Người thương lượng với dòng sông (Kỳ 1): Chuyến đi đến cuối đất Điện Phương
(Sóng trẻ) - Đi dưới những lũy tre xanh rì ở làng Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bây giờ, ít ai biết cách đây gần một thập kỉ, mảnh đất này từng suýt bị xóa sổ. Người dân tất tả bỏ nhà, bỏ cửa mà đi. Chính quyền cũng đã bắt tay vào thu xếp nơi tái định cư… Mọi thứ chỉ thay đổi khi có một vị kiến trúc sư đến, và tìm cách “thương lượng” với dòng nước dữ đang muốn nuốt chửng ngôi làng.
Cuộc bỏ chạy khỏi quê hương
Gần 10 năm trôi qua, nhưng bà Thon vẫn nhớ như in vị trí ngôi nhà cũ: “Đây, trước nhà tôi ở đây này”. Vừa nói bà vừa chỉ vào nơi nay đã mọc lên một căn nhà sàn phục vụ cho nghỉ dưỡng. Ban đầu, nhà bà ở giữa làng, sau đất sạt lở, ngôi nhà kéo ra sát mép sông Thu Bồn. Thế là cả gia đình phải “chạy”. Nếu bây giờ còn thì nó chỉ cách mặt nước tầm chục mét.
Năm 2009, nhà bà cùng gần 150 hộ khác trong làng từng nằm trong diện phải di rời khẩn cấp. Chưa bố trí được nơi ở mới, cả nhà sống trong nơm nớp lo âu: “Mọi người đi trước, tôi được sắp xếp đi sau. Nhưng tôi sợ quá, chuyển sang chỗ đất của ông bà để sống. Không thì nhỡ có chuyện gì, chạy không kịp mất”.
Trên thực tế, dòng chảy qua Triêm Tây vốn chỉ là một lạch nước nhỏ của sông Thu Bồn. Nhưng 20 năm gần đây, quá trình sạt lở bờ sông diễn ra ngày một mạnh mẽ. Những cồn đất nhỏ dần nổi lên, lạch nước xưa cũng dần trở thành nhánh chính của dòng sông.
Người Triêm Tây thường nói đến con số “20 năm”, bởi đơn giản nó gợi nhớ đến các trận lũ khủng khiếp vào những mùa mưa cuối cùng của thiên niên kỉ trước. Đặc biệt là trận lũ đầu tháng 11 năm 1999. Mưa lớn khiến cả huyện Điện Bàn chìm trong dòng nước với độ sâu trung bình từ 2 đến 4 mét. Trung tâm Dự báo khí tượng và Thủy văn trung ương ghi nhận: đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Thiên tai cộng với sự tác động vào tự nhiên quá mức của con người đã làm đất bắt đầu sạt lở mạnh. Mỗi năm vài mét, năm nhiều thì hơn chục. Năm 2001, tổng diện tích đất ở của làng là 40 hecta. Nhưng đến năm 2017, con số đó là 12,8. Như vậy, qua 16 năm, 27,2 hecta đất Triêm Tây đã dâng cho thủy thần.
Còn tính riêng đến năm 2009, 2 trên 3 xóm của làng đã bị “xóa sổ”, tương ứng với đó 2/3 số hộ dân đã rời đi. Gần 150 hộ còn lại thấp thỏm sống bên dòng nước dữ.
“Ở đây xói lở nên họ (chính quyền) chuyển dân đi hết. Ai có tiền thì mua đất ở Quảng Nam, Hội An, Đà Nẵng. Nói chung người giàu thì đi chỗ khác, còn người nghèo, không có tiền thì được cấp đất ở Điện Phương. Ở đây đất rộng mênh mông, trên chỗ mới thì đất chỉ đủ để cất cái nhà chứ không có đất ruộng” – bà Thon nhớ lại.
Đó cũng là nỗi lo lắng của bà Tài: “Làng có cái nghề làm chiếu. Đất lở tới nơi rồi thì phải đi. Nhưng cũng không biết lên đó làm gì mà ăn”.
Chuyến đi đến cuối đất Điện Phương
Khi những chiếc xe lần lượt đưa bà con Triêm Tây rời khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ thì có một chuyến đi khởi hành theo chiều ngược lại. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc vẫn còn nhớ rõ ngày ấy, ông chạy xe từ nhà (ở Hội An) sang bờ bên này chơi. Đến Triêm Tây thì hết đất. “Cảnh đẹp lắm, có núi có sông, mặt trời lặn cũng đẹp lắm” – gần chục năm rồi, người kiến trúc sư già vẫn xuýt xoa khi nhớ lại phong cảnh lúc đó. Đất xói lở, người dân long đong tìm sinh kế mới, nhưng cảnh thì vẫn cứ nên thơ một cách lạ lùng.
Là người nặng lòng với những vẻ đẹp làng quê, ông Quốc yêu mảnh đất này ngay lập tức. Trước đó, người đàn ông này từng có hơn 30 năm sống trên đất Pháp, là viện sĩ viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp. Khoảng những năm 1996 – 1997, ông được Chính phủ Việt Nam mời về. Nhưng không chọn sống ở các thành phố lớn, ông trở lại Hội An – quê gốc. Ông bảo hồi đó Hội An đẹp lắm, yên lặng và không quá đông đúc. Nhưng rồi sau này, phố Hội phát triển du lịch, khách đến đông hơn, sự yên lặng bị phá vỡ, ông không còn thấy nó đẹp như trước nữa. Vậy nên khi rảnh, ông hay lấy xe đạp hoặc xe máy đi tới những làng xóm xung quanh. Một trong những chuyến đi đó, ông đã tới và gặp gỡ vẻ đẹp bình dị của Triêm Tây.
Và rồi chính vẻ đẹp ấy đã thôi thúc ông phải tìm cách hồi sinh mảnh đất này. Ông trăn trở: “Tôi là kiến trúc sư, là viện sĩ, cũng đến phát biểu ở nhiều sự kiện về vấn đề môi trường, sinh thái, nhưng chưa thay đổi được nhiều. Khi đến Triêm Tây, tôi đã nghĩ: nói nhiều rồi sao mình không làm đi? Giờ cần làm một cái gì đó, một hành động cá nhân thôi, nhưng thiết thực”.
Thế là giữa lúc người ta bỏ nhà bỏ cửa chạy đi, ông Quốc đến Triêm Tây tìm đất thí nghiệm dự án sinh thái chống sạt lở. Chẳng mấy khó khăn để ông trở thành chủ nhân của gần 15 000 mét vuông đất ven bờ sông Thu Bồn. Mong muốn “giữ đất, giữ làng” của ông cũng được chính quyền địa phương ủng hộ nhiệt liệt. Những nét phác thảo đầu tiên về công trình kè sinh thái ven sông dần được thành hình.
Nguyễn Hải
Cùng chuyên mục
Bình luận