Viết về người khuyết tật như thế nào để họ được bình đẳng?

(Sóng trẻ) – Về vấn đề làm thế nào để người khuyết tật được khích lệ, động viên một cách đúng đắn, TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã có những quan điểm xác đáng xung quanh cách truyền tải thông tin hiện nay của báo chí về người khuyết tật.

Đừng bi thảm hóa hay vẽ ra những câu chuyện cổ tích

Khi viết về một câu chuyện, tấm gương của một người khuyết tật nào đó, báo chí – truyền thông luôn có một mô – tuýp quen thuộc, luôn dập khuôn một cách máy móc. Đó là những đám cưới cổ tích, những câu chuyện tình yêu thần kì của người khuyết tật. Khi viết về các tấm gương người khuyết tật thì sử dụng các từ ngữ “anh hùng hóa” như nghị lực phi thường, nghị lực “thép”,... Cách viết này vô tình đã tạo ra sự khác biệt cho người khuyết tật so với cộng đồng.

3b2bbabd5_1.jpg
Những mô – tuýp quen thuộc của báo chí khi viết về người khuyết tật

Về vấn đề sử dụng từ ngữ trên báo chí truyền thông đối với người khuyết tật, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Lâu nay báo chí viết về khuyết tật thường bi kịch hóa, số phận của người khuyết tật dùng các từ như là số phận, thân phận, vươn lên từ cái này, vươn lên từ cái kia, chuyện cổ tích, chuyện thần kì.  Người ta lấy nhau đâu có gì là cổ tích, chuyện thần kì. Tại sao cái đám cưới của người khuyết tật lại phải là cổ tích? Tôi biết những người viết như vậy là có ý đồ tốt, muốn để cho mọi người đọc những câu chuyện ấy, thu hút mọi người đọc và ca ngợi, động viên những người khuyết tật. Nhưng mà liệu có cách viết nào khác hay không mà vẫn nêu được vấn đề. Chúng ta động não một chút, nghĩ thêm một chút dùng những cái từ hay hơn đắt hơn nhưng mà không làm cho mọi người nghĩ rằng cái chuyện cổ tích này nó hiếm...”

Lối mòn của báo chí – truyền thông khi viết về người khuyết tật là xây dựng những hình ảnh người khuyết tật tách bạch với cuộc sống đời thường, “tượng đài hóa” những điều mà họ làm được trong cuộc sống cũng giống như bao người khác. Cách sử dụng từ ngữ khi viết, nói về người khuyết tật trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần phải có sự cân nhắc cho phù hợp với tâm lí của công chúng tiếp nhận.

“Viết một cách tích cực, nói một cách tích cực”

Để báo chí – truyền thông khi truyền tải thông tin về người khuyết tật được chân thực, gần gũi, không quá “tô hồng” hay bi thảm hóa thì mỗi phóng viên, nhà báo cần phải có những thay đổi trong tư duy của mình. Về vấn đề này, TS. Khuất Thu Hồng bày tỏ quan điểm: “Làm như thế nào để khích lệ, để động viên những người khuyết tật thì tôi nghĩ là chúng ta cũng phải thay đổi cách suy nghĩ, cách nói, cách viết về người khuyết tật. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Không bị bi thảm hóa cái số phận của người khuyết tật. Chúng ta viết về họ, ca ngợi họ, động viên họ, viết một cách tích cực, nói một cách tích cực và không bi thảm ngay kể cả người thân trong gia đình cũng không bi thảm hóa câu chuyện của người khuyết tật. Vì chúng ta bi thảm chúng ta cũng không giải quyết được vấn đề...”

3b2bbabd5_2.jpg
TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Khi người làm báo có nhận thức đúng đắn thì tác phẩm của họ cũng sẽ chạm tới tới trái tim của công chúng mà không cần phải sử dụng những từ ngữ “hoa mỹ” khi viết về người khuyết tật. “Và chúng ta luôn luôn động viên, luôn luôn tích cực, luôn luôn lạc quan chỉ ra những cái điểm mạnh của người khuyết tật. Tại vì ai đó, ai cũng có một cái điều gì đó, khả năng gì đó  mà chúng ta có thể khai thác. Thế thì nói về người khuyết tật một cách tích cực, chỉ ra hay là phát huy, khai thác, hỗ trợ những cái tiềm năng của họ, những cái khả năng của họ đấy là cái cách làm để mà động viên người khuyết tật...” – TS. Hồng nói.

Quan điểm của TS. Khuất Thu Hồng cho rằng: “Viết về người khuyết tật, nói về người khuyết tật, làm việc với người khuyết tật cái thái độ như thế nào phù hợp để động viên nhưng mà không làm cho các em đặc biệt, không làm trở thành bi thảm, không trở thành cái gì đó mà trở nên hùng vĩ rồi kì vĩ, nó vĩ đại hay là nó hiếm hoi. Bình đẳng cũng là chỗ đấy để không bị trở thành anh hùng một cách bất đắc dĩ hoặc không trở thành nạn nhân.” 

Những câu chuyện về người khuyết tật bản thân nó đã là những câu chuyện truyền cảm hứng. Việc cần làm của mỗi người làm báo chính là truyền tải một cách chân thực nhất câu chuyện đó đến với công chúng.

Thái Gia Khánh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN