Nhà chống lũ - Mô hình chống lũ an toàn cho người dân
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày (2/12), ông Lương Hùng và ông Tạ Ngọc Tân tham gia giao lưu trực tuyến cùng độc giả Trang tin điện tử Sóng Trẻ tại số 137 Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội. Buổi tọa đàm sẽ giúp cho độc giả hiểu rõ hơn vể các mô hình Nhà chống lũ an toàn.
MC: Thiệt hại do mưa lũ vừa qua ở miền Trung đã gióng lên hồi chuông về sự khốc liệt của thiên tai ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Tạ Ngọc Tân: Thiên tai trong những năm gần đây có biểu hiện khốc liệt đặc biệt 2016 đến nay có đợt lũ lịch sử. Theo số liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2020, nước ta gánh chịu 9 cơn bão áp thấp nhiệt đới, trong đó, bão số 9 là siêu bão ảnh hưởng rất nặng nề. Tháng 11 vừa qua, một lần nước chúng ta phải gánh chịu 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới - số lượng lớn trong lịch sử.
Cụ thể, lượng mưa rất lớn, tổng lượng mưa trung bình 3.000 m.m, một số nơi vượt quá mức trung bình như Quảng Bình. Cột mốc lịch sử: 16 sông, 4 sông vượt mức lũ lịch sử, lũ mức báo động 3, kéo dài liên tục trong 3 ngày. Theo thống kê Tổng cục có 1500 căn nhà sập hoàn toàn, tổng thiệt hại hơn 30 nghìn tỉ đồng.
Ông Lương Hùng: Biến đổi khí hậu mang tính chất toàn cầu, song phải nói đến các vấn đề liên quan đến quy hoạch, bảo vệ phát triển rừng. Rừng có vai trò rất quan trọng, khi mất rừng phải gánh chịu những hậu quả rất lớn. Rừng đầu nguồn khai thác quá mức, bảo vệ không chặt chẽ. Rừng cấu thành làm nên các thành tố văn hóa. Đó cũng là vấn đề Nhà Chống Lũ quan tâm, khảo sát triển khai trên diện rộng hướng tới.
MC: Thưa ông Lương Hùng, ý tưởng về Nhà chống lũ của nhóm thực hiện bắt đầu từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào?
Ông Lương Hùng: Ý tưởng đến từ chính những trải nghệm cuộc sống, khi đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều trận lũ, chúng tôi có bàn với nhau, sau trận lũ lịch sử năm 2013, về một giải pháp bền vững an toàn cho người dân. Chúng tôi không có hình thức cứu trợ(thức ăn và phi thức ăn) mà hướng đến việc tạo dựng những ngôi nhà – đúng với thành ngữ “An cư lạc nghiệp” cho người dân. Ý tưởng được lần đầu triển khai tại Hà Tĩnh sau cơn lũ lịch sử vào năm 2013. Từ đó đến nay, chương trình được tổ chức xuyên suốt, nhằm đem đến ngôi nhà an toàn cho người dân vùng bão lũ.
MC: Xin ông Tạ Ngọc Tân cho biết một số thông tin về các dự án, các hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua về nhà ở đối với người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ?
Ông Tạ Ngọc Tân: Năm 2014, đã có Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Cụ thể, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng thiên tai xây ngôi nhà an toàn hơn, với mức tiền mức tiền từ 12-16 triệu đồng. Đến nay, hộ dân được hỗ trợ nhiều nhất đang là 15 triệu đồng.
Tính đến tháng 10 năm nay đã hoàn thành 19 nghìn căn nhà trên tổng số 20 nghìn, đạt được 90% chương trình đề ra. Tuy nhiên, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, yêu cầu hỗ trợ còn rất là nhiều. Ngoài những chương trình hỗ trợ của Nhà nước ra còn có một số chương trình dự án hỗ trợ từ quốc tế. Đơn cử như Dự án Quỹ nhà xanh CCS: xây dựng nhà ở an toàn cho cư dân các tỉnh ven biển.
Đến năm 2017, CCS đã xây dựng được 3440 căn nhà ở 5 tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Các mô hình nhà này đều được người dân địa phương đánh giá rất cao. Bên cạnh đó cũng có các Tổ chức phi Chính phủ như Sống Foundation của anh Hùng, hay gần đây nhất là báo Dân trí cũng có chương trình hỗ trợ xây 50 nhà phao cho người dân Quảng Bình. Có thể thấy đấy là các nỗ lực rất đáng ghi nhận từ cả Trung ương đến địa phương.
MC: Đến nay Nhà chống lũ có bao nhiêu mô hình nhà an toàn? Xin ông có thể điểm qua một số mô hình nổi bật đã được áp dụng rộng rãi, hiệu quả thời gian qua?
Ông Lương Hùng: Sau trận lũ lịch sử năm 2015, trong 7 năm hoạt động chúng tôi có đi thực tế qua sát, tìm hiểu, các địa phương như Quảng Ninh; miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sóc Trăng; xã Mõ huyện Đắk Nông Quảng Trị.
Từ đó, cho ra 9 mô hình nhà khác nhau, ứng phó những tổn thương khác nhau, triển khai dưới sự đồng thuận của người dân và của chính quyền địa phương, luôn đặt tiêu chí nhà là của dân. Giá trị cốt lõi tâm niệm của dự án: ứng phó, phát triển bền vững.
MC: Thưa ông Ngọc Tân, về mô hình căn hai gác cầu thang ngoài như ông Lương Hùng vừa nêu, để chống chọi được với những hình thái thời tiết, thiên tai bão lũ vừa qua ở các tỉnh miền Trung, kiểu nhà căn hai gác cầu thang ngoài đã phát huy được hết tác dụng chưa?
Ông Tạ Ngọc Tân: Tôi đánh giá rất cao nỗ lực cũng như đóng góp của Nhà chống lũ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Nói thêm về dự án CCS, 6 ngôi nhà tương ứng với mức tiền khác nhau, phải có sự đóng góp của người dân để chia sẻ trách nhiệm trong đó. Qua kinh nghiệm rà soát, mỗi 1 loại nhà có đặc điểm và công năng riêng. Thậm chí một số mẫu nhà của chúng ta xây dựng, không thể an toàn 100%, nhưng vẫn phần lớn đảm bảo cho người dân. Không phải địa bàn nào cũng xây dựng mô hình nhà cố định mà phải tùy vào đặc điểm địa hình, phong tục tập quán của người dân. Mỗi mô hình nhà lại có những ưu và nhược điểm riêng. Và chia sẻ thêm là khi nào trải qua thiên tai bão lũ chúng ta mới rút kinh nghiệm và cải thiện, hoàn thiện mỗi mô hình.
Thưa ông Lương Hùng, ông có thể cho biết thời gian thi công trung bình của một công trình Nhà chống lũ là bao lâu, thường được xây dựng vào khoảng thời gian nào trong năm?
Ông Lương Hùng: Thông thường thì phải ít nhất 90 ngày mới xong được một ngôi nhà vì phải thực hiện rất nhiều khâu như khảo sát, thiết kế, động thổ, khởi công. Khoảng thời gian đầu thì chúng tôi đã có những ý tưởng khá mạo hiểm, khi ấy thì chỉ ngay sau bão lũ là chúng tôi dồn toàn bộ lực lượng, nguồn lực tại chỗ để bắt tay vào xây dựng ngay với mong muốn là người dân sớm có nhà đón Tết. Thời gian ấy có khi chỉ mất khoảng 3 ngày là có thể xây xong một ngôi nhà, một năm có 365 ngày thì chúng tôi phải xây được 120 – 150 căn trong năm đó. Nhưng hiện tại thì dự án của chúng tôi đã bài bản hơn, khoa học hơn, có kế hoạch cụ thể, báo cáo lên Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rồi mới bắt đầu triển khai thi công.
Câu hỏi từ độc giả Nguyễn Cường gửi tới ông Lương Hùng. Theo ông, các mô hình nhà chống lũ ưu việt như vậy, sao người dân nhiều nơi vẫn chưa lựa chọn xây dựng? Có phải chăng là do tư tưởng tấc đất tấc vàng, e ngại những căn nhà như nhà phao, nhà nổi?
Nhà chống lũ có 9 mô hình, nhà phao chỉ là 1 trong những mô hình đặc thù cho vùng Tân Hoá (Quảng Bình). Được biết, những căn nhà này có quy mô không lớn và không thể có mô đun nhà ở cố định. Cụ thể, nhà ở Tân Hoá đã có 3 lần thay đổi thiết kế. Từ ngôi nhà hình chữ nhật với cánh cửa mở lợp hai mái, căn nhà phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, vách nhà không được cao quá chiều rộng của lòng nhà, nhằm tránh bớt tiết diện chống gió.
Từ năm 2014-2016, nhà chống lũ đã thay đổi nhiều mô hình nhà. Nhà hình chữ nhật đổi thành nhà 4 mái, khí động học, nhằm thay đổi tác động gió lên mái. Năm 2017, căn nhà đã được thiết kế thành hình vuông với 4 cạnh bằng nhau, chiều cao được tiết giảm với 4 mái, bổ sung thêm hệ thống phao kẹp. Khi tham gia hội thảo với các giáo sư trường Đại học tại Đức, họ đã rất ngạc nhiên về các mô hình nhà nổi của chúng ta. Trên cơ sở mô hình nhà nổi, đã xuất hiện nhiều mô hình mới tại vùng Đồng tháp Mười…. Người dân vùng lũ phải thực sự mong muốn có ngôi nhà an toàn, thực sự chung tay tiếp cận vs phương thức xây dựng mới cho ngôi nhà của mình. Tôi biết không hề dễ dàng, bởi dự án Nhà chống lũ là dự án xã hội, không phải quỹ từ thiện. Quan điểm của chúng tôi là khi cộng đồng chung tay, hộ gia đình sẽ được hưởng lợi.
MC: Thưa ông Tạ Ngọc Tân, với tình hình ứng phó với thiên tai, hiện ban chỉ đạo đang tập trung trọng yếu vào những biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho người dân Miền Trung trong thời gian tới?
Phòng chống thiên tai đóng vai trò thường trực. Do đó, để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân miền lũ, giải pháp trước mắt là hỗ trợ họ về cuộc sống sau lũ. Các giải pháp này cần phải được triển khai gấp rút và đồng nhất. Nói thêm, chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ xây dựng cho những căn nhà bị đổ xập (40tr/căn), căn nhà bị hư hại (10tr/căn).
Thứ hai là khôi phục kế sinh nhai cho người dân. Tiến hành rà soát lại, lồng ghép các yếu tố phòng chống thiên tai, rà soát lại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lên các phương án kế hoạch ứng phó với thiên tai, đặc biệt tại những địa phương thường xuyên xảy ra với tần suất lớn. Về lâu dài, người dân cần tăng cường nhận thức và năng lực phòng chống thiên tai, từ đó, họ có đủ kiến thức và năng lực, cũng như các kỹ năng để ứng phó với thiên tai sau này.
MC: Câu hỏi được gửi tới từ khán giả có Facebook Hà My.
Nhà độc giả ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị ảnh hưởng đợt xả lũ tháng 10 Hồ Kẻ Gỗ, rất quan tâm đến mô hình NCL. Độc giả băn khoăn với mức đóng góp 50% chi phí xây dựng có phải là quá cao không trong khi nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ hoàn toàn cho bà con?
Ông Lương Hùng: Dự án Nhà chống lũ là 1 dự án phi lợi nhuận huớng tới mục tiêu xây dựng nhà an toàn cho người dân. Không phải làm nhà từ thiện. 50% kinh phí hỗ trợ phù hợp với thiết kế nhà chống lũ, đặc biệt nói về quy mô chống lũ.
Ví dụ như căn hai gác, phòng tầng một có phòng 28m2 lớn, thiết kế bếp và công trình phụ, tầng hai 14m2, ban công 90m2 , mặt tiền dưới 4m2. Nhà 2 gác kinh phí khoảng 90tr. Tùy theo năng lực tài chính của người dân muốn đẹp hay không. Mức hỗ trợ 50% của Nhà chống lũ từ 40 – 45 triệu đồng, rất dư dả với các vật liệu sắt, thép, xi măng,...
Thiết kế nhà chúng tôi có 1 quan điểm xuyên suốt là không trao tiền cho dân. Chúng tôi kết nối doanh nghiệp cung ứng tới tận chân công trình, chúng tôi dám sát tiến độ, hầu hết người dân dư dả 10-15tr. Ngày khánh thành nhà, trả công thợ, chúng tôi trao trả lại số tiền đó. Người dân buộc phải trả tiền công cho thợ tránh người dân dùng vs mục đích khác.
Đối vs những hộ cá biệt cần hỗ trợ thêm, chúng tôi đều tính toán về vật tư, vật liệu, nhân công để người dân có trách nhiệm vs ngôi nhà của mình. Thực ra 40-45triệu đồng Nhà chống lũ hỗ trợ không lớn, nhưng Nhà chống lũ muốn người dân phải có trách nhiệm. Nếu Nhà chống lũ đóng góp hoàn toàn thì nhiều hộ dân sẽ không đc hỗ trợ.
MC: Thưa ông, có lưu ý gì cho các mô hình nhà an toàn, làm sao để phát huy tác dụng lâu dài, cũng như thích hợp được với những diễn biến khác nhau, khó lường của thiên tai bão lũ?
Ông Tạ Ngọc Tân: Như đã nói, hiện nay chúng ta có rất nhiều mô hình, như dự án của anh Hùng đây là 9 mô hình, dự án CCS mà tôi tham gia trực tiếp là 30 mô hình, mỗi mô hình có chức năng và mức tiền phù hợp với nhu cầu của mỗi hộ dân. Câu chuyện đặt ra là phải có một căn nhà phù hợp. Theo tôi thì trước hết là rà soát lại các mô hình đã có ở địa phương rồi xem xét, đánh giá rồi mới đưa ra mô hình phù hợp.
Thứ hai là xây dựng những tiêu chuẩn thiết kế nhà cụ thể. Trong chuyến thực tế xuống Quảng Bình, chúng tôi tìm hiểu được trong khoảng 700 hộ dân thì có 600 hộ có nhà phao, nhưng những căn nhà này đều chưa được tiêu chuẩn hóa. Chẳng hạn như việc cột cố định, diện tích, chiều cao của nhà đều chưa có mức tiêu chuẩn.
Thứ ba là nâng cao nhận thức cho người dân, mình xây nhà cho họ xong thì mình nên hướng dẫn người dân sử dụng, kê đồ như thế nào cho phù hợp, hỗ trợ để họ duy trì cuộc sống tiện lợi và an toàn.
Cuối cùng là cần có khuyến cáo, tư vấn cho người dân để họ chọn được mô hình phù hợp. Ví dụ như đối với hộ dân quy mô 1-2 người thì có khi chỉ cần xây nhà khoảng 30m2 chứ không nhất thiết xây nhà thật to để có thể tránh gánh nặng kinh tế.
Thưa hai khách mời, từ kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu của mình, xin hai vị khách mời chia sẻ một số nguyên tắc bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân trước thiên tai, bão lũ?
Ông Lương Hùng: Kinh nghiệm không thể đem nơi này đến áp dụng nơi khác. Hay khi thực hiện làm nhà chúng tôi có sử dụng các câu slogan như “triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”. Đối với việc an toàn vùng lũ đặc biệt quan tâm đến là người già và trẻ em, đặc biệt có một lỗi lớn khi chúng tôi đi làm lại nhà cho dân là nhiều trẻ em vùng lũ không biết bơi, đòi hơi sự qun tâm của giáo dục, trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Ở vùng lũ hướng dẫn người dân tập huấn kĩ thuật, kĩ năng chống bão lũ từ địa phương, ví dụ như ở Nha Trang người dân nói không có bão bao giờ, người dân không có ý thức, kĩ năng để chống bão. Tìm hiểu, tư vấn nhà xây dựng phù hợp với hoàn cảnh, kinh tế của người dân, không để người dân sau khi có nhà phải mắc nợ, có bản vẽ sẵn cho người dân sau khi phục hồi kinh tế sản xuất có thể xây dựng nhà truyền thống.
Ông Tạ Ngọc Tân: Chia hai giai đoạn trước thiên tai và trong thiên tai: Trước thiên tai: Bình tĩnh, theo dõi thường xuyên các tin cảnh báo, dự báo, phải có sự chuẩn bị phòng ngừa trước cơn bão. Chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm. Người dân phải được tập huấn các kĩ năng để phòng chống bão lũ, trang bị đầy đủ kĩ năng giữ an toàn trong thiên tai. Trong thiên tai: Bình tĩnh, tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, phải di chuyển đến nơi an toàn, hạn chế di chuyển trong cơn bão.
MC: Xin mời đại diện BBT Sóng Trẻ trao tặng số tiền ủng hộ 5 triệu đồng tới dự án Nhà chống lũ.
Trang tin điện tử Sóng trẻ xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi và tương tác với buổi giao lưu trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin điện tử Sóng trẻ. Mọi phản hồi xin gửi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]
Xin chân thành cảm ơn!
BBT Sóng trẻ