Những đường chỉ “may” lại cuộc đời

(Sóng trẻ) - “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”, câu hát quen thuộc cứ văng vẳng trong đầu khi tôi có cơ hội ghé thăm lớp cắt may Phố Xưa.

Từ biến cố cá nhân đến sứ mệnh cộng đồng

Không biển hiệu cũng chẳng hào nhoàng, lớp cắt may Phố Xưa nằm sâu trong con ngõ nhỏ phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thế nhưng, không gian giản dị ấy chính là một điểm tựa, là nơi biết bao mảnh đời từng chênh vênh tìm lại được hy vọng và niềm tin qua từng đường kim, mũi chỉ.

anh-1-1.png

Lớp học nhỏ - khát vọng lớn. (Ảnh: Phương Chi)

Ngày trước, anh Long từng là một sinh viên chuyên ngành thiết kế. Sau khi tốt nghiệp, anh mở cho mình một cửa hàng cắt may riêng. Nhưng mọi thứ bất ngờ thay đổi khi cô con gái nhỏ của anh không may bị bại não. Gác lại tất cả công việc, anh đưa con đi chạy chữa suốt nhiều năm nhưng không đạt được kết quả.

Sau biến cố ấy, anh Long đã nhen nhóm ý tưởng về việc mở lớp cắt may miễn phí cho những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. "Lúc đó, cũng có nhiều bạn khuyết tật muốn có một nghề để tự nuôi sống bản thân. Mình hiểu và rất đồng cảm với những người có hoàn cảnh kém may mắn như con mình. Suy nghĩ lúc đó đơn giản lắm, mình cần làm điều gì đó để giúp mọi người có một nghề, để có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình", anh chia sẻ. Và cứ như thế, anh bén duyên với nghề dạy đến nay đã gần 12 năm.

"Phố Xưa" – cái tên bình dị nhưng chứa đựng bao tâm tư, ý nghĩa. “Phố Xưa” là quay về quá khứ, là nhìn về những điều xưa cũ, những điều nuối tiếc đã qua. "Điều nuối tiếc nhất với mình đó là đánh mất đứa con, không thể cho con một cuộc sống bình thường", anh xúc động nói. Lớp học ấy cũng chính là cách anh gửi gắm tình yêu thương của một người cha dành cho con gái, đồng thời cũng là nơi đưa chiếc chìa khóa cho biết bao người phụ nữ yếu thế khác mở cánh cửa tương lai.

Nơi tình thương dẫn lối

Bên cạnh việc mở lớp, anh Long còn phải chăm sóc cô con gái bị bại não - một công việc không hề đơn giản. Thời gian đầu, ngoài công việc giảng dạy anh Long cũng phải điều hành một cửa hàng may đo của riêng bản thân. 

“Lúc đó mình rất bận, không bố trí và sắp xếp được thời gian. Sau nhiều ngày tháng trăn trở, mình tạm gác ước mơ cá nhân để tập trung đào tạo cho các bạn khuyết tật với mong muốn các bạn có một nghề thật ổn định, nuôi sống được bản thân”, anh Long tâm sự.

Không cần mất quá nhiều thời gian để anh Long có thể kết nối với những người yêu may vá. Anh nhớ lại: “Từ những video đầu tiên đăng trên Facebook, mình đã nhận được sự quan tâm từ mọi người. Điều thu hút đầu tiên chính là học phí mà mình đưa ra mang tính tượng trưng – một mức phí chỉ bằng “một con gà” để những người học ở vùng sâu vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội theo học. 

Đã có một số người trước đó từng chi trả rất nhiều tiền ở các trung tâm khác, nhưng khi đến với lớp học của mình, mình không đặt nặng học phí”. Dần dần, số lượng học viên tăng lên một cách chóng mặt, chỉ sau hơn một tháng Phố Xưa đã có hơn 1000 thành viên. 

Mặc dù phải tự mình đứng lớp, đảm nhiệm dạy cả trực tiếp lẫn trực tuyến cho hơn 4.000 học viên cả trong và ngoài nước nhưng anh Long chưa bao giờ cảm thấy vất vả. Với những học viên có hoàn cảnh kém may mắn, anh luôn dành sự ưu ái đặc biệt và khuyến khích các bạn đến tận nơi để có thể "cầm tay chỉ việc". 

Phần lớn các học viên khuyết tật tìm đến lớp học may của anh Long đều chưa có kiến thức về may vá, mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0. Lớp học của anh có nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau, có bạn khiếm khuyết phần tay, có bạn khiếm khuyết phần chân... Hiểu rõ từng học viên của mình, với mỗi người anh đều tỉ mỉ thiết kế giáo trình riêng với phương châm “1 kèm 1” để họ có thể tiếp cận và tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất.

2-2.png
Anh Long luôn chuẩn bị một giáo trình riêng biệt cho từng học viên. (Ảnh: Phương Chi)

 

“Cách truyền đạt, nguyên lý làm việc và nguyên lý thiết kế của mình khác với các trung tâm khác. Nên những điều mình cho đi và truyền đạt tới học viên mang sự khác biệt, khó tìm được ai cùng chí hướng để san sẻ công việc cho họ”, anh Long nói. Chính vì sự khác biệt và những giá trị anh đem tới cho mọi người, anh Long một mình kiên trì duy trì lớp học để có thể truyền đạt trọn vẹn nhất những kinh nghiệm, kỹ năng mà anh tâm huyết.

Khi thuận tiện là tôn chỉ

Không nguyên tắc hay quy củ như những lớp học khác, lớp học của anh Long được xây dựng trên nguyên tắc “thuận tiện”. Mỗi vị trí trong lớp đều được anh thiết kế và điều chỉnh phù hợp với từng học viên.

Chẳng hạn, với bạn bị khiếm khuyết hai chân, anh sẽ lắp thêm motor vào máy may để các bạn có thể điều khiển máy may bằng cùi trỏ. Với những bạn chiều cao khiêm tốn, ngồi không vững, anh Long sẽ cưa chân bàn để hạ thấp xuống. Các bạn khiếm khuyết khi ngồi lâu thường sẽ bị viêm phần hông, nên anh Long cũng chuẩn bị gối hoặc đệm cao su non để đảm bảo sự thoải mái nhất trong quá trình học.

“Thậm chí mình còn bỏ cả cánh cửa để xe lăn của các bạn có thể vào được lớp học. Mình sẽ điều chỉnh lớp học để học viên dễ ngồi, dễ vẽ, dễ thiết kế nhất trong quá trình học. Lớp học của mình rất linh hoạt và di động”, anh Long vui vẻ chia sẻ.

Chị Vũ Thị Lan (34 tuổi, Nam Định) - học viên của lớp chia sẻ: “Mình bị cong vẹo cột sống, khuyết tật 6 khớp ở chân và chỉ cao 1m25 nên việc học trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thế nhưng trong quá trình học, thầy Long đã chu đáo chuẩn bị cho mình một ghế riêng, giúp mình ngồi vừa tầm để có thể vẽ và thiết kế. Sự quan tâm của thầy không chỉ tạo điều kiện thuận lợi mà còn tiếp thêm động lực cho mình trong từng buổi học”.

3-2.png
Chị Lan luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ người thầy của mình. (Ảnh: Phương Chi)

Với những học viên ở xa, anh Long còn sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở và ăn uống. Việc hỗ trợ này không chỉ tạo điều kiện cho học viên tập trung vào việc học khi xa nhà mà còn giúp họ giảm bớt gánh nặng về tài chính.

Đề cao hai chữ thuận tiện: Học thuận tiện, sinh hoạt, đi lại thuận tiện, ăn ngủ thuận tiện. Chữ tiện ấy là tôn chỉ để anh đào tạo các bạn khuyết tật trong quá trình học. 

Cho đi là còn mãi

“Như một người anh trai quan tâm em gái”, đó là cảm nhận của chị Vũ Thị Lan về người thầy của mình. Ngay từ những ngày đầu tiên bước vào lớp học, chị Lan đã cảm nhận được sự quan tâm chân thành từ thầy: “Mỗi lần thấy mình không khỏe, thầy luôn ân cần nhắc nhở rằng hãy nghỉ ngơi, đừng cố gắng quá sức. Những lời động viên đó làm mình cảm thấy xúc động”.

“Điều thầy mang đến không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là một nguồn động lực mạnh mẽ. Nhờ có thầy, mình dần dần tìm lại được sự tự tin, dám mở lòng hơn, dám chia sẻ câu chuyện của mình mà không còn e ngại. Mình muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, đặc biệt là những ai có hoàn cảnh giống như mình. Hãy kiên trì theo đuổi ước mơ và hoài bão của bản thân bởi không gì cản bước được chúng ta”, chị nói với ánh mắt đầy quyết tâm.

Với chị Lan, anh Long không chỉ là một người thầy mà còn là người trao niềm tin, vực chị dậy từ những mặc cảm. Nhờ có anh, người phụ nữ khuyết tật ấy nhận ra rằng ngay cả khi cuộc đời khắc nghiệt nhất, vẫn sẽ có một cánh cửa khác mở ra để chị được thực hiện ước mơ của riêng mình.

Anh Long hiểu rằng mỗi học viên khuyết tật đều mang trong mình sự tự ti và khép mình khi bắt đầu với một môi trường mới, nơi mà họ phải đối mặt với không chỉ những khó khăn về học tập mà đôi khi còn là định kiến xã hội. Nhưng dẫu vậy, không tô hồng tương lai, anh luôn nói với các bạn rằng đây không phải là một công việc dễ dàng.

“Em có yêu nghề này không? Khó khăn từ việc học nghề đến làm nghề, em có chấp nhận những điều đó hay không? Nếu chấp nhận thì chúng ta bắt đầu”. Đó là câu hỏi anh luôn hỏi học viên của mình, anh thực tế hóa những gì các học viên sẽ phải đối mặt, giúp họ chuẩn bị tâm lý cho một hành trình đầy thử thách, rằng để thành công cần có nỗ lực, kiên trì và thời gian. 

Nhiều học viên sau khi học xong mở được cửa hàng riêng, có một chỗ đứng nhất định trong ngành. Chứng kiến những thành công đó, anh cảm thấy hạnh phúc khi là người dẫn dắt những bước đi đầu tiên của họ. “Tất nhiên, sau này ai cũng sẽ gặp những người thầy khác và có những bước đi mạnh mẽ hơn. Nhưng dẫu sao người đặt nền móng như mình vẫn cảm thấy rất mãn nguyện”, anh tâm sự. 

Trong lớp học nhỏ ấy, anh Long luôn nhìn thấy ánh sáng của niềm tin từ các học viên khuyết tật. Sau nhiều năm đào tạo, anh nhận ra rằng họ đều mang trong mình nghị lực phi thường - nghị lực để sống, để làm việc và để kiếm tiền. “Động lực của họ có khi còn gấp đôi, gấp ba so với người bình thường” anh nói. Với nụ cười trên môi, anh nhắn nhủ tới các bạn khuyết tật khác: “Hãy cứ mạnh dạn bước đi, nếu không thể đi theo đường thẳng thì ta sẽ bước đường cong. Chắc chắn rồi ai cũng sẽ đến đích”.

4-2.png
Với anh Long, những học viên khuyết tật mang một nghị lực phi thường. (Ảnh: Phương Chi)

 

Tuy nhiên, giữa những câu chuyện vượt lên số phận ấy, anh Long không thể quên những mất mát mà mình đã chứng kiến trong hành trình dạy học. Đặc biệt, một kỷ niệm về một người học trò đã khiến anh luôn trăn trở mỗi khi nhắc đến.

“Cách đây vài năm, có một bạn nhắn tin cho mình, nói rằng bạn bị phát hiện ung thư tủy xương. Bạn không còn sống được bao lâu nữa, muốn dành những tháng cuối đời để học với mình, để theo đuổi đam mê, ước mơ từ hồi bé đó là tự may chiếc váy cho chính bản thân”. Giọng anh chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe: “Sau đó, bẵng đi một thời gian không thấy bạn liên lạc, đến một ngày mình nhận được thông tin bạn đã mất hơn một tháng. Rất tiếc vì mình và bạn ấy chưa kịp trở thành thầy trò”.

Ở Phố Xưa, biết bao người phụ nữ từng mất niềm tin dần tìm thấy ý nghĩa, tìm thấy chính mình qua từng chiếc áo mà họ tự tay hoàn thiện. Mỗi sản phẩm đó không đơn thuần chỉ là một món đồ, mà còn là kết quả của niềm tin, của những nỗ lực và tình thương mà anh Long gửi gắm. Và đâu đó giữa dòng đời chảy trôi, vẫn còn những người như anh Long - người thầm lặng mang ánh sáng soi rọi những mảnh đời tăm tối.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN