Tiếng súng rền trên những trang văn

(Sóng trẻ) - Trong cơn binh loạn của thời cuộc, những “chuyến xe” kể chuyện kháng chiến của Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn đều đặn “lăn bánh”. Ròng rã suốt 9 năm trên khắp các mặt trận, đến hôm nay, khi gặp ông trong một chiều thu Hà Nội, lớp kí ức ấy lại ùa về...

PV: Dưới sự ác liệt của cả hai cuộc kháng chiến, thơ ca nhạc hoạ vẫn sinh sôi nảy nở tựa những đoá “hoa dọc chiến hào”. Với tư cách một người trực tiếp tham chiến, ông có đánh giá đây là một phép màu?

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đảng ta đã có chủ trương là “văn hóa hóa kháng chiến và kháng chiến hóa văn hóa”. Do đó, quân đội chúng ta đã sớm tổ chức một lực lượng văn hóa, văn nghệ bao gồm đội ngũ văn nghệ sĩ từ trong các đô thị còn đang bị chiếm hay từ những hạt nhân văn hóa, văn nghệ của các đơn vị; từ đó, đưa về xây dựng thành lực lượng nòng cốt đầu tiên.

Đến khi thành lập Hội văn nghệ kháng chiến, lực lượng nòng cốt của các nhà văn, nhà thơ quân đội đã dần trưởng thành. Họ là những cây bút đầu đàn của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp và cũng là trụ cột của phong trào “văn hóa hóa kháng chiến”. Sau khi được Hội văn nghệ kháng chiến tổng hợp bồi dưỡng và rèn luyện, họ trở thành đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp trong quân đội. Những văn nghệ sĩ đó chính là những cây bút trụ cột của nền văn hóa kháng chiến.

Trong thời kỳ chuyển giao từ chống thực dân Pháp sang chống đế quốc Mỹ, Tổng cục Chính trị đã nâng cao xây dựng đội hình tổ chức và công tác quản lý riêng đối với hàng ngũ văn nghệ sĩ quân đội. Từ đó phát huy thành tựu của văn hóa kháng chiến; đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa, tinh nhuệ dần đội quân văn hóa, văn nghệ quân đội. Xuyên suốt 21 năm chống Mỹ, chúng ta đã có một đội ngũ văn nghệ sĩ và các đoàn nghệ thuật hùng hậu. Họ có mặt ở khắp mọi miền để vừa phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của các chiến sĩ nơi tiền tuyến vừa phục vụ cho người dân khắp mọi miền Tổ quốc nơi hậu phương. 

Ví dụ như là mặt trận khu 5, ngoài tờ báo Quân khu 5 đã có thêm đoàn văn công Quân khu 5. Hay khi tôi vào Tây Nguyên; ở đấy, cũng có tờ báo của mặt trận Tây Nguyên và đoàn văn công Tây Nguyên với đủ các bộ môn cũng như có các nhà văn hay nhạc sĩ. Hồi đó, không chỉ riêng tôi mà nhiều anh em đồng chí đều  ấn tượng sâu sắc với bài hát “Tiếng đảm Tơ-rưng”, hay “Bóng cây Kơ-nia” của đồng chí Doãn Nho. 

Từ những câu thơ, câu hát lấy từ chất liệu thực tế chiến tranh; sau khi được đoàn văn nghệ sĩ hổi hồn đã trở nên đặc sắc. Tôi nghĩ, những sáng tác đó nên ca ngợi bằng một tính từ, đó là “bất hủ”. Bởi lẽ, những sản phẩm đó không chỉ động viên tinh thần của các chiến sĩ trên chiến trường như một “thần dược” tinh thần mà còn là công cụ tái hiện sống động về thời kỳ huy hoàng của cả dân tộc. 

PV: Hình tượng người lính cao đẹp xuất hiện vô số trong các tác phẩm thuộc thời kỳ này. Vậy, đâu là tác phẩm ông tâm đắc nhất? 

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Lúc đó, rất khó để phân biệt câu thơ nào là câu thơ của các nhà văn quân đội, câu thơ nào là của các nhà văn nói chung. Bởi vì hầu hết, thơ văn thời kỳ này đều từ chiến trường mà ra. Vậy nên, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội vừa là nhà thơ, nhà văn quân đội; vừa là nhà thơ, nhà văn đất nước.

Đối với thế hệ chúng tôi, khi vào bộ đội tham chiến, đời sống văn học - nghệ thuật đã sớm trở thành nề nếp hay thậm chí còn ví von đây là “sức mạnh tinh thần”. Ấn tượng với tôi lúc đó là những bài thơ của Vũ Cao, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi; đặc biệt là bài “Ngọn đèn đứng gác” của Tố Hữu; bài “Đồng chí” của Chính Hữu và cả những bài tùy bút của nhà văn Nguyên Ngọc,... Tất cả đều tạo ấn tượng sâu sắc cho lớp trẻ như tôi. Có thể nói, chúng tôi ra trận là vì những xúc cảm, lý tưởng và sự động viên trực tiếp đó.

Khi ra trận, trước hết là thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống của thế hệ trước. Thế nhưng, chúng tôi quyết tâm phải có thêm những cái sáng tạo mới. Sáng tạo ở đây là kế thừa những tình cảm của thế hệ văn nghệ sĩ đi trước và điểm xuyến thêm nhiều dấu ấn đặc biệt. Thế hệ chúng tôi dần xuất hiện những tiếng nói rất riêng như tiếng thơ của Phạm Tiến Duật, của Nguyễn Duy hay Hữu Thỉnh. Ở đó, mỗi giọng điệu vừa gìn giữ được truyền thống của thơ văn kháng chiến chống Pháp mà vừa có nét độc đáo, mới mẻ của thời kỳ chống Mỹ.

PV: Trên mặt trận ác liệt, mảng đề tài nào “ngốn” nhiều thời gian và công sức sáng tác nhất của ông?

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói: “Chúng tôi làm thơ là ghi lấy cuộc đời mình”. Cho nên là ở thế hệ chúng tôi – những người trực tiếp cầm súng và cầm bút thì trước hết là làm thơ, để viết về cuộc chiến của mình, về đồng đội mình, về những tấm gương xung quanh mình. Tôi chưa thấy một nhà thơ, nhà văn nào của quân đội mà không bắt đầu từ những điều gần gũi và thân quen nhất. Những đề tài đầu tiên, những bài viết đầu tiên thường bao giờ cũng viết về đơn vị mình, đồng đội mình, về chính mình; sau đó là viết về nhân dân trong nước. Bắt đầu là như thế và tốn nhiều thời gian suốt 9 năm đời lính của tôi cũng là như thế! 

unnamed.png
Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy (ngoài cùng bên phải) loay hoay cả đời để viết cho hết, cho đủ câu chuyện của những người lính tham chiến trên mặt trận. (Ảnh: NVCC)

 

PV: Thật khó tin rằng trong điều kiện thiếu thốn, khốc liệt như vậy, các sáng tác thời kì này vẫn có thể lan toả mạnh mẽ trong lòng quân và dân. Ông lý giải ra sao “nghịch lý” này?

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Ở những trạm nghỉ, tôi thường gặp thương đoàn, thương binh hoặc các đoàn quân đi công tác từ miền Nam ra miền Bắc. Nhờ đó, tôi có cơ duyên gửi những sáng tác chuyển từ chiến trường ra. Mạnh dạn gửi về Báo Quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam; lúc đó, tôi tự nhủ rằng gửi thế thôi, chứ không nghĩ sẽ được in và phát cho bộ đội mình đọc.

Đến một lần, tôi đang chiến đấu ở trên chốt, trên một cao điểm cùng với đại đội thì nghe cậu liên lạc đến hầm bảo phải lên gặp ngay chính trị viên. Tôi hoảng vì không biết có chuyện gì; lên đến nơi thì đang phát bài thơ từ chiến trường gửi ra, trong đó có bài thơ của tôi. Dù lúc đó, đã phát gần hết bài thơ nhưng cảm xúc khi ấy thật khó để diễn tả bằng lời. Vậy là tiếng nói, tâm tình của mình đã có cách để đến với đồng và với những người ở hậu phương. 

PV: Một hành trình dài từ chiến trường trở về và từng đảm nhận chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông đánh giá thế nào về đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay?

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi nhận định là chiến lược xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của quân đội chúng ta vẫn đang phát huy tốt thế mạnh từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến hiện tại, nó vừa tiếp nối truyền thống là làm thế nào để có đội ngũ riêng, phục vụ tại chỗ cho quân đội; vừa năng động để kế thừa những giá trị chung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời tiếp nhận những đỉnh cao, giá trị tinh túy của văn hóa nghệ thuật thế giới. 

Với chiến lược đó, tôi quan sát trong hơn chục năm nay, thấy rằng đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội đang phát triển một cách mạnh mẽ, có nhiều triển vọng. Và đã thấy xuất hiện một đội ngũ mới - đội ngũ thế hệ sau chiến tranh. Hiện nay, họ đã và đang làm chủ các diễn đàn văn hóa, văn học nghệ thuật quan trọng của quân đội; đồng thời, giữ vững tính uy tín, chất lượng của quân đội cũng như vẫn đón nhận được sự ủng hộ từ phía nhân dân. 

PV: Chiến tranh qua đi, hoà bình lập lại. Đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội thời bình có thể khai thác những khía cạnh như thế nào để có những tác phẩm xuất sắc viết về người lính như ông?

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Trong thời bình, quân đội ta hòa mình vào đời sống chung của cả nước, xây dựng con người, xã hội Việt Nam. Xã hội có cái gì, mâu thuẫn gì, niềm vui gì, nỗi buồn gì, thử thách gì thì người lính chúng ta cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng nếm trải như thế! 

Ví dụ như chiến dịch chống Covid, khi nhân dân cần, đất nước cần, những người lính đã sớm có mặt và cùng nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả. Mâu thuẫn, niềm vui, nỗi buồn và những thử thách đều từ đó mà ra. Nó ác liệt không kém mưa bom bão đạn của chiến tranh. Trong thời chiến, những người hậu phương có khi chục năm trời chưa chắc đã ngóng thấy tin người lính trở về. Về giữa giữa thời bình, trong tâm dịch, những người lính quân y - họ cũng đâu biết bản thân sẽ hy sinh lúc nào khi đang chống dịch? Và khi họ trở về, liệu hậu phương - là cha mẹ, gia đình có làm sao hay không? Bởi lẽ Covid ở thời điểm đó, nó có chừa một ai? Tổn thất về người là điều không thể tránh khỏi dù ở thời chiến hay thời bình. Hay trận lũ lụt sau bão Yagi vừa qua, thật tiếc khi có những chiến sĩ tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ là nhiệm vụ thật, hy sinh cũng là hy sinh thật. Vì vậy, sự khó khăn, vất vả ở thời bình, nó không hề thua kém sự khốc liệt của thời chiến. 

PV:  “Văn - chiến sĩ” thời nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Với vai trò của là người làm lãnh đạo, ông đã làm cách nào để thúc đẩy tinh thần của các anh em đồng chí sáng tác được nhiều tác phẩm hay hơn, đặc sắc hơn? 

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Phần lớn đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội sẽ chưa có nhiều tác phẩm nổi bật. Điều đó vô hình khiến nhiều đồng chí trăn trở, suy nghĩ. 

Lấy ví dụ như là bão lũ thì mỗi năm nó mỗi vẻ. Nó không giống nhau, không lặp lại, cái năm trước không giống cái năm sau. Mà đặc thù của nhà văn là không thể có mặt ở tất cả các nơi, không thể trải nghiệm đầy đủ. Nếu là nhà báo - họ chỉ làm việc là phản ánh thông tin thì nó dễ, nó nhanh, nó có ngay chất liệu. Còn nhà văn, giả sử đã sớm có mặt nhưng chưa chắc đã nắm bắt hết mọi tình huống chi tiết và đầy đủ. Vậy nên, trong chiến tranh hay trong thời bình muốn sản sinh được những sản phẩm chất lượng thì cần có độ lùi về thời gian để cá nhân mỗi tác giả có thêm thông tin, suy nghĩ, bài học và những chiêm nghiệm.

Tôi nghĩ rằng trong thời bình, sự nhạy cảm của nhà văn nói riêng và thế hệ đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ nói chung, nó khác với thời chiến. Nhưng tình cảm của người lính, nhất là tình cảm của văn nghệ sĩ trong quân đội với nhân dân, với đất thì nước nó vẫn vậy. Sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ có những tác phẩm thành công viết về đời sống, viết về những gắn bó của chúng ta với nhân dân. Gửi tới đội ngũ văn nghệ quân đội, tôi hy vọng các bạn sẽ luôn cố gắng và nỗ lực, tinh thần sắt đá của quân đội sẽ giúp các bạn gặt hái nhiều thành tựu trong sự nghiệp!

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ trên của ông!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN