Phát triển thương hiệu hủ tiếu Mỹ Tho
(Sóng Trẻ) - Hủ tiếu Mỹ Tho từ lâu đã vang danh khắp nơi bởi đây không
chỉ là một món ăn nn, hấp dẫn mà điều đặc biệt là những chất liệu chế biến
món ăn này đều được làm từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương.
Hủ tiếu Mỹ Tho bắt đầu xuất hiện trên
thị trường vào đầu thập niên 60, được bán tại các xe đẩy, các quán hủ tiếu ven
đường, trải rộng từ Mỹ Tho đến Gò Công.
Loại hủ tiếu mà các quán ăn ở đây sử
dụng được chế tạo từ chính các loại gạo thơm của Mỹ Tho, do vậy, sợi hủ tiếu có
mùi thơm của gạo, không bở, không có mùi chua. Nước dùng cũng được nấu từ xương
heo có thêm mực khô, tôm khô, ăn kèm với những phụ liệu như giá sống, hẹ,
chanh, ớt, nước tương. Sau này, hủ tiếu Mỹ Tho được bổ sung thêm lòng heo, tôm,
trứng cút.
Chế biến hủ tiếu.
Ở Mỹ Tho có hàng chục quán hủ tiếu
lớn nhỏ. Dù được bán trong nhà hàng hay ở quán bình dân thì mỗi nơi đều có một
cách chế biến riêng tạo hương vị đặc trưng.
Phòng kinh tế thành phố Mỹ Tho đã
khảo sát và lập đề án qui hoạch khôi phục làng nghề làm bánh hủ tiếu tại xã Mỹ
Phong - vùng trồng các loại gạo thơm thích hợp cho nghề làm sợi hủ tiếu gần một
trăm năm qua. Hiện nay, làng nghề này có 10 hộ làm bánh hủ tiếu với sản lượng 5
tấn hủ tiếu mỗi ngày và được tiêu thụ ở nhiều nơi. Để thương hiệu hủ tiếu Mỹ
Tho tiếp tục đứng vững trên thị trường và trở thành món ăn được nhiều người
biết đến, cần tiếp tục giới thiệu về thương hiệu này trên các phương tiện thông
tin đại chúng, đề ra chiến lược quảng bá để người Việt Nam trong và nài nước
biết đến thương hiệu này.
Cơ sở chế biến bánh hủ tiếu.
Hiện nay, qui mô sản xuất và đối
tượng tham gia tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho còn khá nhỏ, lẻ và khả năng
cung ứng cho thị trường còn quá khiêm tốn. Sản lượng 5 tấn bánh hủ tiếu mỗi
ngày cũng chỉ đáp ứng cho các tỉnh lân cận. Để bánh hủ tiếu Mỹ Tho đi xa, hơn cần
tính tới một qui mô sản xuất lớn hơn, qui trình công nghệ sản xuất và bảo quản
tốt hơn.
Mỹ
Ngọc