Thay đổi toàn diện trước khi cấm xe máy

(Sóng trẻ) - Những ngày gần đây, dư luận dậy sóng trước đề xuất hạn chế xe cá nhân. Đây cũng không phải câu chuyện cũ khi mà cách đây 1 năm, một đề xuất tương tự cũng đã được đưa ra. Quy định lần này có tiếp tục “chết yểu” hay không nếu có một lộ trình hợp lý?

Cấm xe máy, người dân đi bằng gì?

Hiện xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của hơn 80% người dân Việt Nam. Trung bình cứ 10 người thì có tới 9 người sở hữu xe máy. Trước đây, người ta quan niệm “Con trâu là đầu cơ nghiệp” – con trâu là tài sản quý giá nhất, thì có lẽ giờ đây xe máy đang thay thế vị trí này. Với nhiều người lao động, xe máy là phương tiện di chuyển và kiếm sống chủ yếu.
Anh Nguyễn Đàm Trung – 2 năm hành nghề “shipper” (chuyển hàng) chia sẻ: “Mình thấy hơi bất cập. Với những người đi giao hàng như mình thì sẽ bị mất đi nguồn thu nhập lớn, nó không phải nhỏ. Còn nếu cấm hẳn thì coi như là mình thất nghiệp thôi.”

Mật độ dân cư tại các đô thị lớn đang tăng lên nhanh chóng. Nài những người đã định cư từ trước, còn một lượng dân cư khác đổ về thành phố, các khu công nghiệp, cùng hàng triệu sinh viên tại các trường đại học đang sinh sống và làm việc.

Tiền lương của họ chỉ đủ chi trả các khoản phí sinh hoạt nên chưa thể có nguồn thu nhập ổn định để mua ô tô riêng. Sử dụng phương tiện công cộng thì còn gặp nhiều bất tiện. 

Chị Phạm Gia Thu, nhân viên ngân hàng ACB chia sẻ: “Tùy theo tính chất công việc của từng người, sẽ phải đi lại nhiều, mà trên địa bàn Hà Nội lại có rất nhiều ngõ ngách. Ví dụ như công việc của tôi cần đi lại để gặp gỡ khách hàng mà thời gian thì phải nhanh gọn để giải quyết công việc, không thể nào đi bộ ra một chỗ để bắt xe công cộng rồi đi tới một điểm rất rất xa điểm ấy. Rất tốn thời gian. Vì vậy phải sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại tiện nhất.”

Nhu cầu đi lại của mỗi người khác nhau, cùng hệ thống đường xá chằng chịt, nhiều ngõ, hẻm nên chỉ xe máy đáp ứng được. Bởi vậy, hầu như các gia đình, dù giàu hay nghèo, vẫn cố tậu lấy một “chú trâu sắt”, thậm chí 2-3 cái cho mọi thành viên trong nhà. 

Hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập

Xe máy được ưa chuộng cũng không phải điều khó lí giải ở Việt Nam. Theo quan sát, khi đi dọc đoạn đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, có tới hàng chục ngã rẽ khác nhau, với diện tích chỉ đủ cho xe máy lưu thông mà chỉ cần một ô tô con 4 – 8 chỗ đi vào là gây tắc nghẽn cục bộ. 

TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng viện Quy hoạch và quản lý GTVT – ĐH GTVT Hà Nội cho rằng: “Mật độ dân số đô thị tăng, mà hạ tầng giao thông đô thị lại không theo kịp do đó dẫn đến ùn tắc giao thông trên những đường trục và nút giao thông lớn. Trong khi đó càng ngày người ta càng xây dựng đô thị thêm, cao tầng thêm, nên áp lực nó lại càng tăng lên. Hạ tầng thì còn hạn chế.” TS cũng phân tích thêm về nhu cầu đi lại của người dân Việt Nam, trong đó 8% do xe buýt đáp ứng, 80% do xe buýt đáp ứng, còn lại là các phương tiện khác.


Hệ thống đường xá đô thị rối rắm, nhiều ngõ, hẻm khiến việc giảm thiểu xe máy trở thành bài toán nan giải không có hồi kết. Lí giải về nguyên nhân, TS trả lời: “Hạ tầng giao thông yếu kém xuất phát từ tư duy chia lô bán đất của người dân nên chừa ra những đoạn nhỏ chỉ đủ cho xe máy, xe đạp đi vào, và do ta quản lý chưa tốt, không hoạch định ngay từ đầu.”

Tại Hội thảo khoa học về phương hướng hạn chế, kiểm soát xe cá nhân, PGS.TS Phạm Xuân Mai cũng đã lên án “xe máy là kẻ chiếm đất” và chỉ ra khoảng 70-80% xe máy hoạt động sẽ gây quá tải đối với 26 mét vuông diện tích đường thông thường.

a795d2e53_anh_1_2.jpg
Xe máy nối đuôi nhau trên đường vào giờ cao điểm

Không đủ đường để đi dẫn đến việc người dân tận dụng mọi chỗ hổng để di chuyển. Mới đây nhất, lực lượng ban ngành, cơ quan chức năng đã thực hiện sát sao chiến dịch dẹp vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng có vẻ như dẹp vỉa hè cho xe máy sẽ là phương án hợp lí hơn. Bởi lẽ vỉa hè thông thoáng mà người đi bộ chả thấy, chỉ thấy xe máy thi nhau lách, chèn, vô tư lấn chiếm. 

Xe buýt có hỗ trợ giảm tắc đường?

Một lẽ hiển nhiên là xe buýt sinh ra nhằm điều hòa giao thông, giảm thiểu tắc nghẽn thì ở Việt Nam, nó chưa thực sự đạt hiệu quả. Thậm chí xe buýt còn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. 

Bạn Vũ Thị Vân (21 tuổi) chia sẻ: “Đi xe buýt gặp nhiều bất tiện lắm mà được cái nó rẻ. Lúc tắc đường thì đi rất lâu, nhích từng tí một, rồi chen lấn xô đẩy nhiều nhìn chung có hơi khó chịu”. Vân cho rằng trong tương lai bạn nhất định sẽ mua xe máy. Khi được hỏi “Nếu có một phương tiện công cộng khác ưu việt hơn, bạn có tiếp tục mua xe máy không?” Vân cho rằng: “Nói chung là còn tùy, vì cái phương tiện mới kia nó có về đến tận nhà mình hay không nữa, tại vì nếu mà cứ đi được nửa đường mình lại phải đi bộ về hay là bắt xe ôm thì cũng mệt lắm, nên chắc là cũng phải đi mua xe máy”


Những chiếc xe dài tới 12,3m, khi lưu thông trên đường phố với mật độ phương tiện dày đặc, bỗng dưng trở thành vật cản trở, gây ùn ứ kéo dài. Đoạn đường Cầu Giấy – Xuân Thủy, vào mỗi giờ cao điểm, cảnh tượng xe máy luồn lách, băng cả lên vỉa hè để vượt xe buýt là điều rất đỗi bình thường. 

Tháng 1/2017 vừa qua, Hà Nội còn triển khai hệ thống xe buýt nhanh BRT, lưu thông trên một làn đường ưu tiên. Kết quả xe buýt nhanh BRT giúp cho người dân di chuyển nhanh hơn loại buýt thông thường với thời gian lên đến... 5 phút. Hàng nghìn tỉ đồng để cho ra kết quả 5 phút, liệu rằng vào giờ cao điểm, BRT có phát huy được lợi thế ấy của mình hay không? 
 
a795d2e53_anh_2.jpg
Xe buýt nhanh BRT – đứa con cưng của giao thông Hà Nội

Hơn nữa, BRT có thực sự là giải pháp giúp giảm thiểu ách tắc không khi các phương tiện khác phải “chèn lên nhau mà đi” để dành ra 1/3 diện tích đường cho chiếc xe này?

TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng viện Quy hoạch và quản lý GTVT – ĐH GTVT Hà Nội nhận định: “Hiện giờ năng lực xe buýt chưa được tăng cường, và cũng chưa đủ chi phí để tăng cường. Nếu đưa buýt thành phương tiện chính thì vẫn còn dư ra nhiều nhu cầu đi lại khác và loại hình này cũng chưa thể đáp ứng nổi. Vậy nên xe buýt BRT sẽ thực sự đạt hiệu quả tối ưu nếu hạ tầng giao thông đảm bảo,...”


Chia sẻ thêm, TS. Định Thị Thanh Bình cho rằng: “Cấm xe máy vào lúc này là chưa nên, mà chỉ nên thực hiện quản lý và hạn chế xe cá nhân (bằng cách đánh thuế cao, thu phí,..); phát triển các phương tiện công cộng đến một trình độ nhất định phù hợp với yêu cầu người dân, đồng thời thực hiện phân làn giao thông, xây dựng các tuyến vành đai, cầu, đường hạn chế tắc nghẽn. Các phương tiện không cần loại bỏ mà chỉ cần đưa chúng thành một thể thống nhất không tách rời. Ví dụ như xe máy thì kết nối từ nhà đến các điểm dừng, bến, trạm,..; các phương tiện công cộng (xe buýt, tàu trên cao,..) sẽ vận chuyển hành khách đến cơ quan, trường học,...”
Ngọc Diệp


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN