Giáo viên và học sinh tìm phương pháp ôn tập hiệu quả trước chương trình giáo dục mới
(Sóng trẻ) - Năm nay, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội chính thức áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào đề thi. Trước những đổi mới đó, nhiều học sinh lớp 9 đã phải thay đổi phương pháp học tập để mang lại hiệu quả cao.
Đa dạng phương pháp học tập
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp dụng cấu trúc đề thi dựa trên chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khác với các năm trước, học sinh không chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản mà còn phải linh hoạt trong tư duy, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Điều đó khiến việc ôn tập trở nên áp lực hơn, đòi hỏi sĩ tử phải chuẩn bị kỹ lưỡng, lựa chọn phương pháp học tập phù hợp.
Trong khi đó, từ ngày 14/2 năm nay, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực buộc các lớp học thêm ngoài nhà trường phải dừng hoạt động do vi phạm các quy định được đề ra. Cụ thể, Thông tư quy định rằng giáo viên không được dạy thêm, thu tiền ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đó đang phụ trách giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Từ đó, học sinh đã chủ động tìm kiếm và áp dụng các phương pháp học tập mới, đặc biệt là những phương pháp có thể tự học, tự ôn tập. Bạn Nguyễn Nguyệt Anh (học sinh trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội) chia sẻ: “Ngay sau khi có quy định, mình cảm thấy khá hoang mang vì thời gian học trên lớp không đủ để thầy cô kèm cặp, quan tâm, sát sao tới từng học sinh. Trong khi đó, bản thân mình còn một vài phần kiến thức chưa nắm vững”. Tuy nhiên, Nguyệt Anh đã chủ động xây dựng kế hoạch tự học, tập trung vào phương pháp luyện đề.

Bên cạnh việc luyện đề, Nguyệt Anh còn sử dụng các nền tảng trực tuyến để hỗ trợ quá trình học tập. Những ứng dụng này giúp nữ sinh lớp 9 phát hiện những lỗi sai sau mỗi lần làm bài, đồng thời cung cấp lời giải để củng cố những phần chưa nắm chắc. Ngoài ra, Nguyệt Anh cũng tận dụng các tài liệu và bài giảng từ nhiều hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội nhằm tiếp cận đa dạng đề thi thử từ các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bạn Quang Dũng (học sinh trường THCS Sơn Đông) cũng đánh giá việc lập nhóm luyện đề là một trong những phương pháp ôn thi hiệu quả nhất. Ngoài thời gian học nhóm, Dũng còn dành thời gian 1 - 2 tiếng mỗi ngày để xem livestream chữa đề của nhiều thầy, cô giáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Về cách tự ôn luyện, Dũng áp dụng phương pháp Pomodoro (phương pháp quản lý thời gian giúp tăng cường sự tập trung và năng suất). “Mình thường học trong 2 tiếng và nghỉ 20 phút. Cách này giúp mình giữ vững tinh thần thoải mái ôn thi, không bị quá tải”, Quang Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi gần đến ngày thi, Dũng tập trung củng cố kiến thức nền tảng thay vì chạy theo số lượng đề thi mới. Với bạn, dù đề thi năm nay thay đổi về cấu trúc, nhưng nếu nắm chắc kiến thức cơ bản và linh hoạt trong tư duy sẽ giúp sĩ tử đạt kết quả tốt.
Ôn thi hiệu quả chặng nước rút
Trước những đổi mới, không chỉ riêng các sĩ tử cảm thấy hoang mang mà chính các giáo viên cũng vô cùng lo lắng. Cô Kiều Thị Thuỷ - phụ trách bộ môn Ngữ văn (Giáo viên Trường THCS Võng Xuyên B), ghi nhận khó khăn lớn nhất của học sinh là tâm lý ngại thay đổi và thiếu kỹ năng tự học.
“Nhiều học sinh vẫn quen những lối học cũ như: học thuộc lòng, làm theo mẫu, thiếu tư duy phản biện,... Khi tiếp cận với yêu cầu mới như phân tích, đánh giá, nêu quan điểm cá nhân, các em thường lúng túng và thiếu tự tin”, cô Thủy nhận xét. Với cô, phương pháp học tập hiệu quả nhất trong thời điểm này là kết hợp giữa việc củng cố kiến thức nền tảng và luyện đề có chọn lọc.
Cô Thuỷ cho biết: “Đối với môn Ngữ Văn, đề sử dụng hoàn toàn ngữ liệu ngoài, đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu ngữ pháp, nắm vững các thể loại văn học và có vốn sống, khả năng tư duy xã hội. Vì vậy, nếu không nắm vững kiến thức nền, học sinh khó có thể làm bài tốt”.
Với môn Toán, cô Mai Tuyển - giáo viên phụ trách môn Toán (Trường THCS Mai Động) lưu ý: “Theo tôi, học sinh cần hiểu rõ các khái niệm, học thuộc định lí, công thức và tính chất toán học; đọc kỹ đề để xác định đúng yêu cầu, nhận diện dạng bài, đồng thời vẽ hình chính xác và nắm chắc phương pháp giải”. Ngoài ra, việc rèn luyện qua nhiều bài tập, đặc biệt là các bài toán thực tế sẽ giúp học sinh vận dụng kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả hơn trong phòng thi.
Riêng với môn Tiếng Anh, học sinh nên luyện nghe, đọc hiểu thường xuyên, đồng thời trau dồi vốn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, đặc biệt ở các tình huống giao tiếp cơ bản. Việc luyện đề kết hợp ôn theo chủ đề sẽ mang lại hiệu quả cao.
Trước những đổi mới trong kì thi, học sinh cần nâng cao tinh thần tự giác, chủ động thích nghi với đa dạng phương pháp học tập. Đó chính là chìa khóa giúp các sĩ tử thêm tự tin, vững vàng bước vào kỳ tuyển sinh quan trọng sắp tới.