Nhiếp ảnh gia Lê Bích - Tôi đi tìm tôi

a-nh-1.jpg

(Sóng trẻ) - Rong ruổi tìm kiếm nét đẹp trên cánh đồng quê kiểng mộc mạc, miệt mài với làng và giếng, Lê Bích dùng ống kính của mình lưu giữ lại chút hồn cốt quê hương. Đôi mắt anh nhìn sâu vào từng lát cắt để rồi: Xưa, ta tự hào về phố Phái, nay ta vui mừng có thêm một danh xưng… “Bích Giếng”.

PV: Trong nhiếp ảnh, mỗi người đều có cho mình một cái tôi riêng, một con đường độc đạo. Để tìm thấy bản ngã, người ta phải trải qua một hành trình dài nhận diện đam mê, vượt qua cản trở và ghi lại dấu ấn riêng. Vậy với nhiếp ảnh gia Lê Bích, anh mất bao lâu để tìm kiếm được lối đi cho mình?

Bố tôi là họa sĩ nên sử dụng máy ảnh để phục vụ việc lưu giữ tư liệu nghiên cứu. Bởi thế, ngày bé, tôi rất thích chụp ảnh, tuy nhiên chỉ chụp cho vui. Sau đó, tôi dự định thi vào trường mỹ thuật nhưng gia đình tôi cũng gặp biến cố lớn, bố tôi mất.

Tôi bắt đầu đi làm. Một thời gian sau, tôi quyết định học ngoại ngữ vì có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc.

Đến năm 2005, tôi có gia đình, cuộc sống ổn định. Một cuộc tình cờ, tôi gặp phóng viên ảnh Nguyễn Việt Thanh (Phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vàng báo chí Châu Á), anh bảo tôi có năng khiếu với nhiếp ảnh. Lúc ấy, tôi bắt đầu theo đuổi sở thích của mình: Nhiếp ảnh.

Đến bây giờ tôi là phóng viên ảnh tự do, cộng tác với nhiều báo, bao gồm báo mạng, báo in và tạp chí.

Phóng sự ảnh "Ai cho mùa xuân" - đánh dấu bước khởi đầu trong hành trình Nhiếp ảnh gia Lê Bích đến với ảnh báo chí. (Biên tập, Kỹ thuật dựng: Ngọc Trang, Đồ họa: Hồng Thảo, Thể hiện: Hoàng Hà)

PV: Anh đến với nhiếp ảnh như được số phận định sẵn. Vậy cơ duyên đặc biệt nào đã làm nên danh xưng “Bích Giếng” ?

Trong những năm đầu bén duyên với nhiếp ảnh, tôi đi chụp rất nhiều theo lời rủ của bạn bè. Rồi tôi nhớ về bố, bố từng là họa sĩ làm việc với nhiều nghệ nhân trong các làng nghề nên khi về làng chụp ảnh tôi thấy mình gần bố. Cái tên Lê Bích chuyên về làng nghề được người ta biết đến từ đó.

text-2.jpg

Bắt đầu từ những bức hình đơn sơ, tình yêu làng ngấm vào tôi, thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn về văn hóa làng. Làng là kết tinh tinh hoa của Đồng bằng Bắc Bộ được thăng hoa thành nét văn hóa đặc sắc.

Có lần, tôi gặp anh nghệ sĩ Quách Đông Phương, người đã lưu giữ rất nhiều bức ảnh về cổng làng xưa trước khi chúng bị phá bỏ. Nhờ anh mà công chúng còn được nhìn lại
một nét văn hóa làng xưa cũ.

Chính điều đó khiến tôi ý thức, tôi phải chụp và giữ lại những điều sắp mất. Khi chụp ảnh làng nghề tôi dần tập trung sự chú ý vào giếng. Danh xưng “Bích Giếng” đã đến như thế.

la-ng-va-gie-ng-chua-n.jpg

PV: Trong những “cuộc hội ngộ” với giếng, anh thấy mình ấn tượng nhất điều gì?

Tôi đến với giếng rất nhẹ nhàng giống như một cuộc dạo chơi. Tôi đi qua những ngôi làng mà không hẹn trước, cũng không rõ ở đó có giếng hay không.

Mỗi chiếc giếng là một nét đẹp riêng. Có cái giếng khoảng mấy trăm năm tuổi mà nước vẫn còn trong, mọi người vẫn quây quần bên giếng. Nhưng cũng có những chiếc giếng chơ vơ giữa đồng, chẳng thuốc về ai vì có thể, trước đó có một ngôi làng nhưng sau này họ bỏ đi, giếng thì vẫn còn…

Mục đích ban đầu đào giếng, con người chỉ dùng để lấy nước tắm, giặt, nấu nướng nhưng khi con người gắn những hoạt động đặc biệt với giếng thì ý nghĩa của giếng không còn đơn giản nữa.

Ở một số vùng quê, việc nạo vét giếng được nâng tâm thành nghi lễ rất trang nghiêm, gọi là lễ thau giếng. Và đó mới là điều lý thú. Những năm đầu tôi đi chụp, ảnh chỉ mang tính chất nghệ thuật thôi, nhưng sau khi hiểu thì mọi thứ trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Câu chuyện thiêng hóa nguồn nước không phải là điều lộ thiên dễ thấy, đó là quá trình đòi hỏi người làm nghề phải đào sâu, tìm kiếm trong thời gian dài. Tôi theo đuổi giếng một cách kiên trì để kể lại câu chuyện văn hóa đằng sau những chiếc giếng làng bằng nhiếp ảnh.

90922278_213063359952937_8463637153061011456_o.jpg

PV: Khi tìm hiểu sâu về làng, về giếng, điều gì khiến anh cảm thấy còn nhiều trăn trở?

Làng rất bình yên, tôi luôn đến làng với tâm thế và cảm giác nhẹ nhàng. Làng vừa đẹp về mặt thị giác, vừa đẹp bởi lớp phù sa văn hóa bên trong. Tôi nhận làng mang hồn cốt của người Việt, chính xác là quê hương Việt Nam. Tuy quê hương là khái niệm chung chung nhưng làng thể hiện rõ nhất thế nào là quê hương.

Về làng gặp những người mẹ già nói chuyện về cuộc sống, về đời tư của họ, tôi thấy bình yên lắm, hình dung chắc 1000 năm hoặc 500 năm trước cuộc sống cũng chỉ như thế. Tôi dần định danh rõ hơn tình yêu làng và cảm nhận nó bằng trái tim.

text.png

Vậy nhưng, khi mình là một phóng viên chuyên nghiệp thì góc nhìn của mình phải trực diện, phải nhận thấy cả cái tốt, cái xấu, cả tích cực và tiêu cực. Xã hội hiện đại hơn, những di sản được tu sửa, nó dần mất đi nét
cổ xưa.

Những năm 2005 tôi về quê, con người vẫn sống chan hòa, hồn hậu thì hiện tại con người sống thực dụng hơn và văn hóa làng bị phá vỡ nhiều. Đơn cử như làng Cựu Đà, một làng tiêu biểu làng ven đô bị phá vỡ về mặt cấu trúc, kiến trúc cũng như văn hóa làng nói chung. Hình ảnh chàng thanh niên nhuộm tóc đỏ đi xe SH, nói tục, chửi bậy đã làm mất dần sự thân thương ngày xưa của làng quê.

Rồi môi trường ô nhiễm, làng nghề mai một, giếng bị bỏ hoang và mất dần…

1b1069c913c4ed9ab4d5.jpg
Óng ả sắc vàng miến Cự Đà, làng miến nép mình bên những đổi thay (Ảnh: Lê Bích)

PV: Mải miết theo đuổi nhiếp ảnh, có bao giờ anh có tự đặt cho mình một đích đến?

Ký ức. Bây giờ, trẻ con ít có được những ký ức phong phú và đẹp, ký ức bây giờ có lẽ chỉ có chơi game nhiều quá. (Cười) Tôi ý thức được giá trị của ký ức trong đời người nên khi chụp ảnh tôi cũng luôn luôn chụp làm sao để tạo nên ký ức đẹp cho người xem.

Có những thứ những thứ rất trừu tượng mình không thể hiện được như: nỗi nhớ, tình yêu,... thì mình phải ẩn dụ nó đi. Ví dụ, chụp một cái nón, nó là ký ức, kỷ niệm. Một chiếc nón bạc màu thời gian, dáng người mẹ tảo tần, ẩn dụ và đặc trưng, tiêu biểu cho những người phụ nữ ở Việt Nam.

cd3e7be701eaffb4a6fb.jpg
Tà áo nâu, răng đen, tóc vấn, miệng ăn trầu bỏm bẻm là nét đặc trưng của những người bà – ký ức một miền quê (Ảnh: Lê Bích)

Tôi khái quát đặc trưng và đưa lên ảnh để những đặc trưng ăn sâu vào ký ức của công chúng. Làm ảnh nghệ thuật phải có tính ẩn dụ và tính biểu trưng, tôi suy nghĩ nhiều về hai giá trị ấy. Tất nhiên, ảnh báo chí thì còn phải mang tính thông tin. Mình chụp nhiều, mình tâm niệm như thế, tự nhiên nó thành cái bản năng trong người.

PV: Lê Bích sinh năm 1972 nhưng đến năm 2005, anh mới thực sự tìm được con người đích thực của mình trong nhiếp ảnh. Với công chúng yêu quý và theo dõi Lê Bích trên Mạng xã hội (Facebook), không khó để nhận ra anh dành một album ảnh cho hành trình "Tôi đi tìm tôi" của chính mình. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh nhận ra bài học nào quan trọng nhất trong cuộc đời con người?

Rõ ràng, đến bây giờ gần 50 tuổi, tôi phải biết mình là ai, nếu không thì sẽ rất buồn. Con người sinh ra luôn luôn tự vấn tôi là ai, tìm kiếm điều gì trong cuộc sống. Câu hỏi ấy không chỉ thuộc về cá nhân một người, đó là câu hỏi chung của nhân loại.

Mất một thời gian dài, đến năm 2005, sau khi vượt qua rất nhiều cản trở của cuộc sống, tôi như người trong đêm tối, bắt đầu tìm kiếm ánh sáng. Thấy chỗ này sáng thì đến, thấy chỗ kia sáng hơn lại đi, như con thiêu thân, dần dần tự hỏi mình là ai, mình sinh ra làm gì, con người mình là như thế nào, đúc kết từ đâu, cái gì hợp với mình nhất, tôi mới trả lời được câu hỏi: Tôi là ai?

Không phải công việc nào cũng phù hợp được ngay. Chúng ta cần thời gian và nỗ lực vượt qua khó khăn của đời thường, mình đi tìm mình.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh rất nhiều!

Chi tiết bài viết xem tại: https://sway.office.com/c8z36maZag69bMkc?ref=Link

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN