Thăm làng Quan họ cổ Hoài Trung (Kỳ cuối): Những “báu vật” của làng
(Sóng trẻ) - Dù ở tuổi xưa nay hiếm, các nghệ nhân lớn tuổi tóc bạc, da mồi, mắt mờ và tai ngãng, nhưng mỗi khi họ cất tiếng hát, lại khiến cho thế hệ sau phải trầm trồ và kính phục. Cái chất mực thước, điêu luyện, tinh tường và thần thái của những người chơi Quan họ lâu năm vẫn vẹn nguyên, vang vọng qua từng câu hát, như làn sóng êm dịu nhưng đầy sức sống, truyền cảm hứng cho những ai lắng nghe.
Nhắc đến Quan họ Hoài Trung, không thể không nhớ đến những cây đa cây đề đã cống hiến cả cuộc đời để gìn giữ và truyền lửa niềm đam mê vào từng câu hát. Đó là những nghệ nhân tiền bối như cụ Nguyễn Thị Tư, cụ Nguyễn Thị Hạp, cụ Dương Văn Quyến, cụ Dương Văn Trọng, và gần đây là cụ Nguyễn Thị Tiếp. Họ không chỉ nổi tiếng với tài năng điêu luyện mà còn với sự mực thước và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật Quan họ, làm cho phong tục này mãi trường tồn qua từng thế hệ.
Hiện nay, lớp nghệ nhân kế cận của làng Hoài Trung, những người đã và đang gìn giữ hồn cốt của câu Quan họ, vẫn tiếp tục truyền lại tinh hoa nghệ thuật này. Trong số đó, nghệ nhân Vũ Thị Lưu, dù đã 99 tuổi và không còn đi lại được, với trí nhớ lúc còn lúc mất, vẫn là một biểu tượng sống của môn nghệ thuật Quan họ. Bên cạnh đó, hai chị em ruột, con gái cụ Nguyễn Thị Tư, là nghệ nhân Dương Thị Tương (90 tuổi) và Dương Thị Tiếm (88 tuổi), vẫn tiếp tục duy trì và phát huy di sản Quan họ. Tháng 5/2022, cả ba nghệ nhân này đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân ca Quan họ, như một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của họ đối với nền văn hóa truyền thống của làng Hoài Trung.
Say mê chất "cổ" Quan họ
Vừa xong bữa cơm, cụ Tương (Nghệ nhân Dương Thị Tương) lặng lẽ bước từng bước về phía bàn tôi và anh hai Thắng đang ngồi. Dù tuổi đã cao, việc đi lại khó khăn, nhưng cụ vẫn giữ được niềm vui trong mắt, yêu đời lạ kỳ. Cụ tự hào vì so với các cụ ngày xưa, lưng mình vẫn thẳng và điều quan trọng nhất là, cụ vẫn có thể cất lên những câu hát Quan họ, tiếp nối hồn cốt dân ca truyền thống.
"Già được cái không còng. Còng khổ lắm, đi lại vất vả", cụ Tương cười bảo.
"Rót nước trà mời anh đi Thắng" đó là câu đầu tiên cụ nói khi ngồi xuống bàn để tiếp khách. Rồi sau đó, trong suốt buổi thăm hỏi, tôi cũng lại được thấy những cử chỉ lịch lãm, vừa thân tình, vừa như đón khách quý, vừa như người trong một nhà. Cụ ca lên câu hát rằng: "Mong người như cá mong mưa/Mong người như bữa cơm trưa đói lòng/Mong người đã mấy tháng ròng/Hôm nay người lại có lòng sang chơi".
Từ cụ Tiếm (Nghệ nhân Dương Thị Tiếm) đến cụ Tương, tôi càng cảm nhận rõ rệt sự mẫu mực trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, lễ nghĩa đã thấm sâu vào nếp sống của những người chơi Quan họ. Cụ cười bảo: "Tôi giờ thành người cổ, nghễnh ngãng rồi. Ai nói gì cũng phải lắng tai lắm mới nghe thấy. Nhưng mà vẫn hát được".
Thế là tôi được cụ hào phóng hát tặng hẳn mấy bài: "...Gió mát giăng thanh/ Bỗng đâu thấy khách bên thành sang chơi/ Mai khách về em nhắn liễu trương đài/ Ngành xuân quyết bẻ cho người chuyên tay…".
Ở tuổi 90, cụ Tiếm vẫn hát với thần thái khiến mọi người phải lắng tai nghe, từ con cháu đến những hậu bối Quan họ đều không khỏi trầm trồ. Anh Thắng, với niềm phấn khích, nói rằng đó chính là chất Quan họ cổ. Không phải ai già cũng có thể hát được Quan họ cổ, nhưng người hát được chất ấy chắc chắn phải là người trải qua thời gian. Anh so sánh người có thể thể hiện được chất Quan họ cổ giống như một cây cổ thụ, phải chịu đựng, ngấm những vết tích của thời gian mới có thể sinh ra những nốt sần sùi đặc trưng. Quan họ cổ cũng vậy, cần có thời gian để người chơi "ngấm" và tự nhiên trở thành "cổ", chứ không thể học được.
Càng hát, cụ lại càng muốn hát thêm, không nỡ để chúng tôi rời đi. Như nỗi niềm nhớ nhung của người Quan họ mà cụ đã chia sẻ với tôi sau mỗi bài hát. Những lời yêu thương chưa kịp ngỏ hết lại phải cất lên những câu giã bạn đầy luyến tiếc. Và khi trở về với cuộc sống thường ngày, nỗi nhớ về nhau không bao giờ nguôi, luôn khắc khoải, mong ngày gặp lại để tiếp tục giãi bày, để những câu hát tiếp tục vang lên.
Con trai cụ bảo rằng: "Thế mới thấy rằng cụ đam mê Quan họ thế nào. Thắng mà ngồi đây với cụ là khéo ngồi được hết đêm ấy". Trước khi nói lời tạm biệt, cụ không quên dặn anh Thắng nhớ thường xuyên tới hát cùng, để cụ được hát thường xuyên hơn và cũng là để cụ nhớ lại những câu Quan họ.
Quan họ đến là "hết bệnh"
Chia tay cụ Tương, lòng tôi còn nhiều điều vấn vương. Anh Thắng tiếp tục dẫn tôi đến thăm nghệ nhân Vũ Thị Lưu, người lớn tuổi nhất trong làng, hiện nay đã 99 tuổi. Trái với những suy nghĩ ban đầu của tôi, chỉ định đến thăm hỏi và chụp vài bức ảnh vì biết cụ đã gần trăm tuổi, chỉ có thể nằm trên giường và đôi khi nhớ nhớ quên quên, giao tiếp với cụ sẽ rất khó khăn. Nhưng khi anh Thắng mở cửa phòng, một điều bất ngờ đã xảy ra: cụ cố gắng chồm người dậy, mắt sáng lên và gọi: "Thắng đấy à!".
Cảnh tượng ấy khiến tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng và mừng rỡ. Thật may mắn khi cụ vẫn có thể ngồi thẳng dậy và trò chuyện, dù rằng số câu chuyện mà cụ có thể nhớ và kể đã không còn nhiều như trước.
Con cháu của cụ bảo, "cứ nghe thấy Quan họ tới là cụ khỏe". Anh Thắng không lấy làm bất ngờ bởi người say mê Quan họ "thường thế".
"Ngày trước con cháu không biết, cứ bảo là các cụ giả đò, nhưng đó là cái lửa Quan họ. Cụ Quyến (ông nội anh Thắng) xưa cũng vậy, cụ ốm nằm cả ngày, nhưng cứ có quan họ tới là cụ khỏe, có khi ngồi cả ngày cũng được. Nhưng không phải Quan họ tới, ngồi được tí là cụ đòi nằm rồi", anh Thắng cười bảo.
Cầm trên tay tấm bằng phong tặng nghệ nhân, anh Thắng bắt đầu gợi nhớ lại những câu chuyện cũ cho cụ Lưu.
Ngày còn bé, gia đình nghèo khó, cụ không có cơ hội đi chơi Quan họ. Nhưng đến khi 16 tuổi, cụ được vào làm giúp việc tại nhà chứa (nơi sinh hoạt Quan họ xưa) của cụ Dương Văn Kính trong làng. Chính nơi đây, cụ được lắng nghe những câu hát từ các liền anh, liền chị Quan họ, từ đó mà cụ thuộc dần. Thời gian trôi qua, cụ vừa học hỏi, vừa tham gia giao lưu, nhờ vậy mà nhớ được hàng trăm bài Quan họ cổ.
Cụ Lưu cũng chính là bạn hát cặp lâu năm của nghệ nhân Dương Thị Tiếp, người đã có công truyền dạy cho Đoàn Quan họ Bắc Ninh trong những năm 1972-1973.
"Có năm tham gia Liên hoan Tiếng hát Người cao tuổi, cụ Lưu và cụ Tiếp hát bài 'Người ngoan'. Hai cụ hát hay lắm, cố nhạc sĩ Đức Miêng phải nói rằng hai cụ Hoài Trung hát điển hình của hội thi ngày hôm nay", anh Thắng kể lại.
"Hồi đấy còn trẻ, tôi với bà cụ Tiếp đi đâu cũng đi cùng nhau. Giờ thì (giọng hát) hỏng hết rồi", cụ Lưu cười nói.
Một đời gian khổ lấy câu Quan họ làm niềm vui
Tôi kết thúc chuyến thăm làng Quan họ Hoài Trung tại nhà Nghệ nhân Dương Thị Tiếm. Dù tuổi cao, cụ Tiếm vẫn còn khỏe mạnh, dù việc đi lại có phần khó khăn nhưng trí óc vẫn rất minh mẫn. Cụ không chỉ là kho tàng văn hóa Quan họ mà còn là minh chứng sống cho sức sống bền bỉ của những câu hát quê hương, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bao nhiêu năm vẫn không thể phai nhạt.
Vẫn chén trà mạn theo kiểu Quan họ mời khách. Rồi cụ lại ngân nga mấy câu thơ để mở đầu câu chuyện: "Mấy khi khách đến chơi nhà/Đốt than quạt pha trà em mời người xơi/Trà này quý vậy người ơi/Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng…".
Từng câu, từng lời tròn vành rõ chữ, giọng hát của cụ vẫn thánh thót, dù đã ở tuổi 88, thời gian dường như đã bỏ quên giọng hát vẫn vẹn nguyên nét ngọt ngào ấy. Tuy nhiên, đằng sau những câu hát Quan họ đầy niềm vui ấy lại ẩn chứa những ký ức đau thương, những nỗi niềm riêng của một cuộc đời không ít gian truân.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Quan họ, với mẹ là Nghệ nhân Nguyễn Thị Tư nổi tiếng một thời, cụ Tiếm đã được thừa hưởng và nuôi dưỡng tình yêu đối với câu hát Quan họ từ khi còn rất nhỏ. Năm 12 tuổi, cụ cùng chị gái, cụ Tương, đã được mẹ truyền dạy tỉ mỉ về từng làn điệu, từng câu hát và cách chơi. Những bài ca ấy dần ngấm vào máu thịt, giúp cụ Tiếm trở thành một chị hai Quan họ mẫu mực, đầy nghiêm túc và lề lối.
Tuy nhiên, những năm tháng chiến tranh đã cướp đi không ít những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Thế hệ của cụ Tiếm, thay vì được hát ca trong những dịp hội làng như các thế hệ đi trước, lại phải đối mặt với bom đạn, thiếu thốn, và những hy sinh mà không một ai mong muốn. Dù vậy, tình yêu với Quan họ của cụ vẫn vẹn nguyên, luôn được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau.
Khi lập gia đình, chồng cụ tham gia kháng chiến và hy sinh tại Quảng Trị năm 1971. Một mình cụ gánh vác mọi trách nhiệm, vừa nuôi dưỡng 3 người con (hai gái, một trai), vừa chăm sóc em trai chồng. Tuy nhiên, những đau thương chưa dừng lại ở đó. Sau này, em trai chồng cụ cũng tham gia bảo vệ Tổ quốc và hy sinh trong chiến tranh. Và trong một bi kịch khác, cách đây 11 năm, người con trai duy nhất của cụ lại qua đời trong một tai nạn giao thông, khiến nỗi đau trong lòng cụ càng thêm sâu sắc.
Cuộc sống của cụ Tiếm thật khác biệt so với người chị gái, cụ Tương, người mà cuộc sống gia đình luôn đầy ắp tiếng cười và sự sum vầy của các thế hệ. Tuổi già của cụ Tiếm lại chìm trong nỗi cô đơn, khi chỉ còn một mình trong căn nhà. Cụ sống cùng con dâu, trong khi những người con, cháu khác của cụ thỉnh thoảng mới có dịp về thăm, để sẻ chia chút niềm vui và vơi đi phần nào nỗi buồn trong lòng cụ.
Cụ nhắc về ngày tháng tuổi già của mình hiện tại bằng câu thơ "Vui từ cửa ngõ vui ra/ Sầu từ ngã bảy, ngã ba sầu về".
"Ra ngoài sinh hoạt, hát hò vui vẻ. Nhưng về tới nhà thấy cảnh chồng mất, con mất… Thôi thì quá mù ra mưa rồi. Chấp nhận rồi sống vui vẻ anh ạ", cụ Tiếm nghẹn ngào.
88 năm đời người, ngoảnh lại như một cái chớp mắt. Nhiều đêm nằm trằn trọc, cụ Tiếm nhớ về những câu chuyện cũ như chỉ vừa mới đây. Cả đời của cụ, niềm vui có lẽ chỉ quanh quẩn với câu Quan họ bởi cũng chỉ có Quan họ mới tô điểm cuộc đời cụ trở nên tươi đẹp hơn.
"Cả đời vất vả, nghèo khó, tới lúc sung sướng, có cả của dư thì già mất rồi (cười). Giờ thỉnh thoảng tôi cũng cứ ngồi lẩm nhẩm xem câu nào nhớ câu nào quên. Hát Quan họ vui lắm anh ạ, nhiều khi tôi cứ ước gì mình trẻ lại độ 70-75 tuổi thì tốt biết mấy", cụ Tiếm chia sẻ.