Người vẽ chân dung Bác Hồ bằng chỉ
(Sóng trẻ) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ … Nhưng ít ai biết hình ảnh của Người còn là động lực lớn lao để cho một nghệ nhân chuyên tâm phát triển nghề thêu Việt Nam và truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó là trường hợp của nghệ nhân thêu tay Nguyễn Quốc Sự tại làng nghề thêu Khoái Nội (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội).
Chuyên tâm với nghề từ vẽ chân dung Bác Hồ bằng chỉ
Được mệnh danh là “người vẽ tranh bằng chỉ” và có nghề thêu truyền thống từ gia đình, từ bé Quốc Sự đã được sống trong không gian tràn ngập sắc màu của tranh thêu. Bước sang tuổi 75 tuy mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng đôi bàn tay tài hoa của ông vẫn uyển chuyển mềm mại bên khung thêu để cho ra đời những bức tranh làm rạng danh hồn quê đất Việt.
Ít ai biết được động lực lớn lao để ông chuyên tâm theo nghề là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại vào đầu năm 1972, trong một lần về thăm hợp tác xã thêu tay Hợp Tiến, Tổng bí thư Lê Duẩn rất thích những bức tranh thêu thủ công. Khi xem xong, Người nói:" Cơ sở thêu lớn thế này mà chưa có tranh chân dung Bác Hồ". Lời nói của Tổng bí thư Lê Duẩn cùng với tình yêu và sự tôn kính vô bờ bến đối với Bác, đã khiến Quốc Sự trăn trở và nung nấu quyết tâm phải thêu được chân dung Bác Hồ kính yêu. Để thực hiện tâm nguyện đó, Quốc Sự đã theo học hội họa tại xưởng trường mỹ nghệ Hà Tây. Sau khi học xong, ông đã kết hợp kiến thức hội họa và kỹ thuật thêu tay truyền thống để thể hiện chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh. Và một điều thật bất ngờ bức tranh đầu tay chân dung Bác Hồ đã thành công nài mong đợi. Qua hơn bốn mươi năm, bức tranh ấy vẫn được treo trang trọng trong căn nhà ông như một kỷ vật để đời.
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự thêu bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chỉ
Chỉ với cây kim nhỏ bé và những sợi chỉ mảnh mai, Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã vẽ lên những bức tranh sinh động rực rỡ sắc màu. Nhìn vào tranh của ông, người ta có thể cảm nhận được con chim đang hót, chiếc lá đang bay, dòng suối đang róc rách chảy. Nhưng có lẽ chỉ khi ngắm những bức tranh chân dung mới thấy hết được cái tài hoa của bậc lão nghệ nhân. Nhờ được học căn bản về hội họa nên ông hiểu rõ được từ kết cấu của khuôn mặt đến sự chuyển động của cơ mặt. Do vậy từng nếp nhăn, khóe mắt, nụ cười đều sống động như thật.
Nhiều người hỏi ông thêu chân dung cái gì khó nhất. Nghệ nhân Quốc Sự nói rằng:"Mọi người cứ nghĩ thêu mắt, thêu miệng là khó nhưng cũng không hẳn là thế. Đó chỉ là những điểm nhấn của gương mặt. Đã thêu chân dung cái gì cũng khó. Nếu thêu không đúng một chi tiết, một bộ phận thì không ra nguyên mẫu được". Chính cái tài cái tâm của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã biến những đường kim mũi chỉ đơn sơ giản dị trở thành những bức tranh sinh động hấp dẫn như chất chứa linh hồn con người.
Người nặng ân nghĩa quê hương, với nghề
Đã hơn 60 năm gắn bó với nghề thêu, nghệ nhân Quốc Sự chứng kiến biết bao buồn vui thăng trầm của nghề tổ cha ông để lại. Cho dù thế nào đi chăng nữa ông vẫn quyết tâm gắn bó với nghề với những người dân lao động. Chính từ vẽ tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chỉ đầu tiên là mạch nguồn khơi dòng cảm xúc sáng tạo và tôi luyện cho đôi bàn tay tài hoa của ông trở lên thuần thục lão luyện. Giờ đã là nghệ nhân bậc nhất trong làng thêu, ông dành hết tâm sức của mình đóng góp sự phát triển của quê hương. Ông tâm sự: "lớp nghệ nhân xưa giờ chẳng còn được mấy người. Nếu không gìn giữ và phát triển làng nghề lỡ sau này nghề tổ bị mai một đi thì quả là có tội với các bậc tiền nhân".
Chính vì vậy ông quyết tâm khôi phục lại các xưởng thêu truyền thống. Ý tưởng đó của ông nhận được sự đồng thuận của cả gia đình và chính quyền địa phương. Trước hết, ông cho cả 10 người con từ trai, gái, dâu, rể đều tham gia vào các xưởng thêu tay truyền thống. Sau đó, ông báo cáo chính quyền địa phương tổ chức hội làng nghề thêu tay truyền thống để tập hợp các nghệ nhân, liên kết sản tranh thêu tay, qua đó phát triển làng nghề ra khắp các địa phương trong và nài huyện Thường Tín. Ông càn đặc biệt quan tâm đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy ông tận tâm chăm chút truyền nghề cho những mầm non ấy để các em sẽ lại tiếp nối nghề truyền thống quê hương.
Một số tác phẩm và giấy khen trong các dịp tham gia triển lãm
của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự
Để dạy được một thợ thêu, lão nghệ nhân cũng phải lao tâm khổ tứ, thậm chí tốn kém cả vật chất. Người học đều được ông cấp cho vải, khung, chỉ miễn phí. Muốn biết việc, ông cho thợ thêu thực hành trực tiếp trên sản phẩm. Học trò nhiều lúc sơ ý làm ố, rách hay thêu sai một lỗi nhỏ là đành phải bỏ cả bộ hàng đi. Tuy vậy nghệ nhân Quốc Sự không hề nản lòng mà vẫn bền bỉ như kiếp con tằm trọn đời nhả tơ dệt lên những ước mơ của người dân quê nghèo.
Bằng tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, nhiều lớp thợ thêu đã ra đời, hàng ngày miệt mài ngồi bên khung tranh. Những sản phẩm từ đôi bàn tay người lao động đã tỏa đi khắp nơi như Nhật bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đông Nam Á…Cho dù trên thị trường hiện nay có nhiều dòng tranh nhưng thương hiệu tranh thêu Quốc Sự vẫn được khách hàng ưa chuộng. Trước những biến động của nền kinh tế, nghề thêu gặp không ít khó khăn về nguồn cung ứng sản phẩm. Nghệ nhân Quốc Sự vẫn quyết tâm giữ những người thợ đã gắn bó với mình. Cơ sở thêu tay của ông tự cân đối để đảm bảo thu nhập cho thợ thêu, giúp họ yên tâm lao động và sáng tạo. Bằng tấm lòng luôn trăn trở với người lao động, trong nhiều năm qua ông luôn duy trì xưởng thêu hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Nhiều gia đình thoát khỏi nghèo khó vươn lên khấm khá ngay trên chính quê hương mình.
Khi hỏi về những đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, ông Trương Văn Thông - Bí thư đảng ủy xã Thắng Lợi phấn khởi nói:" Với tài năng và tâm huyết của mình, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống của quê hương. Ông cũng là người có nhiều đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội của địa phương, đặc biệt là giúp đỡ những người nghèo có công ăn việc làm, ổn định đời sống, góp phần làm cho quê hương ngày thêm giàu mạnh xứng danh là mảnh đất trăm nghề". Nhìn vào căn nhà của ông có rất nhiều bằng khen giấy khen, chứng nhận gương tốt việc tốt. Nhưng ông bảo giá trị nhất vẫn là bức tranh chân dung Bác Hồ và bằng chứng nhận tuổi trẻ sáng tạo tại Olimpic Quốc tế Matxcơva năm 1972. Đó thực sự là những kỷ vật ghi dấu nghiệp cầm kim cũng như tài đức, tâm sức của nghệ nhân Quốc Sự.
Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng nghệ nhân Quốc Sự không quản ngại khó khăn vất vả quyết tâm giới thiệu về làng nghề. Hiện tại ông đặt hai phòng tranh tại 21B Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm và 107B Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình cũng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm tới tới du khách trong và nài nước. Không chỉ có vậy, năm 2008, ông sang tận Nhật Bản dự triển lãm tại Takashimaya-một trung tâm thương mại lớn ở thành phố Yokohama. Tại đây, dưới bàn tay tài hoa của mình, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã khiến người Nhật thực sự ngưỡng mộ về nghệ thuật thêu tay truyền thống Việt Nam. Đài truyền hình Nhật Bản NHK đã sản xuất riêng một chương trình về ông và cơ sở thêu tay Quốc Sự. Nhờ sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, làng nghề thêu Khoái Nội ngày càng phát triển trở thành điểm du lịch văn hóa được nhiều người biết đến.
Chia tay người nghệ nhân già, trong lòng chúng tôi vẫn thầm cảm phục về cái tâm của ông đối với nghề nghiệp và con người. Bao tâm sức ấy sẽ còn lưu mãi trên những bức tranh thêu thấm đẫm tình người. Và mai đây những thế hệ học trò của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự sẽ là người tiếp nối nghiệp tổ để hồn quê đất Việt mãi còn rực rỡ trên những bức tranh thêu.
Phan Xuân Định
(Lớp Báo in 37B - BQP)
Cùng chuyên mục
Bình luận