Người truyền “ngọn lửa” nghề thêu cho giới trẻ
(Sóng trẻ) - Với mong muốn truyền lại “ngọn lửa” đam mê cho thế hệ trẻ, Nguyễn Xuân Dục- người nghệ nhân tài hoa của làng thêu Bình Lăng đã mở ra lớp dạy thêu miễn phí dành cho những người có đam mê với nghề thêu tay, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nghề thêu tay truyền thống đã nổi tiếng với cái tên Bình Lăng (thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) . Sau một thời hoàng kim, nghề thêu tay nổi tiếng nhất đất Bắc đang rơi vào tình trạng mai một. Tuy nhiên, vẫn còn đó những con người với niềm say mê không ngừng nghỉ với tranh thêu tay truyền thống. Lớp học thêu tay miễn phí tại nhà nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục là nơi luôn chào đón những đam mê đó.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục – người truyền “ngọn lửa” nghề thêu cho giới trẻ
Để truyền “ngọn lửa” đam mê với tranh thêu tay cho giới trẻ, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục đã tình nguyện truyền lại nghề cho thế hệ sau. Ông bắt đầu đào tạo dạy nghề từ năm 1970. Sau này do nhiều biến động, đến năm 1992 ông mới mở lớp đào tạo miễn phí tại nhà trở lại và duy trì cho đến thời điểm hiện tại. Lớp học thêu không chỉ thu hút người dân trong thôn Bình Lăng mà còn thu hút những vị khách thập phương trong và nài nước khi ghé chân qua.
Lớp học thêu tay của “bác Dục” (tên gọi mà các học viên hay dùng để xưng hô với nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục) dần trở thành điểm đến quen thuộc của các bạn trẻ sau những giờ tan học. Các học viên theo học có nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng chủ yếu là các em từ 10 đến 15 tuổi Chỉ sau 3 tháng đào tạo tại lớp học miễn phí này, các học viên đã có thể làm chủ được các kỹ thuật thêu, và tự tin cho ra đời những bức tranh thêu đẹp.
Những bức tranh thêu tay được treo tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục
Qua 14 khóa đào tạo đã có rất nhiều thợ giỏi được đào tạo, tự mở các cửa hàng tranh thêu tay hay tìm được đối tác bán hàng tranh thêu ra nước nài. “Tôi mở lớp dạy thêu không lấy kinh phí. Khác với bố tôi, tôi không đào tạo truyền miệng mà đào tạo bằng khoa học, tức là có giáo án, lý thuyết, thực hành và thi cử”. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục chia sẻ về phương pháp dạy học nghề.
Phương châm đào tạo của người nghệ nhân tài hoa là “4 dễ”: dễ biết, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Phương châm “4 dễ” này chính là kim chỉ nam trong quá trình dạy và học của cả thầy và trò tại lớp học, giúp cho học sinh của ông tiếp thu kỹ năng thêu một cách dễ dàng nhất.
Sau mỗi khóa học, các học viên sẽ được tham gia kỳ thi về kỹ năng thêu tay. Theo nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục, tổ chức thi như vậy vừa có tính cạnh tranh vừa giúp người học có sự phấn đấu. Phần thi thực hành, nghệ nhân sẽ ra chủ đề và các thợ học thêu sẽ tự vẽ, tự tìm chỉ thêu phối màu và sau cùng là đánh giá, đúc rút kinh nghiệm cho họ.
Em Lê Huyền Trang (học sinh lớp 1) tại lớp học thêu tay truyền thống miễn phí
Em Lê Huyền Trang , học sinh lớp 11 và là một trong những học viên của lớp thêu tay tại nhà ông Dục chia sẻ: “Em học thêu từ khi còn nhỏ. Nhớ lại những ngày đầu học, em gặp nhiều khó khăn và chỉ thêu những hàng thêu nhỏ. Em yêu thích thêu tay và vẫn đến đây học sau mỗi giờ học. Cho đến giờ, em đã có thể thêu kĩ thuật thêu chính”.
Là một trong những nghệ nhân còn “nặng lòng” với tranh thêu tay truyền thống, lớp học thêu tay được mở ra với mong muốn giữ gìn và phát triển nghề thêu. Các kỹ thuật thêu cơ bản được nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục truyền lại để những người học thêu có thể kiếm “cái nghề” nhằm đảm bảo kinh tế gia đình ; đồng thời đáp ứng sản phẩm thị hiếu của khách hàng.
Lớp học thêu miễn phí đã góp phần giúp những bạn trẻ có niềm yêu thích và đam mê với nghề thêu tiếp cận với nghề một cách nhanh nhất và phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của bản thân.
Trần Đình Sơn - Báo in K35 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận