Rối nước Hồng Phong: Độc đáo và hút khách
(Sóng trẻ) - Múa rối nước là một loại hình văn hóa truyền thống, gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trong một dịp đến thăm làng rối cổ truyền Hồng Phong, Hải Dương- một làng quê nông nghiệp mộc mạc, qua những con rối, tôi như được sống trong những nét đẹp tưởng đã cũ nhưng vô cùng sống động mang đậm chất văn hóa vùng châu thổ sông Hồng.
Rối nước Hồng Phong trong mỗi dịp lễ hội
Rối nước Hồng Phong cũng như rối nước ở các phường rối khác trên nẻo đường đất nước, thường được diễn vào những ngày nông nhàn, ngày xuân, trong các lễ hội. Nhưng với sự độc đáo, riêng biệt trong cách sử dụng dây sào để điều khiển con rối, rối Hồng Phong nhanh chóng trở thành một trong những phường rối nổi tiếng trên cả nước.Và trong nhiều năm gần đây, rối nước Hồng Phong đã thu hút hơn 4000 lượt khách du lịch về thăm mỗi năm.
Con rối là nhân tố quan trọng nhất trong nghệ thuật rối nước, là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc, đằm thắm, trữ tình.
Các nghệ nhân rối Hồng Phong không chỉ là người sáng tạo tác phẩm trên sân khấu mà họ còn khéo léo tự làm nên những vật dụng, dụng cụ để biểu diễn, trong đó phải kể đến công việc tạo hình con rối.
Những con rối qua bàn tay tạo hình của nghệ nhân rối Hồng Phong
Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Sự thành công của con rối nước còn được thể hiện ở sự cử động của thân hình và hành động làm trò đóng kịch. Ở phường rối Hồng Phong, đó là hình ảnh anh tễu giáo đầu vừa quay đầu vừa chỉ trỏ, là cô tiên mang trầu ra mời khách, là Rùa vàng ngậm khói bất thần nổi lên phun ra khói xanh đỏ, là dàn lễ rước kiệu nối đuôi nhau qua hệ thống sào dây khua trống linh đình,...
Nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò thao tác bằng cây sào hoặc giật con rối bằng hệ thống dây. Phương thức nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy là cách điều khiển sáng tạo tuyệt vời của nghệ nhân rối nơi đây.
Nghệ nhân Hồng Phong bên hệ thống rối bằng dây sào
Vốn là một nghệ thuật lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống. Hồng Phong ấy với lời ca của nghệ sĩ chèo quê hương làm hội rối thêm rộn rã, lời thoại làm con rối trở nên có hồn, mang nét mộc mạc, chất phác trong lời ăn tiếng nói của người nông dân Việt.
Các chương trình, tiết mục biểu diễn của rối nước Hồng Phong rất phong phú gồm hơn 30 trò lẻ và tích trò như Tễu giáo đầu, Đấu vật, Bắt cá, Rước ảnh Bác Hồ,... Rối nước nơi đây không chỉ phục vụ tại địa phương mà được mời biểu diễn ở rất nhiều nơi trong nước, tham gia nhiều cuộc thi và giành được những giải thưởng vẻ vang. Năm 1994, phường rối đạt 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc tại liên hoan múa rối nước toàn quốc, năm 2004 được mời tham gia biểu diễn tại Festival Huế,... và hiện nay, nài việc được mời biểu diễn ở nhiều lễ hội lớn nhỏ trong nước, phường rối vẫn là đoàn rối chủ lực phục vụ tại nhiều chương trình văn hóa của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Rối nước Hồng Phong chính là sự kết tinh óc sáng tạo, trí thông minh, tài khéo léo của người dân nơi đây qua bao đời tạo nên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, rối nước Hồng Phong mãi trường tồn với thời gian. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm giữ gìn một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và sự yêu nghề của những người dân nơi đây, nghệ thuật rối nước đang trên đà ngày càng phát triển.
Giao Linh
Phát thanh K32
Cùng chuyên mục
Bình luận