Nhường ghế trên xe buýt: Tự nguyện hay bất đắc dĩ ?
(Sóng Trẻ) - Sinh viên nhường ghế cho người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có thai là điều hiển nhiên trên xe buýt. Thế nhưng, thực chất lại chẳng có mấy ai chủ động nhường ghế với thái độ vui vẻ. Điều này biến một hành động văn minh trở thành sự bất đắc dĩ.
Quy định của xe buýt, không thể không thực hiện
Trên hầu hết các tuyến xe buýt đều đã trang bị loa phát thanh, một mặt để thông báo trạm dừng cho hành khách, mặt khác để nhắc nhở hành khách thực hiện văn minh xe buýt.
Loa phát thanh liên tục nhắc nhở “hành khách khi tham gia xe buýt nhường ghế cho trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người khuyết tật và có thái độ văn minh trên xe buýt”.
Bạn Trần Thị Thu Trang – sinh viên trường đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “ Sau mỗi trạm dừng, loa phát thanh sẽ nhắc nhở hành khách thực hiện văn minh xe buýt, khi mà nghe như thế nếu gặp đối tượng được ưu tiên thì mọi người không thể không nhường ghế vì đây là quy định của xe buýt”
Một số người khi gặp các đối tượng ưu tiên vẫn cố tình như không nhìn thấy và tiếp tục ngồi chỗ của mình.
Cô gái thản nhiên ngồi nghịch điện thoại trong khi người già lại phải đứng bên cạnh (nguồn internet)
Để “lách luật”, nhiều bạn sinh viên còn nghĩ ra cách chọn ghế cuối ngồi để không phải nhường ghế.
Bạn Nguyễn Thị Nga – sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: “Hằng ngày mình đi học bằng xe buýt, mình thường chọn ngồi ghế cuối vì thông thường ngồi cuối sẽ không phải nhường ghế cho người già hay trẻ em, còn nếu ngồi đầu thì mình vẫn nhường nhưng mà cũng không thoải mái lắm”
Văn minh xe buýt trở thành sự bất đắc dĩ
Dù vô tình hay cố ý thì việc không nhường ghế hay tỏ thái độ khi nhường ghế trên xe đã biến một nghĩa cử cao đẹp trở thành sự bất đắc dĩ.
Một số hành khách tham gia xe buýt chia sẻ:
Bác Nguyễn Trung Thành chia sẻ: “ Tôi già rồi, khi lên xe buýt các cháu cũng có nhường ghế cho, nhiều khi một số cháu cũng tỏ thái độ không muốn nhường nên tôi cũng cảm thấy rất áy náy nhưng mà tuổi già sức yếu không đứng được nên tôi vẫn ngồi xuống”
Quy định của xe buýt được đưa ra nhằm kêu gọi mọi người cùng nhau xây dựng văn hóa xe buýt chứ không mang tính ép buộc.
Tuy nhiên, một số bạn sinh viên lại cho rằng quy định đưa ra thì bắt buộc phải thực hiện nên dù bản thân có muốn hay không.
Bạn Phạm Thị Thùy – sinh viên trường đại học Thương mại bày tỏ: “ Khi thấy các bạn sinh viên chân đứng lên nhường ghế nhưng gương mặt lại tỏ thái độ không muốn mình cảm thấy rất xấu hổ, nếu có lý do chẳng hạn như đang mệt thì nói lý do để người khác nhường chứ không ai ép buộc phải nhường cả”.
Xe buýt chật chội nhưng người già và trẻ em vẫn phải chật vật đứng trong khi những người trẻ tuổi thì thản nhiên ngồi như không hề nhìn thấy ( nguồn internet)
Nhường ghế xe buýt vốn là nét đẹp văn hóa
“Văn hóa xe buýt” đã trở thành quy tắc, chuẩn mực cho những ứng xử của hành khách khi tham gia xe buýt mà điển hình là việc nhường ghế cho những đối tượng ưu tiên.
Hành động tự nguyện nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, trẻ em... khi đi trên các phương tiện giao thông vẫn được xem là một cách thể hiện ứng xử có văn hóa.
Bạn Phạm Quang Bình – sinh viên trường đại học Bách Khoa hồ hởi chia sẻ: “Mình thường xuyên nhường ghế cho người già và các em nhỏ trên xe, mình thấy đây là một hành động vô cùng ý nghĩa thể hiện tính nhân văn sâu sắc”.
Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, tạo ra một lối ứng xử văn minh nơi công cộng.
Một hành động đẹp là khi cho đi mà không cần nhận lại.
Việc duy trì và phát triển văn hóa xe buýt cần xuất phát từ ý thức tự giác của mỗi cá nhân.
Trần Thị Loan
Báo chí Đa phương tiện k34a1
Cùng chuyên mục
Bình luận