Nhà báo Lê Văn Chương: “Làm báo là phải trải nghiệm”
(Sóng trẻ) – Bằng những kinh nghiệm lâu năm trong nghề báo, nhà báo Lê Văn Chương của báo Biên Phòng đã có những chia sẻ sâu sắc về phẩm chất, kĩ năng mà nhà báo cần có để hoạt động trong bối cảnh báo chí hiện nay.
PV: Xin chào nhà báo, theo như tôi được biết ông là một nhà báo đã có rất nhiều bài báo nhận được giải thưởng báo chí, tác phẩm gần đây nhất ông nhận được giải thưởng Giải Báo chí Quốc gia vào năm 2016 là bài “Tàu 67 mắc cạn”. Vậy ông có thể chia sẻ một vài quan điểm cá nhân về phẩm chất cần có của một nhà báo trong bối cảnh làm báo như hiện nay?
Nhà báo: Theo quan điểm cá nhân của tôi, để trở thành một nhà báo đã khó rồi, và trở thành một nhà báo giỏi thì lại khó gấp nhiều lần, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Câu này nghe có vẻ lý thuyết nhưng tôi cũng nói luôn, chỉ học nghề báo rồi cầm bút đi viết luôn thì quả thật rất khó.
Khi ra trường, các bạn sinh viên nên đi làm thuê khoảng 10 nghề trong thời gian 2-3 năm rồi chuyển sang đi viết báo, dần dần các bạn sẽ trưởng thành hơn. Bởi vì trong khi làm 10 nghề đó người làm báo sẽ tích lũy cho mình được những phản xạ nghề nghiệp. Bạn biết đi xuyên qua bức màn thật, giả và cũng không dễ dàng đánh đổi bản thân vì một chút lợi ích nhỏ nhoi, không lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, biết chia sẻ và cảm thông với mọi người, lo toan việc xã hội mà cánh báo chí hay nói vui là bao đồng việc xã hội hơn bản thân mình.
Về phẩm chất thì trong lý thuyết cũng nói nhiều rồi nhưng theo tôi quan trọng nhất là phải từng trải để hình thành nên tính cách chịu chơi, xả thân, quyết liệt, mạnh mẽ của một người làm báo trong bối cảnh báo chí bây giờ.
Nhà báo Lê Văn Chương trong một chuyến đi công tác
PV: Theo ông, kỹ năng trải nghiệm quan trọng như thế nào trong việc tác nghiệp đối với một nhà báo?
Nhà báo: Theo tôi, trải nghiệm là một kỹ năng rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Hiện nay ở Việt Nam, thông tin có độ nhiễu rất cao, thí dụ như khi phỏng vấn các quan chức thì bạn tin rằng đó là tin thật, nhưng sự thật rất ít, vì họ nói ra sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân. Vậy bạn phải xử lý nhiễu của thông tin này, để xử lý được thông tin này thì bạn cần phải có tố chất của một người làm phóng sự điều tra, phản biện, tiếp cận thông tin ở nhiều người để tìm ra sự thật. Đối với sinh viên thì điều này là quá khó, cần phải có kỹ năng cọ xát thực tế thì mới xử lý thông tin được.
Tôi bây giờ tuy đã là một nhà báo nhưng tôi vẫn tiếp tục kiếm tìm cơ hội để trải nghiệm, làm tất cả mọi việc từ leo núi, đi biển, tới chỗ nguy hiểm và sẵn sàng điều tra các vụ việc khó. Vậy đó, tố chất là phải thực hành và va chạm để rèn cho người làm báo có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Nếu không có những kỹ năng đó thì mỗi tác phẩm báo chí viết ra sẽ không có chiều sâu của cuộc sống.
PV: Ông có điều gì nhắn nhủ đến các bạn sinh viên trẻ đã và đang theo nghề báo ?
Nhà báo: Tôi mong ngày càng có nhiều bạn sinh viên trở thành những người làm báo giỏi, dám đương đầu với nhiều vụ việc khó để giúp ích cho xã hội. Thầy Huỳnh Dũng Nhân cũng có câu nói đơn giản: “Họ làm nghề, mình cũng làm nghề, đừng nghĩ mình quá quan trọng”.
Cảm ơn những chia sẻ rất hữu ích của nhà báo. Chúc ông càng ngày càng thành công trong sự nghiệp làm báo và có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng lớn hơn nữa.
Chu Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận