Nỗi niềm “đau đáu” phía sau những cánh cò
(Sóng trẻ) - Ông Phùng Công Học - người 31 năm gắn bó với vườn cò Ngọc Nhị vẫn luôn canh cánh trong lòng về công tác bảo tồn cò bên cạnh những lũy tre - nơi ngoại thành thủ đô.
Vườn cò Ngọc Nhị từ lâu đã trở nên quen thuộc với những người đam mê du lịch sinh thái. Tọa lạc trên ngọn đồi thuộc thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, đây là nơi cư trú của hàng vạn con cò với đa dạng chủng loại.
Đằng sau những cánh cò sải dài trên cánh đồng đất Ba Vì, sau tiếng kêu của cả vạn con cò rộn ràng, đầu co chân duỗi, bay lượn nhịp nhàng, làm sống động cả một vùng đồi là hình bóng của người ngày đêm trông coi, bảo vệ những đàn cò trắng - ông Phùng Công Học.
Bước chân khởi đầu đầy trắc trở
“Tôi đến với công việc này âu cũng là do ông trời sắp đặt, nó là cái duyên, cái số của mình” - ông Học cười nói. Vào những năm 1970, ông Phùng Công Học khi ấy vừa xuất ngũ với tình yêu với thiên nhiên, với động vật quyết định ở lại thôn Ngọc Nhị gắn bó với công việc bảo tồn cò.
Qua lời kể của ông Học, vùng đất nơi Vườn cò phát triển khi ông mới tới rất hoang sơ, bị gia đình, người thân ông cấm cản, cho rằng đó là nơi “khỉ ho, cò gáy”. Kể cũng không sai, vùng đất ấy từ xa xưa đã là nơi trú chân của rất nhiều loài chim và động vật hoang dã, đặc biệt là loài cò. Nhưng đã là tình yêu thì khó lòng ngăn cản, người đàn ông xuất thân từ quân ngũ ấy vẫn quyết định gắn bó cuộc đời ở nơi đây, sau lũy tre rì rầm đêm ngày, sau cánh cò trắng bay hoài không mỏi.
Khi đặt chân tới mảnh đất này, ông thấy vùng xung quanh - những quả đồi dần trở thành “đồi trọc”, công cuộc khai khẩn đất đai diễn ra chóng vánh và “sôi nổi”. Vậy thì còn đất đâu cho loài cò? Thế là người đàn ông ấy đi ngược lại với mọi người, ông trồng thêm cây, trồng tre, biến cho mảnh đất của mình là nơi cư trú lý tưởng của các loài động vật đặc biệt là cò. Cò ở các khu rừng khác mất đi nơi cư trú, thuận theo thiên nhiên mà về với mảnh “đất làng” của bác Học.
Người lính ra quân từng bước xây dựng thành lũy an toàn cho loài cò. Ông Học kể: “Lúc tối mới về đây, đất đai thì hoang sơ, người dân thì thoải mái săn bắt cò, săn bắt thú. Tôi may mắn được huấn luyện trong quân đội, lại có cái gan góc của lính trinh sát nên có thể đối mặt thẳng thắn với vấn đề này”.
Những ngày đầu còn rất nhiều khó khăn, người tràn vào săn bắt thú đông lại có vũ khí, ông Phùng Công Học cứng rắn đứng ra bảo vệ khu rừng, thậm chí từng xảy ra những xô xát với người vào săn bắt. Nhưng với sức mạnh và sự nỗ lực, quyết tâm, bác dần đẩy lùi được hiện tượng không nên xảy ra này.
Kể từ khi dẹp bỏ được sự săn bắn tràn lan, loài cò ngày càng an tâm sinh sống, số lượng cũng gia tăng một cách đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng săn bắn cò vẫn còn tiếp diễn nhưng không lộng hành và ngang nhiên như trước. Hơn thế, ông Học cũng không phải chống trọi một mình nữa mà có sự can thiệp an ninh của công an chính quyền địa phương, của toàn xã hội. “Tôi hiểu rõ ý nghĩa của công việc mình đang làm và tôi biết mọi người cũng đang dần hiểu rõ ý nghĩa của nó, vì thế tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của tất cả mọi người”.
“Tôi sẽ còn gắn bó với vườn Cò...”
Khi được đặt câu hỏi về phương hướng phát triển đồi cò, ông Học tâm huyết kể về những nỗ lực của ông gắn với đàn cò. Để hình thành một vườn chim như thế này rất đơn giản nhưng cũng phải có nguyên tắc. Ở vườn này không có người săn bắt, tĩnh mịch và an toàn nên càng ngày thu hút được càng nhiều loài cò đến sinh sống và làm tổ, sinh con đẻ cái. Mình trông giữ và bảo vệ thì nó sinh đẻ, phát triển thuận lợi.
“Không nên can thiệp quá sâu vào môi trường sinh thái của nó, mình càng để nó thuận theo tự nhiên thì nó càng phát triển”, ông Học cho biết thêm.
“Tôi cùng các nhà khoa học đã từng hợp tác để thử can thiệp vào sinh sản của đàn cò. Tổ của loài này rất đơn giản và yếu ớt nên nếu một trận bão hay chỉ cần một cơn mưa to là tổ của nó rất dễ hư hỏng và rơi mất trứng. Từ năm 1993, đến năm 1999, tôi cùng các nhà khoa học đã thí điểm dùng tổ chim nhân tạo chắc chắn hơn cho loài cò nhưng hoàn toàn không thành công. Trong 100 tổ chúng tôi tạo ra thì chỉ có 2 đến 3 tổ có cò sinh sống và đẻ trứng”. Như vậy chúng hoàn toàn không tiếp nhận sự can thiệp của con người. Thậm chí đến đồ ăn, chúng cũng thích sự săn mồi, kiếm được ăn tươi sống chứ không phục tùng sự chăn nuôi của con người.
Đối với ông Học, những kỷ niệm khó có thể quên của ông chính là sau mỗi trận bão, số lượng có chết nhiều vô số kể. Có những cơn bão mạnh đến nỗi cây tre bật gốc, xác cò trải đầy mặt đất khiến ông không khỏi xót xa.
Chỉ từ khu rừng ban đầu với 3,6 ha, hiện nay, vườn cò Ngọc Nhị trải rộng 13 ha với số lượng lên tới hơn 8 vạn con. "Vườn cò sẽ còn phát triển hơn nữa, tôi vẫn tiếp tục gửi tình yêu thiên nhiên của mình tại đây cho đến mai sau" ông Phùng Công Học tâm huyết chia sẻ.