Phú Xuân vẫn rực rỡ sắc màu tò he
(Sóng Trẻ) - Có thời điểm tò he bị lãng quên bởi sự xuất hiện của các trò chơi hiện đại. Khác với thị trường tò he đang im ắng, ở làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuân, Hà Nội, tò he vẫn rực rỡ với các sắc màu trải dài trong các ngõ xóm.
Cũng như bao ngôi làng miền thôn quê Việt Nam, Xuân La được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh mướt, mang vẻ giản dị, bình yên của những người đất Việt hiền hòa. Nếu đi sâu vào trong làng, bước chân trên những ngõ nhỏ, chúng ta có thể thấy muôn vàn màu sắc của tò hè, thấp thoáng bên những cánh cổng, bờ tường bao quanh các ngôi nhà.
Tò he - những sắc màu tươi vui
Tò he được làm từ bột gạo nếp thêm một chút gạo tẻ trộn đều, trộn với nước, luộc lên rồi thấu nhiều lần cho thật dẻo sau cùng đem nhào với màu phẩm. Nhìn các bước, tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không có kinh nghiệm, người làm rất dễ mắc sai lầm không thể tạo nên loại bột, sắc màu tò he phù hợp. Bột trộn không thể quá ướt hoặc quá khô, nặn dễ bị nổ. Cách trộn các màu cũng rất kì công, cho một lượng màu vừa đủ để tạo màu sắc tươi, sáng và trộn từ bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh để tạo nên những sắc màu mới.
Một số sản phẩm tò he rất được yêu thích (nguồn: Internet)
Những người nghệ nhân sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo nên hình dáng của tò he, có thể là những bông hoa, con vật hay nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh… được phối màu sắc với nhau hết sức sinh động.
Giới thiệu từng bước, từng công đoạn làm nên món đồ chơi tò he, anh Đặng Đình Hổ - một trong những nghệ nhân nổi tiếng trong làng không giấu được niềm yêu thích, đam mê, nhiệt huyết. Từ những bước chọn, trộn bột đến khi nặn tò he, mỗi bước, anh đều giảng giải tỉ mỉ. Từng chiếc tò he trên tay anh có cảm giác như món bảo vật được nâng niu, gìn giữ một cách cẩn trọng. Đôi bàn tay thô ráp nhưng lại toát lên vẻ tinh tế, khéo léo ấy đang trân trọng một di sản đặc sắc của văn hóa Việt.
Một nghệ nhân đang làm tò he để đem bán (nguồn: Internet)
Anh Hổ chia sẻ, anh đã được Bảo tàng Dân tộc học mời đến làm tò he trong những sự kiện văn hóa có quy mô. Anh hướng dẫn cho các bạn trẻ cách làm tò he, đồng thời tự nặn để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Còn chị Lệ Thị Hà – vợ anh cũng tham gia các đợt tình nguyện đến các làng trẻ em mồ côi để làm tặng các em. Trong dòng cảm xúc, anh Hổ nói về ước mơ của mình, muốn mở một trung tâm tò he tại nhà để làm, trưng bày các mẫu tò he, đón mọi người tham quan, thưởng thức.
Khó khăn cần sự chung sức
Xen lẫn những câu chuyện lạc quan của anh Đặng Đinh Hổ là những trăn trở về những khó khăn, gian nan mà những người nghệ nhân đang phải đối mặt. Anh kể: “Hai vợ chồng thường bán ở trước cửa các công viên, những nơi có nhiều trẻ em nhưng không ổn định, thường xuyên bị công an, bảo vệ đuổi. Khách ít, chỗ bán không cố định khiến cho việc bán tò he rất khó khăn.”
Thường vào những dịp đặc biệt hoặc trung thu, người dân trong làng mới nhận được những đơn đặt hàng từ các chương trình, trường mẫu giáo. Bởi khách hàng chủ yếu của tò he vẫn là các em nhỏ. Những bạn trẻ hiện nay ít chơi tò he, thậm chí nhiều bạn còn không biết tò he là gì.
Giữa khó khăn trùng điệp, người dân làng Xuân La vẫn giữ lòng yêu nghề, nhiều đời nối tiếp nhau bảo vệ truyền thống. Cái họ thiếu là điều kiện phát triển. “Một cây làm chẳng nên non”, việc giữ gìn và phát triển tò he – một loại hình trò chơi dân gian đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc thực sự cần có sự chung tay góp sức của rất nhiều người.
Phạm Thị Hường
Lớp Báo mạng Điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận