"Phóng sinh" hay "sát sinh" ngày ông Công ông Táo?
(Sóng trẻ) - Sáng 2/2, bên cạnh phóng sinh cá chép, nhiều người dân rải tro xuống mặt hồ khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
"Giữa đường đứt gánh"
Theo quan sát của phóng viên, mặt hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) có dấu hiệu chuyển màu đen, đục ngầu. Do địa điểm này không có tình nguyện viên hay lực lượng chức năng túc trực nên một bộ phận người dân đã thả bụi tro, chân hương, đồ cúng và rác thải xuống hồ. Điều này dẫn tới việc nhiều cá chép vừa thả xuống đã có dấu hiệu lờ đờ, nhiều con trong số đó chết vì ngạt thở.
Để xử lý vấn đề trên, các công nhân vệ sinh đã có mặt tại hồ từ sớm và liên tục vớt các chất thải ra khỏi mặt nước. Nhiều người dân không khỏi cảm thán trước tình trạng này. Trao đổi với phóng viên, chị Phương Thảo (người dân địa phương) bức xúc cho biết: "Mình từng nghĩ hồ Hoàng Cầu đã giảm thiểu ô nhiễm hơn trước rất nhiều rồi. Vậy nên, hôm nay mình mới quyết định ra đây thả cá. Tuy nhiên, khi vừa đến, nhìn thấy mặt nước như vậy mình tự hỏi rằng 'liệu thả xong thì chúng sống được bao lâu?'".
Theo chị Thảo, những cá nhân này không có ý thức cộng đồng chung mà chỉ nghĩ tới bản thân. Trước những hành động trên, chị cho rằng cần có các phương án xử trí hợp lý để có thể bảo vệ môi trường, đồng thời ngày càng nâng cao nhận thức của người dân hơn nữa.
Tương tự, tại hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội), dù lực lượng chức năng đã hướng dẫn người dân thả cá vào thùng để sau đó mang ra sông Hồng thả, song, một số cá nhân vẫn theo thói quen thả cá xuống hồ. Không chỉ thả cá, nhiều cá nhân cũng "tiện tay" rải tro xuống lòng hồ dù đã được nhắc nhở.
Thay vì tìm nơi thích hợp để phóng sinh, nhiều người ngang nhiên "tiễn" cá chép vào nơi có nguồn nước bẩn. Chị H.N.V (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Hôm nay vẫn là ngày đi làm của tôi. Dù biết đây không phải là nơi lý tưởng thả cá nhưng tôi chỉ kịp tranh thủ giờ nghỉ trưa để thả, sau đó lại phải trở lại cơ quan vào buổi chiều".
Nâng cao ý thức người dân
Bên cạnh những trường hợp trên, nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường đã diễn ra với sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ. Nhiều nơi ở Hà Nội đã bố trí tình nguyện viên hướng dẫn người dân thả cá và biển báo không thả túi nilon xuống hồ. Cụ thể, tại hồ Xã Đàn, các tình nguyện đã có xuất hiện tại điểm cầu từ sớm để chung tay, hỗ trợ mọi người thực hiện việc tiễn ông Công ông Táo về trời một cách văn minh.
Bạn Ngọc Anh (Tình nguyện viên của phường Nam Đồng) chia sẻ: "Chúng mình có khẩu hiệu 'thả cá xin đừng thả túi nilon'. Vậy nên, từ 8h sáng các tình nguyện viên đã có mặt để thu gom túi nilon. Ngoài ra, khi thấy ai thả cả túi và thả tro, hoá vàng bọn mình cũng sẽ ra vớt và nhắc nhở".
Chị Ngọc Trang (thường trú tại Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) từ 2 năm nay đã sử dụng bát để thả cá. Chị cho biết: "Khi mua cá về mình thả cá vào bát để chúng bơi tự do và cũng tiện cho việc làm lễ. Dù sao, dân ta cũng coi cá chép là phương tiện giúp ông Công ông Táo về trời, vì vậy, mình nghĩ chúng ta cần để chúng thấy thoải mái. Cúng xong mình cầm cả bát ra hồ thả luôn, như vậy vừa thể hiện lòng thành, vừa có thể bảo vệ môi trường".
Qua từng năm, việc tuyên truyền bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước đã tác động đến phần lớn ý thức của người dân. Họ đã có những chuyển biến tích cực về ý thức khi kết hợp với các tổ chức, cá nhân tình nguyện giúp người dân thả cá, nhặt rác, nhặt túi nilon tại các hồ, sông.