Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sỹ Thành Phong

(Sóng Trẻ) - Tối ngày 29/03, những người quan tâm đến ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của giới trẻ trong thời hiện đại đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện trong cuộc tọa đàm kết hợp triển lãm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sỹ Thành Phong”.

Buổi tọa đàm do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) với sự tham gia của các diễn giả: PGS. TS. Nhà giáo Văn Như Cương, họa sỹ Thành Phong, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, PGS. TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình cùng hàng trăm thính giả thuộc đủ lứa tuổi mà nhiều người trong số đó đã chấp nhận đứng ở lối dẫn vào hội trường để được lắng nghe cuộc tọa đàm diễn ra trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ.

1.Sự hình thành của ngôn ngữ giới trẻ hiện đại là hiện tượng tự nhiên, tuân theo bản chất của ngôn ngữ.


Theo PGS. TS. Phạm Văn Tình, ngôn ngữ ra đời dựa trên nhu cầu của xã hội. Ở Việt Nam, thời điểm hai mươi năm trước, công nghệ thông tin chưa có sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, do đó, những cách nói mới mang đặc trưng của thời đại @ chưa xuất hiện. Nhưng đến thời điểm này, thời đại đã thay đổi, chúng ta cần có những ngôn ngữ mới phù hợp với dòng chảy của thời đại mới này. Mà bản thân ngôn ngữ lại có khả năng sản sinh, những đơn vị ngôn ngữ cũ có thể được dùng để sáng tạo ra đơn vị mới. Hiểu như vậy để thấy rằng, ngôn ngữ mới mẻ mà những người trẻ (và cả những người không trẻ) đang dùng là một sự đáp ứng với thời đại, là kết quả của những sáng tạo dựa trên các đặc thù của ngôn ngữ tiếng Việt.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, bằng cách mở đầu rất thú vị        ( ông đọc nguyên một đoạn đồng dao ngộ nghĩnh chứa các điệp vần liên    tiếp: “Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú.  Tu hú là chú bồ các…”) cũng giải thích rằng đặc điểm cố hữu của tiếng  Việt là khả năng hiệp vần. Từ những ngày xa xưa, dân gian đã sử dụng  ngôn ngữ có tính vần vè hoặc thậm chí không có ý nghĩa rõ ràng nhưng  hiệp vần ngộ nghĩnh và mang tính chất tượng trưng. Theo lẽ đó, những câu mà các bạn trẻ hay dùng trong đời sống hàng ngày như: Chảnh như con cá cảnh”, “đau khổ như con hổ”, “phê như con tê tê”,… cũng không nhất thiết phải có ý nghĩa cụ thể nào, lối hiệp vần trong cách sử dụng ngôn ngữ ấy đã thành công khi tạo ra sự vui tai thích thú cho người nghe.

Đó là chưa tính đến việc từ vựng là yếu tố luôn luôn biến đổi của một ngôn ngữ. Mỗi thời đại mới cần đến những từ vựng mới; bởi thế, việc giới trẻ sử dụng những từ vựng trước đó chưa từng có trong tiếng Việt là điều tự nhiên. Nài ra, như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lí giải: Giới trẻ thường nhanh nhạy, nắm bắt cái mới kịp thời, họ lại khao khát chứng tỏ mình, mong muốn khẳng định sự độc đáo cá nhân bằng những cái mới lạ. Như vậy, sự hình thành ngôn ngữ giới trẻ thời hiện đại âu cũng là một hiện tượng tất yếu dễ hiểu. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới đôi khi lại là công cụ hữu ích giúp con người chuyển tải các sắc thái ý nghĩa mới…Có ai ngờ khi từ “hơi bị” ra đời, nài những cách nói “hay hay” mà người ta vẫn thường nghe hàng ngày như “hơi bị đẹp, hơi bị được”, nó lại giúp Nguyễn Duy sáng tác nên một bài thơ “hơi bị hay”:

“Giọt rơi hơi bị trong veo

Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi

Chân mây hơi bị cuối trời

Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu.”


“Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi. Ngôn ngữ cũng vậy, nó là do người ta nói nhiều mà thành.” (PGS. TS. Phạm Văn Tình)

2.Những sáng tạo hài hước mang ý nghĩa sâu sắc

“Ngôn ngữ của các bạn trẻ thời nay, có những câu tôi thích quá, đó là những câu thể hiện sự chuyển từ cái cũ sang cái mới… làm sao tôi không mê cho được” (PGS. TS. Văn Như Cương). Xưa nay ông cha ta vẫn nói “Cái khó bó cái khôn”, ấy là để chỉ cái đói cái nghèo ngăn trở chúng ta thành công trong cuộc sống. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, cả dân tộc gặp “cái khó” mới “ló cái khôn”, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để chiến đấu. Tuy nhiên, nếu cứ đói mãi, cứ khó mãi, thì “cái khó ló cái ngu”, không có cách nào để chúng ta vươn lên được. Ba câu nói thể hiện sự chuyển biến của ba thời kỳ lịch sử khác nhau chứ hoàn toàn không phải là sự biến đổi ngôn ngữ tùy tiện.

141266cfa_1b61a4f780dec7ae9768af91e046d86f_42844649.onh1.jpg

(Ảnh 1: Giáo sư Văn Như Cương đang phát biểu.

              Họa sĩ Nguyễn Thành Phong, giáo sư Văn Như Cương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và PGS. TS Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Tình -  từ trái qua phải ).

Người thầy gần tám mươi tuổi này đã khiến cả hội trường kín mít hàng trăm thính giả rộn lên những tràng pháo tay như sấm khi ông liên hệ câu “Một điều nhịn là chín điều nhục” với tinh thần chiến đấu của văn kiện lịch sử bất hủ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” -“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới” để chỉ ra rằng không phải lúc nào “một điều nhịn” cũng là “chín điều lành”. “Những cách nói như vậy bị “ghép tội” là tiếng Việt không trong sáng, nhưng bản thân tôi cho rằng, nếu chỉ xét về mặt hình thức văn bản, ngôn ngữ ấy là hoàn toàn trong sáng, thậm chí còn trong sáng hơn so với cách dùng tiếng Việt theo lối văn Tây như câu Nói không với tiêu cực” (PGS. TS. Văn Như Cương).

Bản thân họa sỹ Thành Phong khi nhận lời minh họa cho những câu nói thể hiện cách sử dụng ngôn ngữ mới mẻ của giới trẻ cũng mong muốn tạo được tính “lạ” và hài hước cho chúng, làm sao để người xem cảm thấy thú vị theo một cách từ trước đến nay chưa từng có. Rõ ràng, việc PGS. TS. Văn Như Cương bày tỏ thẳng thắn sự đón nhận nồng nhiệt của ông đối với một số “thành ngữ” hiện đại đã chứng mình rằng ý định này của người họa sỹ, dù ít dù nhiều, đã thành công. Và không chỉ PGS. TS. Văn Như Cương, không ít người xem tranh đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những bức tranh hóm hỉnh, sáng tạo và có chiều sâu ý nghĩa của họa sỹ Thành Phong (đặc biệt là các bức tranh minh họa cho những câu như: “Chuẩn không cần chỉnh”, “khổ như con hổ”…)

3.Ngôn ngữ - sản phẩm của trí tuệ dân gian

Theo PGS. TS. Phạm Văn Tình, sự ra đời của ngôn ngữ mới, cũng như bất kỳ hiện tượng mới nào trong xã hội, thường gặp phải sự phản đối bởi người ta hay có tâm lí e ngại cái mới, không thích cái không thân thuộc. Tuy nhiên, ngôn ngữ của giới trẻ trong thời đại công nghệ thông tin này (dù là ngôn ngữ chat, ngôn ngữ trao đổi trong các diễn đàn trực tuyến hay ngôn ngữ blog…) đều là sản phẩm của trí tuệ dân gian. Có thể bộ phận ngôn ngữ đó chưa được sử dụng trong các văn bản chính thống, trong các tình huống trang trọng, nhưng chúng ta không nên phủ nhận nó. Chưa bàn đến việc nó đúng sai, hay dở thế nào, sự xuất hiện của nó là minh chứng những sáng tạo đáng ghi nhận trong ngôn ngữ.

Quan trọng hơn, ngôn ngữ ấy đang tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống bởi giới trẻ vẫn sử dụng những câu như: “Hôm nay đi ăn chúng ta Campuchia” hay: “Thôi đừng có Hồng lâu mộng nữa”. Là sản phẩm dân gian, ngôn ngữ có cơ chế tự chọn lọc của riêng nó. Thời gian sẽ “gạn đục khơi trong”, những yếu tố tích cực sẽ được giữ lại và thừa nhận rộng rãi. PGS. TS. Phạm Văn Tình nhấn mạnh rằng không phải ngẫu nhiên mà tiếng lóng và ngôn ngữ chat được đưa vào bộ từ điển lớn như Oxford, đó là sự ghi nhận chính thức ngôn ngữ mới đã dung nhập vào đời sống sau một quá trình chọn lọc đủ lâu dài.

 14120dc15_9ae83aaa25e506c950333c9884e6698b_42844651.onh2.jpg

(Ảnh 2: Họa sĩ Thành Phong và bức biếm họa “Yêu nhau trong sáng. Phang nhau trong tối”.)

“Hãy cứ xem nó (ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay) như một món ăn lạ đang tồn tại, việc có ăn nó hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân.” (PGS. TS. Phạm Văn Tình)

4.Nhìn nhận ngôn ngữ giới trẻ thời @ bằng tình yêu tiếng Việt

Những người mang nỗi lo ngôn ngữ hiện đại mà giới trẻ đang dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự giàu và đẹp của tiếng Việt có lẽ sẽ thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều nếu biết có một lượng không nhỏ các bạn trẻ đặt câu hỏi xung quanh việc nên “đối xử” với ngôn ngữ mới này như thế nào để không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. PGS. TS. Văn Như Cương cho rằng “giữ gìn sự trong sáng không có nghĩa là khư khư với cái hiện có”, cũng không phải là kiên quyết loại bỏ cái mới, cái nại lai.

PGS. TS. Phạm Văn Tình cũng đồng tình với ý kiến này. Vốn trong tiếng Việt đã có nhiều từ gốc tiếng nước nài, đặc biệt là tiếng Hán,…việc mượn các yếu tố nước nài có thể làm giàu thêm cho tiếng Việt. Cũng như vậy, việc tiếp thu hợp lý ngôn ngữ hiện đại của giới trẻ cũng có thể khiến tiếng Việt thêm phong phú. Điều cần chú trọng ở đây là: Khi sử dụng ngôn ngữ mới của mình, giới trẻ vẫn cần có ý thức tránh cách dùng tiếng Việt không trong sáng, mà “không trong sáng” ở đây theo PGS. TS. Văn Như Cương là dùng các từ nước nài trong khi tiếng Việt có từ thay thế, là sử dụng tiếng Việt theo văn phong phương Tây.

5.Vẫn còn đó những băn khoăn

Tự thân sự nhiệt tình đặt câu hỏi và tranh luận của thính giả đã cho thấy vấn đề ngôn ngữ giới trẻ thời hiện đại được quan tâm như thế nào.

Trả lời câu hỏi của một thính giả về việc liệu có nên để những câu nói của các bạn trẻ tồn tại trong thế giới @ thay vì tập hợp nó lại dưới dạng chính thống của một quyển sách, họa sỹ Thành Phong nói rằng không nên gán cho mọi thể loại sách những ý nghĩa mang tính hàn lâm hay giáo dục. Theo quan điểm của cá nhân anh, sách cũng là một trong những công cụ truyền tải thông tin; do đó, chúng ta không nên phân biệt việc ngôn ngữ giới trẻ xuất hiện trong sách hay xuất hiện trên mạng.

1412eefea_c9b11c2c60a590abde498acd377a71ed_42844653.onh3.jpg
(Ảnh 3: Họa sĩ Thành Phong và bức biếm họa “chuẩn không cần chỉnh”.)

Phạm vi thảo luận của buổi tọa đàm còn được mở rộng thêm khi một phóng viên của báo Tiền Phong ở Tây Nguyên chia sẻ những cảm nhận cá nhân của mình. Chị ngạc nhiên khi thấy có nhiều lo ngại căng thẳng đến thế đối với một hiện tượng ngôn ngữ vừa trẻ trung vừa thú vị trong khi đáng lẽ ra người lớn nên hòa mình với lớp trẻ và cố gắng hiểu cách suy nghĩ, cách nói năng của họ hơn. Những người lớn, phải chăng, nên mở rộng biên độ tiếp nhận, chấp nhận xu hướng mới có gạn lọc để rút ngắn bớt khoảng cách giữa các thế hệ?

Sự giới hạn về mặt thời gian khiến tọa đàm phải kết thúc khi vẫn còn nhiều câu hỏi của thính giả. Nhưng cả hội trường đã lặng đi và òa lên tiếng vỗ tay khi nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhắn gửi đến tất cả những người có quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là các bạn trẻ: “Chúng ta hãy cảm ơn tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng ta hình thành từ trong lòng mẹ đưa nôi. Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời. Mỗi người hãy mang tình yêu đó đi theo suốt cuộc đời mình, để tiếng Việt còn thì nước ta còn. Trách nhiệm của các bạn trẻ là sáng tạo, chọn lọc, tiếp thu để Ngôn ngữ giới trẻ thời @ đóng góp “đắc địa” cho tiếng Việt, để con cháu chúng ta được thừa hưởng nó như chúng ta được thừa hưởng di sản tiếng Việt đẹp đẽ từ ông bà, cha mẹ của mình”.

 

                                                                                              Hồ Phương Phúc

                                                                                              (Báo in k29A1)

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN