Những người nghệ sĩ thực thụ phía sau tấm màn múa rối nước

(Sóng trẻ) - Bước sang năm 2018, cũng là thời điểm Nhà hát múa rối Thăng Long bước sang năm thứ 5 liên tiếp giữ vững kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biển diễn 365 ngày trong năm”, quanh năm sáng đèn phục vụ khán giả.

Nằm tại một góc khiêm tốn nhưng đắc địa trên con đường Đinh Tiên Hoàng, Nhà hát tấp nập các đoàn khách nước nài, người ra kẻ vào. Ai ai cũng cầm trên tay tấm vé chờ được xem suất diễn rối nước gần nhất.

Múa rối nước vốn là một bộ môn nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống ra đời từ nền văn minh lúa nước. Đối với những người làm nghề, đây không chỉ là công việc lấy thu nhập, mà còn là một nét văn hóa, một thứ gì đó thiêng liêng giữ họ tiếp tục con đường sự nghiệp suốt 20, 30 năm dù không phải lúc nào con đường đó cũng trải hoa hồng.

Phía trong cánh gà của Nhà hát múa rối là nơi diễn viên nghỉ ngơi và chuẩn bị cho từng tiết mục. Những mô hình rối nước được đặt khắp nơi nhưng tuyệt đối ngay ngắn, ánh đèn xanh mờ, sàn nhà luôn ướt và âm thanh của trống cái, trống con, thanh la, não bạt kết hợp với tiếng lồng giọng của người nghệ sĩ. Tất cả tạo nên một khung cảnh vừa khẩn trương, vừa gấp gáp và chuyên nghiệp hơn nhiều so với những gì khán giả từng tưởng tượng. 

NSƯT Nguyễn Phương Nhi, Trưởng đoàn diễn viên II nhà hát múa Rối Thăng Long đón tiếp tôi bằng thái độ thân mật. Người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng có ánh mắt mạnh mẽ với chất giọng Hà Nội nhẹ nhàng đặc trưng trước đó đang giám sát màn biểu diễn có tên “Bay lên từ mặt nước”, một vở rối nước thể nghiệm mang hơi hướng hiện đại. 

Những ngày đầu khó khăn

Bước vào nghề từ năm 1988, ngay khi vừa tốt nghiệp tại trường Đại học, NSƯT Phương Nhi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng mới được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch giao lại Nhà Hát. “Đối với riêng múa rối nước trước đây thì đó thật sự là những tháng ngày khó khăn. Thời đó diễn viên còn lại ở Nhà Hát vẻn vẹn có 12 người. Thật sự chỉ những con người đó chứng kiến với nhau, trải qua cùng nhau thì mới có thể hiểu hết được sự khó khăn. Lúc đó kinh tế chưa có, khách cũng chưa thật sự đông, nhưng đã có được Nhà Hát múa rối nước thăng long tại cơ sở này rồi” – Cô chia sẻ.

“Nhưng nhà hát lúc đó chưa có kinh phí, những diễn viên gạo cội bên cạnh diễn cùng đoàn tại Nhà hát thì đa số phải ra nài kiếm thêm thu nhập tại các quán café lớn nhỏ trong thành phố. Lúc đó chỉ có tôi và một anh lớp trưởng là sinh viên vừa ra trường. Khó khăn như vậy nên mọi người trong đoàn hầu hết phải bỏ tiền túi để duy trì nhà hát, mỗi người đóng góp một chỉ vàng, thuê họa sĩ, thuê thợ gỗ để có thể gây dựng nên những sân khấu đầu tiên. Khoảng 7 năm sau thời gian đó, những thành viên cốt cán trong nhà hát bắt đầu gọi mọi người về, sau đó tuyển thêm một số các bạn trẻ có đam mê để đào tạo tại nhà hát và gửi vào trường học".


 NSƯT Nguyễn Phương Nhi - Trưởng đoàn diễn viên II Nhà hát múa Rối Thăng Long

Cô Nhi kể, nếu trước đó, khi cô còn đang học phổ thông, múa rối nước là một loại hình giải trí thường niên và được ưa chuộng. Thì vào những năm 1985, khi băng video được phổ biến rộng rãi và tivi bắt đầu chiếu các bộ phim truyền hình Ấn Độ, Hàn Quốc thì múa rối nước không còn nhận được nhiều sự chú ý. Nhưng trong tình hình đó thì đoàn vẫn quyết tâm, ai ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện giữ được những thành viên cốt cán của đoàn và tổ chức các buổi diễn duy trì hoạt động tại nhà hát, chứ chẳng hề nghĩ đến việc đi nước nài hay những gì đó tương tự như thế.

“Những ngày như thế anh chị em nghệ sĩ cũng chỉ biết bảo nhau cố gắng tập luyện, lúc thì thuê bể bơi Quán Thánh, khi thì thuê bể bơi của CLB Quân Đội ở Hoàng Diệu, sau đó lại về Đền Ngọc Sơn. Khi đó thậm chí còn không có những bộ quần áo cao su bảo hộ chuyên dụng như hiện tại. Trời rét cũng như trời nóng, nghệ sĩ múa rối vẫn phải mặc những bộ đồ vải bó sát người để lội xuống bể nước, lạnh khủng khiếp. Có những lúc tập trong nhà không thôi cũng lạnh. Nhiều lúc anh chị em nghệ nghĩ phải hô nhau một câu rồi mới xuống. Những lúc diễn xong lên thì cảm thấy nước máy thôi sao mà ấm thế. Những điều đó thì không bao giờ người nghệ sĩ đời đầu có thể quên, và cũng không được phép quên.”

Tất cả những khó khăn ấy, nhưng bằng một tình yêu nghề mà cô Nhi gọi là “chẳng hiểu vì sao lại yêu đến thế”, mà tiếp tục cho đến tận ngày hôm nay.

Đạo diễn NSƯT Lê Chí Kiên, người vừa đạt giải tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III nhớ lại: “Được giao lại nhà hát này thật sự là một sự may mắn khi nhà hát nằm ngay trung tâm thủ đô, cùng với đó là sự nỗ lực của tất cả các anh em trong đoàn. Chứ trước đây thì những người làm nghề thật sự khó khăn. Tôi từng phải bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động. Bản thân mình lúc đấy là đi khắp Hà Nội, vào các quán café lớn mà có khách du lịch, vào nói với chủ quán cho đặt đại lý vé rồi các buổi biểu diễn thì chia phần trăm theo cơ chế với các đơn vị này.
 
Những con người nhiệt huyết ngay cả khi đã gặt hái được nhiều thành tựu

“Nghệ thuật thì không có đỉnh. Chúng tôi không sống mãi trong bất cứ chiến thắng nào của bản thân ngay cả khi Nhà hát Múa rối nước Thăng Long đã 5 năm liền đạt kỷ lục nhà hát duy nhất tại Châu Á 365 ngày trong năm vẫn đỏ đèn”, NSƯT Lê Chí Kiên chia sẻ.

Trước mỗi vở diễn dù là lớn nhỏ, 35 con người có mặt tại Nhà hát đều quây quần quanh chiếc bàn uống nước lớn đặt sau cánh gà để trò truyện và thảo luận về những lưu ý hoặc sửa đổi trong tiết mục của mình. 




Các nghệ sĩ điều khiển rối nước để biểu diễn phục vụ khán giả

Khi đèn được giảm đến mức tối thiểu và tiếng trống cái đầu tiên vang lên, những người nghệ sĩ múa rối nước mặc trên mình bộ trang phục cao su bước xuống mặt nước, đến sau tấm mành tre với những con rối. Rối nước được đẽo gọt tỉ mỉ, gắn trên một trụ gỗ dài khoảng một mét. Người nghệ sĩ trong suốt quá trình biểu diễn phải trầm nửa thân người xuống làn nước, đồng thời điều khiển những chí rối nước với đủ hình hài và màu sắc tạo nên một thứ cốt truyện nhất quán, truyền tải cả một phần văn hóa Việt Nam cho khách du lịch thập phương. 

Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt... hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên nài hoặc dưới nước. Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó.


Các nghệ sĩ múa rối nước trong công đoạn chuẩn bị trang phục cao su bảo vệ chuyên dụng cho buổi diễn

Trong suốt quá trình đó, những người chỉ đạo diễn suất như NSƯT Nguyễn Phương Nhi hay NSƯT Lê Chí Kiên vẫn tỉ mỉ dõi theo từng chuyển động của các con rối từ vị trí cao hơn của người quan sát. Chỉ một sơ xuất hoặc trục trặc nhỏ như dây cái níu dàn rối nước quá căng, hoặc pháo sáng không được đốt đúng thời điểm cũng có thể được ghi chép lại để cùng thảo luận và góp ý một cách vô cùng chi tiết.

Cuối mỗi vở diễn, các nghệ sĩ múa rối nước sẽ tiến về phía trước cánh gà để hạ màn và cúi chào khán giả. Đây là những giây phút hiếm hoi duy nhất, những người nghệ sĩ múa rối nước được đứng phía nài buồng trò, bên dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng khoảnh khắc đó chỉ kéo dài một phút. 

“Một phút đó được đánh đổi bằng những ngày lạnh cóng chân tay của mùa đông, bằng những khó khăn và bất tiện cơ bản của một người phụ nữ, bằng những ngày Nhà hát vỡ bể nước, tràn lênh láng khắp mặt sàn mà cả đoàn phải khom lưng lấy nước từ máy công cộng để giữ bể. Nhưng một phút đó vẫn xứng đáng, xứng đáng như chặng đường gần 21 năm làm nghề của chị vậy”, NSƯT Lê Thu Huyền chia sẻ với một nụ cười, khi vẫn còn đang mang trên mình bộ quần áo cao su chuyên dụng dành cho múa rối nước. Đó là tâm sự chân thành của một con người yêu nghề bằng trái tim trong sáng, bằng tất cả lòng chân thành như mỗi một người nghệ sĩ nơi đây. Họ vẫn diễn, ngay cả vào những ngày cận Tết, ngay cả khi chỉ được đứng dưới ánh đèn sân khấu vài giây ngắn ngủi, và “ngay cả khi ngày mai có là tận thế thì chúng tôi vẫn diễn” như lời của NSƯT Lê Chí Kiên. 

Phan Hoàng Thảo Anh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN