Nhóm lao động phi chính thức thúc đẩy thực hiện EPR hiệu quả
(Sóng trẻ) - Đó là ý kiến mà nhiều chuyên gia đưa ra trong tọa đàm "Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất - từ chính sách đến thực thi", diễn ra ngày 4/4 tại trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội.
Chương trình là hoạt động thuộc khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33, có sự tham gia của ông Võ Trí Thành - Trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, ông Nguyễn Thi - đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đại diện tổ chức, doanh nghiệp khác về kinh doanh, tái chế rác thải.
Tại đây, những cơ hội và thách thức khi thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được các chuyên gia thảo luận thẳng thắn. Từ vấn đề về định mức chi phí tái chế FS đến những thành công và hạn chế của bộ máy, các chính sách quản lý EPR hiện tại.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp đánh giá nhóm lao động thu gom phi chính thức (bao gồm những người nhặt rác, nhặt ve chai) là một phần quan trọng để triển khai thuận lợi EPR tại Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để khuyến khích đội ngũ này tham gia tích cực vào hệ thống tái chế.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Phát triển và Đổi mới Sáng tạo của Pan Group chia sẻ, trước đây, những người nhặt ve chai 3 không: Không đồ bảo hộ, không chế độ bảo hiểm và không có kỹ năng thu gom. Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức về EPR, đời sống của họ có nhiều cải thiện. Tại Pan Group, 80% khối lượng nguyên liệu tái chế được nhóm này cung cấp.
Đồng quan điểm, bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành công ty tái chế bao bì Pro Việt Nam cho biết, trong quá trình hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức, trở ngại lớn nhất là tâm lý mặc cảm của họ. "Họ luôn cảm giác là mình bị coi thường trong xã hội. Vì thế, để họ thấy được giá trị thực sự của công việc mình làm thì vai trò của truyền thông là rất quan trọng”, bà Kim Thanh đưa ra giải pháp.
Bên cạnh đó, bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam chỉ ra đặc điểm của đội ngũ phi chính thức là chủ yếu làm việc bán thời gian. Vì vậy, các chính sách cũng cần linh hoạt, đảm bảo quyền lợi lao động của nhóm này.
Phản hồi lại các ý kiến, ông Nguyễn Thi, đại diện từ phía Nhà nước cho biết hiện nay luật đã có quy định hỗ trợ đầu cuối cho lực lượng thu gom phi chính thức thông qua các nhà tái chế về bảo hiểm, đào tạo, công cụ làm việc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các chính sách còn nhiều hạn chế và chúng ta cần có sự quan tâm nhiều hơn để họ phát huy tốt vai trò trong EPR.
“Đội ngũ phi chính thức là người kết nối giữa hộ gia đình và các hệ thống thu gom. Chúng ta phải phát triển họ chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu thu gom một cách quy mô song song với phát triển hệ thống thu gom tự động, bán tự động”, ông Thi nhấn mạnh khi kết thúc tọa đàm.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Từ 1/1/2024, Việt Nam lần đầu tiên áp dụng bộ công cụ này để hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.