Nhiều vấn đề nảy sinh xoay quanh vụ mất tích bí ẩn của cô gái Lương Hải Như
(Sóng trẻ) - Sự quan tâm đặc biệt của mọi người đối với vụ thiếu nữ Lương Hải Như (23 tuổi, quê ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) kéo theo những vấn đề về tâm lý đám đông, đầu cơ trục lợi, mê tín dị đoan.
Tâm lý đám đông
Hơn một tháng kể từ ngày Lương Hải Như mất tích một cách bí ẩn. Nhiều người liên tục theo dõi, cập nhật thông tin, thậm chí dành nhiều thời gian, tâm sức bám sát từng chi tiết vụ việc này. Hàng nghìn người đã theo chân đội cứu hộ, cứu nạn 116 do ông Nhâm Quang Văn làm đội trưởng xuất phát từ Thái Bình đến khu vực cầu Cù Sơn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, để thực hiện tìm kiếm cô gái 23 tuổi bị mất tích.
Chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1999) chia sẻ: “Mình theo dõi vụ việc mất tích của bạn Hải Như từ những ngày đầu tiên. Ngày nào mình cũng dành thời gian cập nhật tin tức và đến tận nơi những địa điểm được cho là nghi vấn tìm thấy Hải Như. Mình cho rằng sự mất tích của cô bạn này có nhiều bí ẩn và uẩn khúc. Chừng nào còn chưa tìm ra thi thể nạn nhân thì chừng ấy mình vẫn có niềm tin là bạn ấy còn sống. Nếu chẳng may Hải Như không còn trên cõi đời này nữa thì mình hy vọng gia đình sẽ sớm tìm ra thi thể bạn”.
Đầu cơ về mặt thông tin, trục lợi về mặt tài chính
Lý giải về hiện tượng tâm lý đám đông này, PGS.TS Trần Ngọc Trung - Nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Thông thường, những người đuối nước trong vòng ba ngày đã có thể tìm thấy, trừ trường hợp đặc biệt như thi thể vướng vào cây, cỏ, đá,... dưới đáy sông thì mới lâu nổi lên. Hiện tượng của cô gái Hải Như này cũng là hiện tượng tương đối đặc biệt so với các trường hợp đuối nước khác. Chính vì thế mà có rất nhiều người quan tâm. Đánh vào thị hiếu, sự tò mò của cộng đồng mạng. Nhiều người sống bằng nghề livestream, câu view liên tục theo dõi, cập nhật tin tức với mục đích trục lợi".
Theo PGS.TS Trần Ngọc Trung, không riêng gì hiện tượng cô gái này mất tích, rất nhiều hiện tượng xã hội khác cũng có nhiều người kinh doanh trong vấn đề tung tin. Họ làm những livestream để phát lên mạng xã hội. Điều này xảy ra tương đối thường xuyên trong các lĩnh vực liên quan đến vấn đề tính mạng con người, an toàn giao thông, giáo dục đào tạo,… Cùng với đó là rất nhiều sự kiện mang tính đột biến về mặt thông tin được cộng đồng mạng quan tâm.
Mê tín dị đoan
Trước hiện tượng tương đối đặc biệt này, nhiều cô đồng, cô cốt, thầy cúng không được gia đình nạn nhân thuê mướn đã đến hiện trường và tiến hành những thủ tục tâm linh như: gọi hồn, lập đàn, cúng tế, cầu khấn,... Sau đó, họ livestream để đưa ra những ý kiến, phán quyết của họ về cô gái này.
Anh Trần Quyết Thắng (37 tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi cô đồng thể hiện vong nhập, vong ốp một cách khác nhau. Họ chỉ trỏ hàng trăm điểm vu vơ trên con sông Đáy. Thậm chí, nửa đêm cũng có những cuộc điện thoại gọi đến lực lượng cứu hộ và gia đình Hải Như nói vong báo mộng vị trí và yêu cầu tới đó tìm kiếm”
“Thực tế là hàng trăm cô đồng, thầy cúng chỉ làm tình hình trở nên rối ren, phức tạp. Không một ai có thể tập trung nếu cứ nghe các cô đồng phán. Công an ở quanh đây phải rất vất vả để dẹp nạn các cô đồng này. Khổ cái đuổi chỗ này, các cô lại chạy qua chỗ khác”, anh Thắng bức xúc.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhận định: “Thực ra, tất cả những ý kiến, nghi lễ, thủ tục tự phát của họ hoàn toàn không có giá trị gì về mặt pháp lý cũng như về mặt văn hóa. Điều này chỉ phục vụ cho kênh tâm linh của họ. Song, những điều tâm linh đó có thể không được trong sáng và ẩn chứa ý nghĩ cơ vụ lợi”.
Tiếp nhận có chọn lọc
Trước những vấn đề nảy sinh từ sự việc trên, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cảnh báo cộng đồng mạng nói riêng và người dân nói chung cần hết sức tỉnh táo khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Mọi người nên lắng nghe và theo dõi tin tức của Đài Truyền hình Việt Nam hoặc những kênh báo chí, truyền thông chính thống của nhà nước để nắm bắt thông tin, theo dõi sự kiện và xử lý tình huống. Đối với những hiện tượng mang tính chất tâm linh, cộng đồng mạng không nên sa đà để tránh mắc bẫy của những người làm ăn bất chính trong lĩnh vực truyền thông trên mạng.
Tóm tắt vụ Hải Như mất tích - Hải Như đã rời khỏi phòng trọ ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội lúc 20h00 ngày 14/7. - Đến 21h00 cùng ngày, gia đình không thể liên lạc được với cô nên đã trình báo cơ quan chức năng. Theo định vị từ điện thoại, Hải Như đã di chuyển từ xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ sang khu vực cầu Cù Sơn, huyện Hoài Đức. - Ngày 15/7, người thân Hải Như nhận được thông tin T.N.T. - bạn trai của Hải Như- tự tử tại một phòng trọ ở quận Cầu Giấy. - Hơn 1 tuần sau đó, bạn của người yêu cũ Hải Như gọi điện cho người nhà cô để thông báo vị trí xe máy và điện thoại của Như đang nằm tại bãi gửi xe ở phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy, gần phòng trọ của người yêu cũ Hải Như. - Trưa ngày 2/8, gia đình phát hiện một chiếc dép của Hải Như ở khu vực cầu Cù Sơn. - Vài ngày sau đó, túi xách và một số vật dụng cá nhân của Hải Như được tìm thấy ở mép bờ sông tại cầu Tân Phú, huyện Quốc Oai, cách nơi cầu Cù Sơn khoảng 500 - 600m. - Ngày 18/8, Đội cứu hộ, cứu nạn 116 tìm kiếm Hải Như cho biết dừng tìm kiếm sau hai ngày rà soát khu vực cầu Cù Sơn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội. - Hiện tại, sau bao nỗ lực tìm kiếm, gia đình đã kiệt quệ về cả vật chất lẫn tinh thần, không ngừng nuôi hy vọng sớm tìm được Hải Như. |