Nhà báo Trần Lệ Thùy chia sẻ “Cách viết báo hiện đại”
(Sóng Trẻ) - Cách viết báo hiện đại là vấn đề cần đặt ra cấp thiết đối với người làm báo trong giai đoạn hiện nay.Tuy nhiên, rất nhiều nhà báo Việt Nam chưa tiếp cận và ứng dụng tốt cách viết báo hiện đại, đó là câu hỏi lớn đặt ra cho chất lượng nền báo chí hiện đại nước ta.
Cùng Sóng Trẻ sẵn sàng học hỏi những kinh nghiệm viết báo hiện đại đến từ nhà báo Trần Lệ Thùy - Phóng viên kỳ cựu của tờ Tuổi Trẻ và sáng lập viên của TET Media - Người đã tham gia chương trình nghiên cứu về báo chí Việt Nam tại Viện Báo chí Reuters, Đại học Oxford, Anh Quốc và có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong môi trường báo chí quốc tế!
Các nguyên tắc cơ bản khi viết báo:
Dưới đây là 7 nguyên tắc viết báo hiện đại được nhà báo Trần Lệ Thùy chia sẻ:
1- Không viết cho tới khi bạn hiểu vấn đề/sự kiện
2. Không viết cho tới khi bạn biết bạn muốn nói gì
3. Đưa trích dẫn hay và câu chuyện liên quan đến con người lên phần đầu của bài
4. Dùng câu và từ ngắn, đơn giản, chân thật. Tránh lối viết “trường giang đại hải”, “Dây cà ra dây muống”.
5. Tránh ý kiến chủ quan. Hãy để dữ kiện lên tiếng.
6. Trả lời câu hỏi “Thế thì sao”. Viết cho người đọc biết tại sao câu chuyện mà bài báo đề cập lại quan trọng hoặc thú vị và có ý nghĩa gì với họ. Tại sao họ lại phải đọc. Có thể tưởng tượng trong vị trí người đọc và đặt câu hỏi “ Thông tin này có giúp gì tôi, có làm tổn hại tôi? Có làm tôi mất tiền? Có giúp gì cuộc sống của tôi? Tôi được gì từ đó, niềm vui, nỗi đau, sự hứng khởi, mối quan tâm…?
7. Dẫn dắt câu chuyện/chi tiết/ các đoạn có nối kết với nhau. Tránh nhảy cóc từng đoạn.
Nhà báo Trần Lệ Thùy khẳng định: “Có một tỉ thứ để đọc khi công chúng lướt qua trang báo. Bạn đọc cực kì lười, chỉ có 30s để họ quyết định đọc bài của chúng ta. 30s để kịp đọc 1 cái tít cộng với lại 3 dòng đầu tiên, họ phát hiện ra đề tài có liên quan đến tôi không? Cách viết có hấp dẫn hay không? Nếu đáp ứng được 2 yếu tố này, lúc đấy họ mới quyết định đọc tiếp bài báo”. Như vậy, cách chọn đề tài, cách viết bài là hai chìa khóa làm nên thành công của một bài báo.
Đề tài – Câu chuyện nào được kể?
Cách chọn đề tài được dựa trên các tiêu chí: mới, hấp dẫn, quan trọng và có tầm ảnh hưởng.
“Có 2 điều cơ bản khiến bạn đọc quyết định đọc bài của chúng ta: một cái là gây tò mò, một cái là liên quan ảnh hưởng đến người đọc” – Nhà báo nói.
Làm sao để độc giả không ngước mắt rồi bỏ qua bài báo bạn viết? Làm sao để họ bỏ thời gian đọc bài báo ấy trong cuộc sống quá đỗi bận rộn và công chúng lại cực kì “lười”? Điều quan trọng nhất là nhà báo phải biết mình đang viết gì và hướng đến ai, vấn đề trong bài báo có quan trọng, thú vị, ý nghĩa hay tác động, tổn hại gì đến cuộc sống con người.
Có nghĩa, đề tài phải đánh trúng nhu cầu tâm lí và giành được sự quan tâm của độc giả Đó hẳn nhiên phải là điều công chúng cần biết, muốn biết. Điều này thể hiện ngay ở title. Một cái title hay không phải là một cái title “toàn bích”, chung chung, không chứa đựng giá trị thông tin đủ khiến độc giả click chuột vào bài để đọc nội dung của nó.
Viết báo hiện đại là cách để lôi kéo độc giả hiện đại
Theo nhà báo Lệ Thùy: “Đề tài rất quan trọng, có 7000 nhà báo tại sao 1 số nhà báo lại nổi lên? Bởi vì đề tài rất độc”. Tại sao nhà báo quyết định viết cái này mà không viết cái khác? Vấn đề là nhà báo phải có kiến thức cơ bản phát hiện ra đề tài nào đáng để viết. Quyết định viết điều đó giữa vô vàn sự lựa chọn của cuộc sống bằng cách tìm lát cắt rất nhanh để phát hiện ra new story”. Chọn một khía cạnh mới mẻ, đáng viết của vấn đề để khai thác là bài học cần ghi nhớ cho bất cứ ai bước chân vào làng viết.
Viết một bài báo cũng như kể một câu chuyện. Và như thế, câu chuyện bắt đầu. Một câu chuyện thành công là câu chuyện khiến bạn đọc hiểu rõ nội dung và muốn kể cho những người khác cùng biết câu chuyện ấy.
“So What?” - Nội dung “câu chuyện” phải hấp dẫn
Chọn được đề tài tốt là bước đầu tiên để sáng tạo tác phẩm thành công. Điều cần làm tiếp đó là đi trả lời câu hỏi “so what” (Tại sao lại như thế?/ Thế thì làm sao?).
Câu hỏi này chính là chìa khóa làm nên thành công của bài, tạo nên tính hiện đại của một tác phẩm báo chí. Người viết báo hiện đại sẽ không dừng vấn đề ở mức đưa tin hời hợt mà phải đào sâu vấn đề, cho người đọc cái nhìn thiết thực về vấn đề qua 3 nguồn cần phỏng vấn ở hầu hết mỗi bài báo: Chủ thể, đối tượng ảnh hưởng và ý kiến chuyên gia.
Cung cấp nhiều thông tin, Khiến một người đọc bình thường quan tâm và hiểu được vấn đề: “Nếu ko có phần so what thì người đọc không thể hiểu được trừ khi bạn đọc của các bạn tập trung vào giới chuyên gia” – Nhà báo Trần Lệ Thùy nhấn mạnh. Sử dụng thông tin sâu, đa chiều, sử dụng trích dẫn ý kiến chuyên gia làm tin bớt khô khan, trở nên sống động thực tế. Báo chí Việt Nam rất ít theo cách hiện đại này.
Trích dẫn
• Trích dẫn cần sử dụng để tăng tính phân tích hoặc làm bài báo sinh động hơn, dẫn dắt câu chuyện.
• Củng cố mở bài bằng một trích dẫn trực tiếp, chứng minh bạn đã phỏng vấn một người có thẩm quyền/hiểu biết vấn đề. Làm mạnh bài viết.
• Viết rõ, chính xác ai nói và nói khi nào.
• Để ý lắng nghe và tìm “trích dẫn vàng” – trích dẫn minh hoạ tốt nhất cho ý chính của bài.
Đặc biệt, đối với những bài khó viết, thách thức lại càng lớn hơn. Những thông tin đưa ra giống như bản xếp hình (tức phải khớp đúng sự thật, công bằng) là những tiêu chí cơ bản tạo nên sức ảnh hưởng của tác phẩm báo chí.
Người viết phải vận dụng tối đa kĩ năng nghiệp vụ của mình trong khai thác, xử lí đề tài. Những nguyên tắc cơ bản không thể xem nhẹ là:
- Acurate (chính xác): Về chức danh và tên, không sai chính tả, con số cực kì chính xác vì nó dễ bị kiểm tra. Cần kiểm chứng thông tin để tránh những lỗi sai “vô cùng ngớ ngẩn” về thông tin chức danh, chính tả.
- Balance (cân bằng): Vì nguồn tin phải bảo vệ lợi ích của mình. Khi đưa tin phải công bằng các bên bởi các bên đều có lí lẽ của họ và nguồn tin đều có động cơ. Nhà báo thông minh sẽ dùng “Phép trừ lợi ích” khi chọn lọc thông tin. Để phản biện, tìm lời giải cho vấn đề phải đi tìm người hiểu vấn đề và trung lập. Nếu có tư duy tốt, nhà báo có thể làm bất cứ đề tài nào ngay khi chưa có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đó.
- Fair (công bằng): Không nghiêng về bên nào mà phải trung lập, tôn trọng sự thật. Điều này sẽ khiến công chúng “tâm phục khẩu phục”.
- Activist (Hoạt động): Một nhà báo giỏi là người nhìn ra được “lỗi hệ thống” của vấn đề. Muốn vậy, 3 nguồn thông tin không thể thiếu là chủ thể, người bị ảnh hưởng và chuyên gia.
Có rất nhiều chuyên gia, mỗi người một quan điểm. Vậy làm sao để biết chuyên gia nào là đúng. Nhà báo phải đủ tinh tường để tránh những chuyên gia “cái nào cũng nói được”, biết chọn những người cực kì tâm huyết và không có động cơ về tiền bạc hay danh tiếng để thu thập ý kiến. Tuy nhiên “Những người hay không chịu đựng nỗi rất khó thuyết phục, họ lặng lẽ và cũng có phần xem thường nhà báo” – Nhà báo Lệ Thùy chia sẻ.
Nhà báo giỏi là người nhìn ra “Lỗi hệ thống”
Điều này liên quan đến kiến thức nền của nhà báo khi xử lí đề tài và viết bài. Vấn đề đưa trên báo chí thường là những sự kiện rất khô khan, người ta thường nhìn bề “nổi” hơn mà không quan tâm nhìn những thứ ở tầm vĩ mô, hệ thống. Dẫn đến khó phân tích vấn đề và không vẽ được bức tranh ở tầm chính sách. Không nhìn ra lỗi hệ thống, một phần là do nhiều nhà báo hay chọn chi tiết nóng, nhìn thấy rõ, điều này làm cái lỗi hệ thống bị mờ đi.
Nhà báo Trần Lệ Thùy cho biết: “Cái thiếu là thiếu về tổng quát để kết nối toàn bộ câu chuyện: Thiếu Nut Graphs, tức là hạt nhân xâu chuỗi toàn bộ vấn đề”.
Nut graphs:
• Nut graphs trả lời câu hỏi “Thế thì sao”. Điều gì quan trọng trong sự kiện, bài phát biểu, vấn đề này… Tại sao bạn đọc phải đọc. Giả dụ người đọc không biết vấn đề: Bối cảnh là gì ? Mốc và so sánh: Đây có phải lần đầu tiên ? Sự thay đổi cả xu hướng ?
• Nguồn: Cho đọc giả biết bạn biết gì, không biết gì và làm thế nào để biết. Cần dẫn nguồn ở tất cả các thông tin. Ai nói ? Nguồn tin từ thông cáo báo chí hay nghiên cứu ? Phóng viên có mặt để làm nhân chứng ?
• Góc độ tiếp cận/ angle làm cho mục đích của bài báo rõ ràng, có trọng tâm. Xác định và triển khai bài báo chặt chẽ, xoay quanh đề tài để giải quyết triệt để khía cạnh bài khai thác. Chỉ tìm ra đúng một đề tài để tiếp cận, làm sao bắt đầu và quay lại đề tài mà không đi lan man.
Tip nhỏ cho Bài viết sâu/Phóng sự
• Bài viết sâu là những bài viết mang tính miêu tả, chi tiết, sống động, có quá trình thu thập thông tin, đánh giá, phân tích sâu, được viết kỹ càng với những ý tứ độc đáo, mới mẻ.
• - Bài viết sâu hơn tin bằng cách giải thích, mở rộng về những yếu tố thú vị nhất của một sự kiện hay vấn đề
• Không phải văn chương hay bình luận. Không có ý kiến chủ quan của nhà báo.
• Nhà báo đặt mình bên nài bài. Viết ở ngôi thứ 3.
Tóm lại:
- Đề tài tốt
- Hiểu chuyện
- Ngắn gọn, súc tích, không dùng kĩ thuật
- Dùng trích dẫn
- Thông tin đa chiều, nhiều nguồn, lỗi hệ thống.
Lệ Thu
(Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Bình luận