Thái Bình: Người cao tuổi giữ lửa nghề đan cói, đưa sản phẩm Việt vươn tầm thế giới

Dù đã bước vào độ tuổi xế chiều nhưng nhiều người cao tuổi ở xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn hàng ngày miệt mài với nghề đan cói truyền thống. Qua đôi tay tỉ mỉ và tình yêu sâu sắc dành cho nghề, họ không chỉ lưu giữ di sản của cha ông mà còn đưa những sản phẩm cói vươn xa trên thị trường quốc tế. 

80 tuổi vẫn ngồi đan cói mỗi ngày

Người dân Tiền Hải khéo tay, có nghề làm cói cha truyền con nối từ bao đời. Do vậy những người phụ nữ ở đây được biết đến rất khéo léo, tỉ mỉ, nhạy bén và đặc biệt là đam mê sâu sắc với nghề.

Trước kia, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn người dân trồng cây cói, thu hoạch và sản xuất ra cặp cói và mũ cói bán trong nội địa để kiếm thêm thu nhập. Dần dần khi xã hội phát triển các sản phẩm của làng nghề dần được giới thiệu và xuất khẩu sang nước ngoài.

Về xã Tây An, theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Nhâm vào một trưa hè oi ả. Khi ấy bà đang cặm cụi hoàn thiện những bước cuối cùng để tạo ra chiếc hộp cói. Gắn bó với nghề đan cói truyền thống của cha ông từ năm 10 tuổi, đến nay bà Nhâm đã 85 tuổi.

Niềm nở đón khách, bà kể: “Nghề cói đã có ở xã này từ bao đời, từ lúc tôi sinh ra đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy. Tôi nghe mọi người kể, đây là gốc gác của nghề cói rồi sau này có mới truyền đi các nơi khác như Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) hay Hưng Hà (tỉnh Thái Bình),...”

anh-1.jpg
Tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân tay đã yếu nhưng ngày ngày các cụ vẫn đang nỗ lực giữ lại tinh hoa nghề truyền thống. (Ảnh: Hải Ly)

“Thời chúng tôi còn nhỏ, ở xã chỉ có duy nhất nghề cói. Nhiều người nhờ nghề này mà nuôi sống cả gia đình, các con đều được ăn học tử tế và thành tài nên tôi trân trọng nó lắm. Bằng tuổi tôi bây giờ, nhiều người vẫn mang cói ra đan hàng ngày, phần có thêm thu nhập, phần làm gương để con cháu nhìn vào đó mà giữ gìn nghề truyền thống”, bà Nhâm chia sẻ.

anh-2.jpg
Chiếc máy ép cói đã có từ 5 đời trước, hằn vết thời gian nhưng vẫn được các cụ sử dụng hàng ngày, giữ gìn sạch sẽ, cẩn thận để tiếp tục truyền cho con cháu đời sau. (Ảnh: Hải Ly)

Nghề đan cói yêu cầu sự nhẫn nại và tỉ mỉ qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn lựa, rửa sạch, ngâm, phơi khô cho đến ép cói. Cói dùng để đan phải đạt tiêu chuẩn về độ tuổi, không quá non cũng không quá già, để đảm bảo khi ép sẽ đạt chất lượng tốt nhất.

Khâu ngâm cói đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm; những sợi cói có dấu hiệu úng hoặc trương phồng cần được xử lý đặc biệt. Sau khi phơi, cói sẽ được ép để tạo ra nguyên liệu sẵn sàng cho quá trình đan.

“Cói sau khi ép sẽ được phân loại, sắp xếp theo kích cỡ và màu sắc để khi đan có sự hòa quyện. Sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được phơi khô, sấy, cắt tỉa, treo tem và đóng gói trước khi đến tay người tiêu dùng,” bà Nhâm chia sẻ thêm.

anh-3.jpg
Các sản phẩm cụ thể như ró cói, giỏ cói, mũ cói, túi cói, chiếu cói. (Ảnh: Hải Ly)


Đưa sản phẩm cói từ làng quê ra thế giới

Cũng như bà Nhâm, bà Trần Thị Diệp, 80 tuổi, tâm sự: “Từ bé, tôi đã được mẹ dạy cho nghề đan cói. Sau này, đi lấy chồng cũng theo mẹ chồng làm nghề này luôn. Trước đây, các sản phẩm làm xong, thương lái trong và ngoài xã tìm đến tận nhà để mua hàng. Nhưng bây giờ, khoa học công nghệ phát triển, các sản phẩm nhựa được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi và rẻ nên hàng ngày, tôi nhận cói từ công ty về đan để lấy tiền công”.

Bà Diệp cho biết, bà nhận nguyên liệu từ công ty, với tiền công được trả theo kích cỡ sản phẩm. Nếu đan các sản phẩm lớn, bà có thể hoàn thành từ 2-3 chiếc/ngày; với sản phẩm nhỏ, số lượng có thể lên tới 7 chiếc. Tiền công cho các sản phẩm nhỏ là 10.000 đồng/chiếc, trong khi những sản phẩm lớn có thể lên tới 100.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, người thợ cũng nhận được tiền công từ 3.000 đến 5.000 đồng/chiếc cho nguyên liệu cói.

Từ lời bà Diệp, chúng tôi được biết, các sản phẩm cói ở Tây An từ chỗ không tên tuổi, thương hiệu, chỉ loanh quanh ở chợ quê, nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và lên tàu sang nước bạn.

Người góp phần quan trọng trong việc đưa sản phẩm cói ra thế giới là bà Phạm Thị Ngắn. Thấy được tiềm năng của sản phẩm cói, năm 2004, bà Ngắn đã thành lập công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, tiếp cận nhiều đối tác trong và ngoài nước, giúp sản phẩm cói Tây An ngày càng vươn xa hơn. 

anh-4.jpg
Sản phẩm cói của Tây An, trước đây chỉ được biết đến ở chợ quê và không có thương hiệu, giờ đã vươn xa tới nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Chia sẻ với phóng viên, bà tự hào: “Mỗi tháng công ty chúng tôi xuất khẩu rất nhiều sản phẩm như túi xách, giỏ, làn… sang các nước như Mỹ, Nhật, Thái Lan,..., tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động với doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng trên 1 năm. Điều này trở thành niềm tự hào và động lực để người dân Tây An tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề đan cói, góp phần làm giàu cho quê hương.”

Theo thông tin trên báo chí, làng nghề đan mũ ở xã Tây An huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) nay đã lan rộng ra địa bàn hơn 20 xã trong huyện Tiền Hải, tạo việc làm cho hơn 1.500 người. Từ nguyên liệu tự nhiên là cói, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề Tây An đã trở thành những chiếc mũ, giỏ... tinh xảo, đẹp mắt.

Chị Nguyễn Thị Thơm, 45 tuổi, cho biết: “Dù đã có công việc ổn định, tôi vẫn nhận cói từ công ty bà Ngắn để đan vào buổi tối. Mỗi tháng, tôi đan được từ 50 đến 60 sản phẩm, thu nhập cũng khá hơn.”

Giờ đây, các sản phẩm cói ngày càng được cải tiến, thu hút thêm nhiều khách hàng, nâng cao chất lượng cũng như lợi nhuận. Các sản phẩm cói được trang trí thêm hoa văn, hoạ tiết rồi mới tung ra thị trường thay vì sản phẩm thô như trước kia. Hội người cao tuổi huyện Tiền Hải rất chú trọng trong việc tổ chức các hội nghị về nghề truyền thống và có giấy khen, bằng khen để động viên các cụ tiếp tục truyền nghề.

anh-5.jpg
Chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức các triển lãm như: Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP,... nhằm giới thiệu sản phẩm cói của địa phương, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và lan tỏa nghề đến gần hơn với đại chúng. (Ảnh: Hải Ly)

Thêm vào đó, theo tư liệu địa phương, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các dự án khuyến khích người dân giới thiệu nhân công cho các công ty đan cói truyền thống với mức hoa hồng hấp dẫn, từ đó góp phần mở rộng mạng lưới nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức các triển lãm như: Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP,... nhằm giới thiệu sản phẩm cói của địa phương, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và lan tỏa nghề đến gần hơn với đại chúng.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN