Hội chợ từ thiện “Chợ tết xưa”: nhiều trẻ em tại các bệnh viện nhi “có tết”
(Sóngtrẻ) - Ngày 4/2, tại Hoàng Thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Hà Nội) đã diễn ra Hội chợ từ thiện với chủ để “Chợ tết xưa”. Hội chợ do Đoàn Thanh niên liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với các nhóm từ thiện Đồng thiện tâm, Vui hành thiện và Bồ câu trắng tổ chức, nhằm giới thiệu những nét văn hóa của chợ truyền thống và gây quỹ tặng quà tết cho các em nhỏ tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố.
Hội chợ từ thiện diễn ra tại sân trước của Hoàng Thành
Hội chợ có sự tham gia của 40 gian hàng với đầy đủ các mặt hàng truyền thống để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như lương thực, thực phẩm (giò, chả, gà, cá, thịt, gạo nếp, đậu xanh, bánh chưng,...), các loại đồ khô (măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa...), bánh kẹo Tết (mứt, ô mai, bánh, kẹo, chè...), đồ thời trang (quần áo, giày dép, chăn đệm...), hoa quả, các đồ khác (mỹ phẩm, quà tặng, thiệp chúc mừng, phong bao lì xì, đồ trang trí Tết..). Các gian hàng do thành viên các nhóm từ thiện mở bán và cam kết đảm bảo về giá cả và chất lượng.
Một số mặt hàng truyền thống được bày bán tại hội chợ
Cùng với đó, hội chợ còn là nơi tìm về những nét truyền thống của chợ Tết quê với các hoạt động, trò chơi, nghệ thuật dân gian: kéo co, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, tô tượng, đánh cờ tướng, viết thư pháp, nặn tò he, gói bánh chưng, vặn bóng bay nghệ thuật, biểu diễn xiếc, ảo thuật, văn nghệ... Các hoạt động đã thu hút đông đảo các em nhỏ, các bạn sinh viên cũng như các bậc phụ huynh tham gia trải nghiệm, tạo nên không khí sôi động, vui tươi ngày tết.
Trò chơi nhảy sạp thu hút đông đảo các em nhỏ tham gia
Du khách trải nghiệm đi cà kheo
Nhiều bậc phụ huynh đã cho con em mình tới đây với mong muốn các con sẽ hiểu và quý trọng hơn vẻ đẹp của tết cổ truyền cùng với những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Anh Phạm Đình Thuộc (Hà Nội) chia sẻ: “Hôm nay tôi đưa con đến đây thì chỉ có một mong muốn là con sẽ giao lưu được với nhiều người, tham gia trải nghiệm một số trò chơi để con hiểu hơn về văn hóa của người Việt Nam mỗi độ tết đến xuân về, để từ đó con mạnh dạn hơn”.
Một em nhỏ thử làm họa sĩ với hoạt động tô tượng
Cùng quan điểm với anh Thuộc, chị Nguyễn Thị Tú (Ba Đình, Hà Nội) cho biết chị muốn cho con hiểu rõ về cái tết truyền thống của người Việt mình, biết ngày tết người ta sẽ chơi cái gì, ăn cái gì, mặc cái gì. Điều đó rất phù hợp và bổ ích với trẻ nhỏ.
Bánh chưng được gói bằng gạo nếp cẩm và nếp cái hoa vàng
Bạn Hoàng Oanh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Mình thấy hoạt động này rất là ý nghĩa. Buổi sáng, mình có tham gia trải nhiệm hoạt động gói bánh chưng thì mọi người đều quây quần lại bên nhau để học gói bánh. Lúc ấy, mình cảm thấy rất là gần gũi và ấm cúng, đúng như không khí trong gia đình mình. Đặc biệt, mình thấy tính nhân văn của hoạt động này rất là cao, vì nó chủ yếu hướng đến mục đích làm từ thiện. Mình mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động ý nghĩa như thế này để lan tỏa tình yêu thương trong xã hội”.
Toàn bộ số tiền gây quỹ được sẽ được chuyển thành quà tặng gửi đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em nghèo phải ở lại điều trị trong dịp Tết tại Bệnh viện Nhi TW và Khoa Nhi – Bệnh viện K3 Tân Triều.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội cũng vừa diễn ra hoạt động “Phiên chợ tết 0 đồng dành cho người nghèo”. Qua đó những hoạt động ý nghĩa đó, hy vọng trong xuân Mậu Tuất này, nhiều mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn sẽ có một cái tết no đủ hơn nhờ các tấm lòng hảo tâm trong xã hội.
Thùy Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận