thì đi lấy tài liệu, lúc tôi về cơ quan thì đồng chí phó trưởng phòng có nói rằng là “Anh hãy viết cho tôi 4 bài”. Tôi cặm cụi viết hơn 2 tuần mới xong vaà mỗi bài viết khoảng 1200 chữ. Sau đó tôi nộp cho anh toàn bộ bài viết và chờ đợi sản phẩm của mình đăng trên báo QĐND, thời gian ấy tương đối dài và căng thẳng. Sau khi đọc tác phẩm đã đăng ở trên báo thì không thấy bóng dáng tác phẩm của mình ở đâu cả. Và sau đó anh có gọi tôi bảo thế này “Tôi đã chuẩn bị cho cậu 4 tờ báo, bây giờ cậu viết cho tôi bản thu hoạch từ tác phẩm của cậu đến tác phẩm đã đăng ở trên báo”. Và cái bản thu hoạch của tôi dài 20 trang , và đấy tôi cho là kỉ niệm rất quý báu trong cuộc đời làm báo của mình  nhưng đồng thời tôi cho đó là phương pháp rèn luyện để rút kinh nghiệm. Thông qua thực tiễn, cái gì cần hạn chế, cái gì cần cụ thể . Bởi lẽ khi tôi đặt bút viết cho một bài báo không cần viết cái gì to lớn mà phải chú ý đến chi tiết vì nó là điểm nhấn cho tác phẩm.

Thưa chú, thẻ nhà báo đóng vai trò như thế nào trong quá trình tác nghiệp? Vậy có nên hay không khi quá phụ thuộc vào tấm thẻ này, bởi rất có thể có những trường hợp người được phỏng vấn tỏ ra dè chừng khi biết mình đang bị khai thác thông tin? ([email protected])

Thẻ nhà báo là tấm thẻ hành nghề. Theo pháp luật, thẻ nhà báo vừa để chứng minh con người đó hoạt động trong lĩnh vực báo chí, vừa là “giấy” thông hành cho phép người có thẻ hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Nói không quan trọng thì không đúng, nhưng nói nó rất quan trọng thì cũng không phải. Quan trọng là người sử dụng tấm thẻ đó như thế nào và vào mục đích gì.
Nhu cầu cũng cấp thông tin là có nhưng vấn đề là nhà báo làm như thế nào để tạo dựng được đối với người khai thác thông tin một niềm tin chắc chắn, những điều mà nhà báo muốn gửi gắm đấy mới là điều quan trọng nhất.

Đối với nhà báo phóng viên, tấm thẻ nhà báo luôn có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tác nghiệp. Nhưng chú có thể chia sẻ cho chúng cháu và khán giả được biết làm cách nào để vẫn tác nghiệp thuận lợi khi lỡ may không đem theo thẻ nhà báo được không ạ? ( Bùi Hồng Ngọc, 20 tuổi, Nam Định)

Quay lại câu chuyện phải xây dựng được niềm tin với đối tượng. Như chúng tôi hoạt động trong môi trường quân đội, thẻ nhà báo không có ý nghĩa nhiều vì thường chúng tôi đều được liên hệ từ trước. Tuy nhiên, khi liên hệ lấy thông tin với các đối tượng bên nài sẽ cần tư cách pháp nhân. Hiện nay trong cuộc sống, chúng ta cần tạo được niềm tin đối với người cung cấp thông tin, chính vì thế cộng tác viên sẽ khó lấy thông tin hơn so với nhà báo.Nhưng chưa chắc người được cấp thẻ đã viết hay hơn người không có thẻ. Chúng tôi đang tổ chức cuộc thi viết kỉ niệm “70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ” trên báo Quân đội nhân dân, đây là cuộc thi cho cả người viết chuyên và không chuyên. Tôi thấy những người không chuyên viết rất hay và nhiều bài được giải. Đặc biệt, họ viết bằng những cái tâm trong sáng. Nói chung, chúng ta phải có đạo đức, động cơ của người làm báo. Điều đó, quyết định niềm tin của công chúng đối với nhà báo.

702034a4a_i_3718.jpg

Các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe chia sẻ của nhà báo Lê Ngọc Long
.

Chú có thể cho chúng cháu những lời khuyên về kĩ năng phỏng vấn - khai thác thông tin được không ạ?
Trương Hoàng Mai Anh ([email protected])

Trước tiên phải tìm hiểu hết xung quanh nội dung mình muốn phỏng vấn, sau đó là phải nghiên cứu trước câu hỏi, trang bị kiến thức. Và phải tập trung khai thác các khía cạnh khác nhau, cách đặt câu hỏi phải ngắn gọn, phải tạo được không gian phỏng vấn thoải mái, tránh áp đặt, ngôn ngữ phỏng vấn cũng cần khéo léo. Điều quan trọng đó chính là lòng tin, muốn phỏng vấn thành công thì nhân vật và nhà báo phải có lòng tin lẫn nhau.

Trong quá trình tác nghiệp đôi khi nguồn thông tin mà chú khai thác được có thể chưa được chính xác, vậy chú có cách nào để xác thực được độ tin cậy của nguồn thông tin ấy?( [email protected])

Đúng vậy! Phải có nhiều cách để kiểm tra thông tin, thông tin sẽ luôn chính xác nếu người viết giữ được tính khách quan. Thậm chí khi tác nghiệp hiện trường có những thông tin ban đầu là đúng nhưng nó lại trễ 2 đến 3 giờ vì vậy cần phải kiểm chứng trên nhiều nguồn tin khác nhau, nhiều người khác nhau về bản chất của sự kiện. Nếu không xác thực thông tin, việc phạm phải sai lầm là điều dễ dàng xảy ra.


Vậy đã bao giờ chú gặp phải tình huống là đưa thông tin sai lệch lên bài viết của mình chưa? Và nếu đã từng thì chú làm cách nào để khắc phục, bởi theo cháu được biết thì với đặc thù của báo in, rất khó để có thể sửa chữa lại thông tin đã được đăng tải? ([email protected])

Tôi khá là may mắn khi đến giờ phút này chưa phải một lần đính chính trên báo. Các cụ thường nói: "Nhân vô thập toàn", không ai luôn luôn chính xác cả, vẫn có sai sót nhưng ở mức độ nào đó. Vì vậy khi nhận được thông tin, chúng ta phải kiểm chứng các thông tin. Đúng như bạn nói thì báo in không thể sửa được như các loại hình báo chí khác. Như chúng tôi, có trường hợp không chỉ đính chính mà còn phải gặp trực tiếp đối tượng xin lỗi, giải trình. Chuyện sai sót của nhà báo là bình thường, tuy nhiên, phải có góc nhìn đúng đắn về vấn đề này. Tại sao lại sai sót? Do bản thân hay do khách quan. Nài ra còn phải chân thành nhân lỗi, đính chính.
      

09ac5e925_i_3740.jpg

Nhà báo Lê Ngọc Long đang chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp của mình với độc giả

Chú có thể cho chúng cháu biết những sai lầm phổ biến nhất mà người làm báo hiện nay hay mắc phải được không ạ? Vậy nguyên nhân của những sai lầm đó thường xuất phát từ đâu?

Có ba vấn đề: 
Thứ nhất là áp lực rất lớn, tòa soạn giao cho bạn một khối lượng công việc khổng lồ dẫn đến việc mất kiểm soát.
Thứ hai là thu nhập: Có nhiều nhà báo viết nhiều nhằm mục đích tăng thu nhập, đây là một sai lầm. Làm báo nó mang đặc thù khác, bài đạt thì vẫn được đăng nhưng bài chất lượng càng cao thì toàn soạn sẽ trả càng nhiều. Quá để tâm vào nhuận bút sẽ khiến tác giả bỏ qua chất lượng của một tác phẩm mà chỉ chạy theo yếu tố số lượng.
Thứ ba: người trẻ hơi vội vàng, cái gì cũng không suy nghĩ kỹ nên hay dẫn đến sai lầm xử lý hấp tấp.

Vừa qua, phóng viên Quang Thế của báo Tuổi trẻ đã bị lực lượng chức năng "gạt tay vào má" khi đang tác nghiệp tại hiện trường, chú có theo dõi vụ việc trên không? Và chú có thể cho biết kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong vụ việc này có gì đúng hay sai? (Kiều Trinh, 22 tuổi, Hưng Yên, địa chỉ [email protected])

Từ "gạt tay vào má" không phải là tiếng lóng mà là phát ngôn của công an Hà Nội. Đúng hay sai thì tôi không biết vì tôi không được chứng kiến thực tế mà chỉ tiếp nhận thông tin qua báo chí. Vì thế tôi không thể biết được bản chất của sự việc và mức độ sự việc đến đâu. Muốn bình luận, phân tích, ta cần phải biết rõ bản chất sự việc. Tuy nhiên, có khả năng phóng viên cũng có những sai sót nhất định khi tác nghiệp. 

Động cơ của anh Quang Thế và bên phía công an đều trong sáng vì hai bên đều có quyền riêng của mình và làm đúng nhiệm vụ của mình, nếu như xảy ra xung đột thì phải làm sao để hòa giải được vấn đề đó?

Sự việc nó luôn xảy ra từ hai phía vì ông cha ta có câu "không có lửa thì làm sao có khói". Quan trọng nhất là bản lĩnh để xử lí sự việc khi mình gặp phải. Qua sự việc trên thì hình ảnh của lực lượng công an và nhà báo đều không được đẹp.

Có một thực trạng hiện nay là không ít các nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung trong quá trình tác nghiệp. Là một nhà báo lâu năm, chú có thể chia sẻ kinh nghiệm làm sao để các nhà báo, phóng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình mà vẫn bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân? ([email protected])

Hoạt động trong báo chí được pháp luật, các cơ quan chức năng bảo vệ. Tuy nhiên, xã hội hiện nay không đơn giản như vậy. Gần đây rất nhiều nhà báo bị hành hung. Có nhiều bài báo rất nhỏ nhưng ảnh hưởng đến một số cá nhân về danh dự, sự nghiệp, kinh tế. Thường khi tác nghiệp tại một khu vực phải báo cáo với các cơ quan chức năng tại đó, tuy nhiên, thường các nhà báo thường không báo cáo. Nói chung, khi mà sự kết hợp giữa nhà báo và cơ quan chức năng để bảo vệ nhà báo chưa tốt, nhà báo cần chủ động trong việc bảo vệ bản thân. Trong báo chí điều tra, nhà báo cần liên hệ với cơ quan chức năng, để tránh những điều rủi ro. Chắc chắn các cơ quan chức năng luôn muốn phối hợp với nhà báo để làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chủ động chuẩn bị cho mọi tình huống.

Thưa chú, hiện nay, hầu hết các cơ quan báo in đều có những phiên bản điện tử đi kèm để thích nghi với nhu cầu của độc giả. Vậy, kĩ năng tác nghiệp trong báo in khác gì so với báo mạng điện tử ạ? ( Nguyễn Thu Hiền, sinh viên báo chí)

Các cơ quan báo chí thường có 1 trang báo mạng đi kèm. Nhưng khi viết bài cho báo in và báo mạng thì ít nhiều có sự khác biệt. Báo mạng đòi hỏi tính thời sự cao hơn, đòi hỏi thông tin ban đầu của sự kiện. Báo mạng chỉ cần vài phút để có thể đẩy bài lên mạng. Nhưng với báo in thì khác, báo in có sự tư duy, liên kết chặt chẽ hơn. Báo mạng có thể diễn ra đồng thời với sự kiện, với lợi thế là cập nhật thông tin song song. Về mặt thể hiện thì không có quá nhiều khác biệt, khác biệt lớn nhất là báo in cần độ lùi thời gian còn báo mạng thì mang tính cập nhật thường xuyên và liên tục
 
4b5a3a342_i_3724.jpg

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi về kĩ năng tác nghiệp báo chí với nhà báo Lê Ngọc Long

Khi nhân vật trả lời thông tin qua điện thoại, làm thế nào để xác minh thông tin đó chính xác hay không? (Thi Uyên, Đa phương tiện K33, Học viện báo chí và tuyên truyền)

Khi nhà báo có kinh nghiệm, thì sẽ có cảm nhận thông tin chính xác hay không. Điều này do kinh nghiệm mà có và còn tuỳ thuộc vào vấn đề. Cách kiểm định thông tin bằng người thứ 3 thường được sử dụng, khi mình tìm ra vấn đề, đối tượng được khai thác nào cũng bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình, nhà báo phải kiểm chứng thông tin. Điều này sẽ rất mất thời gian và công sức, tuy nhiên vì tác động đến cá nhân, tổ chức nên chúng ta phải tìm hiểu, xác minh thông tin kỹ lưỡng. Khi nói chuyện qua điện thoại, chúng ta chỉ có thể nghe những thông tin đó một cách bị động, không thể xem được những ngôn ngữ cơ thể. Vì thế, chúng ta phải xác minh lại thông tin để đưa đến những thông tin chính xác nhất.

Đối với phụ nữ thì làm báo có những lợi thế và khó khăn như thế nào? (Vẫn là câu hỏi từ bạn Thi Uyên)

Phụ nữ có rất nhiều lợi thế, cái chính là khả năng và sở trường thôi, tôi không quan niệm là phụ nữ hay là đàn ông. Phụ nữ gặp đối tác dễ hơn và xứ lí sự việc tinh tế hơn. Làm báo tôi cho rằng khó cũng khó mà dễ cũng dễ, quan trọng đó là năng khiếu, dù là phụ nữ hay đàn ông. Với đàn ông, làm báo là vất vả một thì phụ nữ thì làm báo vất vả đến 5, 6 vì làm báo là phải đi nhiều nếu như với nữ giới mà đã có gia đình rồi mà người đàn ông còn không biết chấp nhận, chia sẻ cho mình thì đó là điều rất khó khăn.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà báo nổi tiếng Đỗ Doãn Hoàng có nói rằng: “ Người trẻ, nếu muốn làm báo tử tế thì hãy bỏ facebook đi”. Bác suy nghĩ sao về điều này? (Câu hỏi đến từ bạn Minh Đức )

Tôi cho rằng ý kiến đó hơi chủ quan vì có những nhà báo có tên tuổi đã nói muốn những bài báo của mình lan truyền đến mọi người thì nên đưa lên facebook, nhưng cũng đừng lạm dụng nó quá. Quan trọng là mục đích sử dụng. Nếu xem Facebook là một kênh để tham khảo thông tin thì điều đó rất có lơi cho nhà báo. Bởi lẽ, với lượng người sử dụng facebook nhiều như hiện nay và tốc độ lan truyền thông tin cũng rất khủng khiếp, thì việc sử dụng facebook đối với nhà báo cũng là cần thiết. Thậm chí, nếu tận dụng tốt những lợi thế mà facebook mang lại còn làm cho tác phẩm của mình đến được với đông đảo bạn đọc,người xem nhất.

Thưa chú, sau nhiều năm công tác tại báo Quân đội nhân dân, chú có thể cho cháu biết làm cách nào để những sinh viên như chúng cháu có thể viết và gửi bài về cho tòa soạn? (Câu hỏi từ bạn Hoàng Thế Mạnh từ hội trường)

Báo quan đội nhân dân ra đời gần 66 năm. Lúc đầu, mọi người nghĩ báo Quân đội nhân dân chỉ tuyên truyền về quân sự, quốc phòng. Tuy nhiên hiện nay có 4 ấn phẩm, thường nhật, cuối tuần, QĐND điện tử và nguyệt san sjw kiện & nhân chứng. Đặc biệt báo điện tử hiện có 3 phiên bản: tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Trung, sắp tới sẽ có thêm tiếng Lào và Khơ Me. Gửi bài về cho báo Quân đội nhân dân cũng giống như gửi bài cho các cơ quan báo chí khác. Các bạn hoàn toàn có thể gửi bài qua phòng Thư ký toà soạn theo địa chỉ: [email protected]gửi trực tiếp về các phòng biên tập theo từng nội dung hoặc gửi bài về cho báo Quân đội nhân dân điện tử: [email protected]
Báo Quân đội nhân dân hiện cũng có cơ quan thường trú, thường trực tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nghệ An, Nha Trang, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai.

Theo chú, để trở thành 1 phóng viên, nhà báo thực thụ thì cần những yếu tố nào và yếu tố nào được cho là quan trọng nhất ạ? Chú có lời khuyên gì cho những bạn khán giả đang ngồi trong khán phòng ngày hôm nay khi họ đa phần đều là những sinh viên năm cuối, sắp ra trường và chuẩn bị bước trên con đường báo chí đầy gian nan sắp tới? (Dương Thu Yến: [email protected])

Nhiều nhà báo lão thành đã từng trả lời chú "chú không biết khuyên cháu điều gì". Cái đầu tiên, làm báo hay làm bất kì điều gì đều phải yêu nó. Phải có năng khiếu. Các bạn có năng khiếu viết bài không vất vả lắm, còn các bạn không có năng khiếu khi viết bài sẽ rất vất vả và lúng túng. 
Năm 2000, tôi học báo chí ở HV BC&TT tôi nhận ra rằng năng khiếu rất quan trọng, giống như tôi thích bóng đá nhưng tôi chỉ như ông già chạy bộ trên sân. Tất nhiên năng khiếu phải đi kèm với rèn luyện. Ngồi không không thể viết được, thông qua thực tiễn để rèn luyện khả năng. Để phù hợp với nhiều tờ báo với nhiều đặc thù khác nhau. Hôm nay thât bại, ngày mai sẽ thành công. Qua thực tiễn, nó cho mình bản lĩnh, kinh nghiệm và cả tình yêu với nghề.

Sinh viên có nên đi làm báo sớm không hay nên tập trung cho việc học trên trường trước đã. Khi sinh viên đi làm báo thì nên chú trọng đến những điều gì ạ? (Câu hỏi đến từ bạn Văn Quế - livestream)

Nếu có điều kiện, khi chúng ta tích luỹ được kinh nghiệm và kiến thức thì chúng ta cũng nên thử tham gia để kiểm tra và vận dụng vào thực tế. Điều này là sự kết hợp của việc học với hành, rất tốt cho sinh viên báo chí. Tuy nhiên, chúng ta nên biết điều gì là quan trọng nhất trong thời điểm sinh viên. Khi chúng ta đi học chúng ta cần tập trung hết sức, tuy nhiên vẫn nên thử sức trong môi trường báo chí để tích luỹ kinh nghiệm. Theo tôi, khi nào điều gì đó là ưu tiên hàng đầu thì chúng ta phải tập trung cho nó.

Nhà báo thì cần phải có kiến thức, hiểu biết và chuyên môn nghiệp vụ là điều đương nhiên rồi, vậy còn với chú – một nhà báo đang đứng trong hàng ngũ quân đội và làm việc cho báo Quân đội nhân dân – một trong năm tờ báo lớn và uy tín nhất nước ta hiện nay, thì nài những yếu tố kể trên, theo chú còn cần những điều gì ạ? (Câu hỏi đến từ bạn Khánh Linh - livestream)

Nài những yêu cầu chung như các nhà báo khác thì đối với báo Quân đội nhân dân, người làm báo còn cần có các yêu cầu riêng của người chiến sĩ quân đội khi chấp nhận và sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì có thể để bảo vệ cho độc lập tự do, đó là mục tiêu và lí tưởng của báo Quân đội nhân dân và rộng hơn là toàn bộ lực lượng quân đội.

Kiến thức, kinh nghiệm..v.v.. thì dù làm ở đâu cũng đều phải có nhưng đối với quân đội, quan trọng nhất là phải sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, hi sinh bảo vệ độc lập tự do, đó là yếu tố quan trọng nhất đòi hỏi mỗi nhà báo phải có trong hàng ngũ quân đội nhân dân. Nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất đòi hỏi phải có trong cán bộ chiến sĩ đó là sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường, những yêu cầu của cấp trên là phải thực hiện, đứng trong hàng ngũ quân đội phải chấp nhận hi sinh... chính là một phần trong cuộc sống, là phẩm chất của những người "chiến sĩ làm báo".

835ed7c47_i_3764.jpg

Ban biên tập lên chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời

Buổi giao lưu trực tuyến đã khép lại, mặc dù vẫn còn rất nhiều câu hỏi do độc giả từ khắp mọi miền trên đất nước quan tâm gửi đến hòm thư điện tử nhưng do thời gian của buổi giao lưu có hạn, nên BBT sẽ gửi các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến khách mời và cập nhật những giải đáp lên trang tin điện tử Songtre.tv.

Xin chân thành cảm ơn nhà báo, đại tá Lê Ngọc Long đã dành thời gian giao lưu và chia sẻ cùng độc giả của Songtre.tv. Xin cảm ơn Ban Chủ nhiệm Khoa PTTH đã tạo những điều kiện tốt nhất để chương trình diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan trong thời gian qua đã luôn quan tâm đồng hành, tư vấn cho BBT thực hiện buổi giao lưu trực tuyến này. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm, theo dõi và ủng hộ chương trình!

BBT Sóng trẻ



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN