Tết xa cũng hóa Tết gần
(Sóng trẻ) - Tết là khoảng thời gian ai cũng muốn trở về nhà, sum họp cùng gia đình. Thế nhưng đối với nhiều người, Tết là nỗi nhớ cách xa hàng nghìn cây số, do hoàn cảnh mà không thể về quê.
Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề, hầu hết các gia đình đều nhộn nhịp mua sắm, tân trang nhà cửa để đón chào năm mới. Tuy nhiên, ở đâu đó lại có những người con xa xứ đang nhớ nhà, nhớ cái Tết ở quê hơn bao giờ hết. Đối với những học viên thuộc các trường quân đội, cảnh sát hay những người định cư nước ngoài thì việc được về quê đón Tết cùng gia đình cũng trở nên vô cùng khó khăn.
Nỗi nhớ nhà ùa về nhiều hơn khi Tết đến
Đã vài năm liên tiếp chưa được về quê đón Tết cùng gia đình, thế nhưng anh Phan Tất Đạt (Học viên năm 3 của Học viện Biên phòng) vẫn luôn cố gắng đón Tết một cách trọn vẹn nhất. “Mình ở lại trường trực Tết 2 năm liên tiếp rồi. Trong đó, năm đầu tiên là do yếu tố dịch bệnh nên đơn vị cấm trại, tất cả học viên trong trường đều không được về phép, có đơn vị thì đi tăng cường chống dịch COVID - 19 ở biên giới, có đơn vị phải ở lại trường trực. Đến năm thứ 2 thì đơn vị mình được phân công ở lại trực Tết nên mình cũng không được về”, anh Đạt chia sẻ.
Đối với Tất Đạt, Tết vốn chỉ là khoảng thời gian do người ta gọi tên để có dịp sum vầy. Có lẽ vì thế mà đối với anh, chỉ cần được sum họp với người quan trọng thì dù ở đâu cũng sẽ đều là Tết. Thế nhưng mỗi khi thấy bố mẹ gọi điện, nhìn thấy gia đình quây quần mà thiếu mình, anh Đạt lại cảm thấy buồn, nhớ nhà và “thèm” hương vị Tết quê hơn bao giờ hết.
Những ngày cận Tết, nỗi nhớ nhà lại thường trực trong mỗi học viên quân đội, đặc biệt là các học viên có quê cách xa trường hàng nghìn cây số, người thân rất ít khi có điều kiện lên trường thăm vào mỗi dịp cuối tuần. Tuy vậy, hiện nay việc kết nối với gia đình cũng dễ dàng hơn khi có các thiết bị thông minh. Có lẽ chính vì thế mà Tết xa nhà cũng trở nên gần gũi với từng người. Ngoài ra, một số gia đình gần trường cũng tranh thủ dịp cuối tuần cuối cùng của năm để lên trường thăm con, mang vị Tết từ quê lên Học viện Biên phòng.
Hương vị Tết ở đơn vị
Với mỗi học viên khi trải qua cái Tết đầu tiên ở đơn vị, ai cũng cho rằng đó là “Tết lạ” bởi lẽ bao nhiêu năm gắn bó thời khắc thiêng liêng cùng gia đình thì nay bỗng phải ở lại đơn vị trực Tết. Thế nhưng lạ rồi lại thành quen, trong đơn vị mỗi người một quê hương nên khi Tết về, ai nấy cũng nhờ người thân gửi đặc sản quê hương để góp vào mâm cơm ngày Tết với đủ vị Tết từng vùng miền.
Khi ở lại trực Tết ở đơn vị, anh Ngô Quốc Dũng được trải nghiệm hương vị Tết có thể nói là khó quên. Các anh em trong đơn vị đều gọi điện về nhà và nhờ người thân gửi đặc sản lên trường để góp chung mâm cơm ngày Tết cổ truyền. “Có người quê ở Bến Tre thì nhờ gửi đặc sản liên quan đến dừa (kẹo dừa, bánh dừa), anh em các vùng biển thì có mực, cá khô,… Chính vì thế mà Tết ở đơn vị cũng trở nên đầy đủ, hương vị Tết ở đơn vị tuy khác ở nhà nhưng cũng thật ấm áp”, anh Ngô Quốc Dũng chia sẻ.
Mang Tết truyền thống đi muôn nơi
Dù đã xa quê nhiều năm, thế nhưng đối với chị Dương Thị Lan (định cư ở Nhật Bản) vẫn luôn mong muốn được về quê sum họp bên gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Vào những ngày cuối năm, chị lại nhớ đến bữa cơm ngày tất niên hơn bao giờ hết, nhớ đến những lúc ngồi gói bánh và canh bếp lửa luộc bánh chưng cùng bố mẹ. Tuy bây giờ mọi thứ đều có thể mua ở các cửa hàng, siêu thị tiện lợi nhưng mỗi khi Tết Nguyên đán đến, chị vẫn tự tay chuẩn bị đồ làm bánh chưng ngày Tết theo phong tục truyền thống Việt Nam.
“Tết năm nay mình vẫn chuẩn bị đồ gói bánh, làm Tết để 2 bạn nhỏ chưa được về ăn tết Việt Nam cũng sẽ hiểu về Tết truyền thống quê hương mình”, chị Lan chia sẻ thêm. Điều này khiến cho chị cũng cảm thấy hương vị Tết truyền thống đang len lỏi vào từng góc của ngôi nhà chị. Ngoài ra, việc chuẩn bị đồ Tết ở nơi xứ người còn giúp lan tỏa không khí Tết đến rộng rãi bạn bè quốc tế.