Sinh viên khối ngành lý luận và công tác định hướng phương pháp học tập
(Sóng trẻ) - Làm thế nào để làm việc nhóm hiệu quả? Tầm quan trọng của việc tự học? Cách bố trí thời gian tự học hợp lý? Dễ gặp nhưng khó trả lời.
Sáng 15/10, tại Hội trường D (HVBC&TT) diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: "Phương pháp học tập cho K39" do BCH liên chi Xã hội học & Phát triển và LCĐ Triết học đồng tổ chức. Với mục đích tháo gỡ những khúc mắc, giúp cho sinh viên làm quen với cách học, đồng thời định hướng cho sinh viên khối ngành lý luận, buổi tọa đàm đã thử hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên.
Tham gia buổi tọa đàm có các thầy cô tổ 3M: Cô Khuất Thị Thanh Vân - Phó trưởng khoa CNXH, cô Nguyễn Thị Mai Lan - Giảng viên khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, cô Phạm Thị Hoa - Giảng viên khoa Chính trị học, thầy Trần Đăng Minh - Phó trưởng khoa Triết học, cô Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, cô Phạm Thu Trà - Phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển và các thầy cô khách mời khác.
Phó trưởng khoa Xã hội học & Phát triển Nguyễn Thị Quyên trò chuyện cởi mở trong buổi tọa đàm định hướng sinh viên khối chuyên ngành
Bàn luận và trao đổi về phương pháp học các môn đại cương và các môn chuyên ngành, sinh viên được thầy cô trực tiếp chia sẻ cách chọn và khai thác triệt để tài liệu một cách tối ưu, cách học trên lớp sao cho hiệu quả. Qua đó thấy được sự khác nhau trong cách học ở môi trường phổ thông với môi trường đại học. Nài ra các thầy cô còn tỉ mỉ đưa ra lộ trình để học tốt các môn chuyên ngành.
Bạn Nguyễn Thị Trúc Lan, sinh viên năm nhất khoa Triết học không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân sau gần 3 tháng học tập tại Học viện cùng lo lắng: “Với cách học theo phương pháp cuốn chiếu theo từng tín chỉ, em cảm thấy lượng kiến thức này đối với chúng em rất là nặng. Vậy làm thế nào để chúng em có thể nắm chắc kiến thức để tự tin bước vào kỳ thi cuối kỳ sắp tới vào tháng 12?”
Cùng tháo gỡ khó khăn với sinh viên, cô Nguyễn Thị Quyên - Phó trưởng khoa Xã hội học & Phát triển nói: “Với kinh nghiệm đứng bục lâu nay, đây quả thực là vấn đề chúng ta cần phải lưu ý. Kiến thức nặng cộng thêm nhiều thuật ngữ chuyên ngành chuyên sâu, để nắm bắt được chúng, nài việc nghe thầy cô giáo giảng đã đành thì mỗi cá nhân hãy tập tạo cho mình một thói quen đọc giáo trình trước khi đến lớp có vấn đề nào chưa hiểu thì note lại, cùng nhau tháo gỡ vấn đề. Hãy nhớ bằng cách hiểu về nó. Hãy tích lũy từ những kiến thức nho nhỏ để được những tri thức to to”. Cô tiếp tục khẳng định: “Tuổi trẻ các em có sức bật rất tốt. Tôi tin chắc rằng các em hoàn toàn có thể làm được”.
Bạn Nguyễn Thanh Hà, sinh viên năm nhất khoa xã hội học chia sẻ khó khăn của bạn thân khi không có động lực học tập và mong nhận được sự giúp đỡ từ các thầy cô
Hiểu và cảm thông cho Thanh Hà, cô Lưu Thúy Hồng - giảng viên khoa Quan hệ quốc tế cho hay: “Động lực là cái ngầm ở bên trong hay nói cách khác là nội lực và chỉ khi ta ý thức được nó và tôn trọng bản thân, tự khẳng định mình mới có được. Hãy biến đam mê thành động lực bởi chỉ có đam mê, nhiệt huyết với công việc với cộng đồng thì chúng ta mới có thể vượt lên”. Cô nhấn mạnh: “Bản thân mỗi chúng ta khi sinh ra đã là một kiệt tác toàn mỹ của tạo hóa, là một nhân tài và chúng ta chỉ cần đánh thức, tự trọng và tự lưu giữ lấy những tinh hoa của mình thì ắt sẽ vượt qua tất thảy”.
Diễn ra trong khoảng thời gian gần 3 tiếng, buổi tọa đàm đã nhận được không ít ý kiến đóng góp từ các bạn sinh viên. Theo đa số ý kiến của các sinh viên khóa trên, đặc biệt là những sinh viên có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, họ cho rằng việc tích cực tham gia các hoạt động của đoàn trường cũng như các câu lạc bộ là rất cần thiết.
Sinh viên K36 với những chia sẻ
Đại diện sinh viên K36 chia sẻ: “mình tham gia các hoạt động của đoàn, của trường từ năm nhất. Khi tham gia các hoạt động mình luôn giữ cho mình một tâm thế rất thoải mái và không đặt bất cứ áp lực nào cho bạn thân. Đấy là đối với cá nhân mình, còn đối với các bạn, nếu như các bạn đặt mục tiêu cao hơn, có thể bạn sẽ phải dành hầu như thời gian rảnh để tham gia vào công tác đoàn hoặc là hoạt động của khoa, của trường. Nếu bạn cân nhắc giữa việc đi làm thêm và các hoạt động trường thì hoàn toàn phụ thuộc vào cách quản lý của bạn. Và mình khẳng định nếu bạn biết cách bạn sẽ làm được cả hai. Vấn đề là bạn phân bố thời gian như thế nào, dành thời gian cho nó bao nhiêu và đặc biệt bạn có thích làm nó hay không”
Với hình thức tọa đàm theo định hướng dân chủ, đây là dịp để các sinh viên khối ngành lý luận nói chung và đặc biệt là K39 nói riêng nói lên những băn khoăn, trăn trở cũng như nguyện vọng, đồng thời mạnh dạn nêu lên quan điểm cá nhân khi nhìn nhận những vấn đề còn mang tính kém tích cực để cùng nhau đưa ra phương hướng giải quyết, hướng đến mục đích xây dựng liên khoa ngày càng vững mạnh.
Hồng Nhung
Cùng chuyên mục
Bình luận